221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
1259562
"Chọn nghề dạy học, không nên luẩn quẩn với tiền"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Chọn nghề dạy học, không nên luẩn quẩn với tiền'
,

Chia sẻ với nghề giáo sự vất vả, áp lực, thu nhập thấp... song nhiều độc giả khác cũng cho rằng, nghề giáo có nhiều thuận lợi hơn những nghề khác.



Mô tả ảnh.
Ảnh: An Bang

"Ở trong chăn mới biết chăn có rận"

Những chia sẻ của chị Minh Hoa về nghề giáo đã nhận được sự đồng cảm của nhiều giáo viên ở các địa phương trong cả nước.

Chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội), giảng viên một trường ĐH nói, mình đã học cật lực, phấn đấu cật lực, được giữ lại trường như một vinh dự lớn. Thế nhưng, chị lại không thể tự lo cho cuộc sống của mình. Đi dạy được 2 năm, lương hiện là 1,6 triệu. "Nếu khéo thu vén, tôi cũng nuôi sống được bản thân. Nhưng trong một tháng, tôi còn những lời mời đám cưới, nhà mới, đi thăm người ốm, về thăm gia đình ... Tôi luôn đau đầu về chuyện tiền bạc, thậm chí tôi còn không đủ tiền mua sách để đọc thêm...", chị Linh viết.

Trái với chị Linh, giảng viên Vũ Minh Tuấn chỉ dành 20% "đầu óc" cho việc dạy học, còn lại là để làm các công việc kiếm sống. Anh Tuấn xót xa: "Ra trường, với tấm bằng giỏi trên tay, học thạc sĩ, tiến sĩ tốn kém hàng trăm triệu đồng... vậy mà giờ đây tôi lại không sống được bằng nghề của mình."

Không băn khoăn nhiều về lương, độc giả Ngọc Minh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì trăn trở về môi trường làm việc. Anh đã có gần 30 năm đứng trên bục giảng, là thủ khoa khi thi vào trường sư phạm, nguyên là giảng viên trường CĐSP(7 năm), giáo viên trường bồi dưỡng giáo viên, giáo viên trường năng khiếu. Anh được đồng nghiệp đánh giá có năng lực, nhưng gần 10 năm nay được phân công dạy bổ túc, không có điều kiện để phát huy hết khả năng của bản thân.

Trong khi đó, chị Trần Hồng Tâm (Yên Bái) thì bức xúc vì thái độ của học sinh. "Chật vật mãi tôi mới xin được dạy hợp đồng tại một trường cấp 3. Tôi không nói đến thu nhập, nhưng từ lúc đi làm tôi bị lên chức, xuống chức liên tục nhờ "HS thân yêu ". Trong trường, các em gọi thầy cô là " Ông này " ; " Bà nọ " ; Khi vô tình làm phật ý các em lập tức chuyển từ "bà" thành "con"... , chị Tâm viết.

Còn bạnThành Nam (hovihati..@gmail.com) thì chạnh lòng khi nghe đến khoản thưởng Tết của bạn: "Nghe đứa bạn làm ở Ngân hàng nói Tết này tiền thưởng tết khoảng 30 triệu (lãnh đạo có thể cao hơn) mà thấy ngậm ngùi với đồng lương giáo viên. Rõ ràng, hồi học phổ thông nó học kém hơn mình, mình vào ĐHSP, mời nó liên hoan nó không đến vì không đỗ ĐH".

Với một số ý kiến cho rằng nghề giáo viên nhàn hạ, bạn Hồng Ngọc, có mẹ làm giáo viên (Vĩnh Phúc) phản bác: Nói giáo viên chỉ phải dạy 22 tiết/1tuần thì rảnh quá. Vậy bạn có biết để soạn được 1 tiết dạy giáo viên phải đọc bao nhiêu sách không? Bạn có biết ngoài soạn bài lên lớp, giáo viên còn phải ra đề, kiểm tra, chấm bài, vào điểm, tính điểm... và chuẩn bị hàng chục thứ hồ sơ, sổ sách khác..

