(VietNamNet) - Trước hết, tự thân cán bộ trẻ phải tự đào thải mình; nếu thấy bị hấp dẫn bởi những thứ khác lớn hơn thì phải tự phủ định mình. Với cơ sở đào tạo: Phải quyết liệt. Còn nguyên tắc xử lý nhà nước ở tầm vĩ mô: Phải khắc nghiệt.
GS Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐHQG Hà Nội) bày tỏ thái độ "không khoan nhượng" trong câu chuyện về phát triển đội ngũ giảng viên trẻ. GS Kế cho rằng, cán bộ trẻ không phải là ngày mai mà là hiện tại. Phải nhìn vào khát vọng của giới trẻ để khuyến khích họ".
Không để lại gì cũng là để lại!
GS Nguyễn Hải Kế: "Nếu vẫn lăn tăn so sánh những hơn thua với các hướng đi khác, thì anh có thể từ bỏ con đường này". Ảnh: website ĐHQG Hà Nội
Một số ý kiến cho rằng, những gì giới học thuật thế hệ trước để lại không nhiều. Là một giảng viên của thế hệ trước, ông có đồng tình với nhận định này?
Tôi không có cùng quan điểm đó. Quan niệm này có thể hơi thực chứng, tức là phải sờ thấy mới nói. Và nó cũng quá tiểu tiết, không biện chứng. Không thế hệ nào đi qua trên đời này lại không để lại cái gì. Không để lại cái gì cũng là để lại.
Gene di truyền có thể để lại theo kiểu gene chìm. Có thể họ để lại những thứ tiềm tàng mà ta không nhìn thấy.
Vậy thử đặt vấn đề, những "cái để lại" đó là gì và có ích bao nhiêu?
Khi nhìn như vậy thì điểm xuất phát hơi khác. Vấn đề là đằng sau câu trả lời đó là tư duy của họ hơi khác khi làm khoa học.
Người ta có thể nhận xét hết sức thực dụng rằng, cả nền văn học đã qua chẳng có công trình gì lớn cả, toàn những câu bình luận... Đó là nhận định nghiêng về phía sờ mó được, mà trong văn hoá có những thứ không sờ mó được rất quý giá.
Tôi đã từng nghe ở đâu đó, một lớp cán bộ trẻ nói rằng thế hệ trước để lại ít. Đó là chủ nghĩa phủ nhận sạch trơn. Ví dụ Nguyễn Du chỉ để lại 1 câu: 300 năm sau, thiên hạ biết có ai khóc mình?. Thế mà người ta bàn mãi.
Chỉ nhìn vào lương thì đừng chọn nghề giáo!
"Lương không đủ sống" đã trở thành thực tế hiển nhiên đối với đội ngũ giảng viên trẻ, dẫn đến tình trạng đa số có nhu cầu đi làm thêm. Ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?
Khát vọng các nhà khoa học có thể sống được bằng chuyên môn chưa thể trong đất nước này, khi mà nền phông chung của bản thân các trí thức lớn cũng chưa đạt đến tầm trung của khu vực. Chọn nghề giảng viên thì phải xác định tinh thần đó.
Ví dụ, lương cứng kể cả phụ cấp của tôi hiện tại là 3,5 triệu, sau mấy chục năm công tác. Thử hỏi có đất nước nào mà lương của công chức nhà nước thấp thế không?
Trong điều kiện hiện nay, chưa thể đòi hỏi có những đột phá trong cải cách về lương cho riêng ngành nào đó. Cải cách gì thì cũng bị khống chế chung bằng điều kiện phát triển kinh tế xã hội của cả đất nước.
Nếu cứ thở vắn than dài thì chưa phải cán bộ yêu nghề thực sự. Con gái tôi cũng là giảng viên trẻ. Tôi nói với nó: "Khi bố chọn nghề này, bố cũng phải chấp nhận đặt sang 1 bên những mong muốn về vật chất. Phải biết chọn lựa".
Với tư cách người quản lý ở khoa, ông chia sẻ gì với những cán bộ trẻ của mình?
