(VietNamNet) - Nhu cầu tuyển người trẻ, người tài ở các trường ĐH, CĐ đang rất lớn. Nhất là sau khi Bộ trưởng GD - ĐT xác định không có đủ số giảng viên đạt chuẩn trình độ học vấn cần thiết như là một trong những tiêu chí quan trọng liên quan tới sự sống còn của ĐH. Các trường đang mời gọi nhiều các giảng viên trẻ, nhất là những thạc sĩ, tiến sĩ có học vị ở nước ngoài...
Bài 1: Giảng viên trẻ... thời @!
"Chủ lực"
Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có trên 50% giảng viên dưới 35 tuổi. Nhiều người trẻ nắm giữ chức vụ lãnh đạo. Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ Thông tin, anh Phạm Nam, mới 33 tuổi. Còn Nguyễn Thế Vinh, 31 tuổi, là Phó Chủ nhiệm khoa Môi trường. Chủ nhiệm bộ môn Hàng không mới 28 tuổi, vừa tốt nghiệp về trường. Nhiều bộ môn, các chủ nhiệm bộ môn đều ở lứa tuổi 30, 31, 32...
Đó là chưa kể đội ngũ giảng viên trẻ đi học tập tại các nước lân cận hay nâng cao trình độ ở các cơ sở đào tạo sau ĐH trong nước.
Đối với trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đội ngũ giảng viên trẻ chiếm 60% cán bộ giảng dạy. Nhiều cán bộ cũng là trưởng bộ môn, phó khoa của trường.
Hết năm 2006, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có 189 giảng viên tuổi dưới 35 trong tổng số 558 giảng viên. Các khoa vốn được coi là khó tuyển giảng viên như Giáo dục đặc biệt, Mầm non, Tiểu học, Tâm lý giáo dục... cũng đã thu hút được những SV giỏi của khoa và các giảng viên có học vị từ nơi khác về.
Có dịp ghé qua một vài khoa của Trường ĐHDL Văn Lang, có thể nhận thấy, hầu hết các trưởng khoa, phó khoa đều là cán bộ trẻ.
ThS Lương Văn Lăng, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, khi có suất học bổng ở nước ngoài, chúng tôi thường ưu tiên cho các cán bộ giảng dạy trẻ. Bởi đây mới là thành phần chủ chốt của trường. Họ sẽ là những người gánh trọng trách trong những năm tới".
Bà Đỗ Thị Thanh Xuân,Trưởng phòng Tổ chức Hành chính trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đồng tình: "Không những tạo điều kiện để nâng cao chuyên môn mà chúng tôi còn tập trung tạo điều kiện để các giảng viên trẻ học ngoại ngữ để các bạn có điều kiện để nhận học bổng nước ngoài".
Thiếu!
Trước những đòi hỏi khách quan: mở ngành mới, nâng cao chất lượng đội ngũ, giảm tỉ lệ sinh viên/giảng viên...không ít trường đang ráo riết tuyển dụng giảng viên . ĐH Bách khoa TP.HCM, mỗi năm tuyển khoảng 50 - 60 giảng viên.
ĐH Mở TP.HCM ngoài thông báo tuyển dụng giảng viên trình độ sau ĐH còn tuyển cả cử nhân tốt nghiệp từ giỏi trở lên. Các ĐH vùng như Tiền Giang, Cần Thơ, có khoa còn thông báo tuyển dụng đối tượng tốt nghiệp ĐH loại khá.
Hiện nay, nguồn tuyển của ĐH Bách khoa TP.HCM chủ yếu từ SV giỏi ở các khoa giữ lại và bồi dưỡng thêm, các cử nhân sau khi tốt nghiệp phải đào tạo thêm một khoá sự phạm và bồi dưỡng thêm ngoại ngữ. Còn một số SV đi học ĐH tự túc hay học bổng ở nước ngoài về.
Tính đơn cử một giảng viên trẻ làm việc ở mức độ bình thường thì thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng. Trưởng phòng Tổ chức Hành chính của trường tính toán, so với lương ở các nơi khác thì không cao, nhưng đủ đảm bảo đời sống cho giảng viên. "Giảng viên trẻ chịu về trường, chấp nhận mức lương như thế cho thấy họ là những người gắn bó với nghề và có lý tưởng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ giảng viên trẻ. Tương lại họ sẽ là những người bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo của trường", ông Lăng nói.
Theo quy định ở trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một giảng viên trẻ có thời gian giảng dạy trên 5 năm và có quá trình phấn đấu tốt sẽ được cất nhắc để giữ chức vụ là trưởng bộ môn, phó bộ môn. Sau 4 năm giảng dạy phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sẽ có thời hạn là 8 năm.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xác định nhận ngay nhân lực có trình độ thạc sĩ trở lên. Hiện nay, trường vẫn thiếu giảng viên cho một số khoa, ngành đặc thù: Giáo dục đặc biệt, Tâm lý giáo dục...
-
Đoan Trúc
Bài 3: Nhân lực thiếu, sức ép về tiêu chuẩn chất lượng gay gắt, luôn khẳng định "tin tưởng vào đội ngũ". Thực tế, không ít giảng viên trẻ mang tâm trạng "nhận lương mà thấy tủi thân". Nhiều người không chịu thỏa hiệp, đã dứt áo ra đi. “Bi kịch với các giảng viên trẻ là thu nhập không đủ sống, khiến chúng tôi phải làm thêm. Mà làm thêm thì không chuyên nghiệp” - một giảng viên trẻ bức xúc.
Ý kiến của bạn: