221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
859826
ĐHQG Hà Nội với "đặc quyền" tự chủ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
ĐHQG Hà Nội với 'đặc quyền' tự chủ
,

(VietNamNet) - ĐHQG Hà Nội là cơ sở ĐH được hưởng quy chế riêng, có nhiều hành lang pháp lý cho việc thực hiện cơ chế tự chủ trong giáo dục ĐH. ĐHQG Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ là ĐH tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Đào Trọng Thi về câu chuyện "đặc quyền" tự chủ của ĐHQG.

Soạn: HA 943995 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ảnh: Bùi Tuấn

Theo ông, sự tự chủ trong giáo dục ĐH cần thiết đến đâu?

Đây là xu hướng tất yếu. Ở một số nước thậm chí còn nói mạnh hơn, là tự trị. Tuy nhiên, muốn giải quyết bài toán ấy thì phải chuẩn bị các điều kiện. Điều này chúng ta chưa có: nhà nước chưa ban hành các văn bản quy định, xã hội chưa có nhận thức chính xác và đầy đủ về vấn đề.

ĐHQG Hà Nội ra đời năm 1993 và ĐHQG TP.HCM ra đời năm 1995, hiện tại trực thuộc Chính phủ quản lý và được xem như là mô hình có quyền tự chủ rất cao. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về mô hình tự chủ này?

Chính phủ đã ban hành một quy chế riêng cho 2 trường ĐHQG, gọi là quy chế ĐHQG, hoàn toàn khác Điều lệ các trường ĐH nói chung. Đây chính là hành lang pháp lý cho việc thực hiện tự chủ, trong đó nói rõ được làm những gì, đến đâu, phân cấp giữa ĐHQG với Bộ GD-ĐT (nơi quản lý nhà nước về mặt chuyên môn) như thế nào.

Bộ máy của ĐHQG thực chất là bộ máy của một cơ quan thuộc Chính phủ. Trong ĐHQG có một Hội đồng ĐHQG, đây là Hội đồng quyền lực chứ không phải Hội đồng khoa học.

Nhiệm vụ và phạm vi quyền hạn của Hội đồng này đến đâu, thưa ông?

Hội đồng ĐHQG gần như được Thủ tướng uỷ quyền quyết định các vấn đề lớn do Giám đốc ĐHQG trình. Nhiệm vụ của Hội đồng là thông qua kế hoạch hàng năm, thông qua các chủ trương, phương hướng.

Khi GĐ ĐHQG đề xuất những vấn đề về chiến lược, về cơ cấu tổ chức, Hội đồng sẽ biểu quyết tập thể để quyết định. Những vấn đề này vẫn phải đưa lên Thủ tướng ký, nhưng Hội đồng đã làm thay Thủ tướng phần thẩm định, mà trước đây phải nhờ các Bộ. Tuy nhiên, Hội đồng chưa được uỷ quyền để quyết định về nhân sự, vì ở ta quyết định về nhân sự do cấp ủy.

Thành phần của Hội đồng ĐHQG như thế nào, để đảm bảo khả năng thẩm định những vấn đề đó?

Thành phần Hội đồng ĐHQG Hà Nội, gồm 16 người, trong đó có 11 người của ĐHQG: GĐ, các PGĐ, Bí thư Đảng uỷ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Hội đồng còn bầu thêm khoảng 30% thành phần bên ngoài, ví dụ như nhiệm kỳ này, sẽ bầu thêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng hoặc Thứ trướng Bộ KH-CN, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, một số nhà khoa học nổi tiếng như GSVS Nguyễn Văn Hiệu, GSVS Nguyễn Văn Đạo.

Hội đồng này có vai trò quyết định chứ không phải tham mưu. Đây gần như là Hội đồng duy nhất trong giáo dục đại học Việt Nam có quyền lực như vậy.

Bản thân ông có thấy quyền lợi bị hạn chế bởi HĐ này không?

GĐ ĐHQG khác Hiệu trưởng của các trường khác, vì các Hiệu trưởng còn có Bộ chủ quản hoặc Bộ GD-ĐT ở trên. Vì thế, nên cần có một Hội đồng để thẩm định, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.

Kinh phí: Đã tháo gỡ rất nhiều

Xin ông cho biết cách thức thực hiện quyền tự chủ, trước hết về mặt tài chính, tại ĐHQG hiện nay?

