(VietNamNet) - "Nếu họ đã muốn “dứt áo ra đi” thì cũng không thể giữ được. Nhưng việc “giữ chân” này phụ thuộc vào bộ môn. Nếu trưởng bộ môn quý người, động viên, hướng GV trẻ theo hướng phát triển và khơi dậy được cách thức để thăng tiến về khoa học thì GV giỏi mới nhiệt tình..."
GS.TS Nguyễn Bách Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, đã trao đổi rất thẳng thắn những suy nghĩ về GV trẻ và cách thức quản lý đội ngũ này.
GS.TS Nguyễn Bách Khoa: "Phải có ý chí để làm người thầy thực sự chứ không phải một danh hiệu hão huyền hay một thợ giảng". (Ảnh: L.H) |
"Đổ lỗi cho kinh phí, không làm đề tài khoa học là nguỵ biện"
* Theo ông, những hạn chế lớn nhất của đội ngũ GV trẻ hiện nay là gì?
Hạn chế lớn nhất của GV trẻ so với thế hệ trước đây là yếu về phương pháp luận. Các GV trẻ hiện nay hầu hết đi tu nghiệp ở các nước phát triển, được học cách tiếp cận rất thực chứng. Vì vậy khi gặp các vấn đề chuyên sâu thuộc chuyên ngành được đào tạo thì các em tiếp cận rất nhanh. Nhưng khi gặp phải những vấn đề lạ thì lại lúng túng.
Hạn chế thứ hai là tính bám sát thực tiễn của GV trẻ hiện nay yếu hơn thế hệ trước. Các em thường tốt nghiệp ĐH với kết quả tốt và được giữ lại trường, rồi làm nghiên cứu và được cử đi học luôn. Như vậy là không có quá trình tiếp cận thực tiễn.
Hạn chế thứ ba là tính thực dụng của thế hệ trẻ rất cao, cái gì cần thì cố gắng để phấn đấu đạt được. Nhưng làm nghề giáo thì không có thang bậc cuối cùng mà cứ phải học liên tục cả đời. Thế hệ GV trẻ hiện nay khi đứng lớp chưa thành thạo thì cố gắng học hỏi nhưng khi đã đứng lớp thành thạo thì sớm tự bằng lòng.
* Nhà trường có biện pháp nào để khắc phục những hạn chế của đội ngũ này?
Hàng năm, Đảng uỷ nhà trường đều tổ chức đối thoại với GV trẻ để lắng nghe những kiến nghị của họ. Đồng thời, quản lý nhà trường cũng đặt ra nhiệm vụ đối với GV trẻ.
Chúng tôi giao nhiệm vụ cho GV trẻ làm chủ những đề tài khoa học có tính thực tiễn từ mức thấp đến cao. Việc đó giúp GV trẻ rèn luyện phương pháp nghiên cứu. Qua đó, gắn những vấn đề lý luận hàn lâm với những vấn đề thực tiễn thời sự.
Đồng thời, qua các đề tài cấp trường, GV trẻ có thể thai nghén các đề tài khoa học cấp Bộ. Bên cạnh đó, có thể vận dụng các đề tài, chuyển giao ngay vào bộ môn.
Sắp tới, khi thực thi đề án chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ vào năm học 2007-2008, chúng tôi yêu cầu với các môn dưới 3 đơn vị học trình thì phải có ít nhất 10 tiết, 4 đơn vị học trình phải có 15 tiết mời các giám đốc, các nhà hoạch định chính sách vào giảng. GV trẻ phải tham gia lớp học để tích luỹ kiến thức thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo điều kiện, cơ sở vật chất cho GV trẻ nghiên cứu và làm việc. Cách đây 1 năm, nhà trường đã nối mạng internet tới tận các bộ môn và yêu cầu GV trẻ phải truy cập và sử dụng thành thạo mạng thông tin phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy.
* Theo ông thì khuyến khích GV trẻ tham gia thực hiện các đề tài khoa học cấp trường là một biện pháp để khắc phục những hạn chế của họ. Tuy nhiên, thực tế là một số GV trẻ không hào hứng lắm vì công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và tương đối tốn kém. Tuy nhiên, kinh phí được cấp lại không nhiều, đôi khi còn không bù lại được số tiền bỏ ra nghiên cứu...
