(VietNamNet) – Năm 2009, TP.HCM sẽ giảm ngập. Mỗi điểm ngập không kéo dài thời gian ngập quá 30 phút. Biện pháp chống ngập là xây dựng hệ thống cống ngăn triều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất.
Đại diện tổ nghiên cứu các giải pháp tiêu thoát nước TP.HCM, Bộ NN&PTNT, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Hội Thủy lợi TP.HCM và các nhà khoa học quan tâm tới vấn đề ngập nước đã cùng đưa ra những giải pháp chống ngập ở TP.HCM trong buổi họp với UBND TP.HCM vào hôm 1/12.
Hệ thống cống ngăn triều dự kiến xây dựng (các điểm đỏ nối nhau) (Ảnh: H. Cát) |
Bài toán khó nhất: ngập triều cường
Tại cuộc họp trên, nhiều nhà khoa học cùng thống nhất, có thể phân loại nguyên nhân ngập nước trên địa bàn thành phố như sau: ngập do mưa, ngập triều, ngập lũ và ngập do nguyên nhân tổng hợp.
Trả lời câu hỏi, lâu nay, việc chống ngập cho TP có một phần nguyên nhân là do chưa tìm được “tiếng nói chung” giữa các chuyên gia của hai ngành giao thông công chánh và thủy lợi... Tình trạng này nay đã có được khắc phục chưa? Trao đổi với phóng viên VietNamNet bên ngoài Hội thảo, ThS. Hồ Long Phi - Phó ban Điều phối chống ngập TP.HCM cho biết, để giải quyết tình trạng trên, thời gian qua, TP.HCM đã thành lập Ban Điều phối chống ngập TP.HCM. Chỉ sau một thời gian hoạt động, ban Điều phối chống ngập TP.HCM đã nhận ra một điều là, do chưa nắm bắt hềt, hoặc hiểu chưa đầy đủ thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu khác nên đã phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trước tình hình đó, Ban Điều phối chống ngập TP.HCM đã mời các chuyên gia thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuyết trình, tổ chức trao đổi theo từng nhóm chuyên đề giữa các chuyên gia. Dần dà, giữa các nhóm chuyên gia đã bắt đầu có sự chuyển biến theo hướng đồng thuận, tìm được tiếng nói chung. Nhận thức được tầm quan trọng của sự chia sẻ thông tin, sắp tới, ban Điều phối sẽ lập ra một cơ sở dữ liệu gồm các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau có liên quan đến vấn đề ngập ở TP. Thông qua đó, các nhóm chuyên gia có thể tiếp cận được kết quả nghiên cứu ở nhiều ngành khác nhau để phục vụ cho việc nghiên cứu chống ngập ở TP. ĐH Quốc gia TP.HCM đã đồng ý cấp kinh phí 400 triệu đồng cho ban Điều phối để khởi tạo cơ sở dữ liệu này.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam trình bày những nguyên do gây ngập cũng nhấn mạnh vấn nạn triều cường.
Về nguyên nhân khách quan, đất có cao độ thấp, bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Đặc biệt, do việc xả lũ ở các công trình thượng lưu khi gặp triều cường cùng lúc mưa trong nội vùng gây ngập lớn trên diện rộng.
Bên cạnh đó, lại có nguyên nhân chủ quan: khai thác nước ngầm quá mức, đô thị hoá nhanh khiến bề mặt thành phố sụt lún, cống tiêu, kênh thoát nước xây dựng đã lâu, xuống cấp; Người dân lấn chiếm cống dẫn thoát nước xả khiến tắc nghẽn. Trên hết là việc quản lý chưa tốt, quy hoạch chưa đúng tầm.
Những nguyên nhân khó giải quyết ngày một, ngày hai này khiến công tác chống ngập nói chung, ngập triều cường nói riêng là một bài toán khó.
Để giải bài toán trên, cần xác định vế đầu tiên và cũng quan trọng nhất là chống ngập triều cường – ông Ngọc Anh cho biết.
