Một dải đá ngầm khoẻ mạnh. |
Các dải đá ngầm san hô ở biển Caribbe đã suy giảm 80% trong 3 thập niên qua. Một số nhà khoa học Anh tin rằng hiện tượng này là do cả con người lẫn thiên nhiên gây nên. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về sự huỷ diệt do thay đổi khí hậu.
Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH East Anglia và Trung tâm nghiên cứu thay đổi khí hậu Tyndall, Anh, cho biết tỷ lệ suy giảm đột ngột này dường như không chậm lại kể từ năm 1975. Trên toàn bộ vùng lòng chảo Caribbe, tỷ lệ bao phủ của san hô cứng trên các dải đá ngầm giảm 80%.
San hô cứng là thành phần chính của một dải đá ngầm. Nó là chất mà trên đó san hô mềm - chẳng hạn như quạt biển và các loài khác - có thể sinh trưởng. Nhóm nghiên cứu đã phân tích kết quả của 65 nghiên cứu riêng rẽ liên quan tới 263 điểm. Kết quả cho thấy tỷ lệ bao phủ của san hô thay đổi theo thời gian song hoàn toàn nhất quán giữa các tiểu vùng.
Nguyên nhân của sự suy giảm là các nhân tố tự nhiên như dông bão và bệnh dịch. Đánh bắt cá quá mức, ô nhiễm và các trầm tích do nạn chặt phá rừng tạo ra cũng góp phần gây ra hiện tượng trên. Dải đá ngầm san hô suy giảm có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới ngành đánh bắt cá, du lịch cũng như huỷ hoại bờ biển khi có bão.
Tỷ lệ suy giảm cao hơn nhiều so với tốc độ phát quang rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, tin tức đáng mừng là san hô ở một số địa điểm dường như đang phục hồi.
(Minh Sơn - Theo BBC)