"Các trường ngoài công lập không dùng nguồn ngân sách nhà nước, nên về khía cạnh tài chính, họ có điều kiện và khả năng thực hiện quyền tự chủ tốt . Do đó, về mặt quản lý, có thể giao cho họ sớm thực hiện quyền tự chủ về tài chính và nhân sự.

Nhưng, về các mặt khác, như chuyên môn, chất lượng, quan hệ xã hội, vẫn phải quản lý chung".

ĐHQG được coi là đơn vị dự toán ngân sách cấp 1 của Chính phủ. Trên phương diện này, cũng như các Bộ, ngành, ĐHQG trực tiếp được Chính phủ giao ngân sách, do Quốc hội thông qua.

Năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định 10 về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ở các cơ quan sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần hoặc toàn bộ kinh phí.

Năm 2001, từ khi mới có dự thảo Nghị định, ĐHQG đã thực hiện thí điểm.

ĐHQG nhận ngân sách nhận ở đầu mối và thường rộng rãi hơn, mỗi năm, hơn 300 tỷ ngân sách thường xuyên (bằng khoảng 1/20  của Bộ GD-ĐT) cho nên khi chia, các đơn vị trực thuộc ĐHQG thường nhận ngân sách gấp 3,4 lần các trường ĐH khác.

Và như vậy, cơ chế tài chính sẽ "thoáng" hơn?

 ĐHQG được phép dự toán trước cho kế hoạch 3 năm. Tuy chỉ áp dụng kinh phi chi thường xuyên (lương, chi phí đào tạo), còn kinh phí chi đột xuất, như xây dựng cơ sở, mở thêm ngành... thì chúng tôi được cấp riêng, nhưng thế là đã tháo gỡ rất nhiều.

Chẳng hạn trước kia, in một giáo trình, nhà nước quy định tiền từng trang, hiện ĐHQG tự quyết định.

Phân cấp mạnh hơn cho các trường thành viên

Cụ thể, sự phân cấp  đó được thể hiện như thế nào?

ĐHQG bao gồm nhiều đơn vị, nhưng vẫn là một thể thống nhất, sử dụng chung đội ngũ giảng viên. Các giảng viên thuộc biên chế của một đơn vị, nhưng có nhiệm vụ dạy cho cả các trường khác trong ĐHQG.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn chia ngân sách cho các trường theo định mức cho đầu SV. Nhưng chúng tôi lại làm một bài toán khó hơn là tính toán hết các nhiệm vụ, quy đổi ra số giờ dạy, sau đó tính ra các đơn vị cần bao nhiêu nhân lực, rồi giao lương cho các đơn vị theo nhân lực.

Tức là, ĐHQG trả tiền theo nhiệm vụ chứ không phải theo số người, đảm bảo tính liên thông thống nhất của ĐHQG, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các đơn vị.

Từ khoản kinh phí khoản cho các trường, ĐHQG để họ tự chủ động phương án tài chính. Có trường phân loại giảng viên rồi cộng lại chia theo lương cơ bản. Có những trường trả đúng lương cơ bản, còn phần nhích lên, thì trả tiền theo giờ dạy, tất nhiên có hệ số đối với các chức danh GS, TS... khác nhau. Lương ĐHQG tự quyết định không theo thang bảng, có những đơn vị gấp rưỡi, cao nhất gấp 2,5 lương cơ bản của nhà nước.

 Hiện Bộ GD-ĐT vẫn quản lý và chỉ thí điểm tự chủ kinh phí chi thường xuyên ở rất ít trường ĐH công lập. Vì không phải tự chủ là luôn được làm, mà còn phải có trách nhiệm, nên nhiều trường sợ, từ chối. Ở ĐHQG, có đơn vị cũng từ chối, nhưng tôi yêu cầu tất cả phải thực hiện.

"Tháo gỡ những gì mang tính hình thức..." 

Tự chủ về chương trình đã được ĐHQG thực hiện như thế nào?

"Ở các nước tiên tiến, chương trình đào tạo do Hiệp hội các trường ĐH, tức là một cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ kiểm định.

Ở ta chương trình do nhà nước duyệt, và hay đi vào tiểu tiết, tức là quy định cứng nhắc nhưng chưa đi vào bản chất.

