,
221
4742
Ứoc vọng hiệp sĩ
uocvong
/hiepsicntt/uocvong/
690916
Ông thầy truyền đạo... tin học
1
Article
4721
Hiệp sĩ CNTT
hiepsicntt
/hiepsicntt/
,

Ông thầy truyền đạo... tin học

Cập nhật lúc 02:55, Thứ Bảy, 06/08/2005 (GMT+7)
,

Nghe nói Sở Giáo dục-Đào tạo Đồng Nai sắp tổ chức hội thảo Ứng dụng CNTT vào giảng dạy bậc trung học, tôi gặp thầy Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên Vật lý trường chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa, người được giới thiệu là sớm gắn bó với việc này để tìm hiểu trước tình hình. Ra về, thầy nói với theo: “Nhà báo viết sao để người khác thấy chuyện này đơn giản, ai cũng có thể làm được.” Vâng, đơn giản thật đấy, nhưng phải có tâm huyết với nghề. Như trường hợp của ông thầy này vậy.

Từ kế sinh nhai

Soạn: AM 512575 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thầy giáo Nguyễn Đức Hiệp
Năm 1980, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, thầy Hiệp rời gia đình tại TP.HCM đến Biên Hòa  nhận công tác. Năm 1983, ông lập gia đình với một cô giáo cùng trường. Những năm sau đó, đời sống rất khó khăn, phần lớn giáo viên phải kiếm sống bằng nghề tay trái. Ông cũng có nghề tay trái: chụp hình dạo. Có lúc ông thầy cũng kiếm được nhiều tiền nhờ “nghề” chụp hình, như lúc mới có quy định nữ sinh mặc đồng phục áo dài trắng. Đó là một nghề lương thiện, phù hợp với người ít vốn, muốn lấy công làm lời như ông. Nhưng “ai biểu” ông là thầy giáo. Làm cái việc kiếm tiền từ học trò và cả từ phụ huynh nữa, khi họ mời ông chụp hình cho gia đình, đám tiệc... ông nghe không ít lời ra tiếng vào. Nhà trường muốn ông đổi nghề tay trái, cho vợ chồng ông mở một ki-ốt bán sách báo gần cổng trường. Đọc sách báo mình bán, ông thấy không phải cuốn nào cũng hay, nhất là sách giáo dục vì ít sát với thực tế giảng dạy, học tập. Ông nghĩ mình cũng có thể viết sách vì đang trực tiếp làm thầy, có chút ít kinh nghiệm. Qua những đầu mối bỏ sách cho mình, ông quen với một số người làm sách, tìm hiểu quy trình làm sách.

Trước năm 1995, ông đã viết nhiều sách về dạy và học môn Vật lý nhưng bản in không được đẹp. Mỗi cuốn một phong cách trình bày khác nhau (do đưa cho nhiều nơi, chủ yếu là tư nhân đánh máy, sắp chữ, trình bày), có khi còn không “trúng ý” mình và chỉ lưu hành trong “nội bộ” tỉnh theo giấy phép của Sở Văn hóa Thông tin. Nhuận bút mỗi cuốn khoảng 5-6 triệu đồng.

Thấy có thể “sống được”, ông gom tiền nhuận bút của 6-7 cuốn sách mua một cái máy tính hàng hiệu HP, quyết tâm tự mình làm luôn cả khâu sắp chữ, trình bày theo ý mình. Bây giờ nghĩ lại, ông thấy đó là một quyết tâm đầy mạo hiểm vì lúc ấy ông chưa hề biết sử dụng máy tính. Ông tự học Word để đánh máy, không ít lần phải kêu thợ từ TP.HCM đến chỉ vì lỗi xung đột phông chữ. Việc dùng các phần mềm chế bản như Ventura (1995), Page Maker (1996), Amipro-chuyên xếp chữ Toán-Lý (1997) là do ông học lỏm được trong thời gian ngồi cạnh các nhân viên sắp chữ, trình bày để sửa lỗi chính tả cho những cuốn sách trước đó. Mới đầu, ông chỉ gõ chữ, đánh máy các công thức, chỗ nào cần có hình ảnh là phải bỏ trống để mướn người khác vẽ, mỗi hình mất 1.000 đồng. Sau, ông học Corel để vẽ, rồi học cách lấy hình có sẵn trên mạng, chỉnh sửa để dùng lại vì ít tốn thời gian và đẹp hơn. “84 câu hỏi vật lý 12” là cuốn đầu tiên ông làm từ chiếc máy tính này. Nó cũng là cuốn đầu tiên của ông được Nhà xuất bản Giáo Dục in, phát hành trên toàn quốc. Lần đó, năm 1995, ông đã một thân một mình ra tới Hà Nội, tìm thầy Vũ Thanh Khiết, phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục để... đặt vấn đề. Đến nay, trong số 30 đầu sách đã làm, về cả nội dung và kỹ thuật trình bày, ông hài lòng nhất với bộ 3 cuốn “Bài tập cơ bản và nâng cao môn Vật lý” các lớp 6, 7, 8, ông viết chung với thạc sĩ Lê Cao Phan để hưởng ứng Cuộc thi viết sách tham khảo do Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động. Bộ sách này đã được Nhà xuất bản Giáo Dục in, tập hợp những bài tập trắc nghiệm, được phân chia theo từng chủ đề, có rất nhiều hình ảnh minh họa, mô phỏng thí nghiệm...

