221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
892918
Tuyển sinh ĐH kiểu mới: Những câu hỏi bỏ ngỏ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Tuyển sinh ĐH kiểu mới: Những câu hỏi bỏ ngỏ
,

Sau khi thông tin về dự kiến tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ, VietNamNet nhận được nhiều thư độc giả, chia sẻ, bày tỏ thắc mắc về một số điều cần làm rõ để chủ trương này sớm đi vào thực tiễn.

Thí sinh thi ĐH ngày 4/7/2006. Ảnh: LAD

Bộ GD-ĐT hiện đang ráo riết xây dựng giải pháp cụ thể cho chủ trương đổi mới thi cử áp dụng cho những năm sau 2007.

Theo chủ trương này, sẽ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc; trường ĐH, CĐ và TCCN căn cứ kết quả đó, chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D...) sang việc xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một nhóm môn thi cần cho từng ngành đào tạo.

Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khi trả lời phỏng vấn báo chí, chủ trương này đã có trong đề án cải tiến tuyển sinh từ năm 2002. Trong đề án đổi mới cơ bản và toàn diện GD ĐH Việt Nam, Thủ tướng đã có Nghị quyết về vấn đề này. Đăng đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định từ năm 2008 sẽ có thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau trung học.

Đầu năm 2007, tại phiên họp hội nghị tuyển sinh thường niên, vấn đề này đã được đặt ra. Đến ngày 26/1, một hội thảo được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế với nội dung "tìm giải pháp tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, TCCN" với sự tham gia của các lãnh đạo Sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ khu vực miền Trung.

"Đổi mới thực sự hay "cải lùi"? Điều nào đáng lo ngại nhất khi thực hiện chủ trương này? Liệu có rơi vào tình trạng "lý thuyết hay ho nhưng thực tế thiếu khả thi"? Mặc dù lãnh đạo ngành giáo dục khẳng định tinh thần đổi mới này đã xuất hiện ở các văn bản nhà nước, nhiều người đọc, đặc biệt là phụ huynh, học sinh - đối tượng thụ hưởng chính sách - đều tỏ ra lo lắng khi cho rằng, nếu thực hiện ngay sẽ cập rập.

Dưới đây, VietNamNet ghi nhận những ý kiến ban đầu từ email của bạn đọc gửi về trong ngày hôm nay, 29/1, sau khi đăng tải các bài viết: Bỏ tuyển sinh ĐH theo khối Thi ĐH- Chuyển "ba chung" thành "hai chung"

Chấp nhận đổi mới

Hoàng Phương Thảo
 Hà Nội
 thaohp_06@yahoo.cọm.vn


Tôi thấy nhiều ý kiến không ủng hộ chủ trương gộp hai kỳ thi làm một. Những lý do đưa ra là: Sẽ phát sinh tiêu cực lớn trong kỳ thi; gây thiệt thòi cho con em nhà nghèo, vùng khó khăn, những HS không vào ĐH năm đầu sẽ mất quyền vào ĐH…

Tôi xin mạn phép nêu ý kiến như sau:

Thứ nhất, tiêu cực trong thi cử, chênh lệch vùng miền về kinh tế văn hoá là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta đã, đang và sẽ cải thiện tình hình này bằng các chính sách điều tiết của Nhà nước. Nhà nước lập các ĐH vùng núi, vùng đảo để tiếp nhận con em khó khăn của vùng sâu vùng xa và chu cấp đào tạo họ phục vụ nhiệm vụ sau này của địa phương.

Thứ hai, những thí sinh không được trúng tuyển năm đầu hoàn toàn có thể đăng ký dự tuyển vào các trường ĐH vào các năm sau cho đến khi nào họ muốn vì họ đã tốt nghiệp THPT và có điểm thi của kỳ thi này. Nếu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, bạn có điểm thi trung bình là 7 thì các bạn khác thi năm 2008 có điểm thi là 7 cũng không khác gì bạn. Hai bạn này đều có thể nộp đơn dự tuyển tại bất kỳ trường ĐH nào bạn muốn nếu đủ điều kiện của trường đó. Tôi tin rằng trường nào cũng sẽ kiểm tra về năng khiếu hay sự phù hợp của bạn với ngành mà bạn chọn. Bạn có thể vào học ĐH ngay cả khi bạn đã 40 tuổi chứ không ai cấm bạn.

