(VietNamNet) - Trong phần 2 của vấn đề đào tạo tiến sĩ, GS Vũ Quốc Phóng, đề xuất, nên đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá chất lượng của một trường ĐH...nhưng không cần một yêu cầu cứng nhắc, kiểu "đạt bao nhiêu % tiến sĩ mới được mở trường" hay "ngừng hoạt động".
>>Xem bài 1: Bằng tiến sĩ cũng linh động
Những người nhận bằng tốt nghiệp cao học này, sẽ còn bao nhiêu theo đuổi học vị tiến sĩ? Ảnh: Trung Kiên |
Khuyến khích chất lượng
Yêu cầu tăng tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sỹ ở ĐH VN là cần thiết. Những người có kiến thức thực sự cần phải chứng tỏ mình một cách nào đó: thông qua lấy bằng tiến sỹ, qua việc công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí uy tín, hoặc cả hai.
Song song với đào tạo tiến sỹ, một vấn đề không kém quan trọng là làm gì để các giảng viên đã có bằng tiến sỹ có thể tiếp tục nghiên cứu khoa học hiệu quả.
Đề ra một mục tiêu cụ thể, ví dụ như đào tạo được bao nhiêu tiến sỹ trong từng năm, là một phương hướng để vươn tới. Nhưng không cần quy định một tỷ lệ cứng nhắc mà nếu các trường không đạt được thì sẽ phải giải tán trường hoặc không được thành lập.
Chỉ cần có chính sách chung, và có các hình thức khuyến khích (ví dụ như tăng kinh phí) cho những trường thực hiện tốt các chính sách đó.
Tôi xin nêu một ví dụ về các biện pháp để khuyến khích chất lượng.
Ở bang Ohio, cũng như tất cả các bang khác của Mỹ, các trường ĐH công lập được chính phủ bang cho một khoản tiền hàng năm, khoảng từ 30% đến 40% ngân sách trường. Nhưng không phải chia bình quân, mà chia theo một công thức khá phức tạp có tính đến các thành tích của trường. Trường có chương trình tiến sỹ, thạc sỹ, thì sẽ được chia nhiều hơn trường không có (nếu các điều khoản khác ngang nhau).
Những tham số khác ảnh hưởng trực tiếp đến mức tài trợ của bang là thành tích nghiên cứu khoa học, tỷ lệ SV tốt nghiệp (phần trăm SV tốt nghiệp sau 4-6 năm), tỷ lệ SV ở lại (phần trăm SV vẫn tiếp tục ở lại trường, tức không chuyển đến trường khác, sau năm thứ nhất), v.v… Công thức này cũng không cứng nhắc, nhưng thường là sự xê dịch không quá nhiều.
Tuy không cần thiết phải đề ra một tiêu chuẩn bắt buộc về tỷ lệ giáo viên có bằng tiến sỹ, việc đề ra một mục tiêu cụ thể để các trường, các khoa và các giáo sư phấn đấu thực hiện là có ích.
Con số cụ thể: Phải có chứng minh đi kèm!
Những con số cụ thể cần phải được đi kèm với một bản chứng minh về các phương pháp để thực hiện. Giáo dục là lĩnh vực mà các thay đổi xảy ra chậm. Muốn đào tạo được một tiến sỹ, thường phải mất 4 năm nếu người đó đã có bằng thạc sỹ hoặc 6 năm nếu chỉ mới có bằng cử nhân, chưa kể thời gian tuyển chọn.
Ngoài ra, có một tỷ lệ nào đó sẽ không bao giờ tốt nghiệp được.
Sẽ không có phép màu nhiệm nào để có thể tạo ra những thay đổi đột biến. Những chỉ tiêu đặt ra do những mong muốn tốt đẹp sẽ không thể thực hiện nổi, hoặc sẽ dẫn đến tình trạng phải thỏa hiệp về chất lượng.
Hiện nay, chất lượng của các luận án tiến sỹ ở trong nước nói chung đang rất thấp. Vì thế, mọi kế hoạch đào tạo tiến sỹ phải chú trọng chất lượng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này không nên quá cầu toàn. Điều cần thiết là phải làm sao để quá trình đào tạo tiến sỹ được tiến hành nghiêm túc, từ khâu tuyển đầu vào, đến khâu chọn đề tài, chọn thầy, đến quá trình nghiên cứu và bảo vệ luận án.
Điều gì có thể châm chước?
Có thể châm chước một chút về mức độ, về số lượng hoặc chất lượng các bài báo, nhưng một số nguyên tắc như SV phải học và thi các môn tối thiểu đạt kết quả tốt, phải độc lập trong nghiên cứu, trung thực trong việc sử dụng các số liệu và trích dẫn của người khác, v.v…, thì không nên châm chước.
Để cho việc bảo vệ luận án được khách quan, cũng nên bỏ hoàn toàn tục lệ biếu tiền thầy và thành viên hội đồng trong các buổi bảo vệ.
Đồng nghiệp của tôi kể lại rằng hiện nay hiện tượng đó đã giảm nhiều so với trước đây. Họ không muốn nhận những phong bì đó nhưng rất khó từ chối, nhất là nhiều khi không phân biệt được ranh giới giữa những món quà tình cảm và hối lộ.
Một GS, đang làm hiệu trưởng một trường ĐH, tâm sự “nhiều khi thấy luận án rất kém, nhưng cũng đành phải cho qua, bởi vì người ta đã bỏ công đi theo nó 5-6 năm trời rồi, bây giờ nếu đánh trượt họ thì cũng tội”.
