- Dù nhà máy đóng cửa đã 4 tháng, nhưng giá cổ phiếu SQC của Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn- Qui Nhơn (thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn) vẫn cao nhất sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội ?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đóng cửa nhà máy xỉ titan
Công ty cổ phần (CP) Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn, gọi tắt là SQC (mã chứng khoán đang giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội ), tọa lạc tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngành nghề chính được ghi trong Bản cáo bạch khi niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội như sau: “Khai thác và chế biến titan là hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của công ty”. “Linh hồn” của công ty chính là nhà máy xỉ titan của SQC hoạt động từ tháng 7/2009 tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Nhưng chưa tới một năm sau…
Nhà máy xỉ titan của Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đã ngưng hoạt động từ nhiều tháng qua. Ảnh chụp ngày 28/9/2010. |
Nhà máy xỉ titan nằm trên con đường huyện đi xuống biển, cách quốc lộ 1A 18km đã đóng cửa im ắng, không có dấu vết xe ra vào, chỉ có hai bảo vệ ngồi lơ đễnh trước cổng chính. Ông Phùng Đông Quang, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định khẳng định, nhà máy nghỉ hoạt động từ đầu tháng 6/2010, thời gian hoạt động trở lại cũng chỉ là dự kiến.
Nhà máy không sản xuất, người dân mất việc làm nhưng những lúc nhà máy hoạt động lại gây ô nhiễm môi trường, hai thôn bị ảnh hưởng nặng nhất là thôn Hòa Hội Bắc và Hòa Hội Nam với 457 hộ dân. Muốn độ xỉ cao phải dùng nhựa đường để nấu, mùi khét rất khó chịu khiến năm ngoái, người dân kéo lên xã phản đối quyết liệt. “Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành kiểm tra, cho biết độ ô nhiễm nằm dưới ngưỡng cho phép và công bố cho nhân dân. Tuy nhiên đi thoáng qua vẫn nghe mùi khét khó chịu” - ông Quang cho biết.
Ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở công thương tỉnh Bình Định khẳng định, không chỉ mỗi nhà máy SQC đóng cửa mà 2 nhà máy sản xuất xỉ khác cũng ngưng hoạt động vì thua lỗ. Nguyên nhân là sản phẩm xỉ titan hiện nay đang phải chịu mức thuế xuất khẩu là 15% nên các doanh nghiệp rơi vào tình trạng lỗ nặng. Theo đó, giá bán một tấn xỉ titan là 580 USD, nếu cộng với 15% thuế xuất khẩu thì giá mỗi tấn xỉ titan sẽ tăng thêm 78 USD, các doanh nghiệp lỗ 57 USD. Vì vậy, từ cuối tháng 11/2009 đến nay, sản phẩm xỉ titan của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ách tắc đầu ra. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh tồn kho khoảng 10.000 tấn xỉ titan, tất nhiên nhà máy xỉ titan của SQC chưa xuất được mẻ nào!
Giá cổ phiếu trên “mây” !?
Nhà máy sản xuất xỉ titan đóng cửa từ tháng 6, nhưng giá cổ phiếu của SQC vẫn “ngất ngưởng” trên mây. Tại phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cổ phiếu SQC vẫn đứng ở mức 90.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. Dù thị giá cao nhưng khối lượng giao dịch lại cực thấp: 5 phiên gần đây, mỗi phiên số lượng cổ phiếu SQC giao dịch trung bình chưa đến 300 cổ phiếu! Thêm điều bất thường nữa, vốn điều lệ cực lớn, lên đến 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ lãi 27 triệu đồng trong quý 1/2010 và 4 tỷ đồng trong quý 2. Tính hấp dẫn kém nhưng tại sao cổ phiếu SQC có thị giá cao như vậy?
Cổ phiếu SQC trình làng vào ngày 17/12/2009, số lượng chứng khoán khổng lồ lên đến 100 triệu cổ phiếu. Kết thúc ngày chào sàn đầu tiên, SQC khớp ở mức giá 81.000 đồng/cổ phiếu. 12 phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu này đã lập “kỷ lục” mới khi tăng liên tiếp với nhiều phiên tăng trần, lên đến 159.800 đồng/cổ phiếu, dẫn đầu hai sàn Hà Nội và TPHCM ! Chưa hết, toàn bộ sàn chứng khoán Hà Nội bị cổ phiếu SQC “làm mưa làm gió”, hễ cổ phiếu này lên giá thì kết quả của cả sàn màu xanh, nếu cổ phiếu này đỏ thì kết quả giao dịch lại xuống !? Chính việc tăng giá phi mã, khối lượng giao dịch quá thấp đã dấy lên sự hoài nghi có hay không cổ phiếu SQC bị làm giá.
Tất nhiên, không lâu sau đó cơ quan chức năng vào cuộc. Đầu tiên, ngày 26/3, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện điều chỉnh giảm khối lượng tính chỉ số của SQC trong rổ cổ phiếu tính chỉ số HNX-Idex. Mặc dù có khối lượng giao dịch rất nhỏ nhưng do khối lượng niêm yết lớn (100 triệu cổ phiếu) nên biến động giá của SQC có tác động rất lớn tới HNX-Index. Theo đó khối lượng cổ phiếu tham gia tính chỉ số HNX-Index chỉ còn 11.253.000 cổ phiếu/100 triệu cổ phiếu niêm yết.
Sự thật về việc làm giá đã được phơi bày khi ngày 12/4/2010, Ủy Ban chứng khoán đã có văn bản thông báo việc xử phạt hai nhà đầu tư là ông Hoàng Minh Hướng và bà Quách Thị Nga do có hành vi tác động lên giá cổ phiếu SQC, phạt 40 triệu đồng/người. Hành vi của hai nhà đầu tư này là trong thời gian từ ngày 17/12/2009 đến ngày 7/1/2010, đã đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn cổ phiếu SQC, với giá trần hoặc sát trần, trong nhiều phiên liên tiếp, gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu này. Hành vi này đã vi phạm Khoản 4 Điều 9 Luật Chứng khoán.
Nhà máy ngưng hoạt động là câu chuyện mới nhất, nhưng giá cổ phiếu vẫn cao ngất ngưởng, vậy đằng sau cổ phiếu SQC là câu chuyện gì? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc để có câu trả lời xác đáng, vừa bảo vệ nhà đầu tư cũng đồng thời góp phần minh bạch thị trường chứng khoán!
-
Thanh Phong – Thái Thiện