221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
868278
Trường ĐH cần được cạnh tranh
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Trường ĐH cần được cạnh tranh
,

(VietNamNet) - "Hãy để cho các trường đại học được cạnh tranh với nhau, và khi ấy chúng ta sẽ thấy tác động tích cực của thị trường". Ông Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard cho biết trong cuộc trao đổi với VietNamNet.

Thưa ông, nhìn về phía trước, cải thiện giáo dục chắc chắn sẽ là một thách thức trung tâm của Việt Nam …

SV nộp học phí đầu năm học mới (Ảnh: Như Hùng - Tuổi Trẻ)

Vâng, tất nhiên là như vậy. Tôi nghĩ rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận ra thách thức trung tâm này khi chỉ ra rằng lợi thế cạnh tranh hiện nay của Việt Nam là ở những ngành tận dụng lao động rẻ và thiếu kỹ năng.

Nếu không thực hiện những cải cách có hệ thống đối với hệ thống trường ĐH của mình thì ngay lập tức Việt Nam sẽ thụt lùi so với chính tiềm năng của mình.

Nền giáo dục ĐH của Việt Nam đang khủng hoảng. Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng này cũng nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng trong nông nghiệp những năm 1980.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng này đòi hỏi một mức độ khẩn trương và tập trung mà tôi cho rằng đến nay vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Việt Nam cần nâng tính cấp bách của mục tiêu cải cách giáo dục ĐH lên ngang tầm với cuộc chạy đua vũ trụ của Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Hệ thống giáo dục ĐH cũng tương tự như một “hệ sinh thái”

Sau chuyến thăm ĐH Harvard và MIT năm 2005 của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông đã viết một bản “Đề cương thảo luận” cho việc xây dựng một trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam. Gần một năm đã trôi qua kể từ khi bài báo đó xuất hiện trước độc giả của VietNamNet. Ông có thấy bất kỳ một tiến triển mới nào về vấn đề này không?

Trước hết, tôi muốn nói rằng, tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát sao những thảo luận về cải cách giáo dục ĐH ở VN. Những nỗ lực mới đây về việc đấu tranh với tiêu cực và bệnh thành tích trong ngành giáo dục là quan trọng và cần được hoan nghênh.

Tôi cũng cảm thấy phấn khởi khi được biết rằng chính phủ tuyên bố sẽ trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường ĐH của VN. Đây là một điều kiện tiên quyết cơ bản để cải thiện chất lượng của các trường này. Tuy nhiên, chỉ như thế thôi thì vẫn chưa đủ. Việc tuyển chọn và đề bạt, khen thưởng giảng viên cần được dựa trên năng lực. Điều này rất cần thiết để có thể mời được những học giả và nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về làm việc tại các trường ĐH.

Tôi đã nói chuyện với rất nhiều SV VN học tập ở các trường ĐH của Mỹ. Họ đều muốn trở về, nhưng thành thực mà nói, tôi chưa gặp bất kỳ một người nào muốn trở về các trường ĐH của VN, đặc biệt khi có quá nhiều cơ hội tốt lành đang chờ đón họ ở khu vực tư, ở cả trong nước và nước ngoài.

Trên thực tế, đâu là động cơ để những bạn trẻ VN này trở về dạy ở các trường ĐH của VN khi tỷ lệ SV trên giáo viên quá cao, thiếu điều kiện và cơ hội làm nghiên cứu, và với tục lệ “sống lâu lên lão làng” cũng như nhu cầu “chạy sô” để phục vụ sinh kế?

Như tôi hiểu thì hiện nay ở VN, mức lương chính thức của một giáo viên phụ thuộc vào thâm niên công tác cộng với một khoản phụ cấp nếu người đó có một bằng cấp hay nắm giữ một chức vụ quản lý nào đó. Trong khi đó, các trường ĐH của Trung Quốc đang mời chào nhân tài từ các trường ĐH tinh hoa của Mỹ với những mức lương có tính cạnh tranh.

Anh có cho rằng một giáo sư về công nghệ thông tin thôi giữ chức ở một trường hàng đầu của Hoa Kỳ để quay về Trung Quốc có thể được trả lương cao hơn so với những đồng nghiệp lớn tuổi của mình? Tôi nghĩ như vậy! Và không chỉ những nhân tài gốc Trung Quốc, ngày nay nhiều GS Harvard đang được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở các trường ĐH của Trung Quốc.

Toàn cầu hóa có nghĩa là cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài không chỉ diễn ra giữa khu vực công và tư của Việt Nam mà cuộc cạnh tranh này đang diễn ra trên khắp thế giới. Các trường ĐH của VN không chỉ đang cạnh tranh với Intel và Canon mà cả với Viện công nghệ Massachussettes (MIT) và Trường ĐH Oxford.

