Chuyện chưa kể của những chàng Hiệp sĩ
Ngày 14/8 tới, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Đài THVN sẽ tường thuật trực tiếp lễ trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ CNTT cho 15 hiệp sĩ của năm 2005 do tạp chí chuyên về CNTT e-CHÍP bình chọn. Đây là năm thứ 3 chương trình tôn vinh những cá nhân có nhiều đóng góp không vụ lợi cho sự nghiệp xã hội hoá CNTT trong cộng đồng được tổ chức.
Gà kèn - Linh vật của CT Hiệp sĩ CNTT |
Chương trình trao tặng biểu trưng CNTT cho những người có đóng góp không vụ lợi cho sự nghiệp xã hội hoá CNTT trong cộng đồng là một trong những hoạt động xã hội đầu tiên từ 3 năm trước đây của e-CHÍP. Từ đó đến nay, toà soạn eChip trở thành nơi lui tới thường xuyên của những hiệp sĩ CNTT, những con người mà nhiệm vụ đóng góp với cộng đồng như một lẽ tự nhiên thúc bách họ hành động .
Chuyện của những người vác tù và hàng tổng
Hiệp sĩ CNTT Phạm Hồng Phước, Phó tổng biên tập Tạp chí e-CHÍP luôn giữ bên mình những tờ báo có bài viết về những dịp trao giải Hiệp sĩ CNTT. Anh rất hào hứng khoe với chúng tôi tờ e-CHÍP số 12 có bìa những Hiệp sĩ CNTT đầu tiên. Anh lại đưa chúng tôi xem tiếp số 21, số có anh trao biểu tượng. Lần đầu tiên trong lịch sử CNTT Việt Nam có một sự kiện tôn vinh những người có đóng góp vì cộng đồng CNTT và gây được ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc
Hiệp sĩ CNTT Lê Hoàn, Phó Tổng Thư ký toàn soạn e-CHÍP hào hứng cho biết "lần đầu tiên mình làm cho người ta thấy ý chí của người khuyết tật. Ý chí của họ rất mạnh, thậm chí mạnh hơn cả người bình thường".
Hiệp sĩ CNTT Đinh Điền kể lại: "Hôm đó mình nhớ nhất là có một Hiệp sĩ CNTT khuyết tật được mời lên nhận danh hiệu. Mọi người đều lo anh không lên được, nhưng anh yêu cầu mọi người không giúp đỡ, để anh tự đi rồi quay lưng lại, đi lùi từng bước lên sân khấu".
Phó Tổng biên tập Phạm Hồng Phước chậm rãi đọc lại những bài viết cũ: "Cả hội trường dõi theo bước chân khó nhọc của anh, anh rướn người từng bước trên đôi nạng. Hai bạn trẻ ở dưới bước ra tiếp sức, dìu anh tới bậc tam cấp lên sân khấu. Mọi người ngạc nhiên khi bỗng dưng anh quay ngược ra sau, đưa lưng về sân khấu, tì tay vào hai chiếc nạng, anh thu người lên để lùi từng bước lên sân khấu, mặt anh đỏ lên không biết vì gắng sức hay vì bối rối... Chợt một tiếng vỗ tay nổi lên, rồi hàng trăm hàng ngàn tiếng vỗ tay vang lên, ai đó đã kịp thời vỗ tay khâm phục một con người như thế, đúng tinh thần cao đẹp của một Hiệp sĩ".
Biểu trưng Hiệp sĩ CNTT do tạp chí e-CHÍP bình chọn đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần CNTT vì cộng đồng. Thế nhưng, ít ai biết rằng ý tưởng trao tặng biểu trưng Hiệp sĩ CNTT xuất phát từ một chuyên đề của e-CHÍP viết về những con người khuyết tật học tập CNTT để cố gắng hoà đồng với xã hội.
Phóng viên của eChip kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về những người khuyết tật họ đã có dịp tiếp cận mà sau này đã trở thành những hiệp sĩ CNTT như anh Tuấn, anh Nghĩa, chị Thu, anh Phong,.. Bản thân họ là những người khuyết tật nhưng không những tự thân vươn lên, họ còn giúp đỡ cho những người đồng cảnh ngộ, thậm chí công việc của họ làm còn đem lại lợi ích cho cả những người bình thường khỏe mạnh..
