- "Tôi lo rằng, ngân hàng tế bào gốc cuống rốn mà nhiều đơn vị ở Việt Nam đang tiến hành triển khai để tạo ra tế bào gốc sẽ trở nên lạc hậu với những tiến bộ nhanh chóng của thế giới". Ý kiến của PGS. TS Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Công nghệ Sinh học Sinh sản các nước Á châu (Asian Reproductive Biotechnology Society - ARBS)
- Hiện nay, ở Việt Nam, một số ngân hàng tế bào gốc đang chuẩn bị đi vào hoạt động... Đây có phải là một tín hiệu lạc quan trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam?
PGS. TS Nguyễn Văn Thuận |
Đến năm 1988, tế bào máu cuống rốn được sử dụng đầu tiên để tái tạo máu và hệ thống tế bào miễn dịch. Tuy nhiên, ở nước ta nghiên cứu về tế bào gốc vẫn còn mới mẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như các công trình nghiên cứu sâu và cơ bản.
Về nguyên tắc để bảo quản tế bào gốc cuống rốn hay bất cứ tế bào gốc trưởng thành nào cũng phải theo trình tự sau:
1. Thu nhận và phân lập tế bào, 2. Nuôi cấy để tìm kiếm tế bào gốc, 3. Nuôi cấy và nhân tế bào gốc đã thu nhận đuợc qua nhiều lần, 4. Xác định dòng tế bào thu nhận được là tế bào gốc hay không thông qua những kỹ thuật nhuộm tế bào với những protein đặc hiệu của tế bào gốc, 5. Bước sau cùng là cất giữ tế bào gốc trong môi trường trữ đông đặc biệt và lưu giữ ở nhiệt độ từ -80 đến -100 độ C.
Tuy nhiều bước như vậy nhưng kỹ thuật thì đơn giản và không khó. Như vậy, độc giả phải hiểu rằng cất giữ tế bào gốc cuống rốn (tế bào gốc trưởng thành) là phải phân lập tế bào gốc trước, nhân lên sau đó mới cất giữ ở nhiệt độ thấp, chứ không phải là cắt lấy cuống rốn hoặc mô và đem đông lạnh ở nhiệt độ thấp là có thể có ngân hàng tế bào cuống rốn hoặc ngân hàng tế bào gốc trưởng thành!
Sau 5 năm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ và Phát triển Sinh học Nhật Bản (CDB, RIKEN-Kobe), hiện nay PGS.TS Nguyễn Văn Thuận đang làm việc tại Khoa Công nghệ Sinh học (Bioscience & Biotechnology) thuộc ĐH Kiến quốc (Konkuk University) - Seoul, Hàn Quốc. Phòng thí nghiệm của ông là “Tế bào giao tử & tái tạo dược phẩm sinh học” (Germ cell and Regenerative Biomedicine).
Về vấn đề bảo quản và quản lý thì không khó, chỉ cần cung cấp điện đầy đủ (không cúp điện) và có một máy tính tốt để quản lý hồ sơ và một nhân viên làm việc thận trọng (tránh râu ông này cắm cằm bà kia, rất nguy hiểm).
- Các nhà khoa học tại Việt Nam vừa cho biết là đã thành công trong một số trường hợp nuôi cấy, phân lập tế bào gốc ở niêm mạc miệng thành rìa giác mạc. Thành công này ít nhiều đã gây phấn khích trong giới nghiên cứu khoa học trong nước (dù còn một số tranh cãi). Theo ông, đây có phải là một điều đáng khích lệ ở Việt Nam? Và, mọi người có quyền hy vọng vào điều được gọi là “liệu pháp tế bào gốc” sẽ nhanh chóng được đưa vào ứng dụng ở VIệt Nam?
- Thực ra công nghệ phân lập, nuôi cấy và ứng dụng liệu pháp tế bào gốc đã được các nước phát triển ứng dụng rộng rãi và không có gì mới lạ. Một số nhà nghiên cứu còn ước mơ một ngày nào đó có thể tạo một cơ quan nội tạng hoàn chỉnh từ tế bào gốc phôi.
Tôi đã từng phát biểu trong một bài phỏng vấn trên VietNamNet từ 2 năm trước đây, vấn đề đó còn rất xa vời so với những hiểu biết hiện nay của nhân loại. Thay thế vào đó, các nhà nghiên cứu đang hướng về việc sử dụng nội tạng của heo để thay thế cho người.
Hiện nay, tôi đang tham gia chương trình tạo cơ quan nội tạng cho người bằng việc sử dụng cơ quan nội tạng của heo tại Đại học Kiến quốc. Đây là một dự án lớn của Hàn Quốc với đầu tư kinh phí khoảng 65 triệu USD.
Một hướng nghiên cứu mới nữa mà các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng như phòng thí nghiệm của chúng tôi đang quan tâm là tạo ra những động vật có khả năng sản sinh những protein của người để sử dụng trong điều trị y học. Trong tương lai gần, một con bò thành công qua kỹ thuật này sẽ có giá trị 10-20 triệu USD/năm, và lợi nhuận thì vô cùng lớn. Như vậy, động vật không đơn thuần là cung cấp nguồn thức ăn cho con người mà có thể sử dụng động vật như một nhà máy chế tạo các protein cao cấp có tác dụng chữa trị bệnh cho con người.
