221
482
Vấn đề
vande
/giaoduc/vande/
979260
Xây ký túc sinh viên: Doanh nghiệp "chùn chân"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Xây ký túc sinh viên: Doanh nghiệp 'chùn chân'
,

(VietNamNet) - Giá phòng cho SV thuê chỉ dừng ở mức khiêm tốn so với giá thị trường, trong khi SV lại không được xếp vào đối tượng được hưởng quỹ nhà xã hội. Vì thế, đa số doanh nghiệp vẫn “ngại” đầu tư vào lĩnh vực xây ký túc xá cho SV.

>> Chen chân tìm đường vào ký túc
>> 100 tỷ đồng xây ký túc xá

Xây nhà cho SV = đầu tư… mạo hiểm?

Quán cà phê ở tầng 1 trong toà nhà 7 tầng ở làng sinh viên Hancinco
Quán cà phê ở tầng 1 trong toà nhà 7 tầng ở làng sinh viên Hacinco. Ảnh: Lan Hương
Kể từ năm 2001 đến nay, sau khi 2 dự án xây dựng ký túc xá (KTX) cho SV ở Hà Nội là Làng SV Hacinco (Nhân Chính, Thanh Xuân) và KTX Thăng Long (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) bắt đầu đi vào hoạt động, chưa có thêm doanh nghiệp nào “dám” chen chân vào lĩnh vực đầu tư này.

KTX Thăng Long được duyệt dự án với công suất thiết kế cho gần 2.800 SV nhưng theo thông tin do ông Trương Ngọc Tùng (Trưởng BQL KTX) cung cấp thì ở đây chỉ có 612 chỗ dành cho SV. Trên thực tế, một phần không nhỏ các khu nhà thuộc KTX Thăng Long hiện nay đang dành cho các hộ gia đình sinh sống. 

Theo báo cáo giữa năm 2006 của CA Phường Dịch Vọng Hậu gửi UBND phường Dịch Vọng Hậu thì trong tổng số 127 phòng ở đây, chỉ có 56 phòng dành cho SV. Thanh tra của UBND TP Hà Nội cũng đã vào cuộc nhưng cho đến nay, vẫn chưa có công bố chính thức nào về hoạt động của KTX Thăng Long. 

Còn Làng SV Hacinco mới chỉ đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 2000 SV trong khi công suất thiết kế dành cho 6000 người. Lý do đơn giản là khu nhà 17 và 21 tầng đáng nhẽ phải đưa vào hoạt động mùa khai trường năm nay nhưng vẫn đang dở dang do thiếu tới 40 tỷ đồng. 

Ông Trần Đức Vũ, Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: “HSSV là đối tượng có nhu cầu lớn nhưng không đảm bảo tự chi trả trong sinh hoạt cũng như nhu cầu ở. Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nơi ở cho đối tượng này lại chưa được các văn bản luật và nghị định, thông tư của Chính phủ đề cập đến.” 

Theo ông Đinh Đại Cồ, GĐ Xí nghiệp Dịch vụ Kinh doanh nhà Làng SV Hacinco, thì những ưu đãi của thành phố quá nhỏ bé so với tổng lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp khi xây dựng làng. 

Doanh nghiệp chỉ được miễn thuế đất trong thời gian xây dựng. Nhưng đây là ưu đãi chung dành cho lĩnh vực xây dựng chung cư cao tầng chứ không riêng gì KTX cho SV. Khi đã đi vào hoạt động, thuế đất hàng năm lên tới gần 200 triệu đồng. 

Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư của Làng SV Hacinco, chỉ được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi từ 0,1 đến 0,3% cho khoảng 50% tổng số vốn, phần còn lại vẫn phải vay thương mại. Như vậy mỗi tháng, riêng lãi suất ngân hàng phải trả cũng đã lên tới vài trăm triệu đồng. 

Trong 3 năm, từ năm 2001, thành phố hỗ trợ lãi suất sau đầu tư gần 3 tỷ đồng nhưng các năm tiếp theo vẫn chưa thấy “động tĩnh” gì. 

Ngoài ra, Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội được miễn thuế nhập khẩu các trang thiết bị như thang máy, hỗ trợ kinh phí chuẩn bị đầu tư và một số công trình kỹ thuật. 

Ông Đinh Đại Cồ cho biết: “Với mức giá trung bình khoảng 150.000 đồng/SV/tháng, mỗi tháng chúng tôi chỉ thu được khoảng 300 triệu đồng từ tiền thuê trọ của SV. Trong khi đó, tiền trả cho bộ máy quản lý đã gần 50 triệu, các loại tiền khác như thuế đất, lãi suất ngân hàng, bảo trì thang máy… cũng tốn tới vài trăm triệu.” 

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án Làng SV Hacinco thì trong 3 năm liên tiếp, từ 2003 đến 2005, mỗi năm dự án lỗ tới vào trăm triệu. Năm 2005, con số này lên tới gần 1 tỷ đồng. 

Tìm lời giải cho bài toán lỗ-lãi 

Phòng có điều hoà và phơi quần áo trẻ con ở ký túc xá Thăng Long. Ảnh: Lan Hương
Phòng có điều hoà và phơi quần áo trẻ con ở ký túc xá Thăng Long. Ảnh: Lan Hương
Bất kỳ nhà đầu tư nào khi bắt tay xây dựng dự án cũng sẽ tính đến khả năng thu hồi vốn và có lãi. Đó là lý do mà các doanh nghiệp “ngại” đầu tư xây dựng KTX cho SV. 

Ông Đinh Đại Cồ cho biết: “Dự án được xây dựng cách đây gần chục năm. Từ đó đến nay giá cả tăng chóng mặt dẫn đến việc lỗ ngoài dự kiến.” 

Ban đầu, Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội xác định mức đầu tư cho Làng SV là gần 90 tỷ đồng nhưng đến năm 2004, con số này được điều chỉnh lên mức 210 tỷ. 

TS Trần Văn Tâm, chuyên gia Kinh tế xây dựng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, khẳng định: “Trong kinh tế thị trường có khái niệm rủi ro trong kinh doanh và bản thân các nhà đầu tư hơn kém nhau ở chỗ lường trước được rủi ro. Đầu tư xây KTX là đầu tư bất động sản dài hạn, có thể sẽ có những yếu tố thuận lợi hơn hoặc bất lợi phát sinh mà doanh nghiệp phải lường trước. Chính vì thế, không thể bỏ tiền đầu tư rồi than giá cả tăng cao ngoài tầm kiểm soát.” 

TS Tâm phân tích rằng với đơn giá SV phải trả, dù thuê ở xa hay gần cũng chỉ thu được số tiền như nhau. Trong khi đó, nếu là nhà chung cư hoặc văn phòng thì tùy địa điểm, giá sẽ khác nhau. 

Vì vậy, doanh nghiệp nên chọn một ví trí phù hợp,  ra ngoại thành để xây dựng KTX SV và thành phố nên hỗ trợ bằng cách thiết lập các tuyến xe buýt chuyên phục vụ SV từ KTX đến các cụm trường. Xây dựng KTX ở xa trung tâm thành phố vừa bớt được thuế đất, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công do có thể xây dựng cả ngày. 

Trong khi đó, mong muốn lớn nhất của chủ đầu tư là đưa SV vào đối tượng được hưởng quỹ nhà xã hội, như đối với công nhân viên chức thu nhập thấp. Khi đó sẽ có nhiều ưu đãi hơn, sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn. 

Hiện nay, tuy cho thuê với giá rất thấp so với thị trường nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế VAT như các dịch vụ thông thường khác. 

Bà Phạm Thị Vinh, Phó GĐ Khách sạn thể thao trực thuộc Làng SV Hacinco, đề xuất xin giãn nợ để hạ lãi suất vay vốn xuống. Hiện nay, Quỹ phát triển nhà ở thành phố chỉ cho vay trong 5-10 năm, ngân hàng cho vay ưu đãi 10 năm trong khi thời gian khấu hao các khu nhà trong làng lên tới vài chục năm. 

Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội còn đề xuất cho phép xã hội hoá các công trình công cộng như bể bơi, sân thể thao… để kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng đầu tư và phục vụ cả cho mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố chưa chấp nhận phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp. 

Trong khi đó Làng SV Hacinco đã “chủ động” mở thêm các dịch vụ đi kèm như quán café, bưu điện, trung tâm sửa xe… và cho SV nước ngoài thuê một số phòng thuộc khách sạn Thể thao với mức giá cao để bù lỗ.  

Chuyên gia Kinh tế xây dựng Trần Văn Tâm cho rằng đối với mỗi khu chung cư, việc xây dựng những dịch vụ đi kèm là cần thiết nhưng ở đây phải đảm bảo mục đích là phục vụ SV. 

TS Tâm nhận định nếu có cơ chế mở cho phép các trường phối hợp với doanh nghiệp xây dựng KTX cho từng trường sẽ khả thi hơn. Trường góp vốn bằng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp góp tiền xây dựng và trang thiết bị. Từ đó, các bên thu lợi nhuận từ phần hùn vốn của mình. 

  • Lan Hương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,