,
221
4742
Ứoc vọng hiệp sĩ
uocvong
/hiepsicntt/uocvong/
690934
Phạm Sơn Hà và những người bạn khiếm thị
1
Article
4721
Hiệp sĩ CNTT
hiepsicntt
/hiepsicntt/
,

Phạm Sơn Hà và những người bạn khiếm thị

Cập nhật lúc 05:59, Thứ Bảy, 06/08/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Bố Hà - ông Phạm Đình Hạnh người Quảng Bình là một sĩ quan Tên lửa, ngày trở về, ông mang trong người mầm mống khủng khiếp của thứ chất độc da cam. Hai anh em Hà đều phải gánh chịu số phận thiệt thòi, cậu út Sơn Hùng mù cả hai mắt, Sơn Hà chỉ bị một bên. Nhưng một tai nạn xảy ra năm 1992, lúc Hà vừa học xong lớp 12, đã làm hỏng nốt con mắt còn lại của Hà.

Phạm Sơn Hà đang hướng dẫn cho học viên tại trung tâm tin học Tia Sáng của anh.

Chán nản, thất vọng và không còn niềm tin vươn sống, Hà nằm lì trong nhà sau tai nạn. Không bạn bè, không học hành và cắt đứt mọi mối quan hệ bên ngoài. Cha mẹ Hà thương con nhưng đành chịu, chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.

Những tưởng chàng trai thông minh, đa cảm ấy sẽ không vượt qua nổi cú sốc nghiệt ngã và cuộc đời cậu rồi sẽ chìm trong cõi tối mênh mông… Nhưng chính Sơn Hùng - đứa em trai mù cả hai mắt từ lúc lọt lòng - đã động viên giúp đỡ anh làm quen với bóng tối của sự vật và ánh sáng của niềm tin cuộc sống. Hùng mời thầy giáo Phạm Đình Thắng - giáo viên trường trẻ em khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu - đến tận nhà động viên anh mình. Thầy Thắng - cũng là người khiếm thị - chính là người đã đưa Hà tham gia vào nhiều hoạt động xã hội của người khiếm thị, giúp cho Hà thấy người khiếm thị vẫn có thể làm được rất nhiều việc có ý nghĩa.

Không muốn "bị" đối xử ưu tiên…

Những ngày dài sau tai nạn nằm một mình trong phòng, Hà chỉ làm bạn với cây sáo trúc; thầy Thắng biết chuyện, khuyên Hà thi vào nhạc viện Hà Nội. Hà quyết tâm rèn luyện và thi đỗ, nhưng sau lại chuyển sang học đàn organ. Nhận xét về Hà, thầy Thắng nói ngắn gọn: “Khuyết điểm của Hà là hơi thu mình và ít nói, nhưng trong em có một nội lực phi thường, ham học hỏi và luôn vươn lên hòa nhập với cộng đồng.” Bốn năm trung cấp, ba năm tiếp theo học xong cao đẳng nhạc viện Hà Nội, Hà chứng tỏ anh không bao giờ đầu hàng số phận.

Hà tỏ ra có năng khiếu làm các công việc về cơ khí, luôn mày mò tìm tòi và có tính ưa tự lập. Trong thời gian học đàn, Hà nhận thấy các chân đàn organ rất hay hỏng, lại hiếm phụ tùng thay thế; thế là anh tự thiết kế, mua sắt về đo đạc, lắp ráp chân đàn để bán. Sản phẩm của Hà tiêu thụ mạnh tại Hà Nội và cả ở Hưng Yên, Thái Nguyên… Khi tôi hỏi Hà học cách lắp ráp và thiết kế chân đàn ở đâu, anh cười rất tự nhiên: “Một số kiến thức về cơ khí mình biết trước khi hỏng mắt, còn lại thì tự học hỏi, sau này thì chủ yếu tìm kiến thức và thị trường trên mạng Internet”.

Hà có một máy tính nối mạng 24/24. Mắt không nhìn thấy, Hà sử dụng phần mềm JAWS (Jaws for Windows - một phần mềm tin học dành cho người khiếm thị, dùng âm thanh để điều khiển và đọc văn bản cho người dùng nghe). Các thao tác gõ văn bản, check và gửi mail, lướt web, tải dữ liệu… được anh thực hiện rất nhanh và chính xác. Để nâng cao kiến thức, Hà đang học một khóa đào tạo từ xa về CNTT của Đại Học Mở Hà Nội. “Mới đầu khi đến đăng ký, giáo viên và các bạn đều thắc mắc: Cậu sẽ ghi chép bài giảng, hoàn thành bài thi thế nào? Họ đều cho đó là một việc “không tưởng”, nhưng chính em đã cố gắng chứng minh bằng thực tế cho mọi người thấy, em hoàn toàn có thể làm được. Chưa bao giờ em nộp muộn hay bỏ một bài kiểm tra, thi hết môn nào cả. Em không muốn “bị” ưu tiên, mà mong được đối xử bình đẳng như mọi người…”, Hà tâm sự.

