221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1007964
Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống nhân loại
1
Article
null
Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống nhân loại
,

(VietNamNet) - Biến đổi khí hậu đang tác động ra sao đến đời sống nhân loại?... TS Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục và Phát triển Môi trường thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam trả lời những câu hỏi thường gặp nhất liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.    

Vài nét về TS. Nguyễn Hữu Ninh

TS. Nguyễn Hữu Ninh (Ảnh: Ng. Huyền)

Sinh năm 1954 tại Hà Nội. Năm 1971 - 1977, học ở Hungary. Sau đó, công tác tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. 1982 - 1986: Nghiên cứu sinh ở Hungary và tốt nghiệp Tiến sỹ về sinh học. Năm 1986: Quay lại ĐH Tổng hợp và bắt đầu nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường toàn cầu. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã hợp tác với các nhà khoa học của hàng chục nước trên thế giới. Năm 1991, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục và Phát triển Môi trường thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.  Tiến sĩ sinh học Nguyễn Hữu Ninh là một trong 10 tác giả chính của chương 10 (Châu Á) thuộc Báo cáo đánh giá lần thứ 4 của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC). Năm người còn lại là: Yurij Anokhin (Nga), Batima Punsalmaa (Mông Cổ), Yasushi Honda (Nhật), Mostafa Jafari (Iran), Congxian Li (Trung Quốc)... (Xem: http://www.ipcc-wg2.org)

- Gần đây, bão lũ miền Trung và miền Nam có gia tăng nhiều, vấn đề này có liên quan gì đến biến đổi khí hậu?

Một điều chắc chắn là vấn đề bão lũ có liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong mấy chục năm qua biến đổi khí hậu đã xảy ra và đã tác động đến các yếu tố, hiện tượng tự nhiên rất nhiều.

Năm nay là năm hoạt động của hiện tượng Lanina, theo các nghiên cứu khoa học đã đánh giá trong những năm có hiện tượng Lanina các vấn đề bão, mưa lũ ở Việt Nam cao hơn mức bình thường. Tương tự, năm 1999 có hiện tượng Lanina, hoạt động bão lũ ở Việt Nam bao giờ cũng nhiều hơn.

Vấn đề này có liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan và chắc chắn có liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm cho tần suất, cường độ cực đoan của khí hậu tăng lên rất nhiều. Bản chất của biến đổi khí hậu gây ra rất nhiều vấn đề trong đó làm cho hiện tượng cực đoan của khí hậu tăng lên. Có thể nói đó là một trong những yếu tố quan trọng, là yếu tố tác động chính gây nên.

- Những năm gần đây, báo chí thường nhắc đến "biến đổi khí hậu"... Vậy, biến đổi khí hậu là gì?

- Trước tiên, cần hiểu khí hậu là gì? Khí hậu là mức độ trung bình của thời tiết trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Trong vòng 1.000 năm qua,  nhiệt độ bề mặt Trái đất có tăng, giảm không đáng kể và có thể nói là ổn định.

Thế nhưng, trong vòng 200 năm trở lại đây, đặc biệt là trong mấy chục năm vừa qua khi công nghiệp hoá phát triển, nhân loại  bắt đầu khai thác than đá, dầu lửa, sử dụng các nhiên liệu hoá thạch...  Cùng với các hoạt động công nghiệp tăng lên, nhân loại bắt đầu thải vào bầu khí quyển một lượng khí CO2, nitơ ôxít, mêtan... khiến cho nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên. 

Hầu hết giới khoa học đều công nhận biến đổi khí hậu là do nồng độ của khí hiệu ứng nhà kính tăng lên trong khí quyển ở mức độ cao. Bản thân nó đã làm cho Trái đất ấm lên, nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên, nhiệt độ nóng lên này đã tạo ra các biến đổi trong các vấn đề thời tiết hiện nay.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên.

Sơ đồ hiệu ứng nhà kính (Ảnh: http://www.masternewmedia.org)

- Giới khoa học có bằng chứng gì về biến đổi khí hậu?

- Tất cả các trạm đo nhiệt độ đều có thể đo, đánh giá và xác nhận được bằng chứng về biến đổi khí hậu. Hiện nay, nhiệt độ trung bình đã tăng lên tới 0,3 - 0,4 độ C trong mấy chục năm vừa qua và hiện đang có xu hướng tăng tiếp.

Theo các mô hình nghiên cứu trong thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng từ 1,1 - 6 độ C khả năng xảy ra từ 1,8 - 4 độ C trong đó tùy theo sự phát thải hiệu ứng nhà kính cắt giảm đến mức độ nào để làm giảm bớt các khí CO2 và các khí khác gây hiệu ứng nhà kính.

Nếu như ngay từ lúc này, nhân loại  dừng phát thải khí nhà kính thì nhiệt độ bề mặt Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, nước biển vẫn tiếp tục dâng lên trong vòng 50 năm nữa. Nhiệt độ trái đất nóng lên làm cho băng của các dãy Himalaya và Nam cực, Bắc cực và các vùng khác tan chảy. Những núi băng này tan chảy sẽ làm cho mực nước biển tăng lên.

Mực nước biển dâng lên từ 28 - 43 cm. Nhưng có thể mực nước biển này còn cao hơn nữa tùy theo sự phát thải của hiệu ứng nhà kính và tác động của con người gây ra.

Biểu đồ nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái đất đã tăng lên trong vòng 140 năm qua (Ảnh: www.combatclimatechange.ie)


- Làm thế nào để nhận biết được biến đổi khí hậu?

- Nhận biết rất dễ bởi vì hàng ngày tất cả các trạm quan trắc của các quốc gia đều đo đạc nhiệt độ, lượng mưa, bức xạ, gió và các thông số khác sau đó tập trung lại đưa ra một số liệu trung bình ra biểu đồ của nhiệt độ và đem so sánh với các năm trước.

Chúng ta có thể nhận biết một cách đơn giản trong cuộc sống đời thường là tại sao năm nay mùa đông lại ngắn lại, hạn hán, mưa lũ thất thường không giống quy luật mấy chục năm về trước. Cây trồng có sự thay đổi về thu hoạch, dịch bệnh nhiều hơn, bệnh mới xuất hiện. Đặc biệt là cảm giác mùa đông và mùa hè cảm nhận được nhiệt độ của mùa hè các đợt nóng tăng lên và kéo dài, mùa đông ngắn lại... Tất những yếu tố này tác động trực tiếp đến cuộc sống cá nhân của chúng ta. 

- Biến đổi khí hậu có nguy hiểm đến cuộc sống của con người không? Nó gây nguy hiểm ra sao?

- Có, biến đổi khí hậu là một điều cực kỳ nguy hiểm đe doạ đến vấn đề tồn tại của con người.

Biến đổi khí hậu gây nguy hiểm do nó làm cho Trái đất nóng lên, nước biển dâng lên. 

Trái đất có 7 tỷ người và hiện giờ, có đến hơn một nửa số người này sống ở vùng duyên hải của Trái đất trong phạm vi 100 km trở lại vùng bờ biển. khi nước biển dâng lên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người. Theo dự báo của các nhà khoa học, thủ đô BangKok (Thái Lan) trong vòng hai mươi năm nữa sẽ bị ngập và hiện Thái Lan không đủ thời gian để chuyển thủ đô sang nơi khác. Còn đối với Việt Nam, Đồng bằng sống Cửu Long cũng là một trong những nơi rất "nhạy cảm" của vấn đề biến đổi khí hậu. Hay, vấn đề triều cường của TP. HCM, bão lũ miền Trung còn nan giải hơn rất nhiều khi tính đến yếu tố liên quan bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. 

Đối với sự đe dọa của biến đổi khí hậu thì đây là nguy cơ chung cho đời sống nhân loại. Trong việc giải quyết vấn đề này, tất cả mọi người trên Trái đất sẽ không có ai thắng và cũng không có ai thua,

Trước sự đe dọa ấy, mọi người đều giống nhau về mặt số phận. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra, còn mức độ nghiêm trọng đến đâu là do con người quyết định và con người có đầy đủ, có công nghệ, có tiền chỉ còn thiếu quyết tâm về mặt chính trị của tất cả các quốc gia để giải quyết vấn đề này.

