221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
513070
Cần một cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
1
Article
null
Cần một cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
,

(VietNamNet) - Do nguy cơ an toàn thực phẩm vẫn rất lớn, cần nhanh chóng lập cơ quan quản lý chung về VSATTP tại Việt Nam.

Tại hội thảo "Sản xuất thực phẩm: những thách thức về chất lượng và an toàn", do ĐH Nông Lâm TP.HCM và ĐH RMIT đồng tổ chức ngày 16/9, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ an toàn thực phẩm là rất lớn.

GS TS Lê Văn Tố: Cần có một cơ quan quản lý chung, chịu trách nhiệm chính về VSATTP.

Theo kết quả khảo sát của Sở Y tế TP.HCM, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang được cải thiện ở thành phố này. Tuy vậy, TS BS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế cho rằng hiện nay vẫn tồn tại đủ mọi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho hàng loạt người tiêu dùng, nhất là từ các cơ sở sản xuất thực phẩm không đăng ký kinh doanh, các bếp ăn tập thể cung ứng cho các xí nghiệp và các cơ sở thức ăn đường phố.

PGS TS Dương Thanh Liêm, Khoa Chăn nuôi Thú y, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng những nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho con người như Samonella, E.Coli sp, Listeria, hoặc virus cúm gia cầm H5N1... thường có trong cơ thể gia cầm. Ngoài ra, trứng tươi có thể chứa mầm bệnh vi trùng thương hàn Salmonella SE có thể gây ngộ độc cho người. Trong khi đó,  gà vịt bán tại chợ hầu như lại không biết rõ được nguồn gốc chăn nuôi, có bệnh hay không có bệnh. Việc giết mổ, chế biến gia cầm chủ yếu được thực hiện ở chợ hoặc gia đình. Tiêu thụ gia cầm chủ yếu là còn sống hoặc mổ giết ngay tại chợ sau khi được người mua chọn. Cách làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn khiến mầm bệnh lây lan phát tán nhanh chóng hơn.

Đến nay, TP.HCM chưa có lò giết mổ gia cầm. Việc giết mổ chủ yếu được làm ngay tại chợ trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Thế nhưng việc quản lý VSATTP đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, mỗi cơ quan quản lý một khâu. Chẳng hạn, Chi cục Bảo vệ Thực vật chỉ chịu trách nhiệm chính về dư lượng thuốc trừ sâu trên rau quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm về ATTP cho... thức ăn chăn nuôi. Sở Y tế và Sở Thương mại cùng chịu trách nhiệm chính về VSATTP sau khi chế biến. Do các cơ quan khác nhau nên cơ chế quản lý, biện pháp chế tài cũng  khác nhau. Vì vậy, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, mà vội vàng lập Đoàn thanh tra, kiểm tra.

Vì vậy, GS TS Lê Văn Tố (Trung tâm Công nghệ Sau Thu hoạch) đề nghị: Cần nhanh chóng có một cơ quan quản lý chung, chịu trách nhiệm chính về VSATTP. Cơ quan này có thể trực tiếp thuộc Thủ tướng, hoạt động theo hình thức FDA (Food & Drug Administration - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) của Mỹ.

Tin, ảnh: Thu Thảo

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,