Để thành công trong cuộc cạnh tranh này, không nhất thiết các trường ĐH của Việt Nam và của các nước khác phải trả những mức lương tương đương với mức lương ở các công ty tư nhân.

Tuy nhiên, giới học thuật thực sự có nhu cầu về một môi trường thích hợp cho nghiên cứu và giảng dạy, phương tiện giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến, và cơ hội được giao lưu một cách sâu rộng với cộng đồng khoa học quốc tế.

Về bản “Đề cương thảo luận,” có lẽ cũng có những tiến triển nào đấy nhưng về phần mình thì tôi không được biết. Tôi vẫn tin rằng dự án xây dựng trường ĐH mới này có thể nhận được sự tham gia của các trường ĐH nghiên cứu hàng đầu của Mỹ, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu Việt Nam có chiến lược đúng đắn.

Tôi biết rằng ĐH Duke chẳng hạn vẫn còn tỏ ra quan tâm tới dự án xây dựng trường ĐH mới ở Việt Nam. Sẽ không đúng nếu tôi phủ nhận tầm quan trọng cấp bách của việc xây dựng các trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam.

Năm ngoái, một đồng nghiệp của tôi ở trường ĐH Harvard, GS. Henry Rosovsky đã nói chuyện với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về giáo dục ĐH. GS. Rososvksy cho rằng một hệ thống giáo dục ĐH cũng tương tự như một “hệ sinh thái”.

Trong một hệ sinh thái ĐH, chúng ta cần nhiều loại hình đào tạo khác nhau: các trường ĐH vùng, trường dạy và đào tạo nghề, trường sư phạm, các trường chuyên nghiệp…

Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng cần ít nhất một trường ĐH tinh hoa có khả năng thu hút những người giỏi nhất và tạo cho họ một môi trường để họ có thể làm nghiên cứu.

Tất cả các nước có một hệ thống giáo dục tốt đều có những trường “đỉnh cao” như thế này. Việt Nam có thể và cần phải xây dựng những trường như thế. Tôi cho rằng nếu hợp tác với một trường ĐH hàng đầu như Duke thì Việt Nam có thể xây dựng một trường đại học mới trong vòng một thập kỷ.

Nhưng điều quan trọng là cần phải nhớ rằng trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng một trường ĐH hàng đầu không phải là tiền.

Chừng nào các trường ĐH, dù mới hay cũ, còn chưa có những cấu trúc quản trị có khả năng khuyến khích tài năng và sự thành tích đích thực thì chừng ấy đổ thêm tiền cho các trường này cũng sẽ không thể nào cải thiện được hoạt động của chúng.



Trước đây, ông đã từng nới chiến lược tốt nhất để xây trường ĐH hàng đầu là thành lập một trường hoàn toàn mới. Bây giờ ông còn nghĩ như vậy hay không?

Tôi hiểu rằng một số người có ý kiến cho việc nâng cấp một trường hiện có là cách thức tối ưu. Về mặt lý thuyết thì điều này có thể được hay không? Chắc là có thể.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng thất bại trung tâm của giáo dục ĐH của VN nằm ở những tiêu chuẩn thấp kém và ở hệ thống quản trị ĐH.

Liệu các trường ĐH cũ có sẵn sàng sa thải những giáo viên không có năng lực, những giáo viên lạc hậu về kiến thức và kỹ năng giảng dạy, đãi ngộ giảng viên dựa trên kết quả hoạt động của họ chứ không phải dựa theo thâm niên; thay máu cho đội ngũ lãnh đạo bằng những con người trẻ trung, năng động hơn, hình thành hệ thống quản lý mới, hiệu quả dựa trên tài năng.

Nếu anh sẵn sàng làm những điều này thì việc biến một trường hiện có thành trường ĐH hàng đầu là có thể. Tuy nhiên, tôi thực sự nghi ngờ về ý chí chính trị của khả năng này.

Ở tất cả các nước, các trường ĐH thường có xu hướng khá bảo thủ và chống lại sự thay đổi.

Khuyến khích các trường ĐH “nhập khẩu” và sử dụng các “chương trình tiên tiến” từ nước ngoài có thể mang lại một vài cải thiện không đáng kể trong khi không giải quyết được những vấn đề trung tâm của hệ thống giáo dục ĐH của VN.

Sự cạnh tranh rất quan trọng. Tôi nhớ lại rằng khoảng mươi năm trước có những lo ngại rằng nếu VN mở cửa ngành bảo hiểm cho các công ty nước ngoài tham gia thì các công ty của VN sẽ không thể cạnh tranh được.

