221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
985642
Không dùng nhựa tái chế các SP liên quan tới thực phẩm
1
Article
null
Không dùng nhựa tái chế các SP liên quan tới thực phẩm
,

Dứt khoát không được dùng nhựa tái chế để làm những sản phẩm có liên quan đến sử dụng thực phẩm. Thậm chí cả áo mưa chỉ tiếp xúc với da cũng không có gì đảm bảo vô hại"

>>Xay bơm kim tiêm bệnh viện, nấu thành... xô chậu, bát đĩa

GS.TSKH Trần Văn Sung và mẫu thìa nhựa được phân tích, xét nghiệm
GS.TSKH Trần Văn Sung và mẫu thìa nhựa được phân tích, xét nghiệm
Đó là ý kiến của ông Trần Văn Sung - viện trưởng Viện Hóa học VN

Thưa ông, Viện Hóa học đã vào cuộc từ khi nào về vấn đề rất sát sườn với sức khỏe của cộng đồng?

- Sau khi lực lượng cảnh sát môi trường bắt quả tang vụ việc bán rác thải y tế tại Bệnh viện Việt - Đức đưa đến làng Triều Khúc để tái chế (ngày 10-8-2007), phát hiện nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội có vấn đề về bán rác thải y tế, cơ quan chức năng có cung cấp cho chúng tôi hai mẫu nhựa là thìa dùng ăn sữa chua, ăn thạch... để phân tích, xét nghiệm nhằm đưa ra các chứng cứ khoa học về vấn đề này.

 Kết quả phân tích ra sao, thưa ông?

Kết quả phân tích khoa học cho thấy các mẫu thìa đó đều được sản xuất từ nguyên liệu nhựa tái chế, có nhiều chất rất độc hại, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Cụ thể: hàm lượng kim loại nặng rất cao, hàm lượng chì lên đến 26mg/kg thìa, hàm lượng cadimi lên trên 1mg/kg thìa.

Như chúng ta đã biết, độc tố chì có nguy cơ gây ung thư cao đối với con người. Trong khi đó cadimi là nguyên tố độc hơn cả chì, gây ung thư và tác động lên hệ thần kinh mạnh hơn cả chì, nói chung là tác động tương đối tổng thể. Đây là một trong các kim loại nặng độc mà người ta phải xác định và cấm sử dụng trong mặt hàng nhựa thực phẩm.

Thiếu qui định về tiêu chuẩn đồ nhựa dùng cho thực phẩm!

Theo lời viện trưởng Trần Văn Sung, đến nay chưa có bất cứ qui định, tiêu chuẩn VN nào về điều kiện độc hại cho đồ nhựa dùng trong thực phẩm. Qui định đó phải có các điều kiện về hàm lượng kim loại nặng, cấu tạo của vật chất, vật liệu phải đảm bảo không để các vi khuẩn chui vào, rồi kể cả chất phụ gia dùng để cho vào các đồ nhựa cũng phải được qui định rõ.

 Ngoài ra, các loại thìa này còn được pha chế đến 20% chất canxi cacbonat. Đây là loại hóa chất rất rẻ, có tác dụng hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất. Về bản chất, canxi cacbonat không độc hại nhưng lại mang theo các chất độc vào sản phẩm. Cụ thể ở sản phẩm thìa này, độc tố chì theo đường này để đi vào sản phẩm sữa chua. Ngoài ra, chất này để lại trên bề mặt thìa nhựa các lỗ trống - nơi vi khuẩn, mầm bệnh cư trú và có dịp sẽ phát tán. Khi chụp ảnh từ kính hiển vi điện tử, các lỗ, hốc này rất lớn và nhiều trên bề mặt thìa.

Mặt khác, có rất nhiều loại tạp chất hữu cơ lẫn trong mẫu thìa được đem ra phân tích. Hầu hết đều là các chất nhập về để tráng các khuôn đúc nhựa, chống dính khi đúc, thổi sản phẩm. Đây cũng là một chất độc và không được phép dùng để sản xuất các đồ sử dụng cho thực phẩm.

Liệu có những chất độc hại nào gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng và tỉ lệ vượt chuẩn là bao nhiêu?

- Do chúng ta chưa có bản qui chuẩn nên chúng tôi bắt buộc phải sử dụng mẫu của nước ngoài và của một hãng sữa có uy tín trong nước để đối chiếu. Các mẫu này có giá trị độc tố thấp, hàm lượng chì của mẫu đối chiếu dưới 1mg/kg thìa được coi là mức an toàn cho phép.