Chúng ta làm theo cách gộp hai kỳ thi lại, tôi thấy có nhiều lợi ích lớn: Hợp với xu hướng thế giới; Từng bước xoá bỏ tư tưởng trọng thầy hơn thợ và cân đối nguồn nhân lục cho đất nước; Tăng cường chất lượng đào tạo bậc phổ thông vì kiến thức của bậc đào tạo này làm nền tảng cho bước chân vào đời của mọi con người dù bạn là thợ là nông dân hay là chuyên gia; Tăng cường tính tự chủ của trường ĐH, từ đó tạo ra sự phân hoá đẳng cấp của các trường ĐH và chúng ta mới có thể có nguồn nhân lực cấp cao; Tiết kiệm kinh phí cho toàn xã hội; Tiến tới việc xây dựng XH học tập.

Nguyễn Văn Hà
Lớp Quản lý Đất K37A, ĐH Nông Lâm Huế
nguyenvanhaqt85@yahoo.com

Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ chủ trương gộp hai kỳ thi làm một của Bộ GD-ĐT. Mục đích đã rõ ràng, chúng ta cần phải tiến hành thực hiện ngay và phải thực hiện thật triệt để. Điều chúng ta lo lắng nhất không phải là bây giờ chúng ta mới bắt đầu làm mà vấn đề là ở chỗ chúng ta có thực sự quyết tâm thay đổi để thực hiện điều đó hay không?

Tất nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh vấn đề này nhưng chúng ta cũng cần phải thấy một điều khá rõ ràng rằng xu thế phát triển là phải thay đổi, chúng ta không thể cứ mãi trung thành với cơ chế giáo dục cũ. Chúng ta muốn thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thì cần phải đổi mới từ giáo dục, cần phải thay đổi thực sự nền giáo dục nước nhà – một nền giáo dục từ trước tới nay đã thể hiện và tiềm ẩn quá nhiều tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại là khi chủ trương này đi vào thực tế thì cần phải có những cơ chế quản lý, kỷ luật thật mạnh tay mới có thể đảm bảo thành công. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, học hỏi thêm những kinh nghiệm của nước ngoài.

Lê Văn Nam
Khu tập thể ĐHQG Hà Nội
 lvnam111@fpt.vn

PGS Đào Công Tiến nói đúng. Theo tôi, đất nước chúng ta hình như đang hành động theo nếp đã có, mà không nghĩ rằng "cái tốt hôm nay có thể là lạc hậu của ngày mai". Vậy nên đặt vấn đề lại là tại sao chúng ta cứ phải thi theo khối A, B, C, D và khác nhau cơ bản giữa thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ là ở chỗ nào? Tại sao chúng ta cứ tự làm khổ mình mãi thế, chính chúng ta tự làm cho việc học thêm dạy thêm tràn lan.

Tôi thống nhất quan điểm là:

1. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt.

2. Các trường ĐH, CĐ, trung cấp có thể chọn từ số học sinh tốt nghiệp đó là đủ.

3. Tiêu chí để chọn phụ thuộc vào 4 yếu tố: Điểm 3 năm học ở THPT; Điểm thi tốt nghiệp THPT; Điểm các môn thi tốt nghiệp THPT theo đặc thù ngành của ĐH, CĐ, trung cấp cần tuyển (ví dụ muốn học Công nghệ Thông tin ở bậc đại học thì ưu tiên điểm Toán cao trước rồi mới đến điểm văn...); Điểm hạnh kiểm.

Lê Anh Đức
Thái Hà, Hà Nội
 anhchangcodon_688@yahoo.com

Là một sinh viên, tôi thấy thi “hai chung” là việc nên tiến hành bởi vì phương pháp này sẽ giúp giảm được chi phí thi cử và giúp các em học sinh giảm được áp lực vì chỉ phải thi một lần. Việc áp dụng thi trắc nghiệm sẽ làm giảm tiêu cực trong thi cử cũng như có thể đánh giá đúng sức học của học sinh, từ đó có thể đổi mới phương pháp dạy và học đạt để đạt kết quả cao. Tuy nhiên, Bộ GD-DT cũng cần có phương án để giúp cho những học sinh thi trượt ĐH năm 2006, 2007 có thể tiếp tục dự thi ĐH vào năm sau.  