Đến ứng dụng trong giảng dạy

Thầy Hiệp đã biết xài máy tính. Khi nghe tin trường chuyên huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy có kết quả tốt, ông tới tận nơi để tham quan. Người ta không ngồi chờ chủ trương, làm trước theo sức, theo cách của mình; nghĩ vậy ông bỏ công nghiên cứu và quyết tâm thực hiện.

Gần 3 năm nay, khoảng 30% tiết dạy của ông có sự hỗ trợ của CNTT. Tùy theo nội dung từng tiết mà mức độ ứng dụng khác nhau. Dạy bài chuyển động của các vệ tinh, ông đưa vào máy tính, lên máy chiếu những đoạn phim khoa học tả chuyển động này. Đến bài chuyển động phản lực, ông cho học sinh xem ví dụ minh họa là phim về việc phóng tên lửa. Nhiều mô phỏng thí nghiệm, phần mềm giảng dạy môn này cũng được ông biểu diễn, ứng dụng. Ông làm việc này bằng cách xem ti vi, thu lại những chương trình như Em yêu khoa học, BigBang,... hay lên mạng tìm kiếm, để dành làm tư liệu khi thích hợp. Ông khoe, giờ ông đã học được “nghề” biên tập phim, không phải đem ra tiệm để in sang, cắt cúp, lồng tiếng nữa. Hai năm trước, khi tham gia chương trình ôn thi tốt nghiệp, luyện thi đại học từ xa môn Vật lý của Đài Truyền hình Đồng Nai, ông cũng dạy bằng giáo án điện tử để mọi người quen mắt với phương pháp giảng dạy, học tập mới “2 trong 1” (từ xa và ứng dụng CNTT).

Cũng gần ba năm nay, ông “bày đặt” làm Website giúp học Vật lý. Ông học cách làm từ cậu con trai mới học lớp 7; cậu bé này học từ người anh họ đang học ở Nga. Mới đầu www.ephysicsvn.com là Web tĩnh. Sau đó, một chuyên viên của Sở Giáo dục chỉ ông cách chuyển nó sang Web động. Ngoài những thông tin liên quan đến Vật lý, ông muốn đưa những cuốn sách mình đã viết lên Website, xem đó như là cách chia sẻ lại những gì mình đã học, đã tìm kiếm được từ trên mạng Internet. Ông cũng tổ chức những lớp học trực tuyến, chủ yếu là trong dịp hè để giúp ôn luyện tốt nghiệp, luyện thi đại học, giúp giải đáp thắc mắc.

Ông còn dự định chuyển thể những cuốn sách in của mình thành sách CD. Sách CD phải có tính tương tác cao, vì vậy ông phải học thêm về Flash, 3D. Ông từng tặng dữ liệu cho một nhóm làm phần mềm để họ làm việc này nhưng mọi việc đã bị bỏ dở nửa chừng. Hè năm tới, ông sẽ bắt đầu lại việc này với một kế hoạch cụ thể, khả thi hơn.

Không còn như ngày xưa, những lo toan về tiền bạc cứ níu kéo chân tay. Ông viết sách, dạy luyện thi, tiền có được không nhiều nhưng cũng có thể xoay sở để thực hiện mơ ước ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy, trước tiên là của mình. Vấn đề của ông là thời gian. Ông mừng vì có tới 15 tỉnh thành nhận lời tham dự hội thảo “Ứng dụng CNTT vào giảng dạy...” do Đồng Nai tổ chức. Ông có dịp gặp những đồng nghiệp có cùng niềm say mê. Điều đó cũng có nghĩa là có nhiều người, nhiều nơi đang đồng hành với ông, với địa phương ông trên cuộc hành trình mới lạ nhưng thật hữu ích cho cả thầy lẫn trò này.

(Theo Tạp chí e-CHÍP)

,

Tin khác

Tin khác của 'Ứoc vọng hiệp sĩ'

,
,