- Nơi nào trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu? Ở Châu Á và tại Việt Nam?

- Vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất của Trái đất là Bắc cực và Nam cực, hai nơi này nhiệt độ tăng lên nhanh nhất. Sau đó đến các vùng núi cao như Himalaya, Tây Tạng... Theo nghiên cứu những vùng lạnh nhất có nhiệt độ tăng lên nhanh nhất. Còn tại Việt Nam, nhiệt độ sẽ tăng từ 0,3 - 0,5 độ C đến năm 2010, từ 1- 2 độ C vào năm 2020, từ 1,5 - 2,5 độ C vào năm 2070. Những khu vực có nhiệt độ tăng cao nhất là Tây Bắc và Việt Bắc. 

- Chúng ta có quá lo lắng về biến đổi khí hậu không?

- Chúng ta phải đặc biệt quan tâm bởi vì nó có tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải tiết kiệm năng lượng, sử dụng các hình thực năng lượng khác như nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng nguyên tử... thay thế các nhiên liệu dùng nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu lửa.

Ảnh minh họa về hiện tượng Trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu (Ảnh: http://www.lincsgas.com)
- Giới khoa học và các Chính phủ các nước đã có những động thái nào nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu? 

- Tại một cuộc họp hồi gần đây, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã nhận bản báo cáo của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC) mà nội dung cho thấy, hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều nhất trí bản báo cáo đã thể hiện đúng hiện trạng biến đổi khí hậu hiện trạng hiện nay.

Giới khoa học, nói chung đã đồng lòng và  nhất trí trong việc nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp nhằm giải quyết vấn đề này.

Nhân loại không thiếu tiền, công nghệ, chất xám nhưng vấn đề là ở chỗ: Quyết tâm chính trị của tất cả các nước có nhất trí để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu không? Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia hãy đồng tâm nhất trí để giải quyết vấn đề này.

Thực tế là, khi ký Hiệp ước Kyoto, đã có nước đứng ngoài cuộc, có nước gây ra những cản trở này khác, có nhiều nước vẫn cố tình gây ra các chất phát thải gây hiệu ứng nhà kính... Một số nước trên thế giới còn thiếu quyết tâm chính trị và thiếu sự hợp tác trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

- Mọi người nên làm gì để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu?

- Có hai vấn đề cần đặt ra. Đó là  là làm giảm tác động biến đổi khí hậu và thứ hai là thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để làm giảm tốc độ của biến đổi khí hậu có liên quan đến nhiều lĩnh vực như nền kinh tế chúng ta phải làm. Hiện nay tất cả các nước trên thế giới đang sử dụng nguồn nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch như dầu lửa, than đá... Cần phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hợp lý để giảm khí thải nhà kính.

Trong nông nghiệp và lâm nghiệp sử dụng nhiều phân bón hữu cơ để tránh phát thải khí metan rất nhiều. Có rất nhiều các biện pháp liên ngành và đòi hỏi các chính sách phù hợp với từng nước và từng địa phương với mục tiêu tối đa.

Tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống, đòi núi trọc, trồng rừng ngoài đê chắn sóng...

Mặt khác, chúng ta phải làm sao có những biện pháp đối phó thích nghi sống cùng biến đối khí hậu và tránh thiệt hại tối đa, chính sách, truyền thông các biện pháp ứng phó. Khi chúng ta đắp đê biển chúng ta trồng rừng ngập mặn ở phía ngoài để bảo vệ.

Đối với mỗi cá nhân chúng ta phải có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Bao gồm giữ gìn môi trường, sử dụng giao thông tốt nhất như đi nhiều người một xe, dùng bóng đèn tiết kiệm, ra khỏi phòng tắt điện ngay, tắt máy tính khi không dùng. Mỗi cá nhân phải nhận thức rằng năng lượng và sự bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng sẽ làm cho thế giới tốt hơn. 

  • Ngọc Huyền (thực hiện)
     
    Ý kiến của Bạn:

Bạn đọc có thắc mắc xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu, xin ghi vào khung dưới đây, chúng tôi sẽ chuyển đến chuyên gia để trả lời

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,