Lo lắng nhất: Tiêu cực tràn lan!

 Hà Văn Đức
duchavan@hcm.vnn.vn

Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương chung vì đó là hình thức tiến bộ. Điều đáng ngại ở đây là: chúng ta chỉ mới bắt đầu "nói không với tiêu cực trong thi cử", tất cả chưa đủ mạnh để "làm sạch" những vấn đề trong giáo dục. Chúng ta chưa có đủ "nhân lực" để làm được tốt hình thức thi như thế.

Các nước tiên tiến có đủ phương tiện để quản lý, điều hành, chúng ta chỉ việc thi đại học cũng còn rối rắm. Nếu thi đại trà thì không tránh khỏi tiêu cực vốn chưa "chết" lại "phục sinh" và phát triển. Hệ thống điều hành các trường thi, đội ngũ giám thị, công an bảo vệ đều có vấn đề, chưa nói đến hệ thống đề thi năm nào cũng trục trặc. Bộ GD-ĐT đã tính hết chưa? Liệu Bộ có giải quyết được hết vấn đề có thể xảy ra không? Nếu không thì xin Bộ GD-ĐT hãy từ từ. Cái khó của giáo dục cũng như giao thông hay nhiều vấn đề khác ở nước ta hiện nay chính là nhận thức của con người, nhận thức của chúng ta chưa tốt nên theo tôi hình thức này chưa thể áp dụng được.

Mong Bộ GD-ĐT hãy lắng nghe, tham khảo mọi ý kiến, nhất là các tình huống mà bạn đọc nêu ra. Bộ đừng làm "liều" mà khổ cho học sinh.

Nguyễn Đình Lâm
ĐH Bách khoa Đà Nẵng
 
nguyendl@ud.edu.vn

 

Tôi rất lo lắng cho ý tưởng gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH. Đây là một ý tưởng mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, nhưng nếu xem xét tình trạng tiêu cực tràn lan ở tất cả các cấp đào tạo tại phần lớn các địa phương nước ta thì ý tưởng này hoàn toàn không phù hợp.

Hơn nữa, hiện nay, giáo viên vẫn chưa sống được nhờ lương (lời của Bộ trưởng) thì tiêu cực trong thi cử khi thực hiện hai chung sẽ có cơ hội để bùng phát tràn lan và nghiêm trọng hơn.

Nếu vẫn phải cố gắng thưc hiện điều này theo ý muốn chủ quan của một số quan chức thì đối với một số trường như Bách khoa, Y khoa, Sư phạm -  những nơi cần sinh viên đầu vào tốt - cũng cần phải thực hiện các kỳ thi khác để chọn sinh viên.

Là người đã gần 19 năm hoạt động trong công tác đào tạo Đại học, tôi rất lo lắng cho dự án “hai chung” này.

 

Nguyễn Văn Minh
Hà Nội
damvinhhung_01@yahoo.com

Cần lấy ý kiến của những người đã trải qua các kỳ thi, lực lượng đông đảo đó là các SV. Các chuyên gia chưa hẳn là những người đem lại lợi ích cho các thí sinh. Hãy để cho các "cựu thí sinh " góp ý.

Tôi hiện đang là sinh viên năm thứ 4, trải qua 3 năm học phổ thông và 4 năm đại học tôi đã được chứng kiến quá nhiều những “thủ đoạn” của cả thí sinh và người nhà của họ nhằm đạt được một chiếc vé để lọt qua các kì thi, người tiếp tay cho những việc làm đó không ai khác chính là những cán bộ làm trong ngành giáo dục.

 

Viêc thay đổi phương pháp thi tuyển để phù hợp với xu thế hội nhập đồng thời tiết kiệm cho nhà nước là hoàn toàn đúng. Chỉ đề nghị Bộ GD&ĐT tìm ra phương án tối ưu nhất cho sự công bằng ở trong và cả ngoài phòng thi cho các thí sinh. Tôi rất ủng hộ phương án mỗi thí sinh phải làm riêng một đề thi và lượng kiến thức trong tất cả các đề thi cộng lại sẽ bằng chương  trình của môn học đó. Xin hạn chế đến mức tối đa những người “đỗ đại học oan”.

Nguyễn Thị Thanh Huệ, giáo viên Trường THPT Vân Nội, Đông Anh - Hà Nội
huedonganh@yahoo.fr

Việc gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học là không nên.

Thứ nhất, tính chất của 2 kỳ thi là khác nhau (một kỳ thi là phổ cập văn hóa, còn một kỳ thi là tuyển chọn người tài....). Thứ hai, vấn đề an ninh thi cử rất tồi, hoàn toàn không công bằng (Chắc các vị không biết, rất nhiều giáo viên chép lời giải đưa cho học sinh...). Nói thật là, tại hầu hết các hội đồng thi, trong kỳ thi tốt nghiệp đều xảy ra rất nhiều tiêu cực mà ngay trong cả đoàn thanh tra cũng có.  

Nguyễn Lệ Tần, Cao Bằng
letancb@yahoo.com

Việc chấm thi là đảm bảo khách quan, nhưng việc tổ chức thi ôm đồm như vậy ở địa phương liệu có đảm bảo tính khách quan, có chọn được người tài? Đơn giản, chỉ tính kỳ thi tốt nghiệp ở địa phương đã xảy ra rất nhiều tiêu cực. Các giải pháp như là hoán đổi giám thị, trong thời buổi thông tin liên lạc như hiện nay cũng không khó để trao đổi.

Lực lượng bảo vệ là công an, tôi cũng không đặt niềm tin lắm vì nhiều tiêu cực bắt đầu từ đây. Một thực tế ở địa phương tôi, con em trong ngành công an trình độ kém, phẩm chất đạo đức có vấn đề vẫn được ưu tiên đi học sơ hoặc trung cấp, ra trường về làm việc nghênh ngang, coi trời bằng vung. Vậy có thể tin được lực lượng bảo vệ như vậy không?

Tôi nghĩ thi một lần là rất tốt nhưng tại thời điểm này chưa thích hợp. Trước mắt, phải đấu tranh chống những tiêu cực trong giáo dục rồi cải cách thi cử sau. 

Hà Yến - Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

Không nên lặp lại sai lầm như kỳ thi quốc gia tổ chức tại địa phương. Kỳ thi tốt nghiệp tại địa phương lấy kết quả xét tuyển ĐH thì kết quả sai lầm còn đi tới đâu, khi mà giám thị được đổi từ các nơi đến, lại "phong bì" lót tay cho giám thị như kỳ thi quốc gia? Giám thị ở nơi khác đến có giám coi chặt như thi ĐH không, sợ thí sinh trả thù, sợ bị đón đường đánh... Hơn thế nữa, thí sinh ở địa phưong toàn bạn bè, họ hàng... nhất định sẽ có sự liên kết. Bộ nên nghiên cứu kẻo lợi bất cập hại.

Phạm Đình Cường, Hải Dương
Phamco199@Yahoo.com

Theo tôi, không nên gộp hai kỳ thi làm một vì nhưng lý do sau: Thứ nhất, nếu tổ chức thi tại trường sẽ xảy ra tiêu cực trong thi cử. Vì tổ chức thi không tránh khỏi việc các quan chức ở địa phương có con tham gia thi, tạo áp lực cho những người coi thi. Không những thế, bản thân các giáo viên cũng có con cháu thi, liệu Bộ có bao hết? Chưa kể con các gia đình giàu có sẵn sàng bỏ cả trăm triệu lo cho con vào ĐH, lúc đó con em các gia đình nghèo sẽ chịu thiệt.

Thứ hai, trong phòng thi sẽ có nhiều em thi vào các trường khác nhau, khi không có sự cạnh tranh các em sẽ sẵn sàng giúp nhau làm bài, dẫn đến kết quả thi sẽ sai lệch.

Thứ ba, các em không may làm bài kém, muốn ôn thi lại vào những năm tiếp thì phải thi kiểu gì(?)

ninh đại, Nghệ An
classical_dn@yahoo.com

Đây là một mô hình được nhiều nước áp dụng, nhưng chủ yếu là ở các nước tiên tiến mà thôi.

