(VietNamNet) - Tháng 1/2007, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế mới về đào tạo Tiến sỹ với những quy định chặt chẽ hơn. Cần "chặt" như thế nào? VietNamNet ghi nhận ý kiến của hiệu trưởng các trường ĐH.
Ông Nguyễn Viết Thịnh (Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội): Chặt chẽ hay không: Tuỳ trường
Ông Nguyễn Viết Thịnh |
Quy chế đào tạo tiến sỹ từ trước đến nay vẫn chặt nhưng trên thực tế, thực hiện chặt chẽ hay không lại tuỳ từng trường.
Ví dụ như việc thành lập hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp Nhà nước. Chúng ta rất ít khi thành lập được hội đồng với các thành viên trải dài từ Bắc vào Nam do kinh phí không cho phép. Đấy là chưa nói đến việc mời chuyên gia nước ngoài.
Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ, theo tôi, trước tiên cần thắt chặt quy định về đào tạo tập trung đối với nghiên cứu sinh bởi vì khi về địa phương, họ phải lo công việc cơ quan, gia đình nên không thể dành nhiều thời gian cũng như tư duy cho việc thực hiện luận án.
Theo quy định nghiên cứu sinh (NCS) đào tạo không tập trung phải dành ít nhất 6 tháng để hoàn thành luận án. Nhưng thời gian như vậy là quá ngắn, sự liên hệ giữa thầy hướng dẫn và nghiên cứu sinh quá ít.
Thứ hai là nên cho phép mỗi thầy chỉ hướng dẫn tối đa vài ba NCS trong cùng một thời gian để đảm bảo chất lượng.
Thứ ba, cần lựa chọn đề tài một cách kỹ càng, đảm bảo đề tài phải mới và mang tính thực tiễn cao. Nếu đề tài không có cái mới, nhất định không cho làm. Tất nhiên, làm theo cái mới phải chấp nhận rủi ro, có thể không đi được đến đích.
Hơn nữa, khi đánh giá luận án, phải xem xét kỹ phần lý luận và cho điểm thích đáng phần này. Việc đánh giá luận án xuất sắc hay không có lẽ không có nhiều ý nghĩa, vì có thể luận án không được đánh giá xuất sắc, nhưng sau năm năm, mười năm, các kết quả nghiên cứu của luận án lại được khẳng định có giá trị thực tiễn.
Một điểm cần làm rõ, từ góc độ cơ sở đào tạo và người hướng dẫn khoa học, là chúng ta cần phải đánh giá trình độ của nghiên cứu sinh là chính chứ không phải đánh giá luận án của họ là chính.
Ông Nguyễn Xuân Vang (Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội): "Chặt" từ bậc ĐH
Ông Nguyễn Xuân Vang |
Mỗi năm, trường tôi chỉ đào tạo hai tiến sỹ vì quan điểm của chúng tôi là chú trọng vào “chất”.
Đặc thù của trường ngoại ngữ là giảng viên chỉ cần có trình độ ngoại ngữ và khả năng sư phạm tốt chứ không nhất thiết phải có học vị tiến sỹ. Những người học tiến sỹ là để nâng cao khả năng nghiên cứu.
Các giáo viên trường tôi được tạo điều kiện học lên thạc sỹ, sau đó sẽ được cử đi hoặc tự tìm học bổng tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài.
Quan điểm của tôi là không đợi lên tiến sỹ mới thắt chặt quy trình đào tạo mà cần phải chặt chẽ từ bậc đại học, thạc sỹ. Nếu chúng ta làm tốt khâu đào tạo thạc sỹ, cho “ra lò” những thạc sỹ có trình độ thì dù yêu cầu có đối với tiến sỹ có cao thì họ vẫn đáp ứng được.
Ông Trần Đắc Sử |
Ông Trần Đắc Sử (Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải)
: "Chặt" trong cả quá trìnhTrong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất và kinh phí như hiện nay, rất khó cho NCS tiến hành khảo sát thực nghiệm hoặc thí nghiệm.
Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Bộ tăng kinh phí đào tạo tiến sỹ, tăng kinh phí cho trường xây dựng cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, theo tôi, nên chuyển từ chế độ thi tuyển sang xét tuyển tiến sỹ bởi vì xét tuyển tức là chúng ta xét cả một quá trình NCS phấn đấu, học tập và nghiên cứu. Như vậy đi vào thực chất hơn là chỉ lấy kết quả của một kỳ thi.
Ông Phùng Văn Vận (Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông): Chặt bằng cách đăng bài trên tạp chí khoa học nước ngoài
Ông Phùng Văn Vận |
Quy định có ba bài báo khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín là hợp lý nhưng cần phải có hội đồng thẩm định chất lượng của những bài viết và “uy tín” của các tạp chí này.
Còn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, theo tôi có thể châm chước. Không phải NCS nào cũng có đủ điểm TOEFL hay IELTS như trong đề xuất của Bộ GD-ĐT.
Nên cho phép họ thay thế bằng chứng chỉ C, thậm chí có thể vừa học tiến sỹ, vừa hòan thiện khả năng tiếng Anh, miễn là đến khi lấy bằng, trình độ ngoại ngữ của họ đạt yêu cầu.
Riêng yêu cầu phải có một bài viết đăng trên tạp chí khoa học của nước ngoài theo tôi là rất khó khăn, vì nhiều lý do. Thứ nhất là bài viết đó phải rất sâu sắc, đóng góp những luận điểm khoa học mới, không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Thứ hai là viết bài bằng tiếng nước ngoài, lại sử dụng văn phong khoa học không hề đơn giản. Thứ ba, quy trình gửi bài viết cũng như đăng bài trên tạp chí nước ngoài khá phức tạp.
Vì thế, nếu Bộ đưa điều kiện này vào quy chế thì các NCS phải cực kỳ nỗ lực mới hoàn thành được.
-
Lan Hương (ghi)