18/5, tại Hà Nội, Hội đồng chuyên môn kỹ thuật về vụ tai biến vaccine viêm gan B do Bộ Y tế thành lập đã họp phiên đầu tiên để tiến hành đánh giá toàn diện sự cố này.
>>Bộ Y tế lập Hội đồng đánh giá sự cố vắc-xin
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, tại phiên họp đầu tiên, Hội đồng đã bước đầu thảo luận về phương pháp điều tra sự cố. Hội đồng đã quyết định thành lập Nhóm kỹ thuật của Hội đồng gồm các thành phần: Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Nhi TƯ, đại diện của WHO và UNICEF.
Trong đó, WHO cử đại diện ở Thụy Sĩ, khu vực và ở Hà Nội tham gia nhóm kỹ thuật này. 19/5, nhóm kỹ thuật sẽ họp để bắt đầu triển khai các bước điều tra, xem xét các tai biến vừa qua.
Ông Nguyễn Trần Hiển cũng đã thông báo một tin quan trọng: ngày 18/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định ngưng sử dụng trên toàn cầu 2 lô vaccine viêm gan B của hãng LG-Hàn Quốc sản xuất liên quan đến các vụ tai biến vừa qua tại Việt Nam. Cụ thể, đó là lô vaccine viêm gan B UVX 05028 (gây tai biến cho 2 cháu bé ở Hà Tĩnh) và lô UVX 06006 (gây tai biến cho một trẻ sơ sinh ở TPHCM).
Hiện vaccine viêm gan B của LG được sử dụng trên 24 quốc gia.
Dùng vaccine viêm gan B nội thay thế?
Ông Nguyễn Trần Hiển khẳng định: Hiện Việt Nam vẫn đủ vaccine viêm gan B (do Việt Nam sản xuất) cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia để tiêm ngừa trong vòng 1-2 tháng tới.
Trên thị trường cũng có rất nhiều vaccine viêm gan B của Mỹ, Bỉ, Cuba, nên Việt Nam sẽ không bị khan hiếm vaccine viêm gan B. Trong vòng 1-2 tháng tới, ngành y tế chắc chắn sẽ tìm được nguồn vaccine thay thế.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thu Vân, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất vaccine và sinh phẩm số 1 (đơn vị duy nhất sản xuất vaccine viêm gan B của Việt Nam hiện nay) khẳng định công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất vaccine viêm gan B khi có yêu cầu của Bộ Y tế, với số lượng không hạn chế.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Vân, vaccine viêm gan B do Việt Nam sản xuất hiện có 3 dòng sản phẩm, tuy nhiên chủ yếu là dòng sản phẩm sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp gen nhập bán thành phẩm. Cụ thể, những thành phẩm này nhập từ một hãng vaccine của Hàn Quốc, sau đó về pha chế thêm chất bảo quản, tá dược, đóng ống và dán nhãn là vaccine Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Vân phải thừa nhận, WHO chưa công nhận toàn bộ hệ thống bảo đảm chất lượng vaccine của Việt Nam. Vì vậy, kể cả vaccine sản xuất trong nước lẫn vaccine nhập khẩu đều được viện kiểm định chất lượng và độ an toàn ở các phòng thí nghiệm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trước khi đưa ra thị trường...
(Theo SGGP)