Cho dù không được thừa nhận nhưng quan hệ đồng tính luyến ái tại Indonesia vẫn được mọi người dân thông cảm.
Anh Bhimanto Suwastoyo - một phóng viên 48 tuổi, và “vợ” của anh - anh Steven, thường nói dối với những người tò mò khi họ đưa ra những câu hỏi khó xử về một gia đình có hai người đàn ông và một đứa con trong nhà. “Chúng tôi chỉ nói với mọi người rằng mẹ của đứa bé đã một đi không trở lại và chấm hết đừng hỏi thêm gì nữa nhé.” - anh nói.
Tuy nhiên, anh Bhimanto đã tiết lộ cho hầu hết những người hàng xóm rằng anh và Steven – tên chỉ gồm một từ giống như những người Indonesia khác - thật ra đang nuôi một bé trai tên Arya, đứa bé này là con nuôi hợp pháp của Bhimanto đã được bốn năm. “Cho dù trong tất cả các cuộc trò chuyện không hề có một chút nào của vấn đề đồng tính luyến ái được mọi người đề cập đến, nhưng tôi cho rằng những người hàng xóm đều biết điều đó nhất là vì sự có mặt của Steven - một người Trung Quốc lại đang sống với một tín đồ Hồi giáo tại một vùng chủ yếu mà người Hồi giáo sinh sống.” - Bhimanto nói.
Bố và mẹ trong gia đình xưa nay sẽ được thay thế ra sao khi hay gay có một con nuôi? Ảnh chụp một "gia đình gay" tại Indonesia. |
Chính thái độ trên đã phần nào giải thích được hành động của GS Dede Ectomo thuộc trường Đại học Surabaya ở Đông Java, người đã tham gia nhiều cuộc vận động về quyền lợi cho giới đồng tính luyến ái nam. Ông cho rằng đó cũng là các phản ứng tiêu biểu của người Indonesia đối với số đông thuộc giới đồng tính luyến ái nam và nữ - dĩ nhiên là với điều kiện người đồng tính luyến ái đó không phải là con cái trong nhà của mình - vốn vẫn còn còn là “bóng kín” chứ vẫn chưa được phép “bóng lộ” ra tại đất nước này.
Cô Ade Kusumaningrum, 33 tuổi, người đồng tính luyến ái nữ ở Jakarta tin rằng 80% số người thuộc giới đồng tính luyến ái đang phải hoạt động dấm dúi tại đây – mà thống kê cụ thể vẫn là một con số chưa hề được ai biết đến - đều sẽ không và chưa bao giờ được chính gia đình của họ chấp nhận. Cô cho biết: Một người bạn của cô đã bị gia đình đánh đập và lôi đến một bệnh viện tâm thần khi họ phát hiện ra cô ta là người đồng tính luyến ái.
Bộ trưởng Y tế của Indonesia – quốc gia có số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới - ước tính có khoảng 55.000 đàn ông là người đồng tính tại nước này. Tuy nhiên, con số ấy không bao gồm một số rất lớn những người đã công khai chuyển đổi giới tính và khách hàng của họ, hoặc những người đồng tính đang hoạt động một cách bí mật.
GS Dede cho biết: Quan hệ đồng tính luyến ái nam đã tồn tại từ lâu ở Indonesia và cũng đã được một số nhóm sắc tộc chấp nhận qua truyền thống từ rất xa xưa của họ – nhiều khi được thể hiện qua tình yêu giữa một người đàn ông từng trải và một thanh niên mới lớn, hoặc giữa những chàng trai đang lớn với nhau. “Đó là một phần của văn hóa; được mọi người biết đến trong thực tế và cần phải có một chỗ đứng nhất định, một thực tế đang bị tất cả mọi người xem nhẹ." - ông nói thêm.
Vì sao trong truyền thống ở Indonesia, việc này lại được chấp nhận? “Tôi nghĩ do các quan hệ đồng giới đều được xem là biểu hiện của hành động và suy nghĩ non trẻ và thiếu chín chắn - vì phần lớn nếu không muốn nói là tất cả những người đàn ông đồng tính này sau đó đều cưới những người khác giới làm vợ – và dù sao thì đồng tính luyến ái cũng còn đỡ hơn so với hậu quả từ những kẻ ngoại tình gây nên.” - GS Dede phân tích. Quan hệ đồng giới không bị phạt theo luật của Indonesia, GS Dede lưu ý. Tuy nhiên, tranh cãi xung quanh vấn đề kinh Koran của người Hồi giáo có cấm các quan hệ đồng giới hay không hiện đang rất gay gắt. Ulil Absar - điều phối viên của Mạng lưới những người Hồi giáo, người diễn thuyết về triết lý và thuyết thần học của đạo Hồi cho biết: "Kinh Koran không nói rõ việc có cấm quan hệ đồng giới hay không, dù vậy nhưng phần lớn các tín đồ Hồi giáo đều xem đó là một việc làm lỗi đạo".
