221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
891280
Triết lý giáo dục có từ bao giờ?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Triết lý giáo dục có từ bao giờ?
,

(VietNamNet) - Không phải từ xưa đến nay, chúng ta không có “triết lý giáo dục”, mà ở mỗi thời đại, đã có một “triết lý giáo dục” phù hợp. Nếu không xác định được “triết lý giáo dục” phù hợp với thời đại thì không thể tiến lên được. Nhưng vội vã đề xướng một “triết lý giáo dục” một cách chủ quan, sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn trong lãnh đạo giáo dục, gây tổn thất cho nhiều thế hệ thanh niên phải tiếp nhận.

PGS Đặng Đức An thận trọng khi gửi bài viết tới VietNamNet tham gia chủ đề "Giáo dục: Cần một triết lý". Dưới đây là bài viết của ông. 

Mỗi thời đại, một triết lý 

“Triết lý giáo dục” hiểu theo nghĩa hẹp là lý luận triết học về giáo dục, một môn học nghiên cứu những quy luật chung nhất của giáo dục, hay nói cách khác là một môn học nêu ra chủ trương tổng quát và có hệ thống về lý luận triết học giáo dục.  

Khái niệm “triết lý giáo dục” cần phải hiểu theo nghĩa rộng, đó là quan điểm, chủ trương, phương hướng giáo dục phù hợp với thực tế tình trạng kinh tế, chế độ chính trị, đời sống xã hội và trình độ văn hoá của thời đại đó. 

Từ thời cộng sản nguyên thuỷ, người nguyên thuỷ không có nhận thức gì về “triết lý giáo dục” cả, nhưng những hoạt động giáo dục của họ đã mang ý nghĩa của “triết lý giáo dục” hiểu theo nghĩa rộng. Người nguyên thuỷ đã dạy cho con cháu họ cách chế tạo những công cụ và vũ khí, cách làm ra lửa, cách đi săn... Những người phụ nữ nguyên thuỷ dạy cho con gái họ đi hái lượm hoa quả, đào bới rễ củ, nấu thức ăn, may vá quần áo, chăm sóc con cái... Như thế chẳng phải là phương thức giáo dục của họ phù hợp với thực tế thời đại hay sao? 

Người Hy Lạp cổ đại không phải đợi đến khi Plato, Aristotle đề xướng “triết lý giáo dục”, rồi họ mới có phương pháp giáo dục con cái của họ, mà người Sparta đã có cách giáo dục của người Sparta, người Athens có cách giáo dục của người Athens... Plato, Aristotle chẳng qua là tổng kết phương pháp giáo dục của người Hy Lạp, chủ yếu là của Athens, mà nâng lên thành “triết lý giáo dục”.

Đến thời Trung đại, “triết lý giáo dục” phù hợp với chế độ phong kiến là phương thức giáo dục của giáo hội Thiên chúa giáo (với chủ nghĩa kinh viện giáo điều).  

Khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời, muốn có một nền văn hoá giáo dục phục vụ chế độ tư bản chủ nghĩa thì giai cấp tư sản phải đả phá “triết lý giáo dục” phong kiến giáo hội và xây dựng nên một “triết lý giáo dục” mới. 

“Triết lý giáo dục” đó lấy chủ nghĩa thực dụng làm phương châm chỉ đạo. “Thực học và thực nghiệp” cũng là thể hiện chủ nghĩa thực dụng trong học tập và tác nghiệp của tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa thực dụng đó phù hợp với nền kinh tế thị trường, “cá lớn nuốt cá bé”, “kẻ mạnh là kẻ có nhiều tiền”. Có một thời gian, chúng ta đã phê phán kịch liệt chủ nghĩa thực dụng tư bản chủ nghĩa đó và đến ngày nay, chúng ta cũng vẫn không thể chấp nhận được cái chủ nghĩa thực dụng đó. 

Đối với các nước phương Đông, trong thời cổ đại và phong kiến, có phương thức giáo dục của Ấn Độ (đạo Bà La Môn và đạo Phật), phương thức giáo dục của Trung Quốc (với Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo), phương thức giáo dục của các nước Ả rập Hồi giáo... Có thể coi đó là “triết lý giáo dục” của các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Ả rập Hồi giáo? 

Việt Nam 

Thời phong kiến, VN tiếp thu phương thức giáo dục của Trung Quốc (cũng theo Tam giáo, nhưng Nho giáo được đề cao hơn Phật giáo và Đạo giáo). Nền giáo dục đó đã đào tạo nên một tầng lớp trí thức quan lại phục vụ xã hội phong kiến đó. Tuy nhiên, nền giáo dục đó chỉ phù hợp với xã hội phong kiến, lấy kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc làm cơ sở.  

Thực dân Pháp sang thống trị, đã cải biến nền kinh tế phong kiến thành nền kinh tế thuộc địa, nửa phong kiến. 

Những cuộc cải cách giáo dục của thực dân ban đầu bị tầng lớp sĩ phu Nho giáo kịch liệt phản đối. Nhưng sau đó, một số sĩ phu tiến bộ đã nhận thấy muốn khôi phục lại nền độc lập dân tộc thì phải mở mang dân trí, do đó các phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục, Văn hoá mới, Truyền bá chữ quốc ngữ... đã diễn ra ngày càng sôi nổi. Đi liền với phong trào mở mang dân trí là phong trào chấn hưng công nghệ dân tộc.  

Sau khi nước nhà giành được độc lập, chúng ta đã có một nền giáo dục dân chủ nhân dân (với phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”). 

Nền giáo dục đó đã cung cấp một đội ngũ thầy giáo xuất sắc như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu, Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng,... và một đội ngũ trí thức trẻ được đào tạo từ các trường ĐH Y Dược, Sư phạm cao cấp... đã đóng góp một nguồn nhân lực quan trọng có trình độ văn hoá cho công cuộc kháng chiến kiến quốc lúc bấy giờ.  

Sau năm 1954, một số lượng khá đông trí thức được đào tạo từ Liên Xô và các nước XHCN (Trung Quốc và Đông Âu) trở về nước, đã mang theo mô hình giáo dục XHCN về áp dụng ở nước ta. Nền giáo dục XHCN hay “triết lý giáo dục” XHCN đó đã cung cấp một đội ngũ trí thức đông đảo đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.  

Bước vào thời kỳ “đổi mới”, nền giáo dục của chúng ta đã không theo kịp thời đại.  

Vì thế, nhiều SV tốt nghiệp ra trường đã không kiếm được việc làm, vì không đáp ứng được tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường.  

Cho nên phải xây dựng một “triết lý giáo dục” mới, không còn là “triết lý giáo dục” xã hội chủ nghĩa nữa, nhưng cũng không thể quay lại áp dụng “triết lý giáo dục” tư bản chủ nghĩa một cách máy móc. Triết lý này để cho SV hội nhập được với thế giới, đáp ứng được với kinh tế thị trường, nhưng lại giữ được định hướng XHCN.

  • PGS Đặng Đức An (nguyên giảng viên cao cấp, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) 

Tháng 10/2007, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị "triết lý giáo dục". Quý độc giả có đóng góp ý tưởng gì cho nôi dung này, thư xin gửi về: lthanh@vasc.com.vn hoặc theo mẫu dưới đây:


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,