Nói về chất lượng và sự trung thực, thì ở bất kỳ đâu, kể cả Mỹ, cũng có nhiều luận án có chất lượng rất thấp và nhiều trường hợp quay cóp. Ở Mỹ, không có chuyện hối lộ hoặc đưa phong bì, nhưng hiện tượng “tôi dễ với học trò của ông để lần sau ông dễ lại với học trò của tôi” thì vẫn có.
Tôi chưa thấy trường hợp cụ thể nào bị nêu ra vì chất lượng kém. Phàn nàn chung chung rằng luận án của nơi này, nơi kia, kém chất lượng, hoặc nói rằng kết quả này kia trong luận án không đúng, thì có, nhưng nói một luận án nào đó là kém thì rất hiếm, tôi chưa nghe thấy bao giờ.
Phát hiện tiêu cực: Xử lý nghiêm
Nhưng với những vụ không trung thực mà bị phát hiện, các trường thường xử rất nghiêm. Cách đây khoảng hai năm, trường ĐH Ohio, nơi tôi làm việc, cũng xảy ra chuyện có một SV tố cáo hiện tượng sao chép phổ biến ở nhiều luận án, chủ yếu là luận án thạc sỹ, của khoa cơ khí, kéo dài trong khoảng 20 năm, do 2 giáo sư trong khoa hướng dẫn.
Phần lớn các đoạn sao chép là ở chương mở đầu, hoặc do trích dẫn các tác giả khác không chu đáo, và đa số liên quan đến SV ngoại quốc. Việc sao chép như vậy tồn tại ở nhiều trường và nhiều khoa, chẳng qua là chưa bị phát hiện.
Trường ĐH Ohio đã rất nghiêm túc khi xét xử vụ này. Một trong hai giáo sư đó, đồng thời là trưởng khoa, bị thôi chức và người kia thì bị mất việc. Khoảng 40 SV đã tốt nghiệp phải tường trình trước một hội đồng chuyên môn, trong số đó 7 người được cho vô tội;khoảng một nửa trong số còn lại bị mất bằng và nửa kia phải viết và bảo vệ lại luận án.
Điều đáng nói là trường đã không những không bao che, mà còn lập ra nhiều ban điều tra để tìm ra cặn kẽ hơn các sự việc và đã biến sự kiện tiêu cực này thành một cơ hội tốt hiếm có để giáo dục cho giáo sư và sinh viên của trường về sự trung thực trong khoa học, cũng như những quy định cụ thể về sao chép, trích dẫn, v.v...
Có thể nói, uy tín của trường không hề giảm đi mà còn tăng lên sau khi xảy ra sự cố đó (có thể đưa dẫn chứng là năm nay, cho đến thời điểm giữa tháng 1/2007, số học sinh nộp đơn xin vào trường đạt cao kỷ lục).
Cần nhiều tiêu chí ngoài tiến sĩ
Tôi xin nhắc lại là trong điều kiện hiện nay, không nên quá tuyệt đối về chất lượng của các luận án tiến sỹ bảo vệ trong nước; nhưng đi đôi với việc này là phải xem việc bảo vệ luận án tiến sỹ chỉ là bước đi đầu tiên vào khoa học mà thôi.
Cái hệ hai bằng trước kia, tuy cồng kềnh và không hiệu quả lắm nên đã bị bỏ, cũng có một số điểm ưu việt. Danh từ “phó tiến sỹ”, dịch từ từ tiếng Nga là “kandidat”, có nghĩa là dự bị, ứng viên, nói lên là người có bằng đó chỉ mới ở giai đoạn dự bị trên con đường khoa học thôi (bằng “kandidat” của Liên Xô cũ tương đương với bằng tiến sỹ ở Việt Nam hay bằng PhD ở Mỹ).
Ở Mỹ và phần lớn các nước phương Tây, chỉ có một bằng tiến sỹ. Những người ở ngoài các trường ĐH thì không hiểu lắm về thực chất của nó (ngoài việc nó hay được treo trang trí trong các phòng khách của các gia đình hoặc trong các văn phòng của bác sỹ, luật sư). Còn người trong ĐH thì biết là nó chỉ có tác dụng cho phép gửi hồ sơ xin việc (và được xem xét) thôi.
Có được việc hay không là do chất lượng và số lượng của các bài báo khoa học. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Thậm chí ,có người mua được các bằng tiến sỹ ở các "lò sản xuất bằng" và dùng bằng đó tìm được việc. Những trường hợp như thế rất ít và chỉ xảy ra ở những trường bé, không có chất lượng.
Việc đào tạo tiến sỹ cũng phụ thuộc vào từng ngành. Có một số ngành rất khó nghiên cứu, hoặc thậm chí không thể làm nghiên cứu (có chất lượng) được nếu không có kinh phí thật lớn để mua trang thiết bị và làm thực nghiệm, trong khi một số ngành khác chỉ cần có thông tin qua sách, tạp chí và Internet, và một số chi phí vừa phải để đi lại, trao đổi,...
Vì thế, mức chi phí để đào tạo rất khác nhau. Trong lúc điều kiện của các trường ĐH trong nước chưa cho phép mở rộng đào tạo ở các ngành đắt tiền thìkhông thể yêu cầu các trường, nhất là trường ở tỉnh, có thể có tỷ lệ tiến sỹ cao về các ngành đó như các trường quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM.
Mục đích cuối cùng vẫn là làm sao để dạy, học và nghiên cứu khoa học tốt hơn, chứ không phải là tỷ lệ tiến sỹ.
Hãy đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá chất lượng của một trường ĐH, như số lượng các công trình nghiên cứu được công bố, các ứng dụng trong thực tế, tỷ lệ SV tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc học thêm cao học,v.v…, nhưng không cần một yêu cầu cứng nhắc nào.
-
GS Vũ Quốc Phóng
Bài 3: Một kênh đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ hiệu quả