(VietNamNet) - Theo quy định, những thí sinh làm cả 2 phần ở phần riêng trong đề thi tốt nghiệp THPT phân ban sẽ bị hủy kết quả. Trước những ý kiến trái chiều, Bộ GD-ĐT.... đã "xuôi chiều" vào phút 89! Gần 1.300 thí sinh có nhầm lẫn này vẫn còn cơ hội tốt nghiệp và bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long (Ảnh K.O)
Chiều nay (14/6), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, những trường hợp "trót" nhầm lẫn, đến nay Bộ xem xét cả về "tình" và "lý" để đi đến quyết định: Chấm và lấy kết quả phần chung (từ câu 1 đến câu 32), hủy kết quả phần riêng.
- Thưa Thứ trưởng, quan điểm của Bộ GD-ĐT đến nay (14/6) thế nào khi có nhiều ý kiến đề xuất "tha" cho những thí sinh mắc lỗi làm cả hai phần đề thi "tự chọn"?
Trước tiên phải khẳng định, đề thi tốt nghiệp THPT rất rõ ràng, mạch lạc. Câu hỏi trong đề cũng quy định rất rõ: Từ câu số 1 đến câu 32 là phần đề chung dành cho tất cả thí sinh. Phần đề riêng cũng ghi rõ, thí sinh chỉ được chọn phần dành cho ban mình: ban Khoa học Tự nhiên hoặc ban Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Cùng với đó, các văn bản quy định của Bộ GD- ĐT đã được gửi xuống cơ sở từ tháng 1 và tháng 2 để kịp tập huấn cho giáo viên và học sinh. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều lần ý kiến của đại diện các đơn vị chức năng như Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ ĐH&Sau ĐH...
Một điều nữa cũng phải khẳng định, các cơ sở đều đã tập huấn và hướng dẫn đầy đủ các quy định được và không được thực hiện khi kỳ thi diễn ra.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT có nhận được phản ánh của các cơ sở về tình trạng thí sinh làm cả 2 phần đề "tự chọn". Đối với những trường hợp trót nhầm lẫn thì đến nay Bộ xem xét cả về "tình" và "lý" để đi đến quyết định: Chấm và lấy kết quả phần chung (từ câu 1 đến câu 32) và hủy kết quả phần đề riêng.
- Căn cứ nào để Bộ GD-ĐT chuyển hướng xử lý một cách "đột ngột" như vậy?
Quan điểm của Bộ GD-ĐT, với những trường hợp vi phạm dù phổ thông hay ĐH đều phải xử lý nghiêm để tăng cường kỷ cương trong thi cử.
Tuy nhiên, đây là năm đầu có nhiều môn thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm cho nên mới xem xét quyết định chấm điểm phần chung cho các em.
Mặt khác, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Khảo thí thì số thí sinh làm sang phần đề sai quy định chỉ gần 1.300 em, chiếm chưa đến 1/1.000 tổng số HS dự thi. Trong đó, 726 thí sinh "trèo" sang có 1 câu; còn lại làm lấn từ 2 đến 8 câu.
- Số thí sinh làm "trèo" sang phần đề thi sai quy định thuộc những địa phương nào?
Cơ bản tập trung các tỉnh phía Nam. Phía Bắc lác đác... Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vẫn đang tập hợp.
- Sự thay đổi có được hợp thức hóa bằng văn bản gửi tới các cơ sở thực thi?
Sau khi có thống kê đầy đủ dữ liệu, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản gửi tất cả các đơn vị thực thi. Việc chấm điểm phần chung là biện pháp để thí sinh không bị thiệt thòi, mặc dù tỷ lệ làm cả 2 phần đề "tự chọn" chỉ có 1.300 thí sinh.
Qua đây tôi cũng muốn gửi lời hoan nghênh tới hơn 1 triệu thí sinh còn lại đã thực hiện nghiêm túc quy chế làm bài thi...
- Nhưng thưa Thứ trưởng, tại thời điểm này, rất nhiều địa phương đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Nếu chờ công văn của Bộ thì có ảnh hưởng đến kết quả bài thi đã công bố; đồng nghĩa với việc địa phương sẽ phải tổ chức chấm lại?
Không ảnh hưởng gì, vì quá trình chấm bài thi nếu địa phương nào phát hiện vấn đề đều báo cáo Bộ GD-ĐT để có phương án xử lý... Tôi cũng xin khẳng định, đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho gần 1.300 thí sinh nếu còn cơ hội thi ĐH sắp tới thì phải tuân thủ đúng quy định.
- Thứ trưởng bình luận gì khi rất nhiều địa phương công bố với tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp?
Chúng ta đang cùng nhau hướng đến một kỳ thi kỷ cương, nghiêm túc để cho kết quả "học thật, thi thật". Do vậy, thực trạng thế nào thì phải tôn trọng và phải chấp nhận.
- Kết quả thấp có ảnh hưởng đến tiến độ gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH?
Hiện, chưa có tổng kết. Tất cả đều phải có phân tích, đánh giá trên cơ sở dữ liệu thi để có nhận định khách quan...
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
-
Kiều Oanh (thực hiện)