221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
896680
GS Việt ở nước ngoài: Kênh đào tạo TS còn bỏ ngỏ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
GS Việt ở nước ngoài: Kênh đào tạo TS còn bỏ ngỏ
,

(VietNamNet) - Nếu có cách nào đó mang SV Việt Nam và các GS Việt Nam ở Mỹ và các nước khác lại với nhau thì đây sẽ là một nguồn đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ cho Việt Nam rất lớn, hơn tất cả các chương trình học bổng do các nước bạn tài trợ và do ngân sách của chính phủ hiện nay đang cung cấp (để đi học cao học ở nước ngoài) gộp lại.

Rào cản chính khiến nhiều SV không thể ra nước ngoài học tiếp cao học là điểm TOEL không đạt yêu cầu. Ảnh: Bùi Dũng

Theo GS Vũ Quốc Phóng, nhận xét này xuất phát từ thực tiễn, hiện nay có khoảng 30 giáo sư toán người Việt ở các trường ĐH ở Mỹ. Họ có thể nhận hoặc giúp đưa sang Mỹ học ít nhất khoảng 50 SV (mỗi năm). Ngoài ra, còn có nhiều GS người Việt ở các khoa khác đều có thể và muốn nhận SV Việt Nam sang học cao học, nhưng đều không tìm ra SV; không có thời gian và điều kiện để chủ động để tìm. Tính tất cả các nước ở châu Âu (chủ yếu là Pháp và Đức), Mỹ, Canada và Úc,  con số giáo sư toán người Việt có thể trên dưới 100.

Dưới đây là phần viết mạng tựa đề "một kênh đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ hiệu quả" của GS Vũ Quốc Phóng (các tiêu đề nhỏ do tòa soạn đặt).

Không phải "chảy máu chất xám"

Một trong những phương pháp đào tạo tiến sỹ có chất lượng và không đòi hỏi kinh phí của chính phủ là việc tạo nhiều điều kiện thuận lợi để SV đã tốt nghiệp ĐH có thể xin sang học tiếp cao học ở Mỹ hay các nước khác. Đừng bao giờ sợ rằng các em đó học xong sẽ ở lại, không về nước làm việc. 

Hãy xem ví dụ Trung Quốc. Suốt mấy thập kỷ nay, Trung Quốc luôn tạo mọi điều kiện tốt cho công dân mình du học và rất nhiều SV Trung Quốc học xong tìm việc và ở lại Mỹ.

Năm 1992, tôi gặp một số giáo sư Trung Quốc cũng đang thỉnh giảng ở ĐH Iowa (Mỹ). Tôi hỏi các bạn Trung Quốc, “nước các anh không sợ chảy máu chất xám à”? Họ trả lời “Không, Trung Quốc không thiếu những người giỏi; những người thành đạt ở nước ngoài sẽ cổ vũ và chỉ đường cho những người ở trong nước”. Thực tế, SV Trung Quốc bây giờ xin học bổng ở Mỹ cũng dễ dàng hơn SV Việt Nam và các nước khác, vì các giáo sư Trung Quốc ở Mỹ rất nhiều.

Rào cản TOEFL

Trong hơn 10 năm làm việc ở ĐH Ohio, tôi cũng đã nhận 5 SV Việt Nam vào học cao học (thạc sỹ và tiến sỹ) về các ngành toán lý thuyết và ứng dụng.

Nếu như có đủ SV đạt tiêu chuẩn, thì tôi đã có thể nhận gấp đôi hoặc gấp ba con số đó, ngoài ra có thể giới thiệu thêm cho các trường khác nơi tôi có đồng nghiệp làm việc.

Tiếc rằng, tiêu chuẩn thi TOEFL đạt 550 điểm trở lên là chướng ngại quá khó đối với hầu hết SV Việt Nam.

Tôi có thể khẳng định rằng, đối với SV Việt Nam, hiện nay, học toán là một trong những cách dễ nhất, nếu không nói là dễ nhất và dễ hơn hẳn so với các ngành khác, để được đi du học cao học ở Mỹ, với học bổng toàn phần bao gồm được miễn học phí và khoảng từ 13.000 đến 17.000 USD/năm (tùy từng trường).

Toán là môn học quan trọng ở các trường ĐH ở Mỹ và hầu hết SV đều phải học từ một đến nhiều học kỳ về toán. Vì thế, nhiệm vụ giảng dạy của các khoa toán rất lớn, nhưng số lượng giáo sư chính thức hạn chế và các giáo sư chính thức chỉ dạy trung bình 2 lớp một học kỳ. Khối lượng giảng dạy đồ sộ còn lại do những SV cao học được làm trợ giảng và các giảng viên không chính thức (làm theo hợp đồng ngắn hạn, bán thời gian,…) đảm nhận.

Đó là lý do tại sao ở Mỹ có nhiều trường ĐH có chương trình cao học về toán rất lớn, có nhiều vị trí trợ giảng cho SV. Nhưng tỷ lệ SV Mỹ thích học toán không nhiều, vì thế các khoa phải tuyển nhiều SV ngoại quốc. Nhiều khi số lượng SV đạt tiêu chuẩn xin vào không đủ và các trường phải cạnh tranh với nhau để thu hút SV. Khó khăn của họ là thuận lợi của mình.

Có khá nhiều giáo sư toán người Việt ở các trường ĐH ở Mỹ và nhiều người trong số đó đã và đang nhận một số ít SV Việt Nam. Họ có thể nhận nhiều hơn và giúp giới thiệu nhiều hơn rất nhiều, nếu có đủ thông tin giúp cho các bạn trẻ trong nước biết đến các cơ hội đó, và nếu các bạn trẻ đó có đủ quyết tâm vượt qua rào cản TOEFL.

