Trong bài viết gửi tới VietNamNet, TS Lê Anh Sơn giới thiệu "với kinh nghiệm của một người đã tốt nghiệp tiến sĩ về quản trị kinh doanh và hiện là giáo sư của trường ĐH Marshall (Mỹ), có những bài nghiên cứu được đang trên các tạp chí có uy tín nhất trong ngành (ví dụ Acadamy of Management Journal - tạp chí về quản lý có uy tín nhất ở Mỹ và trên thế giới)", ông hy vọng "góp phần nhỏ bé vào việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ qua một số ý kiến".
Dưới đây là ý kiến của TS Sơn (tác giả giới hạn "trong việc đào tạo tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh").
Sự khác biệt
Chắc các bạn hỏi tại sao tôi muốn trao đổi về tiến sĩ và tại sao học tiến sĩ. Trong xã hội chúng ta hiện nay, khái niệm về tiến sĩ chưa được định nghĩa và hiểu một cách chính xác. Hay nói đúng hơn là chúng ta hiểu về khái niệm này khác so với người Mỹ.
Ở Mỹ, một người học tiến sĩ vì họ muốn làm nghiên cứu và giảng dạy. Vì học tiến sĩ rất vất vả, nên nếu ai không thật sự yêu thích nghiên cứu và giảng dạy, họ sẽ không học và cũng không đủ nghị lực để hoàn thành chương trình. Một người học xong tiến sĩ mà lại chuyển ngay sang làm công việc khác sẽ không được đánh giá cao. Bởi lẽ, anh ta qua kém để tìm được một vị trí tại một trường ĐH. Thứ 2, anh ta ta đã lãng phí thời gian vì học mà không sử dụng đúng chuyên môn.
Ở nước ta thì khác. Cứ có bằng tiến sĩ là được đánh giá cao và có nhiều cơ hội thăng tiến trong các cơ quan công quyền. Thế nên, mới có phòng trào "lấy" bằng tiến sĩ của các vị có tiền, có chức. Đọc qua lý lịch trích ngang nhiều lãnh đạo hiện nay, có thể thấy tỷ lệ người có bằng tiến sĩ rất cao, không thua kém nhiều nước trên thế giới.
Ở Mỹ, sau khi một người nào đó học và bảo vệ thành công luận án, thì anh ta mới chỉ bắt đầu như một người tập sự của công việc nghiên cứu. Họ phải nghiên cứu và giảng dạy để trở thành một giáo sư và một nhà nghiên cứu thực thụ. Nếu sau khi ra trường, một người nào đó không làm công việc nghiên cứu trong vòng một thời gian nào đó, thì bằng tiến sĩ của anh ta sẽ bị mất giá trị.
Ở Việt Nam thì sao? Sau khi có bằng tiến sĩ, người ta nghiễm nhiên được xã hội nể trọng, coi như một người có học vấn cao. Do vậy, để hạn chế việc học chỉ để lấy bằng, các ngành, các tổ chức có chức năng, các trường ĐH phải định nghĩa khái niệm tiến sĩ và mục đích học tiến sĩ.
Đây là bước đầu tiên để thay đổi quan điểm của xã hội về học vị tiến sĩ.
Nâng cao chất lượng
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mới đây đăng tuyển tiến sĩ có nêu đào tạo tiến sĩ trong 2 năm không tập trung nếu có bằng thạc sĩ và 4 năm nếu có bằng đại học.
Ở Mỹ, thời gian trung bình để hoàn thành một chương trình tiến sĩ là khoảng 6 - 7 năm (trong đó có ít nhất 2 năm học tập trung). Chưa nói đến chất lượng của người dạy và người học, với thời lượng học như vậy, tôi tin là sẽ không thể đào tạo được tiến sĩ cho ra tiến sĩ. Để đào tạo ra tiến sĩ có chất lượng, tức là những người có kiến thức sâu rộng về một chuyên ngành và nắm được các phương pháp nghiên cứu để có thể nghiên cứu và tạo ra kiến thức mới, cần phải có những giáo sư có khả năng dạy những kiến thức và kỹ năng đó.
Nếu dùng giảng viên không đủ kiến thức để đào tạo tiến sĩ, kết quả sẽ cho ra những tiến sĩ theo "tiêu chuẩn Việt Nam". Nếu cứ tiếp tục đào tạo thế này, chúng ta sẽ đi vào vòng luẩn quẩn về chất lượng đào tạo. Một điểm đáng lưu ý là đào tạo tiến sĩ phải tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng.
Về mặt năng suất nghiên cứu, 10 tiến sĩ kém chưa chắc đã bằng một tiến sĩ giỏi. Để có thể đào tạo tiến sĩ cho ra tiến sĩ, thì một chuyên ngành tại một trường như KTQD cần ít nhất 3 tiến sĩ thực thụ.
Và để có được số tiến sĩ ban đầu đó thì cần có sự hợp tác đào tạo với các nước tiên tiến. Đấy là cách nhanh nhất để nâng cao chất lượng tiến sĩ.
Các trường của Việt Nam có thể mời các trường có uy tín tổ chức các chương trình đào tạo tiến sĩ với các hình thức khác nhau. Ví dụ học tập trung 2 năm ở nước ngoài sau đó về nước làm luận án. Các trường cũng nên khuyên khích giảng viên ra nước ngoài học. Đối với cá nhân giảng viên, nếu có khả năng và có quyết tâm, việc tìm học bổng tiến sĩ không khó. Trong quá trình này, các trường phải có chiến lược phát triển giảng viên và nhà nước cần đầu tư giúp các trường thực hiện kế hoạch phát triển của họ.
-
Lê Anh Sơn (Marshal University, Huntington, WV, USA, sle@marshall.edu)