(VietNamNet) – Hội nghị khẩn về phòng, chống dịch cúm gia cầm vừa kết thúc, nhưng những âu lo về khả năng “không an toàn”, nguy cơ tái bùng phát dịch ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn rất cận kề, nhất là trong mùa lũ năm nay. Ghi nhận của phóng viên VietNamNet.
Cuộc chiến với “kẻ giấu mặt”
Những vấn đề khoa học được đặt ra tại Hội nghị tăng cường chống dịch cúm gia cầm khu vực ĐBSCL: |
- Virus H5N1 đợt này với đợt trước có gì khác? - Cơ chế lây lan của virus cúm gia cầm và cơ chế nhiễm bệnh ở thủy cầm? - Có nên sử dụng vắc-xin không? Nếu sử dụng, trong điều kiện như thế nào để có hiệu quả? - Kỹ thuật, hóa chất tiêu độc sát trùng có đảm bảo? - Yêu cầu như thế nào về trang thiết bị, kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán xét nghiệm virus cúm gia cầm để cho ra kết quả chính xác. |
Tâm lý lo ngại của ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu tham dự hội nghị. Ông Đồng nói: “Cơ chế lây lan dịch cúm gia cầm hiện chưa rõ ràng, đến chúng tôi những người làm quản lý, tham gia chống dịch cũng chưa thể khẳng định là dịch lan theo “đường nào”? Từ vịt sang gà, gia cầm lây sang người, người lây sang người hay không cũng chưa rõ ràng?...". Ông Đồng ví von: “Chúng ta đang tham gia một cuộc chiến mà không hề biết mặt mũi kẻ thù ra sao”!
Một chuyện khác về “kẻ thù giấu mặt”: Vị đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết đã tổ chức quản lý dịch tới các tổ tự quản ở cơ sở, có nhiệm vụ phát hiện dịch và giải thích cho dân hiểu virus H5N1 là gì, thế nhưng khi dân hỏi H5N1 lây cách nào thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung, bởi bản thân người tuyên truyền cũng không rõ cơ chế lây lan dịch, huống gì người dân ?
Nhiều ý kiến khác tại hội nghị cũng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur, Trung tâm Thú y vùng,... làm rõ cơ chế lây lan, virus H5N1 giai đoạn này có khác trước, có các biến thể hay không?... Bởi có giải mã được những vấn đề khoa học ấy, mới có thể ngăn ngừa và xử lý dịch tốt hơn, trước hết là tại ĐBSCL.
Ba nguy cơ trực tiếp…
Vịt chạy đồng sẽ là nguồn phát tán dịch nguy hiểm, nhất là trong mùa lũ năm nay ở ĐBSCL. (Ảnh: Giang San) |
Nguy cơ thứ nhất, theo nhận định của nhiều đại biểu, là khả năng bùng phát dịch từ đàn vịt chạy đồng vốn là thói quen nuôi thả đặc trưng ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Khang, giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, là người tỏ ra lo lắng về chuyện này. Ông phân tích: một đàn vịt vài trăm con, buổi sáng xua đi thả ở trong phạm vi xã nhưng có thể buổi chiều lại thấy xuất hiện ở một xã khác là chuyện thường. Trong khi đó, nguy cơ phát tán dịch cúm gia cầm từ các đàn vịt ở ĐBSCL đang ngày càng có dấu hiệu rõ rệt. Hơn nữa, vấn đề không chỉ tập trung ở "độ cơ động" trong các đàn vịt chạy rong bị nhiễm bệnh, mà còn ở xác gia cầm và nước lũ...
“Hiện nay, đang là mùa lũ, lỡ bùng phát dịch thì độ nguy hiểm càng cao, do không có chỗ chôn, người dân tự xử lý bằng cách quăng xác gia cầm nhiễm bệnh xuống sông rạch. Khi đó, địa bàn phát tán dịch càng lớn trong mùa lũ!” - ông Khang lo ngại.
Ông Khang đề nghị: “Cần có ngay giải pháp thống nhất giữa các vùng giáp ranh các tỉnh trong khu vực, quản lý chặt đàn vịt chạy đồng, không cho di chuyển ra khỏi địa bàn xã”. Ý kiến này cũng được sự đồng tình của đại diện tỉnh Hậu Giang khi ông này đề nghị: “Ghi sổ theo dõi quá trình di chuyển của đàn vịt, vì lỡ có dịch thì còn biết chỗ mà khoanh vùng. Phải quản lý chặt ngay từ cơ sở”.
Nguy cơ thứ hai được nhiều địa phương nhắc tới là tình trạng thả nổi nguồn giống và an toàn chuồng trại chưa tốt. Tại Tiền Giang, theo báo cáo, sau dịch cúm gia cầm đã nuôi trở lại 4,5 triệu con, trong đó có 2 triệu con cũ. Trong số này, chỉ có 1,3 triệu con gia cầm được xác nhận với dấu của ngành thú y, số còn lại là nguồn giống trôi nổi. Đại diện tỉnh Tiền Giang nhận xét: “Nguồn giống tại tỉnh Tiền Giang đang ngoài tầm kiểm soát”. Ý kiến này cũng được đại diện nhiều tỉnh như Bến Tre, TP.HCM,... đồng tình, do vẫn còn tồn tại các chợ gà vịt trong khi công tác kiểm soát của thú y, các ngành chức năng chưa chặt chẽ, chưa cương quyết.
