(VietNamNet) - Nhân sự kiện Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình Chính phủ đề xuất thành lập trường ĐH Khoa học và Công nghệ trực thuộc Viện KH-CNVN, VietNamNet giới thiệu bài viết của GS Vũ Quốc Phóng về quản lý nghiên cứu và giảng dạy ở các trường ĐH Mỹ. Trong phần 2, tác giả có đề xuất về việc thành lập một trường ĐH có nghiên cứu tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngoài ra, tác giả đã bổ sung bài viết “Về việc chuyển đổi các viện nghiên cứu thành một trường ĐH "đẳng cấp quốc tế” dựa trên những thông tin mới cập nhật.
>> GS Việt ở nước ngoài: Kênh đào tạo TS còn bỏ ngỏ
>> Bằng tiến sĩ cũng linh động
>> Tiến sĩ không phải tiêu chí tối thượng
Ổn định và tự do
Ở Mỹ, có việc làm bảo đảm vĩnh viễn là một sự ưu đãi đặc biệt làm cho các chức vụ giảng viên ĐH khá hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng |
Vị trí giảng viên chính thức trong trường đại học ở Mỹ rất ổn định và bắt nguồn từ nguyên tắc “tự do học thuật” (academic freedom), mà theo đó các nhà khoa học phải được tự do trong nghiên cứu tìm ra các kiến thức mới và trong việc truyền đạt kiến thức.
Một trong những biểu hiện của nguyên tắc này là giảng viên được tự do chọn lĩnh vực và đề tài nghiên cứu, tự do theo đuổi các hướng nghiên cứu nhiều rủi ro hoặc không được ủng hộ rộng rãi, cũng như tự do trong việc sử dụng tài liệu và các phương pháp sư phạm để dạy cho sinh viên của mình.
Để bảo đảm quyền tự do học thuật, chức giảng viên (phó giáo sư và giáo sư) trong các trường ĐH ở Mỹ là vô thời hạn, để họ không phải chịu áp lực trong công việc của mình. Tức là, sau khi đã được bổ nhiệm chính thức, trường không có quyền buộc thôi việc giảng viên đó nếu họ không vi phạm nghiêm trọng các quy định của trường và pháp luật, hoặc nếu trường không gặp những khó khăn bất khả kháng về tài chính mà buộc phải giải tán các chương trình, các khoa mà không phân biệt ai.
Tự do học thuật và bổ nhiệm vĩnh viễn không làm giảm vai trò, trách nhiệm cá nhân của giảng viên trong nghiên cứu và giảng dạy. Các trường ĐH ở Mỹ đặc biệt đề cao trách nhiệm cá nhân của giảng viên trong giảng dạy và cụ thể hóa nó thành các quy định chi tiết. Ví dụ, các giảng viên phải cho sinh viên biết về nội dung môn học, phương pháp giảng dạy và kiểm tra kiến thức ngay trong buổi học đầu tiên, và phải duy trì giờ có mặt ở văn phòng (office hours) để SV có thể gặp.
Trong một xã hội năng động như xã hội Mỹ, có việc làm bảo đảm vĩnh viễn là một sự ưu đãi đặc biệt làm cho các chức vụ giảng viên ĐH khá hấp dẫn, mặc dù thu nhập hàng tháng của giảng viên ĐH nói chung là thấp hơn so với một người có học vấn tương đương mà làm cho các hãng lớn.
Quy định về bổ nhiệm chính thức cũng có mặt tiêu tực và bị khá nhiều người phê phán. Mặt hạn chế lớn nhất của chính sách này là một bộ phận giảng viên, sau khi đã thành chính thức, bắt đầu lơi là, thậm chí bỏ hẳn, công việc nghiên cứu.
Đánh giá thành tích giảng viên
Để khuyến khích các giảng viên cố gắng trong ba hoạt động chính là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ trong trường, hàng năm các khoa đều tổ chức đánh giá thành tích của giảng viên dựa trên ba lĩnh vực hoạt động đó. Chi tiết về hình thức đánh giá này phụ thuộc vào từng khoa, nhưng nội dung thì như nhau, tức là cho điểm từng người một về các mặt hoạt động nói trên và dựa vào đó để thăng bậc từ phó giáo sư lên giáo sư và để tăng lương hàng năm.
Việc đánh giá hàng năm nói chung cũng có nhiều vấn đề.
Trong đánh giá nghiên cứu, nếu không nhấn mạnh chất lượng mà chỉ đi theo số lượng, theo kiểu “đếm hạt đậu”, thì hậu quả là sẽ có những giảng viên “mắn đẻ” công trình, cho ra đời nhiều bài báo không có giá trị khoa học gì.
Trong đánh giá giảng dạy, việc để sinh viên cho điểm thầy dẫn đến tình trạng các thầy dễ tính với sinh viên, cho điểm cao một cách tràn lan. “Lạm phát điểm” là căn bệnh rất phổ biến ở tất cả các ĐH ở Mỹ và là mối nguy hiểm làm cho chất lượng dạy và học ở Mỹ, tùy lúc, tùy nơi, đã bị xuống cấp.
Tuy vậy, nói chung cách nâng lương dựa trên đánh giá kết quả làm việc hàng năm cũng làm cho các giảng viên nghiên cứu, giảng dạy, và tham gia các công việc khác trong trường tích cực hơn. Bởi với những tham số khác như nhau, những người tích cực nghiên cứu khoa học và tận tâm trong giảng dạy được nâng bậc và nâng lương nhanh hơn.
Chênh lệch điểm của giảng viên trong lĩnh vực nghiên cứu là nhiều nhất. Ngoài ra, trưởng khoa và hiệu trưởng có quỹ riêng để tăng lương thêm theo ý mình, trong một phạm vi nào đó. Và họ thường dùng quỹ này để tăng thêm lương cho những giảng viên có nhiều thành tích nghiên cứu. Vì thế, trong các trường ĐH ở Mỹ người ta hay truyền miệng một câu hài hước là “đăng báo hay là chết” (publish or perish).
Chính phủ Mỹ luôn luôn quan tâm đến giáo dục, và những năm gần đây sự quan tâm đó được tăng cường. Các quỹ nghiên cứu của Bộ giáo dục Mỹ và của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ, cũng như những chương trình từ thiện của các công ty lớn ở Mỹ, thường xuyên dành một phần lớn ngân sách để tài trợ cho các giáo sư trong công việc thiết kế lại các các môn học, cải tiến chương trình, từ nội dung đến phương pháp giảng dạy, và các hoạt động để nhân rộng các sáng kiến đó.
Ví dụ, chỉ riêng một chương trình có tên gọi “Cải tiến các môn học, lớp học, thí nghiệm và các chương trình học” (Course, curriculum and laboratory improvement, viết tắt là CCLI) của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ đã chi bình quân 40 triệu USD/năm trên hơn 10 năm qua cho các sáng kiến cải tiến giảng dạy của các giảng viên của các trường ĐH ở Mỹ, và chương trình này vẫn đang được tiếp tục.
Công ty Hewlett-Packard những năm gần đây đã chi hơn 5 triệu USD/năm để tài trợ và khuyến khích các giảng viên ĐH trong các sáng kiến ứng dụng công nghệ máy tính bảng trong giảng dạy các môn toán và CNTT. Chương trình này không chỉ dành riêng cho các ĐH ở Mỹ, mà các ĐH khác trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam, cũng có thể xin tài trợ. Các công ty CNTT lớn khác ở Mỹ cũng đều có những chương trình tài trợ cho giáo dục ĐH.
Ngoài ra, các trường ĐH ở Mỹ đều có các quỹ riêng của mình để tài trợ cho các hoạt động sáng tạo trong nghiên cứu và giảng dạy. Thường những quỹ nội bộ này cấp những khoản tiền nhỏ hơn, với mục đích hỗ trợ cho giảng viên trong thời gian đầu, như là gieo hạt giống để nhằm mục đích gặt hái những khoản tài trợ lớn hơn từ bên ngoài.
-
Vũ Quốc Phóng (GS. ĐH Ohio)
Phần 2: Phác thảo một trường ĐH tầm cỡ khu vực