(VietNamNet) - Trong không khí lo âu, cuộc họp khẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì về cúm gia cầm vừa kết thúc tại Long An lúc 16g40 chiều nay (20/10). Tường thuật của phóng viên VietNamNet.
Gần 100 cán bộ thú y, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tham gia cuộc họp bàn biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Q, Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đề nghị chính quyền địa phương các cấp cần chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa, giám sát dịch bệnh và dập ổ bệnh. |
Lý giải thêm về thực trạng đáng lo ngại hiện nay, ông Phạm Chung – phó cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm: Từ ngày 28/9 đến 19/10/2004, tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng,... liên tiếp xảy ra hiện tượng gà chết, vịt chết trong chuồng trại của các hộ chăn nuôi, với khoảng tám đàn gia cầm mắc bệnh ở sáu xã thuộc sáu huyện, tỉnh với 6.590 con gà, 750 con vịt và 2.000 con chim cút mắc bệnh, chết và tiêu huỷ. Toàn bộ số gia cầm này đã được tiêu huỷ và áp dụng các bịện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Ông Chung đánh giá: “Hiện dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp tại các địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL. Nguy cơ nguồn bệnh từ đàn thuỷ cầm là mối đe dọa tiềm tàng và nguy cơ tái dịch rất cao”.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Tại tỉnh này, tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, ông thừa nhận nguy cơ tái phát dịch ở Long An là khá cao. Ông Nguyên nói: “Tại thời điểm dịch hồi đầu năm, tỉnh Long An bị thiệt hại nặng nề, với 7,2 triệu con gia cầm bị tiêu huỷ, hiện chỉ còn khoảng một triệu con. Vì vậy, người dân Long An rất có ý thức về dịch bệnh này. Vừa rồi, qua hai đợt dịch trở lại, người dân đã báo ngay cho chính quyền và đã tự nguyện tiêu huỷ gần 10.000 con gia cầm, dù chưa có khẳng định là nhiễm H5N1”
Theo ông Nguyên, đã 20 ngày qua, Long An không có dấu hiệu gà, vịt chết. Đoan chắc điều này vì theo ông, tỉnh Long An đã cho thành lập Đội Phản ứng nhanh do Chi cục Thú y phụ trách, hoạt động cơ động trên phạm vi toàn tỉnh, nơi nào có ổ dịch là tiến hành xử lý ngay. Tuy nhiên, ở Long An, tỉnh vẫn còn những băn khoăn về một số mẫu thử nghiệm trên vịt cho kết quả dương tính trong khi đàn vịt này lại không có dấu hiệu nhiễm bệnh nào, phải chăng con vật đã thích ứng được với mầm bệnh? Điều này theo ông Nguyên cần được lý giải làm rõ..
Riêng giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang băn khoăn về chuyện lan truyền quá nhanh của virus. Theo ông, đến nay chưa thể giải thích được cơ chế lan truyền và do đó tình hình dịch bệnh ở Tiền Giang cũng “lỗ chỗ” - lúc phát sinh chỗ này, lúc chỗ khác. Điều ông Khang lo ngại nhất là nguy cơ phát dịch bệnh từ đàn vịt chạy đồng - một kiểu chăn thả khá phổ biến ở ĐBSCL. Ông đề nghị phải lập Tổ giám sát ngay tại thôn ấp, không cho đàn vịt di chuyển ra khỏi phạm vi xã. Điều này Tiền Giang là địa phương thực hiện khá tốt, hiện có tới 1.200 nhân viên thú y thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh tới tận cấp thôn ấp.
Đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết tại tỉnh này, trong số gia cầm phải thiêu hủy trong ngày 13/9 vừa qua chủ yếu là vịt. Hiện Hậu Giang có tới 338 đàn vịt với 206.000 con, quản lý rất khó vì phần lớn là nuôi nhỏ lẻ trong dân. Dù đã khoanh vùng và vệ sinh tiêu độc được 46.000m2 khu vực “nhạy cảm”, nhưng cũng phải giao việc quản lý dịch tới các tổ tự quản ở cơ sở giải thích cho dân hiểu virus H5N1 là gì. Đại diện Hậu Giang đề nghị Bộ NN&PTNT cho làm thêm một “Tháng hành động phòng, chống dịch cúm gia cầm” nữa vì ý nghĩa thiết thực của phong trào này, nhưng “phải làm đều ở các tỉnh thì mới xử lý được” !
Vẫn thái độ gay gắt, vị đại diện Hậu Giang đề nghị: “Vấn đề lấy và xét nghiệm mẫu phải nhanh hơn. Hiện nay chỉ một Trung tâm Thú y Vùng, nếu xảy ra dịch sẽ quá tải. Thực tế, phải chờ mòn mỏi 2 tuần lễ. Có kết quả (+) thì người chăn nuôi xử lý rồi, trở tay không kịp. Yêu cầu Bộ phải tính lại Trung tâm Thú y Vùng vì hiện nay với số lượng mẫu xét nghiệm lớn, các trung tâm này đã quá tải. Thêm vào đó, Bộ quy định phải làm xét nghiệm hai lần, việc này chỉ nên áp dụng cho những đàn có số lượng lớn, những hộ lẻ thì cho xử lý liền vì càng để lâu, lượng phân thải ra càng nghiều, khả năng phát tán virus rộng".
Nhìn dưới góc độ nghiên cứu, ông Lê Văn Tao - phó viện trưởng Viện Thú y nhận định: “Khống chế và thanh toán dịch bệnh là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Thanh toán dịch bệnh là một vấn đề khó, do cơ chế lan truyền virus khó phát hiện. Thái Lan, Hong Kong xảy ra dịch cúm gia cầm trước ta vậy mà bây giờ dịch vẫn quay trở lại. Không nên dùng vắc-xin vì vắc-xin không diệt được virus, không ngăn nhiễm bệnh mà giúp thải trùng ra ngoài”. Theo ông Tao, hiện tượng nuôi chung gà vịt là đáng lo ngại vì theo một nghiên cứu của Viện, nơi nuôi gà vịt chung có khả năng nhiễm dương tính tăng trên 3,6 lần so với nơi chỉ nuôi gà.
· Thái Thiện – Vân Điển
Tin, bài liên quan:
Cúm gia cầm đã lan ra 4 tỉnh ĐBSCL