Khi ra trường, rất nhiều cán bộ trẻ phải ở trọ mà tiền lương không đủ trọ. Lương của cán bộ trẻ hiện nay có hệ số là 2,34. Nếu ở lại 2 năm thì chỉ được hưởng lương tập sự: 85%, tức là chỉ tầm trên 1 triệu. Với tiền nhà, tiền xăng, tiền sinh hoạt... quá nhiều khoản phải chi tiêu thì tôi cũng thấy họ rất vất vả.
Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích giảng viên đi dạy thêm. Khoa chúng tôi không có cán bộ trẻ nào phải đi làm gia sư, phiên dịch... Vì nếu vậy ít nhiều họ cũng sẽ bị cuốn hút vào việc kiếm tiền.
Nguyên lý vận động và phát triển của khoa học cơ bản là: Đào tạo thực chất là gắn liền với nghiên cứu khoa học.
Khoa Sử có những phương án gì để triển khai theo hướng này?
Ở khoa Sử, chúng tôi chủ trương nếu chọn cán bộ trẻ và dám nhận họ thì cố gắng tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống trong 2 năm đầu.
Chỉ có thể khiến giảng viên trẻ yêu nghề bằng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chứ không phải làm tay trái, thời kỳ làm tay trái qua rồi.
Chúng tôi cũng không chủ trương đưa cán bộ trẻ ra giảng dạy quá nhiều, mà huy động họ trong những đề tài nghiên cứu. Làm những đề tài, cán bộ trẻ vừa được rèn luyện chuyên môn, khả năng tổ chức lao động... Như thế, cán bộ trẻ thấy tự hào hơn nhiều.
Xây dựng "trẻ": Trách nhiệm của "già"
"Thiếu hụt thế hệ trẻ" hay thế hệ trẻ chưa thành một đội ngũ yên tâm là một vấn đề trong nhiều trường ĐH hiện nay. Theo ông thì làm sao để điều chỉnh hiện tượng này?
Có những nơi bị hẫng thế hệ trung gian ở giữa, hoặc ngược lại chỉ có từ 45 trở xuống....Ảnh: LAD
Những khoa có lịch sử từ 30 năm trở lên, vấn đề này đặt ra khá gay gắt. Vấn đề đầu tiên là tổ chức tốt cơ cấu đội ngũ giảng viên.
Lớp giảng viên hôm nay và ngày mai, ở mỗi thế hệ cách nhau khoảng 10-15 năm. Những thế hệ đầu tiên ở lại trường từ khi thành lập năm 1956, bắt đầu lên bục giảng từ những năm 20 tuổi thì hiện tại họ đều đã nghỉ hưu. Mỗi thế hệ ra đi phải có một thế hệ khác "lắp" vào.
Một cơ sở đào tạo, theo nguyên tắc phát triển bền vững thì đội ngũ cán bộ bao giờ cũng phải có dạng hình chóp. Cái đáy - tức là đội ngũ thế hệ trẻ (từ 23 tuổi mới ra trường đến tầm 35 tuổi) phải rất rộng, thế hệ 35-45 tuổi thì ở bậc giữa, và thế hệ già ít hơn.
Nhưng không phải cơ sở nào cũng xây dựng được mô hình này. Có những nơi bị hẫng thế hệ trung gian ở giữa, hoặc ngược lại chỉ có từ 45 trở xuống, vì là khoa trẻ, hoặc lại thiếu hụt đội ngũ kế cận mạnh mà lại toàn các ông già.
Ông nói nhiều đến việc tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ nghiên cứu. Cụ thể, những điều kiện mà khoa Sử tạo được cho các cán bộ trẻ của mình là gì?
Về thu nhập, cũng may mắn là khoa Sử liên tục có các đề tài lớn, do các thầy lớn tuổi tìm được bằng uy tín của khoa, của bộ môn, của cá nhân...
Hiện tại, khoa Sử đang chủ trì khoảng 5 đề tài cấp nhà nước, kinh phí khoảng 800 triệu - 1,4 tỷ. Hơn chục đề tài cấp ĐHQG khoảng độ 300 triệu, không kể các đề tài 20-60 triệu. Với cán bộ trẻ, phải thường xuyên tham gia đề tài cấp nhà nước và phải làm chủ đề tài cấp trường... Mỗi đề tài đó có 5,7 cán bộ trẻ tham gia, qua đó, họ tăng được thu nhập đến 2-3 lần lương.
