,
221
4742
Ứoc vọng hiệp sĩ
uocvong
/hiepsicntt/uocvong/
690908
Nguyễn Công Hùng - Người truyền lửa
1
Article
4721
Hiệp sĩ CNTT
hiepsicntt
/hiepsicntt/
,

Nguyễn Công Hùng - Người truyền lửa

Cập nhật lúc 02:27, Thứ Bảy, 06/08/2005 (GMT+7)
,

Cũng vào dịp tháng 6 cách đây hai năm e-CHÍP đã có bài “Chuyện một “bác sĩ” bị bại liệt”. Năm nay chúng tôi lại về xã Đoài, Nghi Lộc, Nghệ An thăm “bác sĩ” Nguyễn Công Hùng, nay là giám đốc Cơ sở tin học và ngoại ngữ Nhân đạo Công Hùng. Hùng ngồi khòm người, nhỏ thó trên giường, mình được hai cái gối nhỏ đỡ. Ánh mắt Hùng bừng vui khi chúng tôi chuyển quà tặng của toà soạn là các tập e-CHÍP đóng bộ có in dòng chữ nhũ vàng “Công Hùng Vi tính”.

Một lớp học đặc biệt

Soạn: AM 507571 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguyễn Công Hùng bên chồng thư bạn đọc gửi về.

Căn phòng khoảng 50 mét vuông của gia đình ông Nguyễn Công Lịch – bố của Hùng - dành riêng cho lớp học được trang bị 18 máy vi tính khá "xịn" do một doanh nghiệp ở thành phố Vinh bán trả góp. Ngoài việc dạy học, Hùng tất bật suốt ngày vì đủ thứ việc, từ cập nhật thông tin cho trang web (www.conghung.com), trả lời điện thoại và thư điện tử đến từ khắp nơi nhờ tư vấn kỹ thuật hay những lời thăm hỏi, động viên của người quen và cả chưa quen...

Thắng - chàng trai có chiều cao hết sức "khiêm tốn" (84 cm) vừa tốt nghiệp THPT năm nay với số điểm khá cao, mới nhận được lời mời tham dự khóa học chuyên về đồ họa do một doanh nghiệp tài trợ. Khi chúng tôi chúc mừng em, Thắng tâm sự “Sức khỏe của em không được tốt, nên không thể thi vào đại học được. Có lẽ em sẽ chỉ ở với anh Hùng để học thêm và hướng dẫn lại cho các bạn, đặc biệt là các bạn cùng cảnh ngộ như em”. Em Thơm - 20 tuổi, quê ở Xuân Hoà, Quảng Trạch, Quảng Bình bị bại liệt từ nhỏ, nhưng cũng đã tốt nghiệp THPT. Thơm tâm sự: “Nhà nghèo, em lại bị tật nguyền. Được bác Lịch đón về nuôi lại được anh Hùng dạy vi tính. Thấy các bạn cùng cảnh ngộ vui vẻ học tập, em thấy cuộc đời có ý nghĩa nên xin ở lại đây giúp anh Hùng hướng dẫn cho các bạn”. Và Thảo Vân - cô em út của Hùng vừa học xong lớp 11. Vân cũng bị khuyết tật như Hùng, cô ngồi trên chiếc xe lăn điện để di chuyển trong phòng. Chiếc xe chạy bằng ắc quy trị giá mười ngàn đô la này do hội Người Khuyết tật Thái Lan tặng cho Hùng hồi cuối năm 2004. Đó là 3 giáo viên chính ở đây, những người đã được Hùng trực tiếp đào tạo. Phụ giúp họ còn có Thương, cô gái có tay trái bị cụt đến khuỷu, tay phải chỉ có hai ngón như càng cua.

Đã có hàng trăm học sinh đến học tại Cơ sở tin học và ngoại ngữ Nhân đạo Công Hùng. Ngoài các em học sinh bình thường, còn có rất nhiều em khuyết tật và học sinh nghèo được đào tạo miễn phí (chỉ cần có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương hoặc linh mục quản xứ). Thấy chúng tôi ngạc nhiên nhìn một em nhỏ dùng chân gõ bàn phím và sử dụng chuột khá thành thạo. Ông Lịch giới thiệu “Em tên là Nguyễn Minh Phú, sinh năm 1990, vừa học xong lớp 6 ở huyện Yên Thành, Nghệ an. Phú là nạn nhân chất độc mầu da cam, bị cụt cả hai tay, nhà em rất nghèo. Tuy mới nhập học được hơn một tuần nhưng em đã thao tác bàn phím máy tính tốt”. Cạnh Phú còn có một số em đến từ trường dạy nghề cho trẻ em câm điếc của tỉnh đến xin học vi tính trong dịp hè này. Trong lớp học thoáng đãng con có những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh nhiều sắc màu, phần lớn là quà tặng của "những người bạn chưa gặp mặt" gửi tặng Hùng qua bưu điện.