Hiện nay có khoảng 30 giáo sư toán người Việt ở các trường ĐH ở Mỹ. Việc họ có thể nhận hoặc giúp đưa sang Mỹ học ít nhất khoảng 50 SV (mỗi năm) hoàn toàn trong tầm tay, nếu có đủ số SV đạt tiêu chuẩn và có nguyện vọng. Nếu tính tất cả các nước ở châu Âu (chủ yếu là Pháp và Đức), Mỹ, Canada và Úc,  thì con số giáo sư toán người Việt có thể trên dưới 100, và họ đều có thể là cầu nối để giúp Việt Nam đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ. 

Sang Mỹ không chỉ để học toán

Tôi muốn nhận xét thêm rằng không nhất thiết các SV sang Mỹ để học cao học về toán đều cần phải đi theo ngành toán đến cùng và chọn toán học làm nghề của mình, và không phải chỉ những SV đã tốt nghiệp khoa toán của các trường ĐH mới đủ tiêu chuẩn xin sang học cao học ở các khoa toán ở Mỹ.

Những SV học tiến sỹ (PhD) thì nên đi theo ngành toán, vì chương trình này học mất 5 đến 6 năm, là một sự đầu tư khá dài về thời gian. Những SV khác, đã tốt nghiệp các khoa khoa học tự nhiên như vật lý, hóa, sinh vật,…, hoặc các khoa kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh,…, đều có thể xin học thạc sỹ về toán, miễn là trong bảng điểm của họ có liệt kê đủ các môn toán theo yêu cầu của bậc ĐH với điểm trung bình từ khá trở lên.

Trong thời gian 2 năm học cao học về toán, họ có thể tích lũy được thêm nhiều kiến thức toán cao cấp rất có ích cho việc học tập và nghiên cứu trong bất kỳ lĩnh vực nào, có thể trau dồi tiếng Anh một cách ngoạn mục (không thể khác được vì ngày nào cũng phải lên lớp và tiếp xúc với SV Mỹ).

Các trường ở Mỹ cho phép SV cao học của khoa này được học một số môn của các khoa khác (không mất học phí nếu tổng số tín chỉ không vượt quy định), và cho phép SV được học các chương trình thạc sỹ, tiến sỹ khác nhau.

Vì thế SV vẫn có thể vừa học cao học về toán, vừa đăng ký học một số môn của các khoa khác trong trường và tìm các cơ hội khác để học tiếp theo đúng chuyên môn chính của mình (sau khi lấy bằng thạc sỹ toán). Khi đã có mặt ở Mỹ và tiếng Anh cũng như các kỹ năng giao tiếp đã thành thạo, lại có thêm bằng thạc sỹ toán học, họ sẽ dễ dàng xin học bổng cao học theo đúng ngành họ theo đuổi.

Có thể ví đây như là một mẹo, hoặc một chiến thuật, để được đi học cao học ở Mỹ theo đúng ngành mình chọn, mà hoàn toàn hợp lệ và có ích. Bằng cao học về toán cũng làm cho lý lịch sáng giá hơn, hỗ trợ tốt cho tìm việc sau này.

Kênh hiệu quả hơn 2 nguồn "chính thống"

Ngoài toán học, ở Mỹ còn có nhiều GS người Việt ở các khoa khác. Tôi đã nói chuyện với nhiều người, tất cả đều có thể và muốn nhận SV Việt Nam sang học cao học, nhưng đều không tìm ra SV.

Nói chung, họ rất bận với các công việc nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ trong trường, nên không có thời gian và điều kiện để chủ động tìm SV Việt Nam.

Nếu có cách nào đó mang SV Việt Nam và các giáo sư Việt Nam ở Mỹ và các nước khác ở châu Âu, châu Á, lại với nhau thì đây sẽ là một nguồn đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ cho Việt Nam rất lớn, hơn tất cả các chương trình học bổng do các nước bạn tài trợ và do ngân sách của chính phủ hiện nay đang cung cấp (để đi học cao học ở nước ngoài) gộp lại.

Ngoài ra, để thực hiện được việc này một cách hiệu quả, phải nghĩ cách làm sao giúp các em vượt qua được rào cản ngôn ngữ, cụ thể là để thi TOEFL đạt 550 điểm trở lên.

Đó là yêu cầu chung, không có ngoại lệ, của tất cả các trường ĐH ở Mỹ. Không hiểu vì sao, nhưng việc thi TOEFL đạt kết quả rất là khó đối với hầu hết SV Việt Nam. Bên cạnh việc kêu gọi các em có quyết tâm và cố gắng hơn, nếu chúng ta có cách gì để hỗ trợ thêm trong việc này thì sẽ rất có ích trong việc tăng thêm số SV được sang Mỹ học cao học. 

Tôi nghĩ, chúng ta không nên sợ những người đi học theo con đường tự túc như thế sẽ xin việc ở nước ngoài và coi đó là “chảy máu chất xám”.

Thực tế cho thấy, điều kiện học tập đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo trong khoa học, giáo dục, và nhiều người trở thành tài vì họ có điều kiện chứ không phải vì họ là “thiên tài”.

Nếu có ai xin được việc ở nước ngoài và ở lại, họ sẽ mở thêm đường cho bạn trẻ khác trong nước, góp phần tích cực vào sự hòa nhập của Việt Nam với thế giới.

  • GS Vũ Quốc Phóng - Trường ĐH Ohio, Mỹ

Phần 2: Về ĐH tư thục

 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin liên quan

,
,
,
,