Vấn đề thứ 2 là bồi dưỡng họ. 21 cán bộ trẻ đều được khoa cử đi học các khoá ngoại ngữ trung dài hạn trong nước hoặc nước ngoài... điều này giúp họ tự tin hơn.
Ngoài các cán bộ già hiện đang công tác, chúng tôi còn nhiều cán bộ hiện không còn công tác như Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang... cùng phối hợp rèn luyện cán bộ trẻ. Mỗi một thầy lớn tuổi thế hệ trước sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, đỡ đầu các GV trẻ, qua lao động chuyên môn.
Khoa Sử là một khoa lâu năm với nhiều tên tuổi thuộc diện cây đa, cây đề. Đứng gần những người có chuyên môn giỏi, tên tuổi uy tín thì họ sẽ có niềm tự hào, tin tưởng.
Trong nhận thức của tôi, cán bộ trẻ không phải là ngày mai mà là hiện tại của khoa. Nếu chỉ để đủ sống thôi thì chưa hẳn, phải tính đến cả những yếu tố lãng mạn nhất. Phải nhìn vào khát vọng của giới trẻ. Khát vọng lớn nhất của họ là làm khoa học, làm chuyên môn thì khuyến khích họ.
Phải quyết liệt trong tư tưởng
Tồn tại một lớp cán bộ trẻ giỏi chuyên môn, yêu nghề nhưng vẫn phải trăn trở giữa những thực trạng chưa được thuận lợi của ngành... Với tư cách của một người thuộc thế hệ trước, ông có chia sẻ gì với họ?
Làm khoa học nói chung và làm giảng viên trẻ nói riêng thì thực chất phải có bi kịch. Nếu vẫn lăn tăn so sánh những hơn thua với các hướng đi khác, thì anh có thể từ bỏ con đường này. Chỉ có người không chồn chân mỏi gối mới đi theo được đường nghiên cứu khoa học.
Đây cũng chính là một cách sàng lọc cán bộ.
Trước hết, tự thân cán bộ trẻ phải tự đào thải mình. Ngành giáo dục cốt tinh chứ không cốt nhiều. Nếu thấy bị hấp dẫn bởi những thứ khác lớn hơn thì phải tự phủ định mình. Tôi chủ trương điều đó, nếu anh chưa đủ kiên nhẫn, chưa thực sự chấp nhận thực tại thì tức là chưa đủ yêu nghề. Khi mình chưa đủ yêu ai đó để hy sinh cho người ta thì tự trọng nhất là nên bỏ đi.
Đó là nhìn nhận theo hướng lý thuyết. Về mặt thực tế, theo ông thì phải có những thay đổi gì để giữ chân họ, khi những người giỏi không thiếu cơ hội hấp dẫn hơn?
Phải quyết liệt ở chính những người trong cuộc. Hiện tại tư duy "đăng đối" của xã hội Việt Nam nặng nề quá. Quyết sách mà câu chữ vẫn tròn trịa lắm, cái gì cũng muốn: Hết lòng chăm lo cán bộ già, lại ưu tiên phát triển cán bộ trẻ... thế thì cái gì là cái chính? Làm sao có thể thế được.
Đi vào cụ thể, theo ông, những cơ sở đào tạo, hay cao hơn, là quản lý ở tầm vĩ mô, đã đến lúc cần những biện pháp gì để khắc phục?
Cần có sự quyết liệt của cả hệ thống: Không chỉ là vấn đề của ông hiệu trưởng nào, của trường ĐH nào. Không thể chỉ nói "giáo dục là quốc sách" bằng lý thuyết.
Trước hết, ở cơ sở đào tạo cũng phải quyết liệt. Không thể đăng đối được.
Ví dụ, ở bộ môn Văn hoá học của khoa Sử, được thành lập năm 1998, lúc đó chỉ có 1 ông Chủ nhiệm bộ môn là ông Trần Quốc Vượng 64 tuổi và 2 cán bộ trên 40 tuổi. Mà chúng tôi phải dạy cho khoảng độ 24 lớp cho Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội và các trường khác trong ĐHQG Hà Nội, chưa kể các lớp tại chức.
