Ý tưởng "giảm thời gian nghỉ hè, tăng thời gian nghỉ tết" mà Bộ GD-ĐT dự kiến thực hiện với HS tiểu học nhận được sự hoan nghênh của nhiều giáo viên, phụ huynh.
* Ông Phạm Xuân Tiến (trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội): Ba tháng hè dễ quên kiến thức đã học
Hè (năm học 2005-2006), nhưng HS một trường THCS ở TP.HCM vẫn phải đi học. Trong ảnh: HS đang tranh thủ ăn sáng trước khi vào học |
Tôi rất ủng hộ chủ trương này. Trẻ con thì vô lo, thường “nói trước quên sau”. Ba tháng nghỉ hè là thời gian dài, dễ quên những kiến thức đã học lắm.
Tôi muốn đề xuất cụ thể hơn cho kế hoạch này của ngành. Khai giảng năm học vào ngày 5-9, trẻ học hết tháng mười thì nên được nghỉ hai tuần, học tiếp khoảng hơn hai tháng thì lại nghỉ tết hai tuần nữa...
Sự thay đổi này có thể làm nhiều bậc phụ huynh vất vả vì “tự nhiên” phải đổi nếp, lo lắng chuyện “ai trông con” những ngày nghỉ - nhưng đó không phải là cái lớn. Phải xác định rõ, cái lớn nhất, vấn đề quan trọng nhất là “chất lượng” đứa trẻ, giáo dục có những quyết sách phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý trẻ là một tín hiệu vô cùng đáng mừng.
* Bà Trần Thị Thảo (hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Minh): Chứng tỏ VN đang hội nhập
Ở HS tiểu học, ý thức chủ động học tập còn hạn chế, nên nếu để các em nghỉ hè quá dài thì sự “vận hành” lại sau hè là cả một vấn đề đối với cả thầy và trò. Chưa kể có một thực tế là nghỉ hè dài, các bậc phụ huynh hay sốt ruột, chỉ cho con cái nghỉ "vừa phải" là lại tìm ngay lớp học thêm cho con.
Tôi được biết các nước tiên tiến đã áp dụng phương thức “tăng - giảm” và điều phối này từ lâu rồi. Bây giờ chúng ta mới “chủ trương” thật ra cũng là muộn. VN đã gia nhập WTO thì giáo dục cũng nên đưa ra những qui định theo chuẩn chung của thế giới. Ba tháng nghỉ hè là quá dài, nếu rút ngắn lại còn hai tháng là chúng ta được thêm một tháng cho nghỉ rét, nghỉ tết như nhiều nước trên thế giới rồi.
* Bà Hoàng Anh Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 3B Trường tiểu học Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Đây là chủ trương hợp lý
Giảm thời gian nghỉ hè, tôi nghĩ nhu cầu học thêm - dạy thêm sẽ không còn “bức xúc” nữa, các trường cũng quản lý giáo viên của mình tốt hơn vì các thầy cô phải hạn chế dạy thêm bên ngoài.
Giáo viên tiểu học chúng tôi có thể sẽ vất vả hơn trước đây, khi các tháng năm, sáu, bảy nắng nóng đỉnh điểm vẫn phải đứng lớp. Nhưng nghĩ rộng ra cho xã hội thì chủ trương này là tốt hơn rất nhiều cho trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi HS tiểu học.
* ThS Lê Thị Ngọc Điệp (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM): Rất phù hợp
Việc giảm thời gian nghỉ hè và tăng thời gian nghỉ trong năm học cho HS tiểu học là rất phù hợp. Bởi đối với HS nhỏ tuổi, cho các em nghỉ một mạch ba tháng dễ làm HS quên kiến thức, uể oải khi bước vào năm học mới. Chuyện nghỉ tết hiện nay cũng vậy, một tuần hình như chưa đủ đối với HS và cả giáo viên. Một số em phải mất mấy ngày sau tết mới lấy lại tinh thần học tập bình thường. Tôi nghĩ nếu bậc tiểu học được nghỉ tết hai tuần thì mọi thứ sẽ giải quyết ổn thỏa.
Hiện nay, sau khi kiểm tra học kỳ 1, giáo viên tiểu học có một tuần “cơ động” vừa phải chấm bài vừa phải quản HS (HS vẫn đi học bình thường nhưng không học bài mới mà chỉ ôn bài, làm bài tập) - khá vất vả. Nếu thời điểm này giáo viên và HS được nghỉ hẳn một tuần thì HS sẽ rất thích thú, giáo viên cũng rảnh rang hơn, có thời gian tập trung làm điểm và làm hồ sơ sổ sách.
