221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
874838
"Cuộc chơi" sống động!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Cuộc chơi' sống động!
,

(VietNamNet) - "Cuộc chơi" của giáo dục ĐH Việt Nam sẽ bước từ "quá khứ buồn tẻ" sang "hiện tại sống động" với  sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Có cảnh báo, lo lắng, khuyến nghị...và "những điều khó xử" đặt ra không chỉ với những nhà hoạch định chính sách mà tới bản thân từng người học.

Đó là những nội dung đặt ra tại diễn đàn "gia nhập WTO và đổi mới giáo dục ĐH VN".

>>WTO - Giáo dục và sự thắng thua

Cửa đã mở rộng!

Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn

Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bộ GD-ĐT, nền ĐH VN khi vào WTO sẽ có một đặc trưng mới: chấp nhận thị trường giáo dục. Chính xác hơn, theo thuật ngữ mà nhiều nước đã sử dụng, đó là "chuẩn thị trường" (quasi-market), từ "chuẩn" được hiểu theo nghĩa "gần với", "sát với".

Trong "chuẩn thị trường" này, hệ thống giáo dục ĐH có ba thành phần đan xen nhau: giáo dục với tư cách lợi ích công, giáo dục với tư cách dịch vụ và giáo dục với tư cách hàng hóa.

Ông Tiến cho rằng, "chuẩn thị trường" chính là cơ chế tương thích với thị trường kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS Jane Kninght,  Trung tâm phát triển giáo dục quốc tế, Viện Ontarino về nghiên cứu giáo dục (ĐH Toronto, Canada) chỉ ra "một thực tế mà giáo dục ĐH cần đối mặt và hành động: Hoạt động giáo dục đã di chuyển giữa các quốc gia trong nhiều năm thông qua hợp tác phát triển, trao đổi tri thức và bây giờ là các mục tiêu thương mại.

Một cách hình tượng, GS Phạm Phụ (thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục) diễn giải, gia nhập WTO, giáo dục ĐH bước từ cuộc chơi buồn tẻ của quá khứ sang hiện tại sống động. Ngoài  2 nhân vật của "quá khứ" là Nhà nước và cơ sở giáo dục ĐH, giờ đây đã có thêm người thứ ba: "thị trường".

"Trong bản chào dịch vụ đa phương, mức cam kết của VN về dịch vụ giáo dục khá sâu và rộng. VN mở cửa hầu hết các lĩnh vực giáo dục về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, kinh tế, kế toán, luật quốc tế và ngôn ngữ, trong đó, GD ĐH được coi là lĩnh vực mở cửa rộng nhất với một lộ trình thích hợp", Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho hay.

Tư nhân năng động

Sự phát triển của năng động các thành phần giáo dục tư nhân là điều ai cũng nhìn thấy khi "chuẩn thị trường" hình thành.

Theo GS N.V Varghese, Giám đốc bộ phận giáo dục ĐH và giáo dục chuyên ngành, Học viện quốc tế về Kế hoạch giáo dục (Paris), ở nhiều nước, giáo dục ĐH tư thục là khu vực thuận lợi trong việc thu hút đầu tư liên kết hợp tác của các cơ sở đối tác nước ngoài. Giáo dục xuyên quốc gia là một cơ hội mở đầu cho sự cạnh tranh và đổi mới hệ thống giáo dục.

TS Knight thu nhận thấy, mức độ tăng trưởng của tài trợ từ lĩnh vực công không theo kịp mức đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục ĐH. Xu hướng này, cùng với việc tăng cường trách nhiệm giải trình của tài trợ công, đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân. Họ rất chủ động trên thị trường giáo dục quốc tế.

Một ví dụ cụ thể, theo một khảo sát từ Chỉ số giáo dục toàn cầu của hệ thống, có 17 trong số 50 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đang cung cấp dịch vụ giáo dục và chương trình giáo dục cấp 3. Hầu hết những công ty này đều hoạt động ở quy mô quốc tế.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến hình dung bức tranh giáo dục ĐH Việt Nam sẽ có biến động mạnh mẽ ở khu vực giáo dục tư thục mà ở đó, cục diện cạnh tranh sẽ hình thành và phát triển. Thị trường giáo dục sẽ chuyển từ tự phát sang tự giác với sự định hướng mạnh mẽ của nhà nước để đảm bảo đó là một "chuẩn thị trường".

Như vậy, các trường ĐH ngoài công lập Việt Nam hiện nay phải thay bỏ tư duy "cơ hội", ông Tiến nhấn mạnh sau khi "xin phép được nói thẳng" với các đại biểu ở các trường ngoài công lập có mặt tại diễn đàn. Bởi, việc “mở cửa” GD ĐH đặt các trường trước 2 dự báo xấu: lần lượt đóng cửa hoặc phá sản; nhường thị phần cho nước ngoài.

"Một tình thế khó xử?"

Trong thực tế đã có nhiều chương trình liên kết đào tạo cấp bằng ĐH, sau ĐH giữa các cơ sở đào tạo Việt Nam và nước ngoài. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điều gì đáng lo ngại khi chấp nhận "chuẩn thị trường"?

