Ông Nguyễn Thành Độ: "Tôi khẳng định lại, năm học này, 2006-2007, những trường nào vi phạm các quy định về thu tiền của học sinh, sẽ bị buộc phải trả lại và sẽ bị xử lý". |
Thưa ông, đầu năm học, vấn đề mà rất nhiều phụ huynh học sinh quan tâm là các khoản thu trong trường. Xin ông cho biết một cách khái quát về những khoản thu này?
Năm 2000, UBND thành phố đã ra quyết định 73, trong đó quy định 3 khoản thu cố định là: học phí, cơ sở vật chất và khoản thu hỗ trợ cho việc học 2 buổi/ngày.
Vừa qua, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản 1828. Theo tinh thần văn bản này, mỗi trường có 3 khoản thu.
Một là các khoản thu theo quy định, cụ thể là theo quyết định 73 của UBND Thành phố.
Hai là khoản thu thoả thuận, tức là những khoản thu hợp lý phát sinh từ thực tế, có thoả thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh. Đó là tiền ăn trưa, tiền bỗi dưỡng cán bộ trông trưa cho bán trú, hỗ trợ mua các thiết bị phục vụ bán trú, tiền đồng phục...
Nhà trường phải thoả thuận với phụ huynh để đảm bảo tính dân chủ, công khai. Ngoài ra, Sở cũng có quy định các mức thu đối với một số khoản thu, để tránh những tình trạng phát sinh tiền thu thêm quá lớn.
Ngoài ra, còn có những khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Đối với khoản này, nhà trường tổ chức tiếp nhận và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Ba là các khoản thu khác, trước đây gọi là thu hộ. Gồm bảo hiểm, tiền Đoàn, Đội phí, tiền Quỹ hội phụ huynh học sinh.
Ở "các khoản thu khác" theo cách gọi của Sở GD-ĐT, thường dễ xảy ra những "nhập nhèm" trong thu chi. Văn bản mới quy định cụ thể về việc thu các khoản này như thế nào, thưa ông?
Việc mua bảo hiểm là quyền tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Chúng tôi yêu cầu các nhà trường không được ép.
Các đơn vị bảo hiểm có quyền vào trường để tuyên truyền, giới thiệu về bảo hiểm và chủ động phối hợp với các bộ phận như phòng tài vụ nhà trường, hội cha mẹ học sinh... để tiến hành việc phát hành bảo hiểm. Bản thân giáo viên chủ nhiệm không được đứng ra thu, mua.
Tiền Quỹ hội phụ huynh học sinh là tiền thu để chi cho các hoạt động của học sinh, do Hội thu và nhà trường có trách nhiệm giám sát.
Phát hiện sai phạm: Phụ huynh có thể gửi kiến nghị về Sở
Học sinh trường THCS Giảng Võ đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong lễ khai giảng năm học 2006-2007 ngày 5/9. Ảnh: Phạm Hải |
Đa số phụ huynh học sinh có tâm lý tránh phản kháng lại những quy định của trường, nên quy định về sự thoả thuận giữa nhà trường và học sinh đôi khi là vô nghĩa. Liệu với từ "thoả thuận", Sở GD-ĐT Hà Nội có yên tâm sẽ làm cho những khoản thu bất hợp lý mất đi được không?
Tôi nghĩ là không. Trên thực tế, trước đây, việc chủ trương xã hội hoá, huy động các cộng đồng tham gia cùng phối hợp trong ngân sách của nhà nước không phải là giảm.
Chúng tôi đã tăng định mức chi cho một "đầu" học sinh lên rất nhiều, cụ thể là tăng 3 - 5 lần. Trước đây, chi phí cho một học sinh ở bậc THPT là hơn 400.000/học sinh, bây giờ đã lên đến 1,170.000/học sinh/năm. Và, trong dự thảo sắp tới, ngân sách đầu tư cho giáo dục lên đến 1.880.000/học sinh/năm.