- Trước hết phải nói là đề tài cấp trường không muốn cũng phải làm vì đó là nghề. Thứ hai là không ai phải bỏ hơn số tiền nhà trường cấp.
Tôi cũng nghe một số ý kiến của các GV trẻ về vấn đề kinh phí nhưng đó chỉ là hình thức nguỵ biện, do lười hoặc không làm được. Khi đã tìm ra vấn đề, việc xây dựng đề cương và cơ sở lý thuyết không có gì quá khó khăn. Bản thân nghề của các em đã có thể làm được rồi.
Một số khảo sát thực tiễn thì ở phạm vi hẹp, thông thường gắn chặt với cơ sở thực tập của SV. Sau đó có đề xuất, giải pháp thì đề tài cấp trường cũng chỉ mới dừng ở cái khung chứ chưa đòi hỏi cụ thể bước đi, lộ trình, tài chính, công nghệ, nhân lực.
Do vậy, trong khoảng 3-5 triệu thì hoàn toàn có thể trang trải được các chi phí vật chất thực hiện đề tài. Nói là không có thu nhập từ khoa học thì đúng chứ không thể “lỗ”.
GV trẻ cần "quyền tự do phát triển"
Cùng với thu nhập, vấn đề "tự do phát triển" cũng được giảng viên trẻ quan tâm. (Ảnh: LAD) |
*Vừa rồi ông có đề cập đến buổi tiếp xúc giữa quản lý nhà trường với GV trẻ. Theo đánh giá của ông thì tác động thực tế của hội nghị này như thế nào?
- Từ năm 2000 trở đi, chúng tôi đã tổ chức buổi gặp gỡ hàng năm với GV trẻ. Không khí của những buổi tiếp xúc đó tương đối cởi mở và thẳng thắn. GV trẻ bày tỏ những kiến nghị, lãnh đạo nhà trường trình bày những việc đã giải quyết được và những việc còn tồn đọng.
Những buổi tiếp xúc này có hai tác dụng rõ ràng.
Thứ nhất là tâm lý, tình cảm. Nó giải toả được một số khúc mắc, bức xúc của GV trẻ.
Thứ hai là tác động về phía quản lý. Với thái độ nghiêm túc và cầu thị, quản lý phải xem xét lại một số chính sách làm sao cho hài hoà và phù hợp với thực tiễn.
Một số vấn đề cụ thể trường có thể nắm bắt và giải quyết luôn. Nhưng vẫn có một số vấn đề vượt ra ngoài thẩm quyền của nhà trường, trường không thể giải quyết được.
* Theo phản ánh của một số GV trẻ thì không khí các buổi hội nghị đó khá dân chủ. GV trẻ phát biểu thẳng thắn, nhà trường sẵn sàng lắng nghe nhưng hội nghị năm sau các vấn đề của lần trước vẫn được đưa lại. Điều này tạo ra tâm lý “không hy vọng gì” ở các buổi tiếp xúc này, không mong đợi sự chuyển biến thực sự...
- Chúng tôi luôn nói thẳng với các GV trẻ những việc có thể giải quyết được, những việc không. Bản thân các GV trẻ của chúng tôi cũng nhận thức rõ việc nào thuộc thẩm quyền trường, việc nào thuộc cấp cao hơn để kiến nghị.
Sắp tới, nếu cơ chế tự chủ ĐH được triển khai rộng hơn thì chúng tôi sẽ có thể giải quyết được nhiều hơn. Hiện nay, hiệu trưởng là người đại diện cho một cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức thực thi những quy chế quản lý, quy phạm quản lý, định mức quản lý của nhà nước nhiều hơn là lo lắng, phát triển, nâng cao, mở rộng trong phạm vi tự chủ.
* Những vấn đề gì GV trẻ quan tâm nhất trong các hội nghị đó?
- Có 3 vấn đề chính thường được đề cập trong các buổi tiếp xúc lãnh đạo và GV trẻ.
Thứ nhất là việc đi học nước ngoài.