- Trái với sự lạc quan của một số giới nghiên cứu hoặc quản lý nghiên cứu khoa học trong nước, dường như ông cho rằng Việt Nam vẫn còn tiến rất chậm trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc... Hiện đang có những tiến bộ mới nào trên thế giới trong lĩnh vực này?
- Vào đầu tháng 11/2007, một tin vui vừa được công bố với thế giới, và cũng là một cuộc cách mạng biệt hóa tế bào từ tế bào tế bào gốc trưởng thành ("Adult stem cells" hay còn được gọi là tế bào gốc soma "Somatic Stem cells"). Đó là công trình nghiên cứu của TS. Yamanaka, Đại học Kyoto – Nhật, thông qua những thành công trên chuột cũng do nhóm nghiên cứu này công bố hồi cuối năm 2006.
TS. Yamanaka đã dùng kỹ thuật knock-in để khởi động lại sự hoạt động của 4 gene (Oct3/4, Sox2, C-Myc, and Klf4 - các gene nay không hoạt động trong tế bào trưởng thành) của tế bào sợi trên người (Adult Human fibroblasts). Kết quả: Tế bào sợi của người biệt hóa nhanh chóng thành tế bào gốc trong vòng 8-10 ngày nuôi cấy. Tế bào nhận được qua kỹ thuật biệt hóa trực tiếp này có thể biệt hóa thành các cơ quan và tế bào trong cơ thể.
Ngay sau đó, cũng vào tháng 11/2007, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp tiếp cho nhóm nghiên cứu của TS. Yamanaka khoảng 60 triệu USD để tiếp tục nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật này cho điều trị. Như vậy, nếu ứng dụng kỹ thuật này thì người bệnh chỉ cần cung cấp một mẫu da của mình, trong vòng một tháng có thể nhận được tế bào gốc cho mình.
Vì lẽ đó, tôi lo rằng ngân hàng tế bào gốc cuống rốn mà chúng ta đang cho là một kỹ thuật hiện đại để tạo ra tế bào gốc cho các thế hệ tiếp đến của chúng ta sẽ trở nên lạc hậu với những tiến bộ nhanh chóng của thế giới.
Tôi được biết, Đài Loan cũng rất nóng lòng nghiên cứu để tạo ra tế bào gốc phôi thông qua kỹ thuật chuyển cấy nhân, nhưng những thành công của Nhật Bản trong công bố vừa rồi đã làm Đài Loan phải gác lại hướng nghiên cứu của mình.
Tại Việt Nam, tôi có nghe nói dường như đã có một số nơi cũng đang nghiên cứu tế bào gốc và Nhà nước cũng đã đầu tư kinh phí không nhỏ cho chương trình này...
- Chúng tôi có nghe nói đến những sự hợp tác quốc tế giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam với nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc.... ?
Một buổi thuyết trình nhóm của khoa Công nghệ Sinh học - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (Ảnh: H.Cát) |
Thế nhưng buồn thay, không có nhà khoa học nào về tế bào gốc của Việt Nam tham dự, cho dù tham dự bằng poster. Mặc dù tôi đã cố gắng mời nhiều người để thúc đẩy học thuật của Việt Nam đối với các nước châu Á. Hội nghị năm nay có sự tham gia của các nhà khoa học của 16 nước trong khối châu Á.
Sự vắng mặt của các nhà nghiên cứu tế bào gốc trong nước cho thấy, phải chăng chúng ta chỉ đóng cửa và làm khoa học trong nước thôi. Trong khi thời kỳ đất nước đang cố gắng mở rộng mọi mặt trên trường quốc tế!
Mong rằng trong năm 2008, Hội nghị Công nghệ Sinh học Sinh sản châu Á lần thứ 5 tổ chức tại Côn Minh (do Trung Quốc đăng cai) sẽ có nhiều nhà khoa học Việt Nam tham gia tham luận hơn.
- Theo ông, cho đến thời điểm này, các nhà khoa học trong lĩnh vực tế bào gốc của Việt Nam có thể bước kịp các nước khác không?
- Như tôi đã nói trên, lĩnh vực này trong nước hiện còn rất yếu - theo nhận định của riêng tôi. Muốn đuổi kịp các nước khác, điều trước tiên là khoa học Việt Nam phải mở cửa để trao đổi học thuật với các nước trên thế giới.
Mọi công trình nghiên cứu phải được đánh giá thông qua các tạp chí khoa học thế giới. Như vậy, không cần phải có hội đồng nghiệm thu làm mất thời gian mà lại tranh thủ được sự góp ý của các nhà khoa học trên thế giới trong nghiên cứu của mình.
Theo tôi, các nhà khoa học chúng ta cần phải nói "không" với bệnh thành tích, đồng thời, cũng phải minh bạch trong nghiên cứu như Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã và đang làm với nền giáo dục Việt Nam trong mấy năm qua.
Cái quan trọng của một nhà khoa học là phải biết nói “Xin lỗi, tôi không biết” khi thật sự ... không biết!
Sẽ không ai cười chúng ta và càng làm cho chúng ta học hỏi được nhiều hơn. Chỉ sợ nhất là không biết nhưng chúng ta nói biết... Hậu quả không chỉ cho mình mà còn cho nhiều bạn trẻ của thế hệ kế tiếp!
- Xin cảm ơn ông
-
Hương Cát (thực hiện)Ý kiến của Bạn: