221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
851136
"Khoán 10" cho giáo dục đại học
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Khoán 10' cho giáo dục đại học
,

(VietNamNet) - Trong bối cảnh mô hình ĐH truyền thống đang trở nên lỗi thời và đang được thay thế bằng mô hình ĐH mới, khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, việc trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường ĐH là biện pháp hữu hiệu nhất để phát triển giáo dục ĐH. Việc này, chẳng khác nào “khoán 10” trước kia đã giải phóng sức sản xuất của nông dân, tạo nên cuộc cách mạng kỳ diệu trong nông nghiệp ở nước ta".

GS Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề nghị như vậy trong bài viết gửi tới VietNamNet.

Tòa soạn mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc với chủ đề: "Tự chủ trong giáo dục ĐH" - một trong những nội dung đang được đề cập tới trong đề án "đổi mới toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam đến năm 2020". Dưới đây là bài viết của GS Nguyễn Văn Đạo.

                                           ****************                                                    

SV Trường ĐHDL Thăng Long trong giờ học. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Trường ĐH dân lập Thăng Long và 18 trường ĐHDL khác sẽ chuyển đổi thành trường tư thục vào tháng 7/2007. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xã hội công nghiệp hình thành cách đây hàng trăm năm đã sản sinh ra các trường ĐH truyền thống - nơi cung cấp các kiến thức cao cấp ổn định trong nhiều thập niên. Loại  trường này cũng đang tồn tại ở nước ta trên những nét cơ bản. Việc tổ chức và hoạt động của các trường ĐH truyền thống thường khá ổn định với chương trình đào tạo rất it thay đổi. Do vậy, khó theo kịp với yêu cầu của thời đại.

Ngày nay, tình hình đã khác hẳn trước, khi nhân lọai đang bước vào kỷ nguyên tri thức dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và viễn thông (đang thay đổi từng ngày).

Tri thức và thông tin đã trở thành một thứ vốn quý tạo nên giá trị gia tăng của các ngành sản xuất, kinh doanh, tổ chức và quản lý.

Mô hình ĐH truyền thống đang trở nên lỗi thời và đang được thay thế bằng mô hình ĐH mới – ĐH của những kỹ năng mềm (chương trình uyển chuyển, luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu của việc làm, tự học, tự tìm kiếm thông tin trên mạng...).

Trong bối cảnh đó, đặc biệt là khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, việc trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường ĐH là biện pháp hữu hiệu nhất để phát triển giáo dục ĐH, chẳng khác nào “khóan 10” trước kia đã giải phóng sức sản xuất của nông dân, tạo nên cuộc cách mạng kỳ diệu trong nông nghiệp ở nước ta.

Giáo dục ĐH có những mục tiêu: cung cấp cho người học những tri thức cần thiết và rèn  luyện phương pháp học tập, phương pháp tư duy, tạo cơ sở cho việc tự học, tự tìm kiếm thông tin và kiến thức, phát huy năng lực sáng tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có trí tuệ cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu của việc làm...

Để đạt được những điều đó, phải thay đổi cơ bản cơ chế quản lý giáo dục hiện hành, có gốc rễ từ thời bao cấp.

Thay đổi theo hướng: quản lý để phát triển, phát huy năng lực  sáng tạo, sáng kiến muôn màu, muôn vẻ của các nhà giáo, các nhà khoa học, để phù hợp với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”.

Bộ GD - ĐT sẽ quay về làm đúng chức năng quản lý nhà nước: chỉ làm nhiệm vụ định hướng và đề ra chiến lược cho phát triển giáo dục, ban hành các chuẩn mực thiết yếu của các trường ĐH và tiến hành công tác thanh tra giáo dục mà không can thiệp vào các công việc cụ thể của nhà trường, đồng thời giao quyền tự chủ đầy đủ cho tất cả các trường ĐH, công cũng như tư.

Mỗi trường ĐH là một trung tâm trí tuệ với những đặc thù riêng, từng trường sẽ căn cứ vào năng lực của mình và nhu cầu việc làm của xã hội được tự quyền quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh, phương pháp đào tạo, tự quyết định chương trình đào tạo về chuyên môn. Các trường có quyền tự chủ về tài chính.

Riêng đối với trường tư – nơi không dùng ngân sách nhà nước cho đào tạo và phải luôn luôn chăm lo giữ gìn “học hiệu” của mình - còn  cần được quyền tự quy định mức học phí sao cho đáp ứng được chi phí và chất lượng đào tạo.

Nếu lấy học phí quá cao sẽ không có đủ người học. Trong trường hợp chưa thực hiện được việc giao quyền tự chủ ngay cho tất cả các trường ĐH, Bộ GD-ĐT cũng nên cho phép một vài trường có điều kiện được làm thí điểm.

Nếu được giao quyền tự chủ như vậy, chắc chắn các trường ĐH của ta sẽ phát triển rất nhanh, muôn vàn sáng kiến sẽ thi nhau đua nở, tạo nên sự bứt phá ngoạn mục trong giáo dục ĐH và ở nước ta sẽ sớm có những trường đạt được đẳng cấp quốc tế.

  • Nguyễn Văn Đạo (ĐHQG Hà Nội)

Tin bài liên quan:

Mời các bạn tham gia ý kiến:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,