Hiệp sĩ Phạm Hồng Phước cho biết thêm: "Điều thú vị là danh hiệu hiệp sĩ CNTT hình thành khi chúng tôi làm chuyên đề về người khuyết tật. Cho nên sau này, có một số anh em nói, hình như Hiệp Sĩ CNTT toàn là người khuyết tật, và khuyết tật thì dễ làm hiệp sĩ hơn".
Hiệp sĩ CNTT 2004, Anh Thơ nhớ lại : "Mình thì hiệp sĩ gì. Lần đầu tiên thấy mình lại được đứng chung hàng ngũ với các anh Phạm Hồng Phước, Lê Hoàn, những cái tên mà dân CNTT ở thành phố ai cũng rất khoái, mình thấy mắc cỡ lắm".
Hiệp sĩ CNTT 2003 Đinh Điền xúc động: "Chắc ai cũng nhớ Nguyễn Quốc Phong. Đọc câu chuyện về anh Phong mình cảm phục lắm. Một người bị mù mà tự thành lập một mái ấm rồi tự nuôi 3, 4 chục em khiếm thị hoàn toàn tự lập. Mình sáng mắt đây mà cũng tự thấy không làm nổi".
Vì một lẽ sống, một tinh thần hiệp sĩ
TS. Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ BC-VT đánh giá cao việc e-CHÍP tổ chức chương trình Hiệp sĩ CNTT. Ông cho biết: "Nói đến hiệp sĩ là nói về một sự khẳng khái, một sự cống hiến không vì mục đích riêng tư. Họ có những đóng góp lớn cho xã hội. Chúng tôi thấy qua ba năm nay sự xuất hiện của các hiệp sĩ đã gây xúc động rất mãnh liệt trong giới CNTT. Người ta bỏ công sức tài năng nhưng cái lớn nhất là cái nhân văn hỗ trợ cho những các em, các cháu hoàn cảnh thiệt thòi được tham gia vào CNTT. Hành động của họ giúp các em thấy được niềm tin vào cuộc sống. Từ đó, các em sáng tạo nữa lên và thấy mình hữu ích cho đời".
Biểu trưng hiệp sĩ CNTT của eChip là hình ảnh con gà thổi tù và. Con gà là biểu tượng của e-CHÍP, những chú gà điện tử còn tù và lấy từ ý tưởng hiệp sĩ là những người thổi tù và hàng tổng.
Trong 3 năm, chương trình hiệp sĩ CNTT đã trao danh hiệu Hiệp sĩ cho 60 người, trong đó có 13 Hiệp sĩ là người tàn tật. Ngoài ra là những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo,.. ở Việt Nam và cả Việt Kiều đang sinh sống tại nước ngoài. Tất cả họ dù khác nhau thế nào cũng đều gặp nhau ở một điểm, những con người đem công sức, thời gian và cả tiền bạc để làm những việc của anh thổi tù và hàng tổng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí eCHÍP cho rằng cái lớn nhất, được nhất của việc vinh danh các Hiệp sĩ CNTT là tác động được đến nhận thức xã hội: "Có những Hiệp sĩ vì cộng đồng, tự nguyện đem CNTT phục vụ cho xã hội một cách vô vụ lợi thì ngọn lửa đã được đốt cháy từ năm 2003 này sẽ tiếp tục lan toả để đến ngày hôm nay trở thành một lẽ sống, một phong trào trong các bạn trẻ sử dụng CNTT".
Trao đổi với Sự lựa chọn cho tương lai, TS. Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ BC-VT khẳng định: "Chúng tôi nghĩ rằng, trước đây chúng ta đã bổ túc văn hoá, xoá nạn mù chữ hiệu quả. Thì nay, việc mở rộng hiểu biết CNTT cho tất cả các đối tượng ở nông thôn, làm giảm khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, làm sao cho các cháu khiếm thị, các cháu tàn tật được sử dụng CNTT để học tập để thấy mình vẫn có ích cho đời thật đáng trân trọng".
(Theo VTV)