Như vậy, nếu một trường học có trung bình 2.000 học sinh thì số tiền mà nhà trường đã đầu tư trong một năm là khá lớn, ngoài việc trả lương ra còn số tiền chi thường xuyên.
Trong thực tế, trước yêu cầu giáo dục hiện nay, rất nhiều những hoạt động được thực hiện phục vụ cho việc đổi mới dạy học, thì việc có nhiều khoản thu xuất phát từ thực tế là điều có thể hiểu.
Ví dụ, đổi mới dạy học phải có giấy để photo rất nhiều tài liệu để phát cho các em, nếu bình thường lấy kinh phí của nhà trường thì rất khó khăn. Nên nếu có sự thoả thuận với phụ huynh học sinh để đóng góp khoản tiền, với một học sinh thì không lớn, nhưng đỡ cho cả trường một khoản chi lớn hơn.
Nên, Sở GD-ĐT đưa ra "khoản thu thoả thuận" hợp lý phát sinh từ thực tế, nhưng không phải tuỳ tiện, không phải trường đặt ra thế nào là được thế.
Vậy, Sở GD-ĐT kiểm soát như thế nào để đảm bảo rằng những khoản thu thêm trong trường không phải là tuỳ tiện?
Thứ nhất là mặt bằng chung của toàn thành phố. Nguồn thu xuất phát từ thực tế, thoả thuận với phụ huynh và đã được cấp trên phê duyệt.
Những điều này đã có văn bản quy định rất rõ ràng. Với văn bản quy định cụ thể gửi về từng trường và công khai, có thể yên tâm, năm học 2006 - 2007, các khoản lạm thu sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.
Sở xử lý thế nào với những hiện tượng hợp thức hoá những khoản thu bất hợp lý. Tồn tại những trường mà phụ huynh học sinh không có nhu cầu cho con học thêm, nhưng lại không dám nghỉ học thêm (do giáo viên trong trường tổ chức)?
Vấn đề này phải căn cứ theo tình hình thực tế. Trước hết, phải có tiêu chí để khẳng định thế nào là nguyện vọng thật, tâm tư thật.
Hiện nay, vẫn có một tài liệu để khẳng định điều này. Đó là quy định các em học sinh có nguyện vọng học thêm phải có đơn, chữ ký đồng ý. Tất nhiên, có một số người sẽ nói đơn mang tính hình thức, nhưng thực tế, cho đến giờ này, vẫn phải khẳng định, đó là một tài liệu để các em có thể thể hiện chính kiến của mình.
Và, việc dạy thêm không phải do nhà trường tổ chức, mà phải xuất phát từ nhu cầu, do Hội ohụ huynh học sinh đề xuất lên. Nếu trong quá trình dạy học mà giáo viên có biểu hiện ép buộc, học sinh và phụ huynh có thể có đơn báo cáo lên các cấp.
Năm nay, có thể nói, về phía ngành có sự chỉ đạo rất quyết liệt. Những trường hợp vi phạm sẽ nghiêm khắc xử lý.
Ông nghĩ, hiệu quả của văn bản mới đến mức nào?
Tôi tin, với quy định tương đối rõ ràng và sự quyết liệt trong chỉ đạo về vấn đề kiểm soát tài chính trong năm nay, sẽ hạn chế ở mức cao các hiện tượng bất cập.
Tôi khẳng định lại, năm học này, 2006-2007, những trường nào vi phạm các quy định về thu tiền của học sinh, sẽ bị buộc phải trả lại và sẽ bị xử lý.
Cuối cùng, chúng tôi cũng muốn các học sinh, phụ huynh, nếu thấy có những hiện tượng sai phạm ở các đơn vị giáo dục, có thể gửi phản ánh, góp ý, kiến nghị về Sở.
Xin cảm ơn ông.
- Hoàng Lê (thực hiện)
Bạn có thể gửi những phản ánh những hiện tượng sai phạm theo cách sau: