221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
884164
20.000 tiến sĩ: Vẫn khả thi!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
20.000 tiến sĩ: Vẫn khả thi!
,

(VietNamNet) - Có thể đủ tiền đào tạo trong nước và ở nước ngoài 20.000 tiến sĩ (đúng chất lượng) trong vòng 10 năm, nhưng nên đồng thời quan tâm tới trang thiết bị cho họ làm việc khi họ đã hoàn tất bảo vệ.   

Cử nhân dạy cử nhân: chuyện không còn lạ
 

Xem trưng bày kết quả đào tạo sau ĐH tại hội nghị tổng kết 30 năm đào tạo giai đoạn này. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thời nay, so với thời kháng chiến chống thực dân Pháp, việc học được mở rộng và nâng cao rất nhiều.  

Dân số tăng lên 4 lần nhưng có lẽ số tú tài đã gấp 30.000 lần, cử nhân gấp 3.000 lần và tiến sĩ gấp 300 lần thời đó. Thời đó, ai tốt nghiệp cấp 2 muốn xin đi dạy cấp 1 là được chấp nhận ngay. Cũng như vậy, tốt nghiệp cấp 3 (tú tài) càng dễ xin làm thầy dạy cấp 2. Nay, học xong cấp 2 chỉ đủ năng lực chăn trâu, cắt cỏ, chớ làm gì có chuyện đi dạy cấp 1; nếu học xong cấp 3 mà dạy dạy cấp 2 đã là kỳ; nếu lại dạy ngay cấp 3 hẳn là quái. Vậy mà chuyện “cử nhân dạy cử nhân” lại phổ biến đến mức hết thấy kỳ.  

Có lẽ đây là nguyên nhân khiến chủ trương đào tạo 20.000 tiến sĩ trong vòng 10 năm ra đời: để đáp ứng yêu cầu mở thêm một loạt trường đại học, nghe đâu đến cấp tỉnh. 

Đào tạo tiến sĩ để làm gì? 

Nghe nói, nhà văn có thể do tự đào luyện, tự thành tài, cũng có thể do được đào tạo. Dù do gì, mục đích tạo ra các nhà văn là để có tác phẩm văn học. Không thể hiểu nổi nếu một quốc gia cứ khoe khoang số lượng các nhà văn mà lờ chuyện nêu số tác phẩm.

 Đào tạo tiến sĩ cũng vậy: là để họ sản xuất các công trình nghiên cứu. Gọi họ là nghiên cứu sinh trong quá trình họ được đào tạo thành tiến sĩ đã nói lên mục đích này. Thế mà trong tất cả các bảng thành tích về đào tạo của đất nước, dân ta chỉ thấy trưng ra số lượng tiến sĩ mà tuyệt nhiên lảng hẳn chuyện họ đã sản xuất bao nhiêu công trình (chưa cần nói chất lượng công trình). Dân đóng thuế vẫn cứ yên tâm tiền của mình được sử dụng một cách hữu ích vì nhiều người dân chưa rõ mục đích đào tạo tiến sĩ là gì.  

Một số tiến sĩ - do những nguyên nhân nào đó - có thể làm việc khác mà không nghiên cứu (cũng như có một số giáo sư mà không... dạy, nhà văn mà không viết văn).  

Nhưng nếu 20% số tiến sĩ đào tạo ra lại như vậy thì không còn là chuyện cá nhân nữa mà đã thành vấn đề của xã hội; nếu 50% tiến sĩ như vậy mà không ai báo động thì quả là không hiểu nổi.  

Ước gì có một công trình điều tra các nguyên nhân khiến các vị tiến sĩ ở nước ta lại không nghiên cứu ngay sau khi lĩnh bằng, hoặc ít lâu sau khi lĩnh bằng. Số này chắc chắn không ít và nguyên nhân cũng không đơn giản, nhưng lãng phí thì quá rõ. 