Bên cạnh đó, cũng cần giải pháp, vốn, lên kế hoạch thi công, khoa học kỹ thuật và quan trọng là đặt vấn đề đúng tầm quan trọng của nó để giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể. Với điều kiện hiện nay, cùng sự giúp đỡ hết mình của Nhà nước, Bộ NN&PTNT, nhất định TP.HCM sẽ sớm có lời giải bài toán ngập lụt bằng chính thực tế - GS. Nguyễn Sinh Huy nhận định.
Đồng thuận giải pháp xây cống chống ngập
Lần đầu tiên ngành thủy lợi, Bộ NN&PTNT cùng các chuyên gia thống nhất với nhau trong cách giải quyết vấn đề ngập lụt do triều cường, nước lũ.
Theo đó, giải pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra báo cáo trước UBND TP.HCM là: giải pháp công trình cống kiểm soát đỉnh triều ở các sông rạch cấp III - cửa nối ra các sông chính (vòng giữa II) và giai đoạn đầu xây dựng hạng mục công trình tại: cống kiểm soát triều Rạch Tra, cống kiểm soát triều Vàm Thuật, cống kiểm soát triều Phú Xuân, cống kiểm soát triều rạch Mương Chuối, cống kiểm soát triều Sông Kinh, cống kiểm soát triều Kinh Lộ, cống kiểm soát triều Kinh hàng, cống kiểm soát triều Cần Giuộc (cầu Thủ bộ).
Chế độ vận hành các cống này không làm mất đi hiện tượng tự nhiên thuỷ triều, nó chỉ làm cho mực nước thuỷ triều cao nhất không vượt quá mức độ yêu cầu (ví dụ không cao hơn 1m). Một mặt, các cống sẽ kiểm soát nước triều chống ngập, một mặt mở tối đa thời gian để giao thông đường thuỷ có thể dễ dàng đi lại.
Đồng tình với ý kiến này, Viện Quy hoạch Thủy Lợi miền Nam đưa ra thêm 2 khuyến cáo: cần gắn với quy hoạch kiểm soát lũ triều với quy hoạch phát triển không gian đô thị.
Viện đưa ra giải pháp cụ thể: Cải tạo các trục tiêu trong thành phố; cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước trên một số tuyến đường ngập do thiếu tiết diện thoát nước; xây dựng các công trình kiểm soát tại các lưu vực thấp bị ngập do thuỷ triều ở diện rộng; lắp đặt một số phai ngăn nước vùng cao dồn vào vùng thấp; xây dựng một số trạm bơm nhỏ cục bộ tại các vùng thấp. thực hiện công trình hạn chế đỉnh triều tại hạ lưu sông Đồng Nai và trên sông Lương Tài; xây dựng công trình phân bớt lũ ở thượng nguồn.
Phương án này sẽ giải quyết được úng do mưa và ngập do triều cao, mưa và lũ trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn về. Giải quyết triệt để vấn đề ngập, úng.
Năm 2008 thi công... năm 2009, bớt ngập
Ngập ở TP.HCM (Ảnh: T. Duy) |
GS-TS Thứ trưởng Đào Xuân Học cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ có nghiên cứu nhanh nhất làm cơ sở để xây dựng đề án đầu tư, thực hiện một chương trình tập trung để xin trình thầu.