Đến năm 2000, 2001, chúng tôi giữ được thêm cán bộ trẻ, lúc đó thầy Vượng đã gần 70 và tôi thì chuyển sang phụ trách bộ môn và chủ nhiệm Khoa. Nếu chỉ theo thói thường, thì sẽ phải huy động các cán bộ trẻ chia sẻ gánh nặng giảng dạy... Nhưng, chúng tôi vẫn phải nghiến răng để cho họ đi học, phải hy sinh, vì tương lai.
Nguyên tắc xử lý nhà nước ở tầm vĩ mô là... phải khắc nghiệt.
Tôi liên tưởng đến chuyện bố con Chử Đồng Tử chỉ có 1 cái quần, khi bố đã mặc thì con thôi, mà con đã mặc thì bố phải ở trần. Khi nhà Nguyễn xây dựng thành Phú Xuân, nhiều người đời sau nói "bao nhiêu xương máu để xây thành", Trung Quốc để có Vạn lý trường thành thì tốn bao nhiêu mạng người....
Nhưng, lật lại vấn đề, không có những sự quyết liệt, thậm chí khắc nghiệt như thế thì về sau làm sao có được những công trình để đời. Phải có những giai đoạn quyết liệt, để sau đó cân bằng hài hoà.
Cảm ơn ông.
Hoàng Lê (thực hiện)
********************
Ý kiến của bạn đọc:
Email: thanhhanh@hotmail.com
Kính gửi Thầy Nguyễn Hải Kế: Em rất thích môn lịch sử dù hiện không làm việc liên quan đến môn học này. Em nhận thấy tính quyết liệt trong phần trả lời của thầy, nó cũng thật đúng trong việc đào tạo những cán bộ giỏi ở thời đại của thầy. Tuy nhiên ở thời đại của bọn em (em sinh năm 1972), chúng em mong được áp dụng phương pháp dân chủ hơn. Thực tế thì thầy đã làm trong khoa sử bộ môn của mình, đó là tăng thu nhập để giáo viên nghiên cứu đủ sống, tạo đề tài hấp dẫn. Thầy có một cơ chế hết sức hợp lý, nhưng cơ chế đó chưa được luật hoá, chưa được thực hiện ở toàn xã hội, cho nên ở các nơi khác người kiếm được nhiều vẫn kiếm được, còn những công chức mới ra trường không có được người quản lý tốt như thầy thì vẫn phải sống èo ọt với đồng lương không đủ thuê nhà, không đủ ăn. Thế hệ chúng em không đòi hỏi nhiều nhưng ít nhất vẫn phải đủ sống, đủ ăn. Thưa thầy, Vạn Lý Trường Thành hay Phú Xuân đã xây dựng trên xương máu của nhiều người. Điều đó sẽ không được chấp nhận trong xã hội hiện đại. Ở thế hệ chúng em, có nhiều nhà khoa học bay vào vũ trụ, xây dựng được những thành phố mới đẹp (như Thẩm Quyến chẳng hạn), họ có thể không có mức lương cao ngất ngưởng như những ca sĩ, nhưng họ phải có cuộc sống ổn định so với xã hội. Và hơn hết, những công trình vĩ đại phải dựa vào tri thức khoa học. Khi đọc bài viết, em mong rằng tất cả những nhà quản lý quyết liệt như thầy và vì lớp trẻ như thầy.
******************
Các bài trong chuyên đề:
-
Bài 1: Giảng viên trẻ... thời @!
Bài 6: Ở một trường ĐH, hầu hết giảng viên đều đóng thuế thu nhập; tuyển một giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài về với nhà trường không khó. Nhưng, trường “thèm” nhất có độ mươi, mười lăm sinh viên khá giỏi ra làm kinh doanh vài năm rồi quay lại trường giảng dạy". Điều này, "lại quá tầm tay...”
*****************
Ý kiến của bạn:
-
Bài 4: Chỗ đứng nào cho giảng viên trẻ?
-
Ý kiến bạn đọc: "Giảng viên trẻ- Hãy đẩy họ xuống sông!"
-
Ý kiến bạn đọc: Cổ phần hóa trường ĐH- Giải pháp lương cho giảng viên-