* ThS Nguyễn Việt Bắc (phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM): Nên có phương án thực hiện
Từ ý tưởng đúng đắn trên của Bộ GD-ĐT, tôi nghĩ bộ nên xây dựng một phương án thực hiện thật cụ thể. Trong đó, nên chú ý đến yếu tố quan trọng hàng đầu là: phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS tiểu học. Ngoài ra, bộ cũng nên quan tâm đến những yếu tố như: sắp xếp thời gian nghỉ sao cho phù hợp với đặc thù lao động của giáo viên tiểu học; bảo đảm quyền lợi học tập, bồi dưỡng của giáo viên (hiện nay việc học bồi dưỡng dồn hết vào mùa hè gây áp lực lớn cho giáo viên); có sự cân đối nhất định giữa các vùng, miền của nước ta và tham khảo thêm kinh nghiệm các nước trong khu vực Đông Nam Á...
********************************
Kỳ nghỉ của học sinh các nước
* Nhật: Năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng tư và có ba học kỳ. HS đến trường từ tháng tư đến tháng bảy cho học kỳ đầu tiên, từ tháng chín đến tháng mười hai cho học kỳ hai và cuối cùng là từ tháng một đến tháng ba. Kết thúc mỗi học kỳ, các em được nghỉ khoảng hai tuần.
* Anh: Học sinh Anh được nghỉ học khoảng sáu lần trong năm học và thời gian nghỉ mỗi lần cũng ngắn hơn. Ở mỗi học kỳ mùa thu, mùa xuân và mùa hè, HS được nghỉ giữa học kỳ 3-4 ngày; ngoài ra, các em còn được nghỉ các dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh, năm mới và đương nhiên là nghỉ hè. Đây là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, nhưng chỉ kéo dài khoảng một tháng.
* Indonesia: Các trường học ở Indonesia cũng tổ chức năm học thành hai học kỳ như VN, nhưng thời gian bắt đầu và các kỳ nghỉ hơi khác. HS tiểu học và trung học được nghỉ ba lần trong năm: giữa học kỳ một nghỉ hai tuần, giữa học kỳ hai nghỉ hai tuần và vào dịp Tết Hồi giáo các em được nghỉ học thêm hai tuần nữa. Không giống như ở Malaysia, các trường chỉ được nghỉ 1-2 ngày cho các dịp lễ phương Tây như năm mới và Noel.
* Trung Quốc: HS Trung Quốc được nghỉ hè một tháng rưỡi (từ 20-7 đến đầu tháng 9 thì các em đi học lại). Các trường còn cho HS nghỉ đông một tháng, từ cuối tháng một đến cuối tháng hai hằng năm. Ngoài ra, các em còn được nghỉ học vào các ngày lễ như quốc tế lao động và quốc khánh, mỗi kỳ được nghỉ bảy ngày.
(Theo Tuổi Trẻ)
******************
Ý kiến của bạn:
nguyen thu thu
138 Giang Vo Ha Noi
planvimehanoi@gmail.com
Theo tôi, năm học của học sinh tiểu học nên có 2 kỳ nghỉ : Nghỉ đông và nghỉ hè. Năm học khai giảng vào 15/ 8, học kỳ I kéo dài 4 tháng, đến khoảng 20/12 các cháu được nghỉ đông 2 tháng (hoặc tháng rưỡi nếu nghỉ từ 1/1), trong 2 tháng này đã bao gồm cả nghỉ học kỳ, lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết nguyên đán, (nếu nghỉ tháng rưỡi thì không có lễ Noel) thay cho các kỳ nghỉ lặt vặt hàng năm và những ngày giữa 2 học kỳ trước đây các cháu vẫn phải đến trường nhưng không học bài mới (như ý kiến của Ths Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1 TP HCM).
Học kỳ II tiếp tục từ 20/2 và kết thúc vào khoảng 15/6. Như vậy, 2 khoảng thời gian có thời tiết khắc nghiệt nhất, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ đều rơi vào kỳ nghỉ của các cháu, phụ huynh và nhà trường không phi thắc thỏm chờ nghe dự báo thời tiết của đài và TV để quyết định có cho trẻ đến trường hay không. Tổng thời gian các cháu được nghỉ trong 1 năm học vẫn là 4 tháng (hoặc 3 tháng rưỡi), bằng tổng các kỳ nghỉ trước đây. Hai học kỳ có thời lượng hợp lý, các cháu có thể tập trung vào học liền mạch, không bị gián đoạn bởi những kỳ nghỉ lặt vặt.