Hùng cười “Học sinh lớp Hùng ngoài các bạn khuyết tật được học miễn phí còn có nhiều bạn bình thường. Các bạn khuyết tật học rất chăm chỉ, lắm lúc giục nghỉ họ cũng tiếp tục thực hành, vì ai cũng muốn học thật tốt để có một nghề tự kiếm sống. Thấy vậy, các bạn học sinh bình thường tự thấy phải học cố học để không bị kém bạn khuyết tật. Thế là hai phe thi đua ngầm, không khí lớp học vui lắm".

Những lá thư

Ngồi trên giường, Hùng nhờ bố Lịch lôi từ một hộp to đưa chúng tôi những xấp thư được buộc gọn gàng. Ông Lịch nói, “Hàng ngày Hùng nhận được hàng chục lá thư, chủ yếu là nhờ Hùng hướng dẫn giúp gỡ “mối tơ" vi tính. Ngoài việc dạy trực tiếp, Hùng còn hướng dẫn, tư vấn qua điện thoại, email, hoặc nơi chưa có Internet thì Hùng gõ câu hướng dẫn in ra giấy rồi gửi qua bưu điện…”. Hùng nói rất vui: “Có rất nhiều người Hùng chưa bao giờ gặp họ nhưng thư từ qua lại rất thân tình. Hùng nghĩ, mình giúp được mọi người đến với CNTT là vui rồi. Cũng may, bố mẹ Hùng chưa bao giờ kêu ca về chuyện cước phí điện thoại (riêng tiền điện thoại hơn triệu đồng/tháng )”. 

Địa chỉ của những lá thư được gửi từ Quảng Ninh, Quảng Bình, Bắc Ninh, Sơn La,  Nha Trang, Buôn Mê Thuột, đến đất mũi Cà Mau… Có cả thư của anh bộ đội ở huyện đảo Trường Sa: “Qua báo Quân đội Nhân dân anh được biết đến Công Hùng, một tấm gương một nghị lực phi thường. Ở đảo xa anh gửi thăm Hùng, chúc em luôn khoẻ mạnh. Anh mong khi nào ra quân, đến thăm em và muốn được Hùng hướng dẫn anh môn vi tính mà anh rất thích nhưng chưa có điều kiện. Anh đã để dành một cành san hô đỏ rất đẹp, đặc sản Trường Sa làm quà tặng em …”.

Tập đoàn SaraVietNam đã chọn Hùng làm đại diện cung cấp domain, hosting và thiết kế website. Trang web www.conghung.com ngày càng thu hút lượng truy cập lớn và Hùng đã tr thành nhân viên chính thức của “Lam Hồng News” (trang web của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh - SongLam.com.vn). Ngoài ra, Hùng còn tham gia đóng góp tích cực cho nhiều trang web dành cho người khuyết tật.

Người truyền lửa

Chúng tôi thực sự xúc động khi đọc lá thư của một bà mẹ Hà Nội: “… Hôm ấy, chứng kiến cảnh các cháu khuyết tật dạy tin học cho bạn bè, lại đưc thấy tận mắt cảnh cả nhà cháu cùng ăn trưa với các học trò khuyết tật được cha mẹ cháu cưu mang nuôi ăn học. Hơn chục người quây quần bên mâm cơm không phân biệt ai là con, ai là người ngoài; thật vui vẻ và đầm ấm. Cho phép cô coi Hùng như con, bởi vì cô cũng có đứa con cùng tuổi Hùng, nhưng cô có nỗi bất hạnh. Đang học năm thứ 3 khoa CNTT của một trường Đại học ở Hà Nội, con cô đã sa vào vòng nghiện ngập. Cô đã tập hợp các bài viết về Hùng đưa con trai cô nhân một lần lên trại. Lần lên thăm vừa rồi cô được các đồng chí trong trại nói “Đọc những bài báo viết về Hùng lần trước cô mang đến, cậu chàng đã có nhiều quyết tâm”. Khi gặp, cô thấy em đã khỏe mạnh nhiều. Nó nói, “Mẹ hãy tin ở con, con sẽ cố học tập Hùng, con sẽ sớm về với bố mẹ để tiếp tục học tập…” Cháu đã truyền cho cô và mọi người ngọn lửa của niềm tin…”.

Cầm bàn tay mềm như bún của Hùng (em không gõ được máy tính bằng tay nữa mà dùng phần mềm dùng chuột gõ bàn phím ảo trên màn hình), tôi hỏi Hùng về những mong ước của em. Sau một chút im lặng, Hùng thổ lộ: "Ước mong của cháu là được một nhà tài trợ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho một cái host chạy tốt, chạy ổn định để website www.conghung.com hoạt động được tốt hơn. Hiện nay, lượng khách truy cập khá nhiều nên host thường xuyên quá tải và chạy rất chậm, cước phí duy trì web cũng cao". Nguyện vọng của một thanh niên khuyết tật vừa bước sang tuổi 24 hóa ra chỉ nhằm mục đích phục vụ cộng đồng và đơn giản thế sao?

(Theo Tạp chí e-CHÍP)

,

Tin khác

Tin khác của 'Ứoc vọng hiệp sĩ'

,
,