“Tia Sáng” cho những người đồng tật

Phạm Sơn Hà đang dùng máy vi tính, với chiếc màn hình không cần... bật.

“Đầu tiên, em chỉ cố gắng học tin học và tiếp cận Internet vì ham thích, để soạn nhạc trên máy tính và download những tác phẩm âm nhạc cổ điển. Nhưng sau đó, em nhận ra tin học là con đường ngắn nhất để hòa nhập, tự lập và chiến thắng số phận. Vì thế em lập ra trung tâm Tia Sáng đào tạo tin học cho người khiếm thị vì hoài bão giúp những người khiếm thị quanh em tự đứng vững, không còn là gánh nặng của xã hội”, Hà nói.

Hơn một năm trước đây, Hà đã cùng hai người bạn là Khúc Hải Vân và Nguyễn Đình Toán thành lập Câu lạc bộ Tin học khiếm thị Hà Nội, mở lớp dạy tin học cho người khiếm thị. Lớp học thu hút đông đảo học viên đến nỗi có những lúc hai, ba người phải dùng chung một máy tính để thực hành. “Rất nhiều người chỉ sau vài khóa học NDC (chương trình soạn thảo văn bản dành cho người khiếm thị) và JAWS đã có thể đánh word, viết mail, lướt web thành thạo”, Hà nhớ lại.

Sau hơn một năm hoạt động với hiệu quả đào tạo trên cả mong đợi, CLB Tin học khiếm thị Hà Nội đã mang lại "ánh sáng" tri thức cho rất nhiều người khiếm thị; nhưng vì mong muốn phát triển thêm chương trình học và tỏ rõ tính chất phục vụ cộng đồng vô vụ lợi, Hà rủ Khúc Hải Vân tách ra thành lập trung tâm riêng. CLB Tin học khiếm thị Hà Nội được sự giúp đỡ về địa điểm và cơ sở vật chất của Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển giáo dục Hà Nội - vốn là một trung tâm đào tạo có thu phí – khiến nhiều người khiếm thị khó khăn về tài chính e ngại, không dám đến học.

Mới đây, Sơn Hà cùng em trai Sơn Hùng (hiện là giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu), thầy Phạm Đình Thắng và Khúc Hải Vân đứng ra thành lập trung tâm Tia Sáng, đào tạo miễn phí tin học và Internet dành cho người khiếm thị. Anh em Sơn Hà, Sơn Hùng và Khúc Hải Vân trực tiếp giảng dạy. Các buổi học diễn ra vào thứ Hai và thứ Tư hàng tuần luôn sôi nổi và đạt kết quả cao bởi tất cả học viên và 3 thầy giáo đều là người khiếm thị nên rất dễ hiểu nhau. Chỉ sau hơn một tuần theo học, trong số học viên có những người chưa bao giờ động đến máy tính nay đã sử dụng thành thạo Internet, gửi email...

Cơ sở vật chất, thiết bị vẫn là khó khăn lớn nhất. “Trung tâm” là một cái tên gọi xa xỉ với nơi này. Lớp học nằm trên tầng hai nhà số 844, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) là của gia đình Hà cho mượn (không lấy tiền); có được 4 cái máy tính thì một cái do cô giáo Hương (trường bổ túc văn hóa Ngô Tất Tố) đem máy cũ của gia đình ủng hộ, hai cái… mua chịu với giá 1 triệu và 1,5 triệu (hiện vẫn chưa trả tiền!). Cái máy tính thứ tư do Hội phật tử của một ngôi chùa gần đó ủng hộ, vẫn chưa có màn hình! “Thế là tốt lắm rồi, vì với anh em người khiếm thị, màn hình cũng không thật cần thiết”, Hà vẫn rất lạc quan. Rất may, tầng trệt của ngôi nhà do gia đình Hà cho thuê kinh doanh Internet, nên lớp học được "chia sẻ" một đường truyền Internet ADSL miễn phí.

Tuy nghèo khó về vật chất như thế, nhưng cánh cửa trung tâm Tia Sáng luôn rộng mở với tất cả những người khiếm thị muốn tham gia học tập. Các môn chính là Soạn thảo văn bản NDC, chương trình hỗ trợ tin học cho người khiếm thị JAWS, Microsoft Word, khai thác thông tin trên Internet, viết Email… Tất nhiên, mọi thứ đều hoàn toàn miễn phí.

  • Thế Phong
,

Tin khác

Tin khác của 'Ứoc vọng hiệp sĩ'

,
,