Nhưng có một vấn đề hết sức quan trọng, đó là Bộ GD-ĐT cần có những thay đổi cơ bản về chương trình giáo dục, vừa phù hợp về lượng kiến thức, vừa tiên tiến về chất, tạo được cho trẻ phương pháp tư duy sáng tạo, độc lập, tránh kiểu học thụ động, tiếp thu kiến thức cồng kềnh và một chiều như hiện nay.
Hoàng Minh Trang
Giảng Võ
samunbi@yahoo.com
Tôi cho rằng kỳ nghỉ hè rút ngắn lại là hợp lý. Nhưng thay vì theo suy nghĩ là học đến tháng 7 rồi mới cho nghỉ hè thì có thể cho nghỉ hè từ cuối tháng 6 và đi học lại vào cuối tháng 8. Như vậy cũng đỡ được nhiều cái nóng của tháng 7 và tháng 8. Kỳ nghỉ đông cũng nên có vì học 1 mạch liên tục trong suốt năm học cũng gây cho các cháu sự căng thẳng. Bình thường so với công chức thì vào các ngày lễ các cháu được nghir ít hơn. Rất nhiều lần tôi thấy rằng vào ngày nghỉ bố mẹ ở nhà còn con vẫn phải đi học, giờ nếu có thể tăng thời gian nghỉ vào ngày lễ thì tâm lý các cháu cũng thoải mái hơn, mà gia đình cũng có được thời gian nghỉ ngơi cùng nhau thực sự, có thể đi những chuyến du lịch ngắn ngày.
kim nga
an phú /quận 2
hieunga2212@yahoo.com.vn
Tôi đã hỏi ý kiến 2 cháu con tôi hiện đang là HS cấp 2 , các cháu rất tán thành việc giảm thời gian nghỉ hè, nhưng thời gian còn lại phải rải đều trong những dịp như : tế âm lịch, và trước mỗi đợt thi học kỳ, để các cháu nghỉ ngơi có thời gian ôn thi, tôi thấy lễ noel và tết dương lịch năm nào các cháu cũng phải gấp rút học thi mà không có thời gian đi chơi vào những dịp đó, trong khi mọi người , mọi nhà náo nức ăn mừng,thì tội nghiệp cho các cháu ,như con 2 con của tôi ,mẹ kêu đi chơi thì cháu nói phải bận học thi , mặc dù cháu rất muốn đi ,do vậy chúng tôi mong BGDĐT nên hỏi ý kiến học sinh xem các cháu muốn gì, vì chính các cháu mới là người trong cuộc.
Đặng Đức Thành, Cẩm Giàng, Hải Dương, hmsthanh@yahoo.com.vn
Theo tôi, Bộ GD-ĐT không nên lấy việc thay đổi thời gian nghỉ hè của học sinh tiểu học để làm thành tích "đổi mới giáo dục". Việc tham gia các hoạt động vui chơi hay học thêm của học sinh tiểu học trong các dịp nghỉ đều do các tổ chức (Trung tâm, Câu lạc bộ...) hay phụ huynh thực hiện. Tăng thêm thời gian cho các kỳ nghỉ trong năm học chỉ làm rối loạn kế hoạch hoạt động của hàng loạt các tổ chức, kế hoạch làm việc của các phụ huynh. Như vậy, kỳ nghỉ hè của học sinh sẽ không có hiệu quả. Hơn nữa, Bộ GD-ĐTT cũng đừng nên coi đó là biện pháp giảm tải cho học sinh. Việc giảm tải cần phải tập trung vào các biện pháp khác như giảm học trên lớp, tăng cường hoạt động ngoại khoá, hoạt động giao lưu…
Nguyễn Ngọc Tuấn, Hà Nội, ngoctu411@yahoo.com.vn
Tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương chia thời gian nghỉ của học sinh tiểu học và thậm chí trung học cơ sở thành nhiều kỳ trong năm. Làm như thế sẽ đảm bảo thời gian học cho các cháu phù hợp với lứa tuổi.
Có ý kiến cho rằng mùa hè các cháu học sẽ vất vả vì nắng nóng, tuy nhiên, có thể bố trí số tiết học trong ngày trong mùa hè giảm đi, tăng thời gian chơi tại trường của các cháu.