Thứ nhất, thực tế ở Việt Nam, khâu tổ chức trong giáo dục còn nhiều bất cập nếu muốn thực hiện điều này thì cần phải đồng bộ.

Thứ hai, ta đang là một nước nghèo, sự phân hoá giàu nghèo rõ rệt, về trình độ cũng vậy nên nếu áp dụng đại trà thì không khả thi. Trước mắt, có thể thực hiện thí điểm ở các thành phố lớn như HN, TP.HCM để từ đó rút ra kinh nghiệm cũng như tiến tới thực hiện đại trà. Điều này để tránh tình trạng cứ vài năm một lần Bộ GD-ĐT lại phải thay đổi thể thức thi gây tốn kém cho nhà nước. 

Nguyễn Minh Ngọc
Thượng Thanh - Long Biên - Hà Nội
traigtvt@yahoo.com

Theo tôi, ý tưởng mà Bộ GD và ĐT đưa ra như vậy là tốt, sẽ tiết kiệm được một nguồn chi phí tương đối lớn.

Nhưng tôi cũng như nhiều người khác nghi ngờ tính khả thi của nó bởi lẽ, làm như vậy trên một diện rộng liệu có đảm bảo không có tiêu cực không? Với tâm lý của người Việt Nam ai cũng muốn con mình phải học ĐH.

Tôi lấy ví dụ, khoảng năm 1999 trở lại, có chính sách khi tốt nghiệp THPT loại giỏi sẽ được vào thẳng ĐH và tôi thấy ở một trường THPT chỉ có con giáo viên trong trường và con một số lãnh đạo huyện được loại giỏi, liệu họ có giỏi thật không?

Ý tưởng đưa ra là rất tốt nhưng tôi nghĩ, chúng ta không làm triệt để.

Đi học ĐH là có cạnh tranh. Thực tế cho thấy, rất nhiều HS ở các vùng quê nghèo học rất tốt, thi ĐH với điểm khá cao, nhưng cũng có những em là con của các cán bộ, công chức không có khả năng nhưng vì mối quan hệ này, tác động kia nếu việc tổ chức ở địa phương không triệt để thì sẽ diễn ra thế nào? Lúc đó người thiệt thòi nhất, tôi nghĩ là con em các người dân nghèo.

HS thi trượt ĐH những năm trước, tính sao?

Nguyen Thi Thuy, 22 duong Le Hong Phong - HD
nguyenbt2000@yahoo.com

Chúng em là những thí sinh đã dự thi vào kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước, nhưng chẳng may không đỗ. Chúng em có dự định sẽ thi tiếp trong năm nay. Vậy, em xin hỏi, trường hợp của chúng em như vậy thì sẽ được dự thi theo hình thức như các bạn hết lớp 12 năm nay, hay hình thức thi khác?

Đoàn Trung Hiếu
XHH-ĐH KHXH&NV TPHCM

Chương trình mà Bộ GD-ĐT đưa ra là rất hay, hợp với bối cảnh, nhu cầu của ngành giáo dục nước ta hiện nay. Là một sinh viên, em hoàn toàn ủng hộ.

Thế nhưng một vấn đề đặt ra đó là: khi chương trình này được thực hiện năm 2008 thì tất cả các sinh viên đã thi trượt ĐH năm 2007 sẽ không có cơ hội thi lại nữa. Điều này sẽ là rất thiệt thòi cho những sinh viên đó (xét theo tốt nghiệp thì họ đã tốt nghiệp trước 1 năm rổi, còn thi thì lại không được thi).

2008 hay 2009?

Nguyễn Đình Hải
Hà Nội
pet@hotmail.com

Tôi xin trích nguyên lời của một Thứ trưởng phát biểu cách đây không lâu: Thi "hai trong một": Muộn nhất là 2009! - Thời gian nào Bộ GD-ĐT chính thức gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một? Việc tổ chức 2 kỳ thi thành một thì trong đề án cải tiến tuyển sinh từ năm 2002 đã thông báo. Và, trong đề án đổi mới cơ bản và toàn diện GD ĐH Việt Nam Thủ tướng đã có Nghị quyết về vấn đề này, cho nên chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia để vừa xét tốt nghiệp THPT và vừa tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy, ngay từ bây giờ khâu tổ chức thi phải thật tốt thì chúng ta sẽ thực hiện một kỳ thi quốc gia. Bộ GD-ĐT cố gắng thúc đẩy càng nhanh càng tốt. Muộn nhất là năm 2009, và sớm nhất là năm 2008 sẽ thực hiện".

