Những trái tim không vô cảm
Bọn trẻ sống trên những chiếc thùng phuy dập dềnh nơi bãi giữa sông Hồng ngay giữa lòng Hà Nội, những người dân quanh năm qua ngày bằng những bữa ngô xay tận vùng cao Simacai (Lào Cai); cư dân của xóm vạn chài nghèo xơ xác Vạn Hòa Xuân (Huế) vừa trải qua cơn bão khốc liệt... tất cả họ đã có được cái tết sớm hơn với niềm vui chia sẻ được mang đến từ những sứ giả trẻ của "Hành trình nhân ái" - mang tết đến người nghèo.
Ngược xuôi cùng "Hành trình..."
Nụ cười rạng rỡ trên những gương mặt lấm lem của lũ trẻ nơi bãi giữa sông Hồng, từ hôm nay, lớp học tình thương "nổi" trên những chiếc thùng phuy đã tươm tất hơn với bảng đen mới và bàn ghế mới. Những cư dân sống trong 17 căn nhà nổi nơi đây cũng có một ngày lấp lánh giọt nước mắt vui sướng vì đã có giếng mới, máy bơm mới, chấm dứt chuỗi ngày sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Người mẫu Bình Minh, sứ giả mang niềm vui đến bãi giữa qua con đường "độc đạo" là chiếc thang cũ kỹ vắt từ cầu Long Biên xuống xóm nghèo. Chiếc giếng đang đào dở do một tổ chức từ thiện để lại được Bình Minh và các sinh viên tình nguyện hoàn thành và lắp vào đó 1 chiếc máy bơm, ước mơ bao lâu nay của cư dân bãi giữa. Dòng nước mát lạnh tuôn ra xối xả, những dụng cụ hứng nước theo chân người dân xếp thành hàng dài, lũ trẻ nhảy nhót hò reo, người già bừng nụ cười sáng trên khuôn mặt khắc khổ... Chưa ráo mồ hôi, Bình Minh lại theo chân lũ trẻ vào "lớp học" với món quà ý nghĩa: bảng đen và bàn ghế và chiếc cửa ra vào mới. Gió sông Hồng chắc sẽ không còn làm lạnh giá những trái tim ham học non nớt... Món tiền nho nhỏ để dành sắm tết run run trên tay cư sân bãi giữa. Với họ, giờ đây, Bình Minh đã là người nhà.
Người mẫu Bình Minh |
Siêu mẫu Việt Nam - Nam người mẫu xuất sắc nhất năm 2003 Tham gia nhiều vai diễn điện ảnh và truyền hình ấn tượng: -Phim truyền hình dài tập 39độ yêu (Hãng phim BHD). -Phim truyền hình dài tập Đi về phía mặt trời (M&T pictures). -Phim truyện Mười (Hãng Phước Sang hợp tác sản xuất với đối tác Hàn Quốc). -Phim Vũ điệu tử thần (Hãng phim truyện Việt Nam). |
Trở về từ vùng cao Simacai với bữa cơm ngô xay của người phụ nữ dân tộc ba con cùng lứa tuổi, cô giá Hà thành Lã Thanh Huyền (người vừa đạt giải nhất cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21) lại xung phong theo "hành trình nhân ái" đến với người dân xóm chài Vạn Hòa Xuân (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế). Bao công việc những ngày cuối năm của một nhân viên nhà đài kiêm doanh nghiệp trẻ đều "bị" Huyền gác lại phía sau. Chưa hết "chùn gối" vì leo dốc vùng cao, đôi chân Huyền lại lội ngay xuống bùn lầy của bão lũ để lại ở Vạn Hòa Xuân.
Huyền xúc động: "Người dân nơi đây vốn đã khổ vì đông con, (nhà nào cũng 4,5 đứa) nay lại khốn đốn vì bão lũ. Ôm đống quà toàn nhu yếu phẩm như mì chính, mắm muối, mì tôm... Huyền lội qua đống sình lầy để lên ốc đảo với bà con vùng bão. Nụ cười của những người chủ nhà hiếu khách bên chậu mai vàng Huyền mang đến bỗng chốc thổi bùng lên không khí tết nơi xóm nghèo.
Tiếp nối hành trình...
Không ai thắc mắc vì sao các sứ giả trẻ lại "lên đường" vào những ngày cuối năm bận rộn. Cũng chẳng ai hoài nghi nhiệt tình của họ, bởi một lẽ giản đơn: họ đang là những chủ nhân của đất nước, nghĩa vụ và tình đồng loại không cho phép họ ngồi yên khi ngoài kia biết bao đồng bào không có bữa cơm no.
Thu Huyền, cô gái duyên dáng của đoàn chèo Hà Nội sau hai ngày ăn Tết sớm với trẻ bị bỏ rơi, người già cô đơn nơi chùa Bồ Đề đã "quyết tâm" không sống "ngoài lề" cuộc sống của những con người kém may mắn đó. Với cô: "cuộc sống chỉ có ý nghĩa và thực sự hạnh phúc khi quanh mình không có những cuộc đời bất hạnh". Huyền xúc động cho biết thêm: "Ngay khi nghe VNPT khởi xướng hành trình này, Huyền không một phút đắn đo mà nhận lời ngay. Còn với các nghệ sĩ của đoàn xiếc Trung ương, chuyến lưu diễn phục vụ trẻ em HIV/AIDS tại Trung tâm bảo trợ xã hội 2 Ba Vì, Hà Tây đã để lại trong họ bao day dứt, đau đầu. Trái tim nghệ sĩ vốn nhạy cảm đã nhói lên khi biểu diễn trên sân khấu, dưới kia, những đôi mắt trẻ thơ đầy khao khát của những đứa trẻ không biết còn sống được bao lâu. Những nơi họ đi qua, họ sống cùng nghệ thuật và những khát khao cống hiến, còn ở nơi đây, họ sống bằng trái tim không vô cảm trước những nỗi đau vô tình. Các nghệ sĩ đều chia sẻ, sẽ không bỏ lỡ một cơ hội nào đem niềm vui đến với những đồng bào bất hạnh của mình.
Sứ giả "trẻ" nhất của hành trình, nghệ sĩ Trần Tiến đã có chuyến đi đến vùng giáp biên giới Cam-pu-chia để chứng kiến những chuyến vượt sông học chữ Việt của những em nhỏ Việt Nam sống trong cộng đồng người Cam-pu-chia bên kia biên giới. Bao cống hiến trong nghệ thuật, bao hành trình đến với đồng bào ông đã trải, nhưng ông vẫn thốt lên: "nào tôi đã làm được gì, bây giờ tôi phải làm gì...?". Trước trăn trở của ông, các sứ giả trẻ thấy trên vai mình, "gánh" đã nặng thêm.
-
Theo Yến Nhi (Thời báo Tài chính)