Hiện nay, tại các nước phát triển, thời gian nghỉ của học sinh tiểu học cũng không hoàn toàn tập trung vào mùa hè và các bậc cha mẹ còn có áp lực công việc lớn h 417;n phụ huynh Việt Nam, song cần đặt lợi ích của các cháu lên trên hết. Trong thời gian này, nếu ở thành phố, các trường học có thể tổ chức hoạt động ngoại khoá, các cung thiếu nhi có thể mở cửa để các cháu đến vui chơi bán trú cả ngày.
Tôi thông cảm nghề giáo là một nghề nghiệp đặc biệt nên cần được nghỉ ngơi để phục hồi sức lao động nhưng nếu quyết định không giảm thời gian nghỉ hè, tăng nghỉ tết chỉ vì sẽ giảm thời gian nghỉ của các cô thì tôi không đồng ý. Các ngành nghề khác đều phải làm việc ít nhất 40h/tuần/năm và thời gian nghỉ phép cũng chỉ khoảng 15 ngày/năm. Chia thời gian các cháu nghỉ rải rác trong năm thì các cô cũng sẽ được nghỉ vào thời gian này, do đó, không nhất thiết phải dồn toàn bộ thời gian nghỉ vào dịp hè.
Hơn nữa, nếu nghỉ hè 3 tháng không đi học thêm thì các cháu lứa tuổi tiểu học dễ quên nên gần như 100% phụ huynh cho các cháu đi học thêm lại từ cuối tháng 6, như vậy, thực chất các cháu cũng không được nghỉ 3 tháng hè trọn vẹn. Tôi thiết nghĩ mô hình nghỉ rải rác trong năm đã được nhiều nước áp dụng và thể hiện có hiệu quả, giảm tải rõ ràng cho các cháu và nên được áp dụng ở Việt Nam càng sớm càng tốt.
Pham Thao, Yên Bái, Phamthaovptu@yahoo.com.vn
Tôi đồng ý với chủ trương giảm thời gian nghỉ hè, phân phối bớt thời gian nghỉ hè vào thời gian nghỉ tết hoặc nghỉ đông (áp dụng cho từng vùng, địa phương). Mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc rất lạnh, nếu học sinh tiểu học được nghỉ thì sẽ đảm bảo sức khoẻ cho các cháu. Còn mùa hè, các cháu được nghỉ tới 3 tháng, một khoảng thời gian quá dài, các cháu dễ quên những kiến thức của năm học trước mà ở nhiều tỉnh còn khó khăn không phải phụ huynh nào cũng cho con mình đi học thêm được.
Bùi Hồng Hoa, Ba Đình, Hà Nội, hoagiangvo@yahoo.com
Tôi thấy phân vân với chủ trương này. Vợ chồng tôi là công chức nhà nước chỉ được nghỉ những ngày lễ, Tết, nếu các con tôi nghỉ thời gian phân chia như vậy thì ai sẽ là trông các con tôi trong những lúc chúng tôi đi làm?
Rút ngắn thời gian nghỉ hè cũng là việc cần bàn. Những ngày này, khí hậu rất nóng bức, lớp học của các cháu rất đông, quạt không đủ cho 45 cháu/lớp cảm thấy mát mẻ để tiếp thu bài được. Tôi nghĩ, nếu giảm thời gian nghỉ hè thì phải đầu tư cơ sở vật chất cho các lớp như mỗi lớp phải có điều hoà phục vụ.
Phạm Vũ Long, 34 Tuệ Tĩnh, Hà Nội, vulongtbtc@yahoo.com
Tôi cũng đồng ý với một số ý kiến nên cho chia kỳ nghỉ.
Thứ nhất, việc nghỉ hè 3 tháng là quá dài dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý; tâm lý lười học, bắt nhịp chậm khi vào năm mới. Thực tế, trước năm học mới, bao giờ học sinh cũng phải đến trường trước khoảng hơn một tháng để "khởi động lại".
Thứ hai, chia các kỳ nghỉ trong năm cũng sẽ tạo cho học sinh có điều kiện nghỉ ngơi một cách thực chất. Học sinh kéo dài những ngày học quá căng thẳng, chỉ được nghỉ vài ba ngày không giúp giảm tình trạng căng thẳng, nhất là đối với học sinh tiểu học. Mặt khác, có một thực tế là sau kỳ thi học kỳ, còn một khoảng thời gian khá dài trước khi đến Tết nguyên đán. Nhiều học sinh, thầy cô giáo có tâm lý "thi xong" nên thường xả hơi, buông lỏng việc dạy và học sau một kỳ thi căng thẳng. Việc học tập lúc này thường chểnh mảng. Bởi vậy, nếu kỳ nghỉ bắt đầu sớm hơn, kéo dài hơn, ngoài việc giảm căng thẳng cho học sinh còn chấm dứt tâm trạng này.