Nhiều diễn giả cảnh báo về chất lượng bằng cấp, sự lừa đảo khách hàng, khi mà Hiệp định thương mại dịch vụ (GATS) có thể buộc mở cửa thị trường giáo dục ĐH để các trường ĐH, công ty nước ngoài vào hoạt động tự do, lập chi nhánh,cấp bằng..."và các nhà chức trách bản xứ sẽ không kiểm soát được” như phỏng đoán của GS Lâm Quang Thiệp (ĐH Thăng Long) hay kinh nghiệm của TS Ashwill (Viện Giáo dục quốc tế)....

Một lo lắng phổ quát, đó là công bằng xã hội.

GS Ka Ho Mok, GS và viện trưởng Trung tâm Nghiên cứu Đông Á (ĐH Bristol, Anh), trong một nghiên cứu khá kỹ lưỡng về giáo dục xuyên biên giới của Trung Quốc khi gia nhập WTO, đã chỉ ra "một tình thế khó xử" mà Chính phủ nước này phải đối mặt: giáo dục là công lập hay tư thục. Khi giáo dục ĐH trở nên ngày càng thị trường hóa, người Trung Quốc bắt đầu nhận thấy nguồn tài chính giáo dục trước hết và cơ bản là dựa vào khu vực tư nhân.

"Tìm ra các phương thức cung cấp tài chính cho việc học của con cái đã làm cho các bậc phụ huynh muốn phát điên khi Chính phủ và chính quyền địa phương đã chuyển trách nhiệm xã hội của giáo dục ĐH cho địa phương và gia đình", GS Ka Ho Mok quan sát.

"Người nghèo sẽ dễ thiệt thòi vì khi các nước xuất khẩu giáo dục đầu tư vào thị trường Việt Nam, tất nhiên họ chỉ hướng tới đối tượng có tiền vì có khả năng sinh lời từ đối tượng này. Ranh giới giàu nghèo trong giáo dục sẽ càng tăng khoảng cách", GS Võ Tòng Xuân nhìn nhận.

GS N.V Varghese thì lo ngại: Thị trường xuyên quốc gia có thể thu hút những người có khả năng chi trả, để lại sự yếu kém trong khả năng huy động các nguồn vốn của khu vực còn lại. Khu vực giáo dục công lập có thể lún sâu hơn vào tình trạng yếu kém.

Áp lực quản lý

Tại diễn đàn, một vài diễn giả đã mang kinh nghiệm trực tiếp của Trung Quốc, chia sẻ cách tính toán "chia sẻ học phí từ người học", một vài gợi ý cho về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, v.v...

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bành Tiến Long đề cập tới những nhiệm vụ chung cũng như các giải pháp cụ thể. Trong đó, có 3 nhóm nhóm nhiệm vụ đến năm 2010 gồm: Xây dựng chiến lược, kế hoạch, cơ chế hoạt động; Phát triển đội ngũ, nâng cao năng lực, nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH và Xây dựng văn bản pháp quy.

Xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo, thực hiện kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục, đổi mới cơ chế tài chính...là những việc chi tiết cần làm ngay.

Trao đổi với báo chí bên lề diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói, cần tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều mô hình, trong đó, việc "có nên chuyển một số trường công lập sang loại trường dân lập" đang là một câu hỏi.  Một câu hỏi khác "có nên cổ phần hóa các trường ĐH hay không" cũng được Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT nghiên cứu.

Nếu lấy việc gia nhập WTO làm mốc, có thể đưa ra lộ trình phát triển giáo dục ĐH VN với 3 giai đoạn: trước khi vào WTO, vào WTO - trước khi thực hiện cam kết về GATS và vào WTO cùng với thực hiện cam kết về GATS.

Có hai lựa chọn phổ biến"có cam kết về GATS hay không": hoặc là “chờ xem” như phần lớn các nước đang phát triển hay “chủ động” như Trung Quốc, Thái Lan.

Tuy nhiên, do có đặc thù riêng, hiệu lực bộ máy, năng lực quản lý và tiềm lực của hệ thống GD ĐH VN còn có nhiều yếu kém, chưa bảo đảm để “mở cửa” thành công.

Do vậy, ông Tiến đề xuất một “kịch bản trung gian”: chủ động chuẩn bị từ nay đến năm 2010, sau đó sẽ tích cực thực thi những cam kết về GATS.

Nhưng điều quan trọng hơn là hiện thực hóa kế hoạch.

Một ví dụ,  trong chiến lược giáo dục ĐH xây dựng từ những năm cuối 1990, đã xác định "khu vực kinh tế tư nhân năng động" với chỉ tiêu, đến năm 2010, sẽ có 40% giáo dục ngoài công lập. Thế nhưng, giờ đã năm 2006, nhiều giải pháp để hiện thực hóa con số kia vẫn trong giai đoạn....dò kiểm.

  • Hạ Anh

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,