Tôi xin hỏi, liệu Bộ có quá vội vàng và không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của HS? 

Bùi Xuân Khải, Thái Nguyên
bxkhai@natsteelvina.com

Tôi thấy đó là sáng kiến hay, chúng ta phải quyết tâm, chứ không như một số người bàn lùi sợ khó và quen việc chỉ nói mà không chịu động não.

Cần hợp tác với Bộ GD - ĐT tìm ra phương thuốc hữu hiệu để trị nạn gian lận thi cử và bớt tốn kém khi mà chúng ta bỏ bớt được một kỳ thi đầy áp lực cho học sinh và phụ huynh, mà chưa chắc kỳ thi tuyển đại học đã nghiêm hơn thi tốt nghiệp, nhất là hiện nay các trường đua nhau xin tăng chỉ tiêu học sinh vì mục tiêu lợi nhuận. Các trường không biết được các thí sinh sau này học trường nào nên họ phải coi thi nghiêm hơn.

Còn dĩ nhiên coi thi tốt nghiệp sẽ đưa toàn bộ đội ngũ giáo viên ĐH, CĐ xuống coi xen kẽ cùng giáo viên phổ thông. Cách làm này còn giảm việc học thêm, ôn thi đại học. HS chỉ cần học chắc các môn trong phổ thông là chắc tốt nghiệp và vào đại học, mà không cần phải lo lắng gì. Mà điều quan trọng nhất giảm chi phí thi rất lớn cho phụ huynh.

Trần Văn Đạt
37A Chăn nuôi thú y -ĐH Nông Lâm Thái Nguyên
datbg2001@yahoo.com

Thật la tuyệt vời khi các thầy các cô làm được viêc này. Làm việc đó đảm bảo được tính minh bạch trong thi cử. Nhưng để làm điều này thì các thầy phải triển khai ngay. Hơn thế nữa, các thầy có ngay biện pháp giáo dục các thầy cô tuyến cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh phương án này.

Hoà Minh Tân, Hoàn Kiếm - Hà Nội
hoaminhtan05@yahoo.com

Ngành GD - ĐT nước ta sau 20 năm đổi mới có thể nói là 20 năm thí nghiệm, nhưng rất tiếc sau bao thí nghiệm mà đối tượng bị tác động là toàn xã hội đã không đưa ra được 1 kết luận khoa học và hợp thời nào.

Tôi hoàn toàn nhất trí với tác giải bài viết này và tác giả nguyên hiệu trưởng Trường ĐH kinh tế TP HCM về việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ vào làm một. Trong phương án này sẽ có 1 bấp cập lớn là sự chênh lệch vùng miền, theo tôi đây là việc của Nhà nước cần làm, mà thực tế chúng ta đã làm, đó là:

- Thành lập các ĐH vùng như ĐH Tây Bắc, Tây Nguyên..., thậm chí có thể lập trường ĐH, CĐ theo phân vùng nhỏ hơn. Nhà nước sẽ cử những con em có khó khăn của vùng này đi học theo hướng căn cứ vào nhu cầu nhân lực của địa phương và cung cấp học phí. Các em trong cùng vùng đó, nếu có khả năng vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... nhưng theo chế độ tuyển bình đẳng như mọi vùng của trường ĐH đó.

- Nhất thiết phải đào tạo và tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo kỳ thi quốc gia, đề chung, chấm chung và thi cử thật nghiêm túc. Có thể lấy giáo viên tỉnh này sang coi thi ở tỉnh khác hoặc trưng dụng SV năm cuối làm giám thị 2 đi coi thi.

- Việc tuyển sinh ĐH nhất thiết nên giao quyền tự chủ cho trường, tuỳ theo uy tín và thương hiệu từng trường mà nhà trường định ra điểm xét tuyển căn cứ vào điểm thi trung bình của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kiểm tra sát hạch thêm về chuyên ngành.

  • Ban Giáo dục

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,