(VietNamNet) - Muốn khoa học - công nghệ (KH-CN) đi vào cuộc sống thì phải có thị trường KH-CN. TS Trần Du Lịch, viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh điều này khi tham gia trao đổi về những bất cập của cơ chế quản lý KH-CN hiện nay.
Một vấn đề dễ thấy ngay: Cần thay đổi cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước để nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu phải theo đơn đặt hàng cụ thể và nghiệm thu sản phẩm cuối cùng. Thanh toán kết quả nghiên cứu khoa học cũng phải theo thực chi chứ không phải kiểu chi hành chính như hiện nay. Cứ theo quy định hiện hành, một hợp đồng phụ trong nghiên cứu khoa học được quy định là ba triệu đồng, trong khi một đề tài nghiên cứu có khi cần 40-50 triệu đồng và các nhà khoa học buộc phải “vẽ” ra nhiều hợp đồng phụ để được thanh toán cho nhu cầu nghiên cứu. Một nhà khoa học được mời làm phản biện đề tài, phải đọc hàng trăm trang tài liệu kết quả nghiên cứu mà chỉ được trả 200.000 đồng thì làm sao làm được. Nhiều trường hợp, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “thấy tội” cho người phản biện bèn đưa phong bì bồi dưỡng thêm... Vậy thì làm sao phản biện cho khách quan được. Vì thế, mới có chuyện nhà nghiên cứu này phải đi năn nỉ nhà nghiên cứu kia để được họ... phản biện cho đề tài của mình!
TS Trần Du Lịch: "Trong thực tế, ta chưa tính được một đồng đầu tư vào nghiên cứu khoa học thì thu lợi được bao nhiêu." (Ảnh: Thu Thảo) |
Kinh phí nghiên cứu khoa học từ ngân sách Thành phố không phải là nhiều, chỉ khoảng vài chục tỷ đồng mỗi năm và chưa bao giờ được đầu tư đến 1% ngân sách TP.HCM. Đã ít, nhưng lại còn chi dàn trải nên hiệu quả không cao.
Vì sao hiệu quả sử dụng đội ngũ KH-CN cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay chưa cao? Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất của vấn đề này là do chưa hình thành và tạo lập được thị trường này.
Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước chưa "đặt hàng” nghiên cứu nhiều. Các đề tài nghiên cứu chủ yếu là do các nhà khoa học tự nghĩ ra rồi đăng ký và cũng không biết... xã hội có cần hay không!
Trừ nghiên cứu cơ bản ra, nhiều đề tài nghiên cứu thuộc loại khoa học ứng dụng nhưng lại không gắn với thực tiễn cuộc sống, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cũng có khi vấn đề mà nhà khoa học nghĩ ra và nghiên cứu, tìm tòi được hướng giải quyết, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước có nhận ra nhu cầu để ứng dụng không lại là chuyện khác.
Do đó, phần lớn các đề tài nghiên cứu của ta hiện nay là nghiên cứu rồi để đó, hoặc dẹp ra. Giá như tất cả các Bộ, ngành đều có đặt hàng cụ thể cho các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu khoa học thì công trình nghiên cứu đó ứng dụng được ngay. Ở Viện Kinh tế TP.HCM, các nghiên cứu thường theo những đơn đặt hàng cụ thể từ Thành Uỷ, UBND TP.HCM như nghiên cứu “hậu cổ phần hoá ở các doanh nghiệp”, “mô hình tổng công ty”... Thường thì những nghiên cứu theo yêu cầu cụ thể đó đều ứng dụng được ngay.
Muốn KH-CN đi vào cuộc sống thì phải có thị trường. Nhà nước cần đầu tư kinh phí nghiên cứu thông qua các đơn vị nghiên cứu khoa học của Nhà nước hoặc tư nhân và theo những đơn đặt hàng cụ thể từ khối các cơ quản lý nhà nước và khối doanh nghiệp. Riêng khối doanh nghiệp, cách làm này trong thời gian qua rất hiệu quả.
● Bích Vân (ghi)
Tin, bài liên quan:
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập!
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu?
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính...
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN!
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ?