(VietNamNet) - Những ngày hè nóng bỏng của một kì thi tốt nghiệp THPT nóng bỏng đã qua. Nhưng dư âm về một kì thi nghiêm túc, chuẩn mực, đạt yêu cầu đặt ra đã như ngọn gió mát lành thổi vào ngành giáo dục, làm lay động những trái tim vốn mong mỏi sự đổi thay. Một cuộc chuyển mình thực sự, dù tất cả mới chỉ là sự khởi đầu.
Các thí sinh chăm chú làm bài thi. (Hội đồng thi trường PTTH Việt Đức. Ảnh: Phạm Hải) |
Ba ngày thi yên tĩnh. “Sự kiện” tiêu cực ở hội đồng thi GDTX huyện Lương Tài (Bắc Ninh) bị phát giác và xử lý kịp thời càng là điểm nhấn cho thấy kì thi đã rất nghiêm. Bởi lẽ, nếu mùa thi trước, những sự việc như vậy là phổ biến, là không có gì phải băn khoăn và không loại trừ, nó đã chìm xuồng như rất nhiều “vụ việc” liên quan đến thi cử của ngành giáo dục.
Thế nhưng, ấn tượng nhất có lẽ là những nụ cười rạng rỡ của những thí sinh lúc kết thúc môn thi cuối. Đề thi vừa sức, không có chuyện “đánh đố”, “làm khó” học sinh. Không có chuyện phải “nhón gót, kiễng chân”, làm những việc quá sức mình để phát sinh tiêu cực. Ngành giáo dục đang tìm về thực chất, đánh giá đúng năng lực học trò. Phải chăng cái gốc của sự trung thực đã trở lại nguyên hình khối từ đây?
Đã rất nhiều năm, không ai tin vào con số thống kê của những kì thi tốt nghiệp THPT (kể cả nhiều kì thi tốt nghiệp khác nữa)! Tỉnh này 99% thi đỗ, trường kia không HS nào trượt, tất cả đã được quy ước là những con số ảo, làm đẹp thành tích, vui vẻ cả làng.
Điều kì lạ là sự say sưa với những con số đẹp khiến nhiều hội đồng thi, nhiều thầy cô giáo tự bó mình vào những cam kết vô hình, biến mình thành công cụ cho những mục tiêu không thực chất.
Màn dạo đầu ấn tượng
Vẫn đội ngũ giáo viên ấy, vẫn nội dung chương trình ấy, mà tâm thế, kỉ cương của một kì thi quốc gia đã được tái lập gần như trọn vẹn. Cái gốc đổi thay phải nhìn nhận từ đâu?
Không thể phủ nhận quyết tâm của lãnh đạo ngành giáo dục, đặc biệt là cá nhân vị “tư lệnh” đã được chuyển thành những giải pháp rất căn cơ, tỷ mỷ, sát sao với thực tiễn.
Một loạt chuyến đi thị sát cơ sở, các cuộc họp tổ chức theo vùng, nhịp nhàng, đã dần dần đưa quyết tâm về một kì thi nghiêm túc lan toả đến tận từng trường, từng cán bộ ngành giáo dục.
Ngay chủ trương về “một kì thi thứ hai” được lãnh đạo Bộ kiên trì đưa ra cuối cùng cũng có được sự đồng thuận của phần lớn các sở giáo dục. Mở cho học sinh của mình một con đường, như một giải pháp tình thế lúc giao thời, chính là cách để xác lập quyết tâm cao hơn, đầy đủ hơn về một kì thi nghiêm túc và thực chất.
Điểm nhấn quan trọng của kì thi tốt nghiệp là sự có mặt của đội ngũ thanh tra được Bộ “biệt phái” từ các trường ĐH. Đưa người từ nơi khác đến, lo toan chu đáo nơi ăn, chỗ ở để không phụ thuộc địa phương, đó đã là một cách tính toán chi li bảo đảm sự khách quan, nghiêm túc.
Nhưng giải pháp thanh tra uỷ nhiệm từ các trường ĐH mà Bộ đưa ra còn có ý nghĩa sâu xa hơn thế. Chính những người thầy dạy ĐH cũng thấm thía nỗi đau về những sản phẩm “nửa chừng”, để ý thức hơn về sự sàng lọc, phân loại cần thiết trước một kì thi ĐH nóng bỏng còn đang ở phía trước.
Chưa xa cái thời, Bộ GD-ĐT áp dụng chủ trương mở rộng tuyển thẳng cho các thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi và một cơn địa chấn “nở rộ” học sinh giỏi từ các địa phương đã đẩy nhiều trường ĐH vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Nhận học sinh giỏi tuyển thẳng mà lo vì nhiều em tốt nghiệp toàn 9, 10 mà thực lực dưới mức trung bình. Lại có giáo viên, tỷ mẩn mở hồ sơ sinh viên nhập học, té ngửa ra vì có em thi ĐH và tốt nghiệp đều cao, nhưng chính môn ấy điểm tổng kết thực tế cả ba năm THPT đều ở dưới mức trung bình. Cơ trời hay cơ chế nào đã khiến bất ngờ “cá chép hoá rồng”, bất chấp những quy chuẩn về tri thức và sự nghiêm cẩn chốn trường thi?
Chờ những bước chân mới
Không ai dám chắc kì thi tốt nghiệp THPT không còn những thiếu sót. Cũng không ai dám khẳng định kỉ cương đã hoàn toàn được tái lập chỉ qua một kì thi.
Trong hàng ngàn ý kiến bạn đọc gửi về VietNamNet, vẫn còn đó những băn khoăn tình trạng nơi này nơi kia chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn có cảnh giám thị “làm ngơ” cho thí sinh quay cóp, vẫn có thầy mang cả điện thoại vào phòng thi mà không bị xử lý…
Sự nghiêm túc chỉ có ý nghĩa khi đi với nó là lẽ công bằng. Nếu còn tình trạng nơi nào làm nghiêm, nơi đó chịu thiệt thì khó tạo nên động lực thật sự cho một cuộc đổi thay đúng nghĩa!
Màn dạo đầu ấn tượng nhưng chỉ thực sự đạt kết quả khi nó nằm trong một chiến lược cách tân tổng thể và bài bản.
Tiêu cực vẫn còn có thể len lỏi vào khâu chấm thi, vào những quy trình tiếp theo sau nữa?
Liệu kì thi tốt nghiệp lần 2 có nghiêm túc như lần 1, có tránh tình trạng “tháo khoán” như nhiều người đã cảnh báo?
Cái tâm lý đã ngồi lên tàu là tới ga, như mấy chục năm nay chúng ta đã quen với tỷ lệ 99%, 100% học sinh tốt nghiệp liệu có khắc phục cơ bản qua cuộc thi này?
Bởi vẫn còn những hội đồng thi tốt nghiệp bậc ĐH còn dễ dãi, đã thi thì hầu như không ai trượt.
Bài học xử lý nghiêm ở hội đồng thi Trung tâm GDTX Lương Tài liệu có đủ là liều thuốc thay đổi thực trạng thi cử đào tạo còn nhiều tiêu cực ở các trung tâm bổ túc văn hoá, các lớp tại chức, chuyên tu vốn vẫn gây nhiều dư luận ì xèo?
Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Và dù có lạc quan và kì vọng vào sự đổi thay của giáo dục đến đâu, thì kì thi THPT nghiêm túc lần này mới chỉ là trái ngọt đầu tiên của cuộc vận động “hai không”, và “hai không” là cuộc vận động đầu tiên của ngành giáo dục trong lộ trình vươn tới xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, trung thực…
Tín hiệu ban đầu chỉ có ý nghĩa khi nó làm mạnh thêm bước chân đổi mới chứ không phải là nhịp trầm thoả mãn, dừng lại, đợi chờ!
-
Đỗ Chí Nghĩa