,
221
4742
Ứoc vọng hiệp sĩ
uocvong
/hiepsicntt/uocvong/
690690
Hành trình đi tìm “phép màu” của một người khuyết tật
1
Article
4721
Hiệp sĩ CNTT
hiepsicntt
/hiepsicntt/
,

Hành trình đi tìm “phép màu” của một người khuyết tật

Cập nhật lúc 15:32, Thứ Sáu, 05/08/2005 (GMT+7)
,

Đó là Lê Dân Bạch Việt - một người khiếm thị có một tình yêu mãnh liệt với âm nhạc và trên hết là tình thương yêu, chia sẻ với những con người cùng hoàn cảnh.

Bước chân của một người khiếm thị

Ngoài việc học chương trình văn hóa phổ thông tại trường mù La San, Bạch Việt theo học lớp mandolin tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM). Thời đó, sách vở dùng cho người khiếm thị rất hiếm. Có môn, trong khi các bạn vừa nhìn, vừa đàn thì Bạch Việt phải học thuộc lòng. Anh có một tình yêu mãnh liệt với âm nhạc, khả năng cảm nhận âm thanh tinh tế, sắc sảo. Bạch Việt học Anh ngữ rất nhanh dù phải tự mò mẫm từng bước trong quá trình trau dồi vốn từ vựng và thường xuyên nghe radio. Không tra được từ điển thường thì nhờ bạn bè tra giúp vì không có từ điển Anh ngữ dành cho người khiếm thị. Một ngày, một tháng, một năm,...

Bạch Việt (giữa) cùng nhóm VN Group tại Hoa Kỳ.

Bạch Việt cứ thế, cần mẫn xây từng viên gạch cho ngôi nhà tri thức của mình. Năm 1987, anh tốt nghiệp hệ đại học Nhạc viện TP.HCM và trở thành giáo viên âm nhạc của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Cũng từ đó, anh bắt đầu tham gia các hoạt động liên quan đến người khuyết tật. Đi nhiều nơi, quen nhiều người, Bạch Việt hiểu rằng, trong cộng đồng có rất nhiều người muốn làm được điều gì đó vì lợi ích của người khuyết tật. Anh tự nhận vai trò nối nhịp cầu để những người có tâm huyết gặp gỡ, hợp tác tạo ra những “phép màu” cho người khuyết tật, trong đó có người khiếm thị.

Tháng 3-1994, Bạch Việt được mời tham dự Đại hội người khuyết tật Thái Lan, nhân sự kiện Quốc hội Thái thông qua Luật về người khuyết tật. Trong dịp này, Bạch Việt được nghe giới thiệu về Edgar - phần mềm dịch tiếng Anh từ chữ thường sang chữ nổi Braille (dành cho người mù) và ngược lại. Rất nhiều ý nghĩ nảy sinh trong Bạch Việt từ chuyến đi này.

Một tấm lòng và những người bạn

“Cả đời tôi không sao quên được câu chuyện về một học sinh của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, đến trường tặng hoa cho thầy cô nhân ngày 20-11, trên đường về nhà đã bị tai nạn giao thông mất. Ngày hôm đó, em đã không dùng gậy đi đường... Tôi tự nhủ, trong khả năng của tôi, nếu làm được gì có ích cho người khiếm thị thì tôi xin làm”.

(Lê Dân BẠch ViỆt)

Năm 1998, một người bạn giới thiệu Bạch Việt với Đinh Điền - thạc sĩ CNTT, thạc sĩ ngôn ngữ học, giảng viên Khoa CNTT trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, tác giả phần mềm miễn phí VCL hỗ trợ người khiếm thị, Hiệp sĩ CNTT năm 2003 do e-CHÍP phong tặng. Bạch Việt gọi sự hội ngộ này như duyên tiền định, mỗi khi nhắc lại anh hay ví von: “Bạch Việt gặp Đinh Điền như cá gặp nước”. Được một số bạn bè hỗ trợ, hai anh cùng bắt tay vào nghiên cứu, biên soạn từ điển và phần mềm soạn thảo văn bản cho người khiếm thị trên DOS.

Ngoài việc dịch thuật tài liệu, Bạch Việt đảm nhận vai trò cố vấn tâm lý và thử nghiệm những gì mà nhóm đã làm. Là người khiếm thị, hơn ai hết, anh hiểu rất rõ người khiếm thị cần gì, khó khăn ở điểm nào để đưa ra ý kiến. Thạc sĩ Đinh Điền nói: “Bạch Việt không phải là người duy nhất có ý tưởng làm từ điển và phần mềm cho người khiếm thị. Thật ra, vào thời điểm đó, người khiếm thị tại nhiều nước trên thế giới đã có những thứ ấy rồi. Việt Nam thì chưa. Tôi nể phục anh Việt ở cái tình, cái tâm trong sáng. Anh quyết tâm làm nhiều việc chỉ mỗi một mục đích cho người khiếm thị đỡ vất vả vì anh đã trải qua những khó khăn nên anh hiểu”. 

Bạch Việt đang thử nghiệm phần mềm hỗ trợ đọc web tiếng Việt cho người khiếm thị trong buổi tổng kết của nhóm Ánh Dương. ( Ảnh: Tuổi Trẻ).

Năm 2003, Bạch Việt lại “xúi giục” Nguyễn Minh Hùng - giảng viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cùng thầy giáo Đỗ Minh Hoàng Đức của trường Nguyễn Đình Chiểu làm phần mềm đọc trang web tiếng Việt cho người khiếm thị. Bản thân Bạch Việt tham gia tìm kiếm tài liệu, dịch thuật và thử nghiệm. Sau này, Bạch Việt còn gợi ý cho thầy giáo Minh Hùng tìm hiểu để làm phần mềm cho người khiếm thính. Kết quả, dự án “Từ điển Ký hiệu cho người khiếm thính” của trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã nhận được 40.000 USD tài trợ và được xếp hạng là dự án có số điểm cao nhất trong khu vực của chương trình Samsung DigitAll Hope lần thứ 2 do hãng Samsung Asia tổ chức.

Bạch Việt là người khuyết tật duy nhất trong số 391 thí sinh và anh lọt vào số 27 người giành được học bổng của chương trình Học bổng Hữu nghị Quốc tế của quỹ Ford. Hiện nay, anh đang theo học tại Pennsylvania (Mỹ) để lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành “phục hồi chức năng cho người mù”.

Anh tâm sự: “Người khiếm thị - không phân biệt quốc tịch - sống tại Mỹ rất may mắn vì được chính phủ hỗ trợ nhiều phần mềm nhằm tạo điều kiện cho họ học tập. Người Việt Nam mình còn thiếu thốn nhiều thứ. Tôi không giỏi về CNTT để làm ra sản phẩm cho người khiếm thị sử dụng; nhưng nếu có thứ gì có ích cho người khiếm thị để họ không phải vất vả trong học tập mà tôi biết thì tôi sẽ cố gắng mang lại, dù là muộn. Hiện tôi đang vận động các bạn ở Mỹ giúp cho người mù Việt Nam phần mềm Goodfeel, dịch nhạc từ chữ bình thường sang ký tự Braille, để người khiếm thị khi học nhạc không còn phải thuộc lòng như tôi ngày xưa nữa”.

(Theo e-CHÍP)

Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn về những Hiệp sĩ CNTT và tinh thần thiện nguyện, vì mục đích đóng góp cho xã hội:

,
,