Thế nhưng điều gì đã xảy ra? Chúng ta đều thấy rằng, hiện nay các công ty bảo hiểm của VN có tính cạnh tranh và được quản lý một cách chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước đây. Tôi tin rằng, một trường ĐH hàng đầu mới cũng có thể có những tác động tương tự đối với hệ thống giáo dục. Vì tình trạng cung nhỏ hơn cầu một cách đáng kể, các trường ĐH hiện nay không hề có động cơ để cạnh tranh.

Tôi biết nhiều người ở VN hiện nay đang lo ngại về nguy cơ “thương mại hóa” giáo dục ĐH; và một số người còn đi xa hơn, viện cớ này để chống lại cạnh tranh và tự chủ đại học. Tôi thông cảm với những lo ngại này, tuy nhiên thành thật mà nói tôi vẫn cho rằng những lo ngại này thiếu cơ sở.

Thực tế là đối với SV và phụ huynh học sinh, giáo dục ĐH ở VN đã mang tính thương mại rất cao rồi. Mỗi khi tôi bước chân vào gần như bất kỳ một trường đại học nào của Việt Nam, điều đầu tiên chạm vào mắt tôi là một rừng băng-rôn quảng cáo cho các chương trình cấp bằng hay chứng chỉ khác nhau.

Hãy để cho các trường đại học được cạnh tranh với nhau, và khi ấy chúng ta sẽ thấy tác động tích cực của thị trường.

Tôi thấy cần phải bổ sung thêm một ý quan trọng để làm rõ ý kiến của mình. Bên cạnh quyền tự chủ và môi trường cạnh tranh như là những điều kiện quyết định để có thể cải thiện chất lượng nền giáo dục đại học, thì nguồn tài trợ của nhà nước có vai trò cực kỳ thiết yếu.

Ngay cả ở nước Mỹ, hoạt động của các trường đại học tư như Harvard và MIT cũng vẫn phụ thuộc một phần vào các nguồn tài trợ của nhà nước - thường dưới dạng các tài trợ cho nghiên cứu. Ở một nước đang phát triển như Việt Nam thì trong tương lai gần nguồn tài trợ của nhà nước sẽ vẫn là nguồn tài trợ quan trọng nhất cho các trường đại học. Không nên nghĩ rằng trường đại học “tư thục” phải do khu vực tư tài trợ.

Chi cho giáo dục: "Rải mành mành"

Trên thực tế tỷ lệ chi tiêu giáo dục hàng năm trên GDP của Việt Nam tương đương với các nước khác trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đang đầu tư rất nhiều vào giáo dục…

Đúng như vậy, và sẽ cần phải tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, như tôi đã nói, vấn đề không phải là tiền (được đo lường bằng tổng kinh phí dành cho giáo dục), mà vấn đề nằm ở chỗ tiền được phân bổ như thế nào.

Liệu các khoản tài trợ cho các trường ĐH có căn cứ vào các chỉ tiêu kết quả rõ ràng? Chẳng hạn như số bài đăng tạp chí, số bằng phát minh sáng chế, hay số SV được nhận vào các chương trình học ở nước ngoài? Nếu những hiểu biết của tôi về Dự án Giáo dục ĐH đợt II (HEP II) của Ngân hàng Thế giới là chính xác thì khoản vay được phân bổ không theo những mô thức này.

Thay vào đó, khoản vay được "rải mành mành" trong khắp hệ thống, với mỗi trường nhận được một khoản tiền nhỏ do Bộ GD-ĐT quyết định. Khi nguồn tài trợ không được phân bổ dựa trên những tiêu chí về kết quả và chất lượng thì chắc chắn là các khoản vay này sẽ khó tạo được bất kỳ một tác động tích cực nào.

Trái lại, những khoản tài trợ này có thể được phân bổ cho một số trường trì trệ và kém cỏi, và rõ ràng đó không phải là một chiến lược để vươn tới chất lượng giáo dục ĐH của các nước APEC khác. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn duy nhất, đó là những khoản vay kiểu này sẽ trở thành gánh nặng đặt lên vai con cháu VN.

Một quan ngại nữa của tôi đối với việc phân bổ đầu tư là làm thể nào để tránh lãng phí. Hiện nay, dường như các địa phương của VN đua nhau mở trường ĐH. Những dự án mở trường như thế này cần được đánh giá một cách rất cẩn trọng về phương diện nhu cầu thực tế của khu vực.

Chẳng hạn, các tỉnh ở ĐBSCL, nên phối hợp các nguồn lực của mình tập trung đầu tư cho một số trường có khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của cả vùng, thay bằng việc mỗi tỉnh đều cố gắng xây dựng trường riêng cho tỉnh mình bằng mọi giá.

Xin cảm ơn ông!

Minh Lam (thực hiện)

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,