221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
511274
Kể từ Daegu (Hàn Quốc): Tuyệt vời, những trận nốc ao!
1
Article
null
Kể từ Daegu (Hàn Quốc): Tuyệt vời, những trận nốc ao!
,

(VietNamNet) - Khuya 12/9, phóng viên VietNamNet đã liên lạc với anh Nguyễn Ninh Thụy, phụ trách nhóm tình nguyện viên (TNV) Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia cổ vũ Đội Robocon Việt Nam (Đội FXR). Anh Thụy trước là giảng viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện đang học cao học tại ĐH Yeungnam, TP Daegu (Hàn Quốc).

Khai mạc chung kết Robocon 2004 châu Á-Thái Bình dương. (Ảnh: Nguyên Thu, từ Seoul)

Chat với phóng viên VietNamNet, anh Thụy cho biết: Vừa từ Seoul trở về  Daegu, du học sinh Việt Nam ai cũng sung sướng và tự hào. Những người bạn vì bận học không đi được thì tỏ ra rất nuối tiếc, bắt anh phải kể đi kể lại cuộc thi... Mặc dù đang bị khàn tiếng vì gào thét nhưng anh và một số bạn khác vẫn hăng say kể: "Người kể và người nghe đều say sưa quên cả ăn, mặc dù đang ngồi trong... nhà ăn!" - anh Thuỵ viết.

Nhóm do anh phụ trách gồm 12 TNV, được ngồi gần khán đài để tiện... chăm sóc các thành viên thi đấu. Còn lại khoảng hơn 60 bạn là cổ động viên (CĐV) ngồi cổ vũ ở khán đài. Anh Thụy kể: Trước đó, đã thống nhất với các TNV và CĐV là sẽ đếm nhịp: "1-2-3, Việt Nam cố lên! 1-2-3 Việt Nam vô địch!". Thế nhưng khi vào cuộc, không cần theo nhịp, mọi người say sưa bị cuốn đi, lắm khi chỉ còn gào mãi hai tiếng: Việt Nam!...

Thắng, nhờ chiến thuật tốt

Ngay trận thi đấu đầu tiên, đội Việt Nam đã phải gặp đội Nhật. Cùng với hai đội Hàn Quốc và Trung Quốc, đội Nhật cũng là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Vì vậy, trước khi trận đấu này diễn ra, các CĐV và TNV  rất lo lắng do Nhật là đội rất mạnh, lại vừa thắng đậm đội Sri Lanka 28-0.

Người đứng giữa, đeo túi là thầy Huỳnh Văn Kiểm, chụp ảnh cùng một số thành viên FXR. Bên trái, từ ngoài vào: Hồ Quang Dũng, Trịnh Quý Ngọc, Lê Trương Khang và Phạm Duy Minh (Minh là người bị sót tên trong danh sách Đội FXR).

Trận đấu bắt đầu, phía đội Nhật đã sử dụng một con robot tự động di chuyển đến gần bàn tay "Chức N" rồi... che bàn tay lại. Với chiến thuật này, cả hai đội đều không thể trao quà cho "Chức N", tức sẽ không có đội nào có thể thắng nốc ao (knock out) mà chỉ có thể thắng nhau bằng cách ghi điểm. Sau đó, họ dùng hai robot tự động khác, cực kỳ chính xác, ghi điểm rất nhanh chóng ở điểm một và điểm hai. Còn robot bằng tay thì nối với "cầu Ô Thước" để có thể ghi ba điểm. Chính chhiến thuật này đã giúp họ dễ dàng đè bẹp Sri Lanka 28-0. Bên cạnh đó, khi thi đấu với Đội FXR, đội Nhật còn dùng robot bằng tay cản đường robot bằng tay của FXR, không cho di chuyển về phía "cầu Ô Thước". Phải mất hơn nửa phút, robot bằng tay của FXR mới lừa và thoát qua được robot của Nhật để tiến về "Ô Thước". Đồng thời, FXR đã điều khiển một robot tự động tấn công vào robot của Nhật chế ngự tay "nàng Chức N", trao được quà cho "Chức N" để hạ knock out đội Nhật!

Với trận đấu cùng đội Sri Lanka, đội Việt Nam ít gặp khó khăn hơn bởi ngay từ đầu, robot của đội bạn đã trục trặc và không hoạt động được. Chỉ sau 3 phút, robot của ta đã bắt được "cầu Ô thước" nhưng không kịp trao quà. Không hào hứng như trận thi đấu với Nhật Bản, đội Việt Nam thắng với số điểm 18 ghi được. Trận này chiến thắng có phần dễ dàng nên không khí cổ động có phần yếu đi. Giờ nghỉ giữa hiệp, các CĐV đội bạn có thắc mắc tại sao CĐV Việt Nam... "xìu" đi. Tuy nhiên, chuyện "xìu" tạm thời ấy chính là chuẩn bị cho một cơn bão cổ động cho trận tiếp theo...