Khó tuyển người tài không chỉ vì lương

Độc giả Bùi Dương (
buiduong...@gmail.com) nêu thực tế: 4 năm gần đây, trường tôi mỗi năm có gần 200 HS đỗ vào ĐH nhưng không có quá 10 em đăng ký vào sư phạm. Và đặc biệt là những HS thuộc tốp đầu (các lớp A1, A2, A3), không một em nào đăng ký thi sư phạm.

Cả cha, mẹ, cô, chú, bác ruột nhà tôi có 9 người là giáo viên. Nhưng đến thế hệ chúng tôi và các anh chị em - 11 người con của giáo viên, không có một ai theo nghề của cha mẹ nữa. Anh em tôi, hồi nhỏ đều rất thích lớn lên làm thày cô giáo như cha mẹ. Nhưng lớn lên, chả ai bảo ai, đều tự chọn nghề khác cho dù vẫn rất hãnh diện về cha mẹ mình.

Trường (mtt..@yahoo.com)
Còn anh Nguyễn Thái Sơn (Vinh, Nghệ An) thì cho rằng không cần phải chờ 3 đến 10 năm nữa mà từ nhiều năm nay, có thể khẳng định một thực tế rằng, không có một HS giỏi cấp huyện nào (chứ chưa nói đến cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia) tự ý viết hồ sơ thi vào ĐH Sư phạm.

Lý giải điều này, anh Ngô Đức Thuận viết: "lương bổng không đủ sống, trong khi đó không phải chỉ làm mỗi công tác giảng dạy mà còn phải kiêm nhiều công việc khác, áp lực làm việc rất cao. Tôi muốn xin được viêc thì mất tiền, đấy là huyện tôi xin đi dạy còn thiều nhiều chỉ tiêu và tôi được đào tạo hệ chính quy. Các bạn tôi ở huyện khác thì khó khăn hơn nhiều...".

Là thạc sĩ, đã từng là HS giỏi quốc gia, bạn Mây (bonbon123...@yahoo.com) cám cảnh: "Công việc ở trường của tôi là dạy chưa đến 10 tiết/tuần, lương chưa đến 800ngàn/tháng. Thêm vào đó, tôi phải làm đủ mọi việc về Đoàn, bị các anh chị trên tuổi sai vặt các công việc linh tinh ở trường.... Mà vào nghề mới biết, các giáo viên cũng như xã hội thu nhỏ, đấu đá, tranh giành, nói xấu đủ trò. Tôi đã chịu được 2 năm, nhưng tôi không chắc chịu được mấy năm nữa nếu vẫn tình trạng này".

Độc giả Đỗ Anh Tuấn (
anhtuan09031981...@yahoo.com) thì cho rằng: "Tôi chẳng dám chê lương ngành giáo dục là thấp. Nhưng với cách tuyển công chức như hiện nay, tôi tin rằng 3 năm nữa ngành giáo dục sẽ khó tuyển được giáo viên giỏi’

Trượt biên chế vì "đấu" không tới giá là nguyên nhân được khá nhiều bạn đọc nhắc đến. Độc giả Trung Anh (Uông Bí, Quảng Ninh) nêu ví dụ: Vợ tôi khi thi công chức giáo viên tiếng Anh tiểu học đã được gợi ý bỏ ra 100 triệu... thì mới đỗ.

Hương (Quảng Ninh) là SV sư phạm năm cuối đang cảm thấy hết sức mệt mỏi vì "đầu ra": "Năm đầu tiên của tôi là niềm vui của một người đỗ đạt. Nhưng đến năm thứ 4 thì cả tôi và gia đình đều cảm thấy quá chán nản.Tôi cảm thấy sợ ra trường, tôi thấy bất an cho tương lai của mình. Để xin được việc thì tôi cần ít nhất là 60 triệu. Gia đình tôi lấy ở đâu ra?"

Trong khi đó, một độc giả khác (iloveinhgoku...@yahoo.com.vn) thì ân hận: "Là tôi đây, Thạc sĩ xuất sắc, chuyển tiếp nghiên cứu sinh nhưng đành bỏ dở vì kinh tế không cho phép, vẫn vất vưởng loanh quanh để tìm đường vào biên chế... Tôi được tuyển thẳng ĐH, cha mẹ chọn trường và bây giờ tôi thực sự tủi thân và ân hận...rất ân hận... Giá như tôi đừng là đứa con ngoan vào thời điểm ấy..."

Nghề nào cũng vất vả, áp lực

Tuy nhiên, nhiều độc giả đang làm việc trong các lĩnh vực khác cho rằng, nghề giáo vẫn "khá" hơn công chức ở nhiều cơ quan nhà nước.

Anh Lưu Gia Bảo (Kiên Giang) so sánh: Cùng là viên chức "ăn" lương nhà nước, khởi điểm là 2,34x650.000 đồng. Nhưng là giáo viên thì còn được nhận thêm từ 0,3 đến 0,7 phụ cấp tùy vùng. Như vậy là để biết lương giáo viên có thấp so với mặt bằng chung hay không? Chưa kể nếu là giáo viên cấp II hay III dạy những môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh văn thì còn tranh thủ dạy thêm kiếm thu nhập.

Anh Nguyễn Quang Huấn (Ba Đình - Hà Nội) thì ví von: Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, trong khi bao ngành lao đao, thì giáo viên vẫn ổn định, sản phẩm làm ra không cần phải bảo hành chất lượng. "...Hàng hóa cạnh tranh khốc liệt, không bán được hàng thì chúng tôi bị giảm lương, bị người tiêu dùng tẩy chay".

Độc giả Nguyễn Bình An (
anbinh802...@yahoo.com) thì cho rằng nghề nào cũng bị vất vả, áp lực chứ không riêng gì nghề giáo. "Cùng tốt nghiệp ĐH, khi ra trường cùng có mức lương như nhau, nhưng để có tấm bằng ĐH thì SV sư phạm không phải đóng học phí như các ngành khác. Đã "ăn" lương công chức thì đều phải thi, còn mới ra trường thì hầu như ai đều phải làm hợp đồng cả. Và đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp các nghề khác luôn cao hơn nghề giáo", bạn Bình An viết.

Tôi đã dạy học hơn 20 năm và chỉ sống bằng lương nhưng tôi thấy tôi cũng không nghèo lắm (tôi không dạy thêm), nhiều đồng nghiệp của tôi cũng như vậy và họ vẫn cho con theo nghề của mình với đúng môn họ đang dạy. ."

TuyetNga (THPT Việt Đức, Đắc Lắc)
"Chính sách tiền lương là của quốc gia, không phải cứ muốn là thay đổi được ngay. Cái mà mọi người đều có thể thay đổi là: với sự lựa chọn của mình, hãy làm tốt nhất công việc mà mình đã chọn", anh Trần Văn An (Sóc Trăng) góp ý kiến.

Anh Trần Kiên (316 Tôn Thất Tùng, Hà nội) thì đưa ra lí lẽ thuyết phục: "Chỉ cần một GV bình thường thôi cũng được cả xã hội tôn trọng, một lời xưng thầy, hai lời xưng cô, ngày lễ ngày tết được học sinh và phụ huynh qua lại quan tâm thăm hỏi. Thử hỏi, những người công chức bình thường có được như thế không?"

Là giáo viên, chị Hạ Ni (Nha Trang, Khánh Hòa) viết: "Tôi cho rằng người thực sự có "tâm" chính là những người chấp nhận và biết đương đầu với khó khăn, thử thách trong nghề nghiệp. Luẩn quẩn, quay cuồng với tiền bạc thì không bao giờ nên chọn nghề dạy học. Thêm nữa, đặt ra vấn đề ưu đãi cho con em giáo viên vào ngành sư phạm như các ngành Ngân hàng, Bưu điện theo tôi cũng chưa xác đáng. Có hay gì khi để não trạng "con ông cháu cha", "dây mơ rễ má" len sâu trong ngành giáo dục?".

Chị Lê Thị Gấm (Buôn Ma Thuột - ĐăkLăk) cũng khẳng định: "Tôi là một công chức trong ngành giáo dục. Chúng tôi vẫn động viên nhau để sống và sống tốt dù không được đủ đầy. Hãy chấp nhận và đừng bận tâm nhiều như vậy, càng lúc chúng ta sẽ ỷ lại cho xã hội mà quên đi trách nhiệm sống của mình".

  • Lê Vũ (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,