221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
888512
HS tiểu học sẽ được giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
HS tiểu học sẽ được giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết
,

Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) đề xuất áp dụng chính sách giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết đối với học sinh (HS) tiểu học. Thay vì nghỉ liên tục khoảng ba tháng hè như hiện nay, thời gian nghỉ của HS tiểu học sẽ được phân phối vào những dịp khác trong năm học.

Phân chia thời gian nghỉ một cách hợp lý cũng là cách “giảm tải” cho các em học sinh? - Ảnh: MINH ĐỨC

Ông Trịnh Quốc Thái, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - cho biết: Nghỉ hè tối đa chỉ nên dài sáu tuần. Số ngày nghỉ còn lại phân bố trong cả năm học, ví dụ như giữa mỗi học kỳ hoặc giữa hai học kỳ nên nghỉ 1-2 tuần, thời gian nghỉ tết kéo dài hơn... Tổng số thời gian được nghỉ học hoàn toàn không thay đổi. Chỉ thay vì HS tiểu học phải học liên tục một mạch chín tháng rồi “xả hơi” ba tháng hè, các em sẽ có một phân phối thời gian nghỉ và học cân đối hơn...

* Thưa ông, đề xuất được đưa ra dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn nào? Hay nói cách khác, thực hiện như vậy nhằm đến mục tiêu gì, thưa ông?

- Thực hiện rút ngắn thời gian nghỉ hè để phân bố thời gian nghỉ đều hơn trong năm học trước hết sẽ phù hợp với tâm sinh lý của trẻ trong độ tuổi bậc tiểu học. Một số nước đã áp dụng có hai kỳ nghỉ hè và nghỉ đông trong một năm học, hoặc nếu không kỳ nghỉ năm mới cũng khá dài, thường kéo dài từ trước Noel. Đó cũng là một kinh nghiệm, chúng ta nên tham khảo.

Mặt khác trên thực tế, nước ta cũng có những đặc điểm về địa lý, điều kiện khí hậu khác biệt giữa các vùng miền, vì vậy cũng cần có một qui định về thời gian nghỉ học cho phù hợp. Theo tôi, không nên qui định thống nhất cả nước. Ví dụ như địa phương thường có bão, lũ lụt, thiên tai có thể điều chỉnh lịch nghỉ tránh bão, tránh lũ... Một số địa phương phía Bắc có thể phân phối ngày nghỉ cho HS tiểu học như một kỳ nghỉ đông... Nói chung là lịch nghỉ nên linh hoạt phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, vùng miền. Phân phối như thế nào do các địa phương quyết định và sắp xếp.

Thêm vào đó có khoảng thời gian nghỉ trong năm học, nhà trường có thể chủ động tổ chức bồi dưỡng giáo viên (GV) hoặc những hoạt động chuyên môn, ngoại khóa khác của trường cho cả GV và HS. Đối với GV, sau mỗi nửa học kỳ hoặc một học kỳ có khoảng thời gian tương đối để nhìn lại, kịp thời rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho chặng tiếp theo, bồi dưỡng cập nhật về chuyên môn. Nhịp độ lao động, học tập của cả cô và trò được phân bố hợp lý hơn.

Đối với chúng ta, nghỉ hè dài đã được thực hiện từ trước đến nay, thành nếp quen. Nhưng không nên chỉ vì theo thói quen mà chúng ta không tính đến việc đổi mới, cải tiến sao cho có lợi hơn cho HS, hiệu quả hơn cho việc dạy và học.

* Vậy theo ông, để thay đổi một việc đã thành nền nếp, đi vào qui củ và cả xã hội đã quen có khó không?

- Sẽ là không khó khi chúng ta nghĩ đến quyền lợi của HS. Chúng tôi đặt ra vấn đề cần xem lại việc bố trí thời gian nghỉ hè là nhằm mục tiêu cho phù hợp với tâm sinh lý trẻ. Chúng tôi đã khảo sát một số địa bàn, có thể nói 100% GV, hiệu trưởng và HS tiểu học được hỏi ủng hộ dự định này với lý do HS được có thời gian nghỉ ngơi hợp lý sau mỗi chặng đường học tập.

Cũng phải nói thêm đó còn là một biện pháp để giảm bớt tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan trong mùa hè. Khi HS nghỉ hè liên tục trong một thời gian dài, phụ huynh vừa khó khăn về điều kiện chăm sóc, kèm cặp vừa có tâm lý muốn các em không sao nhãng việc học tập, sợ con em quên mất kiến thức sau thời gian nghỉ dài nên sẽ rất dễ hưởng ứng việc học thêm. Nếu điều chỉnh thời gian nghỉ hợp lý, tôi tin là sẽ góp phần hạn chế được cả tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan trong mùa hè. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của bộ trong qui định về dạy thêm học thêm sắp được ban hành.

* Như vậy, biên chế năm học của HS tiểu học sẽ thay đổi như thế nào?

- Biên chế năm học sẽ thay đổi theo hướng: ngày khai giảng giữ nguyên là ngày 5-9 cùng các bậc học khác. Nhưng ngày kết thúc năm học có thể muộn hơn, vào giữa tháng bảy thay vì cuối tháng năm như hiện nay.