Trận Việt Nam-Malaysia: "Vỡ tim"!

Đây thật sự là trận đấu làm vỡ tim các CĐV mặc dù trước đó, đội Malaysia không được đánh giá cao như các đội Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Dù vậy, trên thực tế, lối chơi của đội Malaysia hết sức khó chịu. Họ vừa dùng robot cản đường, vừa dùng robot bằng tay tấn công trực diện robot điều khiển bằng tay của FXR. Do hai robot của ta đều bị liên tục tấn công nên không thể nối "cầu Ô Thước". Cuối cùng, Việt Nam thắng Malaysia 16-8 bằng hai robot ghi điểm tự động ở ô một điểm và ô hai điểm. Kết quả của trận Việt Nam-Malaysia là 14-8, chứ không phải là 10-8 như một số báo chí đã đưa tin. Vì ở 10 giây cuối cùng, FXR còn bỏ được vào hai ô - mỗi ô 2 điểm.

Đúng như dự kiến, trận này đúng là xuất hiện "cơn bão" của CĐV Việt Nam và cả Malaysia (nước bạn có lực lượng CĐV hùng hậu xếp thứ ba trong giải đấu (sau nước chủ nhà và Việt Nam). Do đó, nếu trên sân là sự thi đấu giữa hai đội thì trên khán đài là sự "thi hét" của CĐV hai nước. Nhưng cuối cùng, Việt Nam đã toàn thắng cả trên sàn đấu lẫn trên khán đài!

Trận Việt Nam-Hàn Quốc: Đấu pháp đã tính sẵn...

Đây là trận đấu đã khiến các CĐV "nghẹt thở". Vì gặp đội tuyển nước chủ nhà ngay trên sân thi đấu tranh suất vào bán kết, chúng ta đã phải chịu sức ép rất lớn từ lực lượng cổ động áp đảo của Hàn Quốc. Trước đó, các CĐV Hàn Quốc ủng hộ Việt Nam rất nhiệt tình. Nhưng khi đội ta thi đấu với đội của họ, 80 CĐV Việt Nam phải "chiến đấu" bằng cách... gào thét ghê gớm để mong khỏi "lép vế" trước hàng ngàn CĐV Hàn Quốc.

Vừa qua, hầu hết các báo đều lấy lại thông tin của một tờ báo nào đó, mà tờ báo này lại sai đăng sai tên các thành viên Đội FXR. Ngày 12/9, bà Phạm Thị Anh Thơ, phụ huynh của sinh viên (SV) Phạm Duy Minh đã đề nghị đến các báo Thanh NiênTuổi Trẻ tìm hiểu lại danh sách đội tuyển.

Công văn số 172/CV-KG của Đài Truyền hình Việt Nam gửi hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP.HCM và giám đốc ĐHQG TP.HCM, thông báo: Danh sách không có SV Nguyễn Xuân Minh Quang như các báo đã đưa, trong khi lại... thiếu mất tên của SV Phạm Duy Minh, Khoa Điện-Điện tử, ĐH Bách khoa TP.HCM.

Theo bà Anh Thơ, trước đó SV Xuân Quang có tham gia nhưng đã bỏ từ sớm. Bạn Duy Minh thay thế và đã có mặt ngay từ cuộc thi Robocon 2004 tại Hà Nội vào tháng 5 vừa qua.

Gia đình SV Hồ Quang Dũng, thành viên tham gia Đội FXR cũng cho biết: Một số tờ báo đã... tặng thêm họ Nguyễn trước họ Hồ cho Dũng. Trong khi đó, tên chính xác khai sanh của Dũng là Hồ Quang Dũng chứ không phải là Nguyễn Hồ Quang Dũng như các báo, đài đã đưa.

Nhờ vậy, Đội FXR thi đấu trong sân vẫn nghe được tiếng thét của CĐV: "Việt Nam vô địch! Việt Nam cố lên!"... Đến lúc... hết hơi, các bạn CĐV chỉ còn hét nổi: Việt Nam! Việt Nam!... Bài quốc ca Việt Nam cũng được các CĐV hoà ca rất hùng tráng. Trước sự cổ động mạnh mẽ như vậy, các thành viên đội tuyển đã mỉm cười và tự tin điều khiển robot.

