Khói đang bốc lên từ toà tháp đôi đổ nát. |
Theo Giáo sư Thomas Cahill, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc ĐH California, đống đổ nát giống như một nhà máy hoá chất. Ông nói: ''Nhà máy đó nấu mọi thành phần của toà tháp đôi và những đồ vật bên trong, bao gồm một số lượng lớn máy tính. Nó toả ra các loại khí chứa kim loại độc hại, acid và các chất hữu cơ trong vòng ít nhất là 6 tuần''.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập trên 8.000 mẫu không khí trong thời gian từ ngày 2 tới ngày 30/10/2001, cách Trung tâm thương mại thế giới 1,6km. Họ công bố một bản báo cáo về những mẫu này trong năm 2002 và vừa đưa ra lời giải thích chi tiết hơn về những gì diễn ra sau thảm hoạ.
Khi toà tháp đôi bốc cháy và sụp đổ, hàng tấn bê tông, thuỷ tinh, đồ gỗ, thảm, chất cách điện, máy tính và giấy bị chôn vùi dưới đống đổ nát hiếm oxy. Đống rác khổng lồ này cháy âm ỉ cho tới ngày 19/12. Trong đống đó, một số yếu tố cấu thành kết hợp với chất hữu cơ và chlorine từ giấy cũng như chất dẻo, rồi thoát tới bề mặt đống đổ nát với tư cách là các loại khí giàu kim loại.
Sau đó, những khí này hoặc bị đốt cháy hoặc bị phân huỷ hoá học thành các hạt cực mịn, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi của con người. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 4 loại hạt có khả năng ảnh hưởng tới sức khoẻ:
- Các kim loại chuyển hoá mịn và cực mịn, can thiệp vào cơ chế hoá học của phổi.
- Acid sulphuric, trực tiếp tấn công lông mi và tế bào phổi.
- Các hạt thuỷ tinh cực mịn, có thể hoà tan. Chúng đi qua phổi tới dòng máu và tim.
- Chất hữu cơ nhiệt độ cao, nhiều thành phần của những chất này được gọi là chất gây ung thư (carcinogen).
Những điều kiện trên rất độc hại đối với công nhân làm việc tại đống đổ nát mà không mang mặt nạ phòng độc cũng như đối với các cá nhân đang làm việc và sống ở những toà nhà lân cận. Thông tin mới này đang được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội hoá học Mỹ ở New York.
(Minh Sơn - Theo BBC)