Vấn đề thứ hai là thu nhập. Thời kỳ đầu làm GV thì thu nhập không bằng những chỗ khác, nhưng sau khoảng 5 năm đứng lớp hơi thành thạo ở những bộ môn chuyên ngành thì tổng thu nhập bình quân của một GV trường tôi có thể đạt được 4,5 triệu đến 5,5 triệu.
Thứ ba là cơ hội thăng tiến trong tương quan với thực tiễn. Thăng tiến không chỉ là thăng chức thăng quyền mà còn trong phạm vi của một quyền tự do phát triển nói chung của GV trẻ, nhất là những GV đi học ở nước ngoài về.
Ở nước ngoài thì giảng dạy theo giáo trình linh hoạt từ nhiều nguồn nhưng ở ta đôi khi hơi ép GV dạy theo tuần tự của giáo trình chính thống mà ít cho phép mở rộng ra ngoài. Chắc chắn việc bắt GV trở thành cái máy đọc giáo trình là không đúng và không nên. Đặc biệt không nên bó gọn tri thức, đặc biệt với những GV trẻ có điều kiện tiếp cận tri thức cập nhật ở các tài liệu nước ngoài. Nhưng liều lượng và điều tiết như thế nào thì cần phải xem xét kỹ.
"Giữ chân" giảng viên trẻ: Phụ thuộc vào bộ môn!
* Nguồn GV trẻ của trường từ đâu, thưa ông?
- Một phần là SV từ trường, chiếm khoảng 45 đến 50% nhưng 3 năm gần đây có xu hướng giảm. Còn lại là nguồn SV đi du học về hoặc từ các trường bạn.
Chúng tôi muốn thu hút các bạn trẻ đi làm ở ngoài một thời gian, có kinh nghiệm thực tế rồi quay lại trường giảng dạy nhưng chắc do vấn đề thu nhập mà không có nhiều người.
Thậm chí, cũng có GV trẻ được cử đi du học rồi bỏ trường.
* Vậy nhà trường có chính sách gì để “giữ chân” những GV giỏi?
- Nếu họ đã muốn “dứt áo ra đi” thì cũng không thể giữ được. Nhưng việc “giữ chân” này phụ thuộc vào bộ môn. Nếu trưởng bộ môn quý người, động viên, hướng GV trẻ theo hướng phát triển và khơi dậy được cách thức để thăng tiến về khoa học thì GV giỏi mới nhiệt tình.
* Theo ông, muốn thành công thì GV cần có những yếu tố nào? Đó có phải là tiêu chuẩn để trường tuyển GV trẻ không?
- Trước tiên, là phải có ý chí để làm người thầy thực sự chứ không coi đây là một sự lựa chọn ổn định nhất của nghề nghiệp hoặc một danh hiệu hão huyền hay một thợ giảng. Thợ giảng có từ bậc 2 đến bậc 7 nhưng phải có ý chí vươn tới tận cùng của tri thức, không bao giờ ngưng nghỉ.
Thứ hai là phải chuẩn bị thật tốt những kỹ năng, công cụ của thầy giáo. Đó là ngoại ngữ thật giỏi, công nghệ thông tin, rèn luyện kỹ năng trình diễn vấn đề. GV dạy mà SV thích thì mình cũng có thêm nhiệt huyết. Bên cạnh đó, phải bám sát thực tiễn để thấy kiến thức mình không đủ.
Thứ ba là phải có quan tâm tới hoạt động xã hội, hoạt động tập thể, chính trị. Bạn bè của tôi hiện nay là GS, thời trẻ đều tham hoạt động đoàn rất tốt, có nhiều mối quan hệ. GV trẻ phải là con người xã hội, đặc biệt khi dạy kinh tế và quản trị kinh doanh.
Đó là 3 vấn đề mà tôi luôn nhấn mạnh vì thiếu một trong những thứ đó, GV trẻ sẽ gặp khó khăn trên con đường của mình.
Xin cảm ơn ông!
-
Hoàng Lê - Lan Hương (thực hiện)
*************
Các bài liên quan:
Bài 1: Giảng viên trẻ... thời @!