(VietNamNet) - Đào tạo theo học chế tín chỉ là 1 trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020. Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, ngay trong năm học 2006-2007, các trường phải tập trung triển khai đào tạo học chế tín chỉ và phải hoàn thành vào năm 2010.
SV được chủ động đăng ký môn học
Nó cho phép SV chủ động xây dựng kế hoạch học tập thích hợp nhất. Với việc được chủ động ghi tên học các học phần khác nhau, SV dễ dàng thay đổi chuyên ngành trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu.
Với hệ thống tín chỉ, các trường có thể mở thêm ngành học mới một cách dễ dàng, giúp cho việc quản lý đạt được hiệu quả cao và giảm giá thành đào tạo.
Kết quả học tập của SV được tính theo từng học phần chứ không phải theo năm học, do đó việc hỏng một học phần nào đó không cản trở quá trình học tiếp tục.
Và nhất là nếu triển khai hệ thống tín chỉ trong một trường ĐH lớn đa lĩnh vực có thể tổ chức những môn học chung cho SV nhiều trường, nhiều khoa, tránh các môn học trùng lặp ở nhiều nơi. Ngoài ra, SV có thể học những môn học lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cách tổ chức nói trên cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi nhất và phương tiện tốt nhất cho từng môn học.
12 đặc điểm
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH - Bộ GD-ĐT, nếu căn cứ theo 12 đặc điểm của hệ thống tín chỉ thì vẫn chưa có trường nào đạt chuẩn, tất cả còn phải tiếp tục hoàn thiện.
Triết lý của hệ thống tín chỉ là tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Chương trình đào tạo phải mềm dẻo để đại học dễ dàng đáp ứng các nhu cầu luôn biến động của thị trường nhân lực.
Những đặc điểm của hệ thống tín chỉ
1. Đòi hỏi SV phải tích luỹ kiến thức theo từng học phần (đơn vị: tín chỉ)
2. Kiến thức cấu trúc thành các mô đun (học phần)
3. Quy định khối lượng kiến thức phải tích luỹ cho từng văn bằng. Xếp năm học của người học theo khối lượng tín chỉ tích luỹ.
4. Chương trình đào tạo mềm dẻo: cùng với các học phần bắt buộc còn có các học phần tự chọn => cho phép sinh viên dễ dàng điều chỉnh ngành nghề đào tạo
5. Đánh giá thường xuyên, thang điểm chữ.
6. Dạy học lấy sinh viên làm trung tâm
7. Đơn vị học vụ là học kỳ. Mỗi năm có thể chia thành 2 học kỳ (15 tuần), 3 thọc kỳ (15 tuần) hoặc 4 học kỳ (10 tuần)
8. Ghi danh học đầu mỗi học kỳ, lớp học tổ chức theo mỗi học phần
9. Có hệ thống cố vấn học tập
10. Có thể tuyển sinh theo học kỳ
11. Không thi tốt nghiệp, không tổ chức bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đối với các chương trình đại học và cao đẳng
12. Chỉ có 1 văn bằng chính quy với 2 loại hình tập trung và không tập trung.
Qua phân tích đặc điểm trên, và nhìn lại thực tế đội ngũ giáo dục trong nước vừa qua, cho thấy đầu tiên là cả thầy và trò đều chưa thực sự sẵn sàng để áp dụng phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Một đơn vị tín chỉ được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn bị cá nhân. Trong khi đó, cả thầy và trò đều quen với việc giảng dạy và học tập một chiều - thầy giảng trò ghi, tất cả ở trên giảng đường.
Thầy chưa quen thiết kế những chương trình ngoài giờ lên lớp cho sinh viên. Sinh viên chưa có thói quen coi những giờ tự học, những buổi chuẩn bị là một phần của môn học. Giáo trình áp dụng cho học chế tín chỉ vẫn là những giáo trình cũ của chương trình niên chế.
Tính chủ động của SV: Rất thấp
Qua khảo sát những trường đang áp dụng học chế tín chỉ, một vấn đề đáng lưu tâm là tính chủ động của sinh viên rất thấp. Họ không quen làm việc độc lập, vẫn giữ tư duy dựa vào đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ lớp để nắm bắt những thông tin của nhà trường. Vì vậy, nhiều sinh viên phàn nàn là họ không biết trường sẽ tổ chức những môn học nào, kế hoạch học tập ra sao...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học chế tín chỉ hoạt động, cơ sở đào tạo phải được chủ động trong tuyển sinh, tuyển sinh theo từng học kỳ để các môn học có điều kiện được tổ chức liên tục. Hiện, các trường áp dụng học chế tín chỉ vẫn phải áp dụng hình thức tuyển sinh theo niên chế. Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định, nếu áp dụng theo học chế tín chỉ thì các trường sẽ được tổ chức tuyển sinh theo từng học kỳ. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào cho phép các trường làm như vậy.
Coi giáo dục đại học là một thị trường
Để áp dụng thành công học chế tín chỉ, Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Trung tâm chất lượng quốc tế cho rằng phải coi giáo dục đại học là một thị trường. Áp dụng học chế tín chỉ để thực hiện nguyên tắc số 1 ở thế kỷ 21 là hướng vào khách hàng, từ "cơ chế xin cho" chuyển hẳn sang giáo dục đại học vì sự phát triển của xã hội, coi sinh viên là khách hàng của trường ĐH và Bộ GD-ĐT. Người học có quyền lựa chọn: Học cái gì? Học lúc nào? Học ở đâu? Học ai?
-
VietNamNet và VTV2
Bạn nghĩ gì về hệ thống tín chỉ? Làm thế nào để hệ thống mang nhiều ưu điểm này áp dụng thành công cho các trường đại học ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo? Liệu có nên coi giáo dục là một thị trường và sinh viên là những khách hàng của ngành giáo dục? Hãy cùng tham gia thảo luận trên diễn đàn của VietNamNet và chương trình 8h tối thứ 6 ngày 25 tháng 8 trên kênh VTV2.