Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay |
Các bác sĩ tại Nhật Bản đang phát triển một phương pháp mới điều trị tổn thương ở mắt bằng cách sử dụng tế bào lấy từ miệng bệnh nhân. Đó là những tế bào gốc có khả năng phát triển thành các loại mô khác nhau khi được nuôi cấy trong điều kiện thích hợp ở phòng thí nghiệm.
Cho tới nay, việc điều trị thử nghiệm ở người mới đang ở giai đoạn đầu và được tiến hành tại Đại học Y Quận Kyoto. Tuy nhiên, phương pháp này cho thấy tỷ lệ thành công đầy hứa hẹn. Mỗi năm trên thế giới có hàng chục nghìn người bị tổn thương giác mạc do bệnh tật hoặc tai nạn. Bác sĩ chỉ có thể chữa trị tổn thương trên bằng cách ghép mô giác mạc mới, được lấy từ một người khác.
Nhiều bệnh viện dự trữ mô mắt vì mục đích này. Tuy nhiên, những bệnh nhân được cấy ghép giác mạc phải uống các loại thuốc mạnh, gây tác dụng phụ không mấy dễ chịu để ngăn chặn cơ thể đào thải mô ghép. Trên thực tế, đào thải xảy ra thường xuyên.
Hiện các bác sĩ ở Kyoto Nhật Bản đã nghiên cứu một phương pháp khác. Phương pháp đó liên quan tới việc nuôi một phần giác mạc mới bằng cách sử dụng tế bào lấy từ miệng của chính bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra một cách kích thích tế bào gốc ở miệng phát triển thành tế bào giác mạc.
Do tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể của bệnh nhân nên họ không cần uống thuốc chống đào thải. Trình bày tại Hội nghị của Hiệp hội y học phục hồi Nhật Bản đang diễn ra tại Kobe, nhóm nghiên cứu thông báo đang điều trị cho 9 người, trong đó có 8 người đã hồi phục thị lực.
Tiến sĩ Nigel Fullwood thuộc Đại học Lancestor, Anh, một cộng tác viên của nhóm nghiên cứu, cho biết phương pháp mới có ý nghĩa quan trọng bởi các bệnh viện ở Nhật Bản thiếu mắt để lấy mô ghép cho bệnh nhân.
(Minh Sơn - Theo BBC)