Tức là ở Việt Nam, Chính phủ thay trách nhiệm kiểm định của cộng đồng. Điều này chưa tốt, vì Chính phủ đôi khi áp đặt những nhu cầu của Chính phủ, chứ chưa chắc là nhu cầu của xã hội"

Trong quy chế, quy định ĐHQG có quyền thực hiện giảng dạy bất cứ chương trình đào tạo nào trong danh mục của nhà nước củaTtổng cục Thống kê.

ĐHQG còn có quyền thí điểm cả những chương trình không có trong danh mục, và sau một thời gian thí điểm, ĐHQG phải báo cáo để thuyết minh với Bộ GD-ĐT để họ đưa vào danh mục nhà nước.

Hiện tại, ĐHQG đã thí điểm vài chục chương trình, và hầu hết đều đã được công nhận. Đó là những ngành còn mới với Việt Nam như Hệ thống thông tin, Hải dương học, Khoa học biển, Kỹ thuật môi trường, Kiểm định chất lượng. Sau khi thí điểm 1 khoá, hầu hết chương trình chúng tôi đều thuyết phục được.

Về giáo trình thì sao, thưa ông?

Về giáo trình, ĐHQG chủ động soạn thảo một giáo trình chuẩn cho các trường thành viên. Và chính Bộ GD-ĐT thấy có lợi, nên đề nghị và cấp tiền thuê ĐHQG làm và đã soạn 3 lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn và Ngoại ngữ, để Bộ GD-ĐT công nhận và dùng cho cả nước từ 3,4 năm nay.

Một số ngành ĐHQG chưa có thế mạnh như Kinh tế, Công nghệ, thì ĐHQG chấp nhận tham gia với các trường khác xây dựng giáo trình dùng chung.

Không có ai "đùng một cái" thành đẳng cấp quốc tế"

Với đặc quyền tự chủ về mặt chuyên môn của mình, ĐHQG đã thực hiện những gì?

ĐHQG HN vẫn sử dụng quy chế chung của Bộ GD-ĐT, nhưng có chỉnh sửa yêu cầu cao hơn. Còn một số quy chế của Bộ, không liên quan đến chất lượng và chỉ mang tính chất kỹ thuật thì ĐHQG thả lỏng ra.

Ví dụ, trước đây, quy chế của Bộ GD-ĐT là hàng năm chỉ được tổ chức một đợt tuyển sinh sau ĐH. Nhưng ĐHQG quyết định tổ chức 2 đợt, vì tuyển đợt 1 vào tháng 5 thì những SV tốt nghiệp tháng 7 phải chờ đến tận năm sau mới được thi, nên chúng tôi tuyển thêm một đợt vào tháng 9, những càng được học sớm thì càng tốt.

Bộ rất chặt chẽ trong việc SV nghỉ học, nhưng thực tế là có nhiều SV, vì hoàn cảnh công việc, tài chính... có thể không đảm bảo được việc học liên tục. ĐHQG cho phép SV có quyền nghỉ và bảo lưu kết quả nhiều nhất 3 năm. Đó là ĐHQG tháo gỡ những gì mang tính hình thức.

Năm 1993, ở thời điểm thành lập, ĐHQG HN có nhiệm vụ trở thành đầu tàu của giáo dục ĐH VN và vươn lên tầm quốc tế. Đến giờ, theo ông đánh giá, những nhiệm vụ này thực hiện được đến đâu?

Trong hoàn cảnh thực tế, không thể tập trung đầu tư, không thể giảm biên chế với các giáo viên chưa giỏi, không chỉ nhận những sinh viên rất khá, vì có những ngành chỉ ĐHQG mới có, nên đôi khi nhiệm vụ là đảm bảo nguồn nhân lực nói chung.

Đến năm 2010, ĐHQG đặt mục tiêu là thuộc top ĐH tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có 16 ngành ĐH và 23 chuyên ngành đào tạo sau ĐH đạt trình độ quốc tế.

Đến năm 2020, toàn ĐHQG sẽ phải đạt trình độ tiên tiến ở Châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, tức là một số trường ĐH thành viên, và nhiều ngành chuyên ngành đạt trình độ quốc tế.

Hai bước đó rất rõ và tương đối khả thi. Nếu đòi cao quá cũng không được. Không có ai "đùng một cái" thành đẳng cấp quốc tế.

Cảm ơn ông.

  • Hoàng Lê (thực hiện) 

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,