Không nói tới một số vị tiến sĩ - ngay từ khi chuẩn bị làm nghiên cứu sinh - đã sẵn có chủ đích sau này sẽ... không nghiên cứu. Mục đích của họ không phải là học để làm, hay học để biết, mà chỉ để có cái bằng gài vào bản khai lý lịch, ít nhất là cho oai với những ai không biết mục đích đào tạo tiến sĩ là gì. Một số ít trong số này có lẽ còn được cả nước biết tới - vì họ quá nổi tiếng: về chức vụ cũng như sự nỗ lực bản thân. Họ đang làm quản lý hành chính với “trăm công, ngàn việc”  bỗng xin làm nghiên cứu sinh “tại chức” (những người trẻ, thông minh làm tiến sĩ còn vô cùng vất vả - cả ngày lẫn đêm - huống hồ họ đang đảm nhiệm biết bao trọng trách). Những tưởng họ tha thiết với nghiên cứu lắm (hễ có bằng tiến sĩ là bỏ ngay chức vụ quản lý), nhưng té ra rốt cuộc không phải thế, mặc dù họ quá hiểu đào tạo tiến sĩ để làm gì. Té ra trong xã hội ta có rất nhiều công việc dễ hơn chuyện cầy cục nghiên cứu mà thu nhập lại cao hơn hẳn, ai chẳng ham? Và càng ham sau khi có bằng tiến sĩ. 

Không nghiên cứu không phải chỉ do bản thân tiến sĩ

ếu việc đào tạo tiến sĩ chỉ nhằm lập thành tích thi đua - giống như thi đua “đạt và vượt” về tỷ lệ tốt nghiệp trung học - thì việc tiến sĩ không nghiên cứu không hẳn do lỗi của họ.  

Nhiều tiến sĩ đã rất khổ tâm vì không được thu nhận vào các cơ sở nghiên cứu hoặc không có điều kiện làm nghiên cứu; những người khác sau khi tốn quá nhiều công sức và thời gian cho nghiên cứu đành an phận với những kết quả ít ỏi thu được.  

Số khác tự thấy hầu hết “kết quả” nghiên cứu của mình chỉ là lặp lại những gì của thế giới và của người đi trước.  

Lao động khoa học là loại lao động cao cấp. Do vậy, nó đòi hỏi phương tiện và trang thiết bị tương xứng để đưa lại kết quả còn tương xứng hơn. Chính do vậy, cần chọn nghiên cứu sinh rất kỹ, sao cho tuyển được những người xứng đáng sử dụng số trang thiết bị rất tốn kém kia.  

Một trong những nguyên nhân khiến những người thật sự có tiềm năng mà không phát huy được là do không có những điều kiện vật chất tối thiểu - trước hết là trang thiết bị nghiên cứu - dành cho họ.  

Tôi không thể hiểu nổi một tỉnh nọ muốn chiêu mộ tiến sĩ để làm gì nếu không có phương tiện tối thiểu cho họ làm việc.  

Xin lấy một ví dụ dễ hiểu. Đào tạo 20.000 phi công ít tốn kém hơn đào tạo cũng ngần ấy tiến sĩ, nhưng ai cũng thấy sẽ không đủ máy bay cho số phi công này làm việc (cho dù họ hứa hẹn Việt Nam sẽ trở thành cường quốc hàng không!). Không lẽ phát cho mỗi người một cái xích lô? Liệu có tỉnh nào đưa ra các điều kiện ưu đãi để thu hút số phi công này không? Vậy mà lại thích lôi kéo tiến sĩ! 

Tóm lại, chúng ta có thể đủ tiền đào tạo trong nước và ở nước ngoài 20.000 tiến sĩ (đúng chất lượng) trong vòng 10 năm, nhưng chúng ta nên đồng thời quan tâm tới trang thiết bị cho họ làm việc khi họ đã tốt nghiệp.  

Trang thiết bị cho một lao động kỹ thuật có thể tốn gấp 100 hay 1.000 lần phí tổn đào tạo, ví dụ giá tiền chiếc máy xúc hay cần cẩu so với chi phí đào tạo người điều khiển chúng có thể gấp 100 lần.  

Việc của tiến sĩ: Không phải chỉ có dạy   

Việc của tiến sĩ là nghiên cứu. Những tiến sĩ nghiên cứu giỏi (thể hiện bằng các công trình nghiên cứu) sẽ được chọn làm người đào tạo (xin phân biệt: dạy và đào tạo rất khác nhau). Do vậy, nên coi lại cho đầy đủ hơn chuyện đào tạo tiến sĩ chỉ nhằm mục đích chính là để họ dạy ở các trường đại học dự định sẽ mở. Đại học phân biệt với cao đẳng ở chỗ có nghiên cứu hay không, do vậy để mở trường đại học, ngoài con người thì không phải cứ xây cho đủ chỗ ngồi học mà xong. 

  • GS Nguyễn Ngọc Lanh (Trường ĐH Y Hà Nội) 

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,