Nguyên nhân an toàn chuồng trại, cũng được nhắc tới, vì tập quán nuôi nhỏ lẻ, vì người dân làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng chưa tốt ở nhiều vùng có dịch cũ,… Ông Phạm Chung - phó cục trưởng Cục Thú y thừa nhận: “Hóa chất tiêu độc khử trùng dưới nước kém hiệu quả, chưa có thuốc đặc chủng..”
Cảnh báo về nguy cơ thứ ba, ông Nguyễn Văn Khang cho rằng khả năng lan truyền dịch rất cao nằm ở khu vực biên giới Campuchia. Theo ông, phải xiết chặt công tác kiểm dịch khu vực biên giới rất “nhạy cảm” này. Vì thực tế khi Việt Nam dập xong dịch thì ở Campuchia dịch lại bùng phát (trước đó thì ngược lại – P.V). Ý kiến này cũng được Quyền Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng tình: “Xin lưu ý, ngoài tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, cần đặc biệt chú trọng công tác kiểm dịch tại các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Campuchia”.
… và những nguy cơ do khách quan?
Hiện tại, theo nhiều đại biểu, khu vực Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL có hai Trung tâm Thú y Vùng (đặt tại Cần Thơ và TP.HCM) đều trong tình trạng quá tải, nhất là trong thời điểm xảy ra dịch bệnh. Trong lúc “dập dịch như cứu hỏa” thì làm xét nghiệm mẫu lại phải chờ đợi từ tuần này sang tuần khác. Đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết phải chờ lấy mẫu cả hai tuần lễ. Nhưng khi Trung tâm báo kết quả dương tính thì người chăn nuôi hoặc đã xử lý rồi, hoặc đã trở tay không kịp…Ông đề nghị: Trường hợp đàn gia cầm nhỏ lẻ thì mạnh dạn cho thử test nhanh, và phát hiện dấu hiệu thì cho tiêu hủy ngay.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trung tâm Thú y Vùng Cần Thơ lên tiếng: “Diễn biến cúm gia cầm quá nhanh, phức tạp, ngoài tầm kiểm soát, và chạy không kịp diễn biến. Hiện nay chỉ làm đối phó. Muốn phòng dịch, phải mở rộng hơn nữa khả năng chẩn đoán, xét nghiệm chứ không thể dựa vào mỗi Trung tâm Thú y Vùng. Một mẫu cho kết quả phản ứng huyết thanh dương tính không kể kết luận là mẫu này nhiễm bệnh mà phải làm thêm kỹ thuật phân lập virus trong trứng và tế bào. Hiện nay, kỹ thuật này còn mù mờ, chưa làm được. Lâu lâu làm một mẫu. Bên cạnh, còn đòi hỏi phải có phòng chuẩn, trang thiết bị chuẩn...".
Hy vọng dịch cúm gia cầm sẽ không bùng phát trở lại... và sẽ không còn cảnh người nông dân buồn khổ như thế này! |
Một chuyện “nhức đầu” khác: Dùng hay không dùng vắc-xin phòng dịch? Trong khi các tỉnh, thành còn băn khoăn điều này thì
ông Lê Văn Tao - phó viện trưởng Viện Thú y nêu quan điểm: “Không nên dùng vắc-xin vì vắc-xin không diệt được virus, không ngăn nhiễm bệnh mà còn làm thải trùng ra ngoài”. Còn ông Đồng Mạnh Hào, giám đốc Trung tâm Thú y Vùng TP.HCM thì thận trong: “Nếu dùng tới vắcxin thì chỗ nào quản lý, giám sát được mới nên xài"!Quyền bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng những băn khoăn của các địa phương cũng là những điều mà Bộ và các ngành chức năng đang bàn để tìm giải pháp. Trước mắt, theo ông, các tỉnh, thành ở ĐBSCL tiếp tục thực hiện thêm một “Tháng hành động phòng, chống dịch cúm gia cầm” nữa. Ông đặc biệt lưu ý: Cần đánh giá khả năng lây truyền virus cúm H5N1 trên đàn thủy cầm và thực hiện nghiên cứu sử dụng vắc-xin cho đàn gia cầm. Viện Thú y và Cục Thú y cần xây dựng đề án nghiên cứu khả thi về việc sử dụng vắc-xin cúm cho gia cầm,...
· Thái Thiện – Vân Điển
Tin, bài liên quan:
Cúm gia cầm: Nguy cơ nguồn bệnh từ đàn thuỷ cầm
Cúm gia cầm đã lan ra 4 tỉnh ĐBSCL