Trong trận này, Hàn Quốc sử dụng một robot tự động để di chuyển đến "cầu Ô Thước" hòng gác một thanh chắn kẹp chặt ngang qua "cầu", ngăn không cho đối thủ di chuyển đến "Chức N". Con robot của đội Hàn Quốc này di chuyển cực kỳ chính xác, và rất hiệu quả để loại các đối thủ khác, song lại có nhược điểm là xê dịch rất... chậm. Vì vậy, FXR đã tận dụng điểm yếu duy nhất này để loại con robot ấy ra khỏi cuộc chơi: Ngay khi xuất phát, FXR đã dùng một robot tự động, di chuyển đến... chắn ngang đường đi của robot Hàn Quốc. Vì vậy, robot này của đội bạn đã không tiếp cận được "cầu Ô Thước". Nhờ vậy, FXR đã ung dung đến trao quà cho "Chức N" sau khi đã nối liền nhịp cầu "Ô Thước". Hạ knock out đội Hàn Quốc, CĐV Việt Nam hứng chí gào lên "Việt Nam chiến thắng" trong sự im lặng đột ngột đến tội nghiệp của các CĐV Hàn Quốc!

Trận chung kết: Con bài "cảm tử quân"!

Trong trận chung kết, tương tự như phương án của đội Hàn Quốc, đội robot của Trung Quốc đã dùng một robot tự động để chắn ngang "cầu Ô Thước" của đội đối phương. Điểm đáng ngại là robot này di chuyển rất nhanh ngay sau khi vào cuộc, lại có tầm hoạt động rất mạnh: nó không cần phải đến gần để tiếp cận "Ô Thước" như robot của Hàn Quốc, mà thể tấn công "Ô Thước" của đối phương từ xa bằng một thanh nhôm dài khoảng....hơn 2m!

Từ trái sang: Lê Trương Khang, Trịnh Quý Ngọc, Hồ Quang Dũng, Lê Viết Phong.

Trước tình huống nguy cấp đó, FXR đã phải dùng một robot tự động làm "cảm tử quân", lao thẳng vào robot tự động này của Trung Quốc. Không chỉ hy sinh một-một, con robot "cảm tử" này còn cản đường đi xây "cầu Ô Thước" của đội Trung Quốc. Trong chiến thuật này, robot nào nhanh và chính xác hơn sẽ thắng. Và chiến thắng đã nghiêng về FXR. "Cây cầu Ô Thước" do FXR xây đã không bị cản phá, nên robot FXR lại một lần nữa ung dung tặng quà cho "Chức N" trước khi thời gian kết thúc, trong cái nhìn tiếc nuối của đội Trung Quốc. Lần thứ ba tại sàn đấu khu vực châu Á-Thái Bình dương, robot của đội FXR lại knock out đối thủ. (Trước đó, FXR cũng đã có sáu trận knock out đề giành ngôi vô địch Robocon Việt Nam.)

Sau khi trận đấu kết thúc, các CĐV tràn ra sân chúc mừng và chụp ảnh chung với những nhà vô địch. Riêng anh Thụy phải đứng "canh me" mấy con robot vì sợ "kẻ lạ" cay cú đến phá phách. Các thành viên của đội Trung Quốc và Hàn Quốc quay phim và chụp hình rất kỹ các con robot của FXR, có lẽ để về nước sẽ nghiên cứu tại sao robot của Việt Nam lại hoạt động... hiệu quả đến thế: vừa "nhẹ", lại vừa di chuyển nhanh, chính xác... 

Anh Thuỵ kể tiếp: Những ngày này, hai tiếng Việt Nam bắt đầu được nhiều bạn trẻ Hàn Quốc quan tâm hơn. Trước đây, rất nhiều bạn hầu như chẳng biết gì về nước Việt Nam, chỉ có một số ít bạn biết rằng Việt Nam có... vịnh Hạ Long. Một số người chỉ biết rằng nước Việt Nam... chậm phát triển hơn Hàn Quốc! Anh cho biết thêm: Tối qua (12/9), chính những CĐV Hàn Quốc từng có mặt trên sân vận động trong trận chung kết chiều 11/9 ở Seoul khi gặp lại anh đã luôn miệng nói: "Chúc mừng! Chúc mừng! Việt Nam tuyệt vời!".

Phan Thu Thảo (thực hiện)

Tin, bài liên quan:

Robocon Việt Nam: Vô địch châu Á-Thái Bình dương!                 

Cú đúp của FXR: Vô địch Robocon 2004 VN và khu vực

FXR đã chuẩn bị ra sao cho "cú đúp"?

Đường đến vinh quang của FXR tại Hàn Quốc

Sáu trận thắng KO, FXR vô địch Robocon 2004!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,