Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những quy định cụ thể về yêu cầu tối thiểu của luận án, trong đó bắt buộc phải làm rõ những gì là đóng góp mới, kết quả mới của nghiên cứu sinh.
Theo lộ trình mà Bộ GD-ĐT đưa ra, đến năm 2010, 25% giảng viên của các trường ĐH Việt Nam sẽ có học vị tiến sĩ. Cùng yêu cầu về số lượng, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những quy định ngặt nghèo về đào tạo nhằm nâng cao chất lượng tiến sĩ, vốn bị đánh giá là rất yếu hiện nay...
Đào tạo tiến sĩ: Thấp từ đầu vào
Trừ một số cơ sở đào tạo ngành nông - lâm - thủy sản, đa số các cơ sở đào tạo sử dụng hết chỉ tiêu được giao.
Chính vì mức độ cạnh tranh trong thi tuyển thấp nên chất lượng tuyển chọn NCS không cao.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, các kỳ thi tuyển tiến sĩ, thạc sĩ còn nhiều trường hợp vi phạm quy chế. Năm 2006, ĐH Kinh tế Quốc dân có tới 61/2.000 thí sinh dự thi vi phạm quy chế; Học viện Tài chính Quốc gia năm 2006 có 47 trường hợp vi phạm quy chế, thậm chí ĐH Huế còn hiện tượng thi hộ.
Trong chấm thi cũng còn nhiều biểu hiện vi phạm như chấm không theo đáp án, nâng điểm bài thi vô nguyên tắc. Ví dụ trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH 2005 vào Viện Khoa học Nông nghiệp, bộ chấm thẩm định 17 bài thi Anh văn đã đạt yêu cầu của NCS thì chỉ có 2 bài đạt yêu cầu; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chấm phúc tra 199 bài thi thì có tới 124 bài được nâng điểm từ dưới trung bình lên trên trung bình....
Đóng cửa các cơ sở yếu kém
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khẳng định, trong xu thế hội nhập với khu vực và thế giới, Việt Nam phải đổi mới toàn diện đào tạo sau ĐH nói chung và tiến sĩ nói riêng vì đây chính là “máy cái” trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hoạch định chính sách cho mọi ngành.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, khẳng định năm 2007 là năm Bộ GD-ĐT coi việc chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành.
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo.
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, để được đào tạo tiến sĩ, các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu đủ mạnh với số lượng từ 10-15 người có học vị tiến sĩ trở lên, trong số này, có ít nhất 1/3 có học vị tiến sĩ khoa học, giáo sư, phó giáo sư.
Để mở chuyên ngành đào tạo tiến sĩ mới, các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu ít nhất 5 chuyên ngành, trong đó có ít nhất một phó giáo sư.
Bộ sẽ đề nghị Chính phủ xem xét và cho phép các cơ sở đủ năng lực tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ (nếu đạt loại tốt); tạm dừng việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở chưa đủ năng lực, có kế hoạch củng cố và phát triển các cơ sở này (đối với loại trung bình) và chấm dứt việc đào tạo của các cơ sở quá yếu kém, không đủ khả năng (loại yếu).
Thách thức lớn nhất: Đăng bài trên tạp chí quốc tế
Bà Trần Thị Hà cho biết, theo quy định mới về đào tạo tiến sĩ đang trình bộ trưởng, ngoài đề tài luận án và các chuyên đề tiến sĩ, các NCS phải học thêm các môn trang bị kiến thức cập nhật nâng cao.
Để được công nhận là tiến sĩ, các NCS cũng phải có ít nhất một bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài, một bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy định, điểm TOEFL quốc tế 500 hoặc tương đương.
Bên cạnh những quy định này, Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành những quy định cụ thể về yêu cầu tối thiểu của luận án, trong đó bắt buộc phải làm rõ những gì là đóng góp mới, kết quả mới của NCS. Luận án sau khi đã bảo vệ và trước khi cấp bằng phải được đưa lên website của cơ sở đào tạo và thư viện quốc gia để nhận được những đánh giá của đông đảo nhà khoa học...
Bà Trần Thị Hà khẳng định, với những luận án không đạt yêu cầu, tác giả sẽ không được cấp bằng, phải trở về bộ môn để làm lại luận án và bảo vệ lại. Các cơ sở có luận án tiến sĩ trong 2 lần thẩm định liên tiếp không được công nhận sẽ phải dừng tuyển sinh để củng cố; nếu ba lần không đạt sẽ bị đóng cửa...
(Theo Người lao động)