Đáng chú ý, loại thìa mẫu không chứa cadimi và canxi cacbonat nên khả năng lưu trú của vi khuẩn và lây nhiễm mầm bệnh thấp. So với các mẫu đối chiếu, rõ ràng sản phẩm thìa sản xuất từ nhựa tái chế có nguy cơ độc hại cao gấp hàng chục lần, đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Với hàm lượng độc tố, nhất là kim loại nặng nhiều như thế này, người tiêu dùng nếu sử dụng thường xuyên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ví dụ, sữa chua có độ PH thấp nên thìa dùng ăn sữa chua sẽ làm kim loại nặng dễ hòa tan và đi vào cơ thể. Ngoài ra, các sản phẩm nhựa khi chứa thực phẩm nóng và có nước rất dễ hòa tan và được cơ thể người hấp thụ. Vì thế, kim loại nặng sẽ được đưa vào cơ thể dần dần, tích tụ và gây bệnh.

Liệu kết quả phân tích có xác định được sản phẩm nào tái chế từ nhựa y tế hay không?

- Thật ra, các phân tích của chúng tôi chỉ xác định sản phẩm nhựa dùng cho thực phẩm có nguồn gốc từ nhựa tái chế chứ không thể xác định được có nguồn gốc từ rác thải nhựa y tế hay không. Nhưng theo quan điểm của tôi, cho dù tái chế như thế nào, nguồn gốc nhựa tái chế như thế nào cũng không được phép dùng nhựa tái chế để sản xuất các sản phẩm nhựa dùng cho thực phẩm. Sử dụng nhựa tái chế cho các đồ dùng khác thì chấp nhận được nhưng với thực phẩm thì tuyệt đối không thể.

Có ý kiến cho rằng rác thải nhựa y tế khi đã qua súc rửa, khử trùng bằng hóa chất và nhiệt độ có thể sử dụng để tái chế được?

- Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới mà chúng tôi có được, 85% rác thải y tế và rác thải bệnh viện là không lây nhiễm, không độc hại; 10% lây nhiễm và 5% không lây nhiễm nhưng độc hại. Do đó có thể sử dụng nhựa từ rác thải y tế để tái chế các sản phẩm nhựa khác, nhưng phải có điều kiện ngặt nghèo và phải có qui trình được nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật để kiểm soát bởi các cơ quan chức năng. Về nguyên tắc, các vi khuẩn ở nhiệt độ cao sẽ bị tiêu diệt nhưng các chất độc hại thì ở nhiệt độ cao và súc rửa cũng không thể khử được.

Thật ra, rác thải y tế không phải tất cả đều độc hại, ví dụ chai nhựa, dây truyền đều được làm từ nhựa nguyên chất và rất tốt. Do đó để sử dụng lại phải có khâu phân loại rất chính xác, triệt để. Cái nào có khả năng lây nhiễm phải để riêng, cái không có khả năng lây nhiễm để riêng, cái độc hại để riêng. Sau đó, những rác thải không có khả năng lây nhiễm phải xử lý vì nó đã để cạnh các loại rác có khả năng lây nhiễm nên phải khử trùng trước khi đưa đi tái chế. Việc súc rửa bằng hóa chất và khử trùng bằng nhiệt độ và hóa chất phải theo một qui trình rất nghiêm ngặt, phải được chấp nhận và kiểm soát. Tức là phải có qui trình chuẩn và phải thông qua một tổ chức, hội đồng khoa học kiểm định và cơ quan chức năng quản lý.

Theo ông, liệu có cách nào bảo vệ người tiêu dùng trong điều kiện chất lượng sản phẩm nhựa tái chế bị quản lý thả nổi như hiện nay?

- Theo tôi, người tiêu dùng trước hết phải tự bảo vệ mình, lựa chọn các sản phẩm nhựa mà thấy rằng an toàn, có nguồn gốc và đáng tin cậy. Không chỉ lưu ý đối với sản phẩm nhựa dùng cho thực phẩm mà cả các sản phẩm nhựa khác có tiếp xúc với da, đường hô hấp như áo mưa chẳng hạn. Không có gì đảm bảo các sản phẩm nhựa đó không độc hại và không gây nguy hiểm đối với người sử dụng.

Đối với cơ quan chức năng, trước tình hình tương đối khó kiểm soát như hiện nay, nên nhanh chóng đưa ra các qui định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhựa dùng cho thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Về phía mình, viện sẽ làm công tác phân tích xét nghiệm rất tích cực nếu có yêu cầu của cơ quan chức năng, góp phần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho sản phẩm nhựa.

Xin cảm ơn ông.

(Theo Tuổi trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,