* Nếu được hưởng ứng, dự kiến khi nào Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ xây dựng phương án cụ thể trình lãnh đạo bộ và xin ý kiến các địa phương, tổ chức một số hội thảo lấy ý kiến của cán bộ quản lý các cấp, GV và phụ huynh. Nếu được đồng thuận, chúng tôi sẽ thực hiện ngay từ năm học 2007-2008.

* Ông PHẠM VĂN PHIỆT (hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM): 

Sẽ đỡ căng thẳng cho thầy và trò

Giảm bớt thời gian nghỉ hè như vậy cũng hay nhưng cái chính là chúng ta phải làm thế nào cho hợp lý, hiệu quả. Sau khi thi học kỳ I, kết hợp với các ngày lễ dịp này, chúng ta có thể cho các em nghỉ ba tuần, xong học kỳ II lại cho các em nghỉ ba tuần. Sau những học kỳ căng thẳng, được nghỉ như vậy sẽ giúp các em lấy lại sức để học tiếp học kỳ tiếp theo thay vì nghỉ dồn vào dịp hè như trước đây. Hơn nữa, với chương trình học tập khá nặng hiện nay, làm như thế sẽ hợp lý hơn, đỡ căng thẳng hơn cho cả thầy và trò. 

Nếu có điều kiện, sau ba tuần nghỉ hè, các trường nên tổ chức cho các em một chuyến cắm trại. Đó là những chuyến đi chơi thật sự, có hướng dẫn của giáo viên, có các chương trình sinh hoạt, học tập sinh động và bổ ích. Việc đi chơi có tổ chức như vậy cũng rất hợp với tinh thần của Đoàn, định hướng các em học cái gì, chơi cái gì cho bổ ích và chắc chắn học sinh sẽ nhiệt tình tham gia; vừa chơi vừa học thay vì để các em có thời gian nghỉ quá nhiều, không ai quản lý sẽ rất dễ lêu lổng.

* Ông NGUYỄN NGỌC HẢI (phụ huynh HS lớp 2 Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM): Không nên rút ngắn thời gian nghỉ hè

Theo tôi, không nên giảm bớt thời gian nghỉ hè của HS tiểu học. Bởi ba tháng hè thời tiết nắng nóng, nếu ép các cháu đi học sẽ không mang lại hiệu quả cao. Vả lại, thời gian nghỉ hè là dịp để phụ huynh đưa con cái đi chơi chỗ này chỗ kia. Nếu thời gian nghỉ hè quá ngắn, phụ huynh sẽ rất khó khăn khi thực hiện điều này, nhất là khi muốn cho các cháu đi chơi xa. 

* Cô LÊ THANH TỊNH (giáo viên Trường tiểu học Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM): Giáo viên sẽ mệt mỏi

Hiện nay, trên thực tế giáo viên chúng tôi chỉ được nghỉ hè một tháng là trọn vẹn. Hai tháng còn lại chúng tôi đi học nâng cao nghiệp vụ, học bồi dưỡng phục vụ việc thay sách giáo khoa. Nếu vẫn phải đứng lớp trong dịp hè nữa thì sẽ rất mệt, không có thời gian nghỉ ngơi. 

* Bà PHAN THỊ HIỀN (phụ huynh HS Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM): Tôi sẽ gặp khó khăn

Mấy năm nay cứ đến mùa hè là tôi đưa con đi gửi dài hạn ở nhà bà ngoại (tỉnh Long An). Nếu rút ngắn thời gian nghỉ hè mà cho các cháu nghỉ rải rác trong năm học thì thật sự tôi không biết nhờ ai giữ con hộ. Bởi con nghỉ nhưng mẹ vẫn phải đi làm, mà nhà bà ngoại ở xa, không tiện gửi thường xuyên rồi lại đón về ngay được.

* KIỀU AN (Q.1, TP.HCM): Tôi đồng ý

Tôi đồng ý chủ trương rút ngắn thời gian nghỉ hè, dành thời gian đó cho các dịp lễ, tết. Việc cho các cháu được nghỉ khoảng hai tuần sau thời gian học khoảng ba tháng là cần thiết. Ở nhiều nước trên thế giới người ta cũng nghỉ xen kẽ như vậy. Nếu chúng ta cho học sinh nghỉ mỗi lần hai tuần giữa năm học thì thời gian nghỉ hè sẽ rút ngắn còn khoảng hai tháng. Với hai tháng cũng tạm đủ để học sinh thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp... và thầy cô có thời gian tu nghiệp. Như vậy là rất tốt. 

Nhưng nói rút ngắn thời gian nghỉ hè là để ngăn chặn nạn dạy thêm, học thêm thì tôi không đồng ý. Nạn dạy thêm, học thêm tràn lan không chỉ xuất hiện trong dịp hè mà trải dài suốt năm học. Nếu cần ngăn chặn thì phải làm ngay trong năm học. 

Còn nếu dạy thêm, học thêm tự nguyện, theo yêu cầu cần thiết thì đó là việc làm bình thường, không nên ngăn cấm. 

(Theo Tuổi Trẻ)

Ý kiến của bạn:


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,