Dự kiến, năm 2008 bắt đầu thi công, tới năm 2009, bước đầu hoàn thành chống ngập bằng giải pháp xây công trình cống kiểm soát cắt đỉnh triều này. TS Nguyễn Sinh Huy phân tích, công trình cống đặt ở lòng sông sẽ không bị vướng mắc đền bù giải toả, giá thành cống hiện nay chỉ còn 30 % trước đây nên đã rẻ. Sau khi lập dự án xử lý những điểm ngập, bắt tay vào làm ngay thì thời gian thi công chắc chắn ngắn chứ không dài vì không nhiều vướng mắc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Anh (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), để hoàn thành công tác hạn chế ngập do triều, lũ, mưa, phải bắt tay thực hiện từ 2008 tới 2016. Bởi không chỉ là việc xây công trình cống, mà cần có tính toán xây dựng đồng bộ các công trình như cải tạo trục tiêu nội thành và các vùng còn thiếu công trình tiêu, xây dựng công trình kiểm soát đỉnh triều, và cuối cùng mới xây dựng công trình kiểm soát lũ. Ở mỗi bước công việc hoàn tất, thành phố đã có những mức độ giảm ngập đáng kể.
Theo TS Trần Du Lịch, Trưởng ban Điều phối chống ngập lụt TP, cần phải nhất trí cao với nhau, có những việc phải làm trong 3 năm (tính từ nay tới 2010) để có kết quả có mức ngập thấp, trong thời gian không quá 30 phút mỗi lần ngập. Với điều kiện của một thành phố lớn, công nghệ hiện đại như TP.HCM thì kế hoạch giải quyết ngập lụt trong vòng 3 năm là khả thi.
TS Trần Du Lịch cũng đề nghị Bộ NN& PTNT cần tính thêm khi thực hiện những công trình nói trên để chống ngập cho TP, liệu sẽ phát sinh những ảnh hưởng gì không. Ông Lịch nói:"Bây giờ không tính trước, sau này vắt chân lên cổ chạy cũng không kịp!".
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ phối hợp với Bộ, các ban ngành chú trọng những giải pháp giải quyết vấn đề ngập triều. Cần gấp rút đưa những giải pháp này vào thực hiện để tới năm 2010 có thể trả lời với dân bằng hiện thực đã giải quyết được vấn về ngập lụt. Hiện nay, ngập lụt ở TP.HCM gây nhiều khó khăn ảnh hưởng đời sống xã hội, y tế, kinh tế... Giải quyết vấn đề ngập nước là góp phần chính xây dựng TP.HCM lớn mạnh không chỉ trong nước mà cả ảnh hưởng trong khu vực.
Kinh phí xây dựng các công trình chống ngập: Tìm ở đâu? |
Điều đáng lo ngại nhất đối với việc chống ngập của TP.HCM, theo ThS. Hồ Long Phi, trước hết là tiền. Các chuyên gia Nhật Bản tính toán, không chỉ 140km2 trung tâm, hệ thống cống thoát nước mưa sẽ mở rộng trong tương lai đến 600 km2, ra đến Quận 2, Quận 9, Quận 12, Tân Phú, Bình Chánh..., tiêu tốn khoảng 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật Bản chưa tính đến triều vì khi đó mức triều còn thấp. Trong khi, mực nước triều càng lúc càng tăng nhanh. Do đó, với tình hình mới, chi phí có thể tăng lên ít nhất là 6 tỷ USD. 6 tỷ USD (khoảng 100 ngàn tỷ đồng) với mục tiêu hoàn tất chống ngập vào năm 2020, thì mỗi năm chúng ta cần 7 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, hiện tại, kinh phí cơ bản dành cho cấp thoát nước thành phố hiện nay là 1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 500 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, số còn lại là vốn vay ODA. Do vậy, có thể và cần phải đi tìm cơ chế để có vốn đầu tư cho các công trình chống ngập ở TP.HCM như đổi đất lấy hạ tầng... Điều cần quan tâm thứ hai là nhân lực. Nhân lực cho những công trình lớn cực kỳ yếu và rất thiếu. Những công trình lớn về thoát nước hiện nay như thi công kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cũng phải mướn tư vấn, thiết kế, xây dựng nước ngoài…Lực lượng trong nước chỉ đảm nhận được các loại cống nhỏ nhỏ, dọc đường, không thể làm công trình lớn nổi. |
- Vinh Giang - H. Cát
Ý kiến của Bạn: