221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
883786
Công khai luận án để "cứu" đào tạo tiến sĩ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Công khai luận án để 'cứu' đào tạo tiến sĩ
,

(VietNamNet) - Là người đã tham gia đào tạo tiến sĩ từ nhiều năm nay, tôi thấy trình độ tiến sĩ ngày nay đã xuống cấp rất nhiều, bất chấp việc Bộ GD-ĐT đã có nhiều chấn chỉnh. Việc đưa tất cả luận án tiến sĩ lên mạng, kèm theo danh sách các ủy viên hội đồng, cùng với phản biện (nguyên văn) của họ sẽ góp phần cứu chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Trưng bày một số kết quả đào tạo sau ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi đã theo dõi những phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và hiểu được những bức xúc của ông. Tăng cường số lượng tiến sĩ chính là một trong những giải pháp để có được sự đột phá đó. Tôi hiểu rằng, Bộ trưởng đã thấu hiểu một điều là: không thể giảng dạy tốt nếu không nghiên cứu tốt. 

Nói gì thì nói, phải thừa nhận rằng thời gian làm nghiên cứu sinh là thời gian rất quí báu. Trong thời gian đó, NCS được học những kĩ năng nghiên cứu một cách bài bản, làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo.

 

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận là trong xã hội vẫn có rất nhiều người nghiên cứu xuất sắc mà không hề trải qua giai đoạn làm luận án tiến sĩ.

 

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, những người nghiên cứu đã trải qua thời gian làm nghiên cứu sinh vẫn có một nét gì khác với những người không trải qua giai đoạn này. Đó là tính hàn lâm, tính bài bản trong nghiên cứu.

 

Nếu quá hàn lâm, quá bài bản thì không chắc đã tốt. Nhưng nghiên cứu một cách khoa học thì không thể không mang tính hàn lâm, bài bản.

 

Ở Nhật, muốn bổ nhiệm làm GS ĐH thì phải có bằng tiến sĩ, hoặc có chứng nhận là đã... trải qua giai đoạn làm nghiên cứu sinh (mà không bảo vệ). Nói như vậy để khẳng định tầm quan trọng của giai đoạn làm nghiên cứu sinh.

 

Tuy nhiên, mong muốn của Bộ trưởng có thể dẫn đến tình trạng "dục tốc bất đạt", đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi mà rất nhiều buổi lễ "bảo vệ" đã biến thành lễ "thông qua", rất nặng về hình thức.

 

Là người đã tham gia đào tạo tiến sĩ từ nhiều năm nay, tôi cho rằng trình độ tiến sĩ ngày nay đã xuống cấp rất nhiều, bất chấp việc Bộ GD-ĐT đã có nhiều chấn chỉnh (chẳng hạn, đặt ra lệ phải có phản biện độc lập, sau khi đã bảo vệ ở cơ sở).

 

Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng xuề xòa, cả nể lẫn nhau giữa các giáo sư trong hội đồng với người hướng dẫn (kiểu anh châm chước cho NCS của tôi, rồi tôi sẽ có dịp châm chước cho NCS của anh). Đó là chưa kể, có những thành viên trong hội đồng, vì bận quản lí hay vì những lí do nào khác, không cập nhật được với kiến thức chuyên ngành cho nên đã có những nhận xét rất dễ dãi (khi viết phản biện, thì khen là dễ nhất, chê mới khó, vì muốn chê thì phải đọc kĩ, phải có trình độ thực sự).

 

Vì thế, theo tôi, để cứu lấy chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay, Bộ GD-ĐT hãy thực hiện ngay chủ trương sau đây: đưa tất cả luận án tiến sĩ lên mạng, kèm theo danh sách các ủy viên hội đồng, cùng với phản biện (nguyên văn) của họ.

 

Việc làm này có những cái lợi sau đây:

 

-Hạn chế việc khen chê dễ dãi. Từ nay các phản biện phải cân nhắc câu chữ của mình (khen đúng, chê đúng). Ngoài ra, những ai sau này muốn tham khảo luận án  có thể  đối chiếu nó với các nhận xét phản biện để thấy được ưu điểm và khuyết điểm một cách rõ ràng hơn.

 

-Hạn chế nạn NCS sao chép, đạo văn. Có một thực tế là hội đồng, dù có bao gồm những người làm chuyên môn thật sự, cũng không thể biết hết được những nghiên cứu đã công bố trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay (có thể NCS tranh thủ "mượn" những ý nào đó trong một luận án đã bảo vệ ở một cơ sở đào tạo khác, rất xa; hoặc dịch lại từ những cồng trình ở nước ngoài).

 

Từ trước đến nay, Bộ vẫn buộc NCS phải nộp quyển ở Thư viện quốc gia, trước khi bảo vệ chính thức. Quy định này cần được duy trì, nhưng trong thời đại của công nghệ thông tin hiện nay, cần phải tận dụng thêm ưu thế mà công nghệ mạng mang lại.

 

Với công nghệ thông tin, với "tai mắt" của mọi người  ở mọi nơi (sinh viên, NCS, các giáo sư...) chắc chắc việc phát hiện việc đạo văn (nếu có) sẽ không phải là điều gì quá khó khăn.

 

Tôi nghĩ mạng Edunet và các mạng riêng của các trường hay cơ sở có đào tạo tiến sĩ nên dành diện tích cho việc công bố các luận án tiến sĩ cũng như các phản biện của luận án.

  • Hoàng Xuân

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,