Tuy nhiên, người phát ngôn dấu tên của một nhà thờ Hồi giáo nhỏ tại trung tâm Jakarta nói: "Theo kinh Koran, quan hệ đồng giới “sẽ bị xử ném đá cho đến chết”. Thế nhưng ông cũng nói thêm rằng cộng đồng nơi họ sống vẫn dành cho họ sự khoan dung: “Chúng tôi chỉ khuyên họ là đồng tính là không tốt và nên tránh, miễn là họ đừng gây phiền hà gì cho những người sống xung quanh”.
Ông Richard Howard, chuyên gia người Mỹ thuộc Tổ chức Quốc tế về Sức khỏe Gia đình, cho biết: Phần lớn những người đàn ông Indonesia đều cho rằng kinh Koran nói họ nên “ngày càng bớt đi các hoạt động tình dục của mình, kể cả việc giảm bớt hoạt động tình dục với người bạn khác giới của họ”. Cũng là người viết luận án tiến sĩ về vấn đề đàn ông và hôn nhân đồng giới tại Indonesia. ông nói: "Sự khinh miệt của xã hội đến từ việc người đó không kết hôn. Khi đàn ông bước vào cuối tuổi “hăm”, áp lực hôn nhân trở thành một vấn đề đè nặng khiến họ gần như không thể chịu đựng nổi. Đây chủ yếu là do áp lực của xã hội chứ không phải là do những điều theo kinh Koran hay được giảng dạy trong các nhà thời Hồi giáo”. Ngày nay, vấn đề đồng tính nam tại Indonesia “càng trở nên phổ biến và được chấp nhận cùng với cuộc sống hiện đại, do ảnh hưởng từ lối sống của nước ngoài và như một sự coi thường và phản kháng với các sức ép về hôn nhân do dư luận tạo ra.” - ông Howard nói.
Năm 1999, GS Dede đã từng bị đe dọa giết chết khi nói lên các quan điểm của ông, cho biết: Các hành động bạo lực và đe dọa chống lại quan hệ đồng giới tại Indonesia đã lên đến đỉnh điểm sau cuộc tấn công của những người Hồi giáo quá khích vào một cuộc triển lãm giáo dục về AIDS gần Jogjakarta vào cuối năm 2000.Tuy nhiên, ông cho rằng giới đồng tính nam vẫn được xã hội chấp nhận trong kỷ nguyên mới của nền dân chủ đang diễn ra tại đây. Dẫn chứng là sự sửa đổi về hiến pháp của Indonesia vào năm 2000 đưa ra các quy định bảo vệ cho những người đồng tính. Vào cuối năm 2003, lần đầu tiên hình ảnh nụ hôn giữa hai người đồng tính nam đã được trình chiếu rộng rãi tại Indonesia qua một bộ phim có tên là Arisan!. Thời báo Jakarta Post viết về bộ phim đầu tiên miêu tả sinh động về đồng tính nam không như mọi người vẫn hình dung về họ: “ẻo lả, giọng eo éo nhưng là những người tốt bụng, có đầu óc và đứng đắn như những người lịch lãm mà bạn vẫn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày”.
Nhiều quán rượu tại các thành phố lớn của Indonesia ngày càng xuất hiện chiêu thức khuyến dụ nhắm đến giới đồng tính bằng các hoạt động ăn chơi bao gồm cả múa thoát y nam. Tuy nhiên, đối với phần lớn giới đồng tính, cuộc sống và sinh hoạt của họ không phải là ở các quán rượu và hộp đêm đắt đỏ và xa lạ với văn hóa của họ, mà là các quán cà phê, nhà hàng và các tiệm săn sóc sắc đẹp với các hoạt động bí mật mà chỉ những người trong giới mới biết và tìm đến.
David Prettyman, một công nhân phụ việc 45 tuổi cho biết: Cả ông và người tình Jazz Pasay (người Indonesia) của ông đều phải sống trong thành kiến và sự chỉ trích của cả hai gia đình – nhưng so với Jazz Pasay thì ông còn phải chịu đựng nhiều hơn - đến 12 năm.
Ông nói: “Nền văn hóa Indonesia nhìn chung rất độ lượng và cảm thông với chúng tôi, đất nước này là một nơi không đến nỗi nào đối với những người đồng tính nam”.
Trần Anh (Theo FEER)
Đề tài liên quan:
Châu Á phản ứng gì với hiện tượng "gay"?
Gay ở Trung Quốc: Sau bức màn cuộc sống