Tuy nhiên, việc kéo dài năm học đến tận tháng 7 là không nên vì đây là dịp các gia đ́nh đưa con đi du lịch nghỉ hè. Theo ý kiến cá nhân tôi, nên có kỳ nghỉ hè bắt đầu như thường lệ (1/6), tuy nhiên, sau khoảng hơn một tháng, lại bắt đầu học nốt chương trình của năm học, với thời lượng và khối lượng nhẹ, có tính chất như việc "khởi động lại", sau đó có một kỳ nghỉ vài ngày trước thềm năm học mới.
Có cô giáo cho rằng, nghỉ hè thế là quá ít đối với các thầy cô. Chúng tôi lại không cho là như vậy. Đành rằng nghề giáo vất vả và đặc thù, song đó cũng là một nghề như những nghề khác trong xã hội. Mọi người lao động làm việc cả năm, chỉ có vài ngày nghỉ lễ, Tết và nghỉ phép. Họ cũng phải trau dồi kiến thức, tranh thủ học thêm để tích lũy kíến thức và bồi bổ chuyên môn, nghiệp vụ. Nghề giáo cũng phải giống như những nghề khác mà thôi. Có nghề nào trong xã hội lại không quan trọng?
Tôi cho rằng chủ trương này phù hợp với tâm sinh lý trẻ và mong muốn chính đáng của trẻ. Từ nhiều năm nay, học sinh tiểu học phải học liền một lúc 9 tháng với 4 kỳ kiểm tra chính thức và các kỳ thi phong trào, chưa kể học thêm ngoài giờ… nên các em rất căng thẳng và mệt mỏi. Sau đó đến nghỉ hè lại nghỉ rất nhiều trong 3 tháng liền, học sinh sẽ quên kiến thức đã học, nhất là học sinh lớp 1.
Đinh Thuỳ Dung
33 B9, tập thể Đại học Sư phạm
danlamvtv2@yahoo.com
Tôi có 2 cháu trai, cháu lớn đang học lớp 1. Từ ngày cháu lớn đến trường (1/8) đến nay hơn 4 tháng, đáng nhẽ giờ được nghỉ ngơi, thư giãn của gia đình lại là giờ tôi cảm thấy vất vả và mệt mỏi nhất, đó là khoảng thời gian từ 19h – 22h. Tôi và cháu đánh vật rất vất vả với những núi bài tập khổng lồ mà nhà trường giao cho cháu về nhà với danh nghĩa là “dặn dò” chuẩn bị cho bài hôm sau. Con trai tôi là một cậu bé vô cùng hiếu động, nhưng tiếp thu tương đối tốt. Chỉ trong vòng 4 tháng từ ngày bắt đầu đi học (tôi không cho cháu học trước bất cứ cái gì) đến nay cháu đã biết đọc nhẩm thành thạo, tiếng Việt đặt câu tương đối hoàn chỉ, toán đã làm được các bài toán khó rất nhanh nếu không phải viết trình bày như cô giáo dạy ở lớp, còn vấn đề tập viết chữ cháu xấu kinh khủng. Con trai tôi học tại một trường điểm của thành phố, trường điểm của quận, lớp cháu là lớp điểm của trường, nên sĩ số học sinh trong lớp 1 trường tiểu học lên đến con số không tưởng : 55 học sinh. Tôi thử hỏi với chính bản thân mình rằng, liệu trong 1 ngày làm việc hiệu qủa của một cô giáo dạy giỏi cấp thành phố có thể kiểm tra đọc, kiểm tra cách viết chữ đúng cho 55 học sinh được hay không? Hay cô chỉ có thể kiểm tra tương đối 2/3 số học sinh của mình đã là một khối công việc quá ảai rồi. Vậy 1/3 số học sinh còn lại sẽ học như thế nào? Và rất có thể, số học sinh này lên đến lớp 6 vẫn không biết đọc, biết viết như các phương tiện truyền thông mới đăng tin gần đây. Nên việc học ở nhà với bố mẹ và học thêm ngày đêm là đương nhiên. Trẻ nhỏ mới thoát khỏi trường mầm non đã phải lao động 8 tiếng ở trường thêm 3 tiếng buổi tối như hiện nay là điều thật bất cập.
Ý kiến của bạn: