- Đang trong giai đoạn "bù đầu" với những cải tổ, đổi mới giáo dục cũng là lúc Bộ GD-ĐT lâm "cảnh" thiếu nhân lực. Từ đầu năm 2009, nhiều công chức trẻ, có năng lực ở các vụ đã quyết định "nhảy việc".
Có chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ
Làm giảng viên có cơ hội nghiên cứu nhiều hơn?
Thống kê của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) cho thấy, liên tục trong 2 tháng (tháng 10 và tháng 11/2009) Vụ đã phối hợp với 11 đơn vị gồm các Vụ, Cục và Văn phòng thuộc cơ quan Bộ thông báo tuyển dụng 33 công chức và 3 cán bộ dự bị.
Sau khi hết hạn nộp hồ sơ, có tổng số 71 hồ sơ đăng ký dự tuyển (trong đó có 57 hồ sơ dự tuyển công chức, 14 hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức dự bị).
Vụ Giáo dục Mầm non tuyển 3 công chức nhưng có đến 11 hồ sơ dự tuyển. Vụ Giáo dục dân tộc tuyển 2 công chức nhưng có 8 hồ sơ. Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em chỉ thông báo tuyển 1 công chức dự bị nhưng có đến 11 hồ sơ đăng ký. Còn Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhận được 22 hồ sơ để lựa 7 công chức.
Trong khi đó, Vụ Giáo dục ĐH cần tuyển 3 công chức nhưng chỉ nhận được 2 hồ sơ. Cục Công nghệ thông tin tuyển 2 nhưng cũng chỉ nhận được 1 hồ sơ. Tương tự, Văn phòng Bộ thông báo tuyển 9 công chức, nhưng số hồ sơ đăng ký chỉ có 4.
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ thiếu 1 công chức, nhưng sau 2 tháng, cũng không có hồ sơ nào đăng ký.
Theo Vụ Tổ chức cán bộ, trong 71 hồ sơ nhận được thì có 5 hồ sơ bị loại vì các lý do: quá tuổi (quy định là 45 tuổi), chưa đủ thời gian công tác theo quy định và 3 ứng viên chưa tốt nghiệp thạc sĩ theo yêu cầu dự tuyển. Số còn lại sẽ phải tham gia thi sát hạch... Nếu đạt yêu cầu từng đơn vị mới đi tiếp vào ’vòng trong".
Theo nhận định của một số nhà quản lý Bộ GD-ĐT, việc thông báo tuyển công khai là để hy vọng "hút" được nhân lực trẻ từ các trường ĐH, CĐ và các đơn vị có chuyên môn tham gia. Tuy nhiên, đây là hy vọng khó khả thi...
5 năm, lương chỉ từ 1,2 - 1,4 triệu
Từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều công chức trẻ, có năng lực ở các Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp... đã quyết định "nhảy việc".
Lý do "nhảy việc" đơn giản là vì họ tìm được công việc khác phù hợp với thu nhập tốt hơn.
Hoặc với những công chức trẻ có năng lực, ít người thích làm việc kiểu "đút chân gầm bàn đủ 8 giờ rồi về". Nếu so sánh làm công chức Bộ với làm giảng viên trường ĐH thì chắc chắn họ sẽ chọn ở trường... - Đây là chia sẻ của không ít đồng nghiệp đang công tác trong Bộ GD - ĐT.
"Trong khi đó, có làm việc trong Bộ mới thấy nhiều áp lực", một chuyên viên tâm tư.
Đó là áp lực từ dư luận xã hội luôn đòi hỏi ngành giáo dục phải thay đổi trong quản lý để nâng chất lượng giáo dục.
Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 15/4/2009 cũng đưa nhận định "Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yêu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác. Cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước..."
Nhưng thực tế, có "ở trong chăn" thì mới biết là chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, phòng ốc ở Bộ chưa đáp ứng được - một chuyên viên chính bậc 2 cho biết.
Theo lời của chuyên viên này thì mức lương cho chuyên viên chính bậc 2 đã có 15 năm công tác (tính cả thời gian ở sở GD-ĐT ) cũng chỉ 3 triệu đồng, theo đúng ngạch bậc quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, chỉ có thêm tiền ăn trưa, chứ không có thêm khoản thu nhập nào khác. Cố gắng lắm thì mới đây, tiền ăn trưa mới tăng từ 300.000 lên 500.000 đồng hàng tháng.
Theo quan sát của những người có kinh nghiệm làm việc ở Bộ, thực tế, người "chịu" về Bộ làm việc chủ yếu là ở sở GD-ĐT các tỉnh. Vì ít nhất họ còn thấy được cơ hội mới, tương lai mới. Giảng viên trẻ ở các trường ĐH về Bộ công tác rất ít. Người có năng lực một chút về Bộ làm một thời gian rồi lại "nhảy".
Đầu năm 2009, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp chứng kiến 1 cán bộ trẻ chuyển ra ngoài làm doanh nghiệp với lý do "về công tác ở Bộ 5 năm, nhưng lương chỉ dao động trong khoảng 1,2 -1,4 triệu đồng/tháng".
Cũng trong năm 2009, một số vụ khác như Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Công tác HSSV, Vụ Kế hoạch tài chính... chỉ biết chứng kiến sự "nhảy việc" của nhân viên rồi lại thông báo tuyển.
Đào Thị Hoa Mai, giảng viên trẻ Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, thuộc ĐHQG Hà Nội, chia sẻ, dù mức lương không cao (chỉ trên 2 triệu đồng), nhưng môi trường làm việc ở trường rất phù hợp với cô.
Hoa Mai xác định "còn trẻ nên được học mới quan trọng". Bởi vậy, "kể cả có cơ hội về Bộ công tác", chị cũng chưa chắc đã chọn.
"Ở trường thầy - trò sống rất tình cảm và luôn có sự học hỏi lẫn nhau. Mặt khác, trường có nhiều giáo sư các khối ngành Khoa học cơ bản, khối ngành Xã hội nên ở trường cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sẽ nhiều hơn" - chị Mai nói.
- Kiều Oanh
Dưới đây là thống kê số hồ sơ nhận của Bộ GD-ĐT:
Đơn vị |
Chỉ tiêu |
Hồ sơ nhận |
Ghi chú |
- Vụ Giáo dục Mầm non |
3 công chức |
11 |
3 vị trí |
- Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp |
3 công chức |
5 |
|
- Vụ Giáo dục ĐH |
3 công chức |
2 |
|
- Vụ Giáo dục dân tộc |
2 công chức |
8 |
2 vị trí |
- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường |
1 công chức |
không có hồ sơ | |
- Vụ Hợp tác quốc tế |
2 công chức |
3 |
|
- Văn phòng Bộ |
9 công chức, 2 công chức dự bị |
4 công chức, 3 công chức dự bị |
loại 1 hồ sơ công chức dự bị |
- Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục |
1 công chức |
1 |
|
- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục |
7 công chức |
22 |
5 vị trí |
- Cục Công nghệ thông tin |
2 công chức |
1 |
|
- Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em |
1 công chức dự bị |
11 |
Bài 2: "Cài" người nhà, Bộ khó tuyển người xứng đáng?