221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1038225
200 tỷ đồng mỗi năm cho Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia
1
Article
null
200 tỷ đồng mỗi năm cho Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia
,

 - Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia vừa ra mắt vào ngày 26/2 được Nhà nước cấp vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Quỹ có nhiều hình thức tài trợ cho các nhà khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm KH&CN...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến, đồng thời là chủ tịch Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet  về hoạt động của Quỹ.  

Thứ trưởng Hoàng Văn Phong trao quyết định cho Chủ tịch Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, thứ trưởng Lê Đình Tiến. Ảnh: Ngọc Huyền
Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong trao quyết định cho Chủ tịch Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, thứ trưởng Lê Đình Tiến. Ảnh: Ngọc Huyền
- Bộ KH&CN vừa ra mắt Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, xin ông cho biết Quỹ có nguồn vốn từ đâu để hoạt động? 

- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Theo Nghị định 122 của Chính phủ về thành lập Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Nhà nước đầu tư vào Quỹ là 200 tỷ đồng làm vốn ban đầu. Hàng năm, Nhà nước sẽ bổ sung cho vốn của Quỹ không ít hơn 200 tỷ đồng/năm, tùy theo hoạt động của Quỹ. Đồng thời, Nghị định cũng đưa ra nguồn mở nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động của Quỹ theo đúng tôn chỉ, mục đích của Quỹ.

- Hoạt động của Quỹ có nhằm vào mục đích sinh lợi?

- Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Mục đích của Quỹ là tạo điều kiện, nguồn lực cần thiết và môi trường thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ, các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực ưu tiên; tăng nhanh chất lượng nghiên cứu, sản phẩm khoa học và công nghệ đạt trình độ và chuẩn mực quốc tế; chuyển giao và ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. 

- Vậy Quỹ sẽ tài trợ cho các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu theo những hình thức nào?

- Quỹ hoạt động theo hai hình thức là tài trợ một phần hoặc tối đa 100% cho các trường hợp: nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực; thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất, mới phát sinh; xuất bản các công trình khoa học do Quỹ tài trợ; công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín; chi phí liên quan trực tiếp đến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng; tài trợ học bổng nghiên cứu thuộc các lĩnh vực trọng điểm quốc gia; tài trợ một phần cho các nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế và có báo cáo khoa học trình bày tại hội nghị, hội thảo... 

Quỹ cũng cho vay không lấy lãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Cho vay với mức lãi suất thấp đối với các dự án đổi mới công nghệ, chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao...

- Hiện nay, trong lĩnh vực KH&CN vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, vẫn còn có những đề tài nghiên cứu có đầu tư nhưng nghiệm thu không đạt, nghiệm thu xong không sử dụng đến hoặc không cho ra được các sản phẩm... Hoạt động của Quỹ như thế nào để không rơi vào tình trạng đó?

- Hiện Quỹ đang tiếp tục hoàn thiện một số văn bản quy định của Quỹ. Nhưng văn bản này sẽ hướng dẫn quản lý, hoạt động và nguồn vốn của Quỹ. Một trong những điều mới trong quản lý hiện nay là: các đối tượng được tiếp nhận vốn của Quỹ có hai điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là các nhà khoa học đáp ứng được yêu cầu Quỹ đưa ra, những yêu cầu này mang tính thiết thực ngoài việc đòi hỏi các nhà khoa học phải có trình độ, Quỹ còn xem xét các kết quả nghiên cứu trước đây đã có đóng góp và đáp ứng yêu cầu tốt trong khoa học thì mới được xem xét xin tài trợ. Điều kiện đủ là đề xuất nghiên cứu của các nhà khoa học có tính khả thi cao, nằm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ưu tiên của Quỹ đặt ra.

Tóm lại, nếu nhà khoa học muốn vay vốn hoặc xin tài trợ của Quỹ phải có năng lực, trình độ và kết quả đóng góp cho ngành khoa học trước đây rõ ràng, cụ thể và chất lượng cao. Những tiêu chuẩn này đều được quy định cụ thể trong các văn bản của Quỹ.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn những đối tượng nào sẽ được nhận tài trợ của Quỹ?

- Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia mở rộng cho tất cả các đối tượng là viện nghiên cứu, các trường ĐH, các DN và những cá nhân nghiên cứu độc lập có đáp ứng hai điều kiện cần và đủ như đã nêu ở trên. Các tập thể, cá nhân có thể tự đề xuất đề tài nghiên cứu và nộp hồ sơ xin vay vốn hoặc tài trợ. Nhưng các đề tài nghiên cứu tự đề xuất này phải thuộc hướng nghiên cứu ưu tiên của Quỹ. Các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong kế hoạch của Nhà nước không nằm trong diện hưởng ưu đãi của Quỹ.

- Với số tiền đầu tư 200 tỷ đồng có đủ đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học?

- Trước mắt, số tiền này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu cho lĩnh vực phát triển nghiên cứu khoa học. Sau này, nếu hiệu quả hoạt động của Quỹ tốt, dần dần Nhà nước sẽ tăng nguồn vốn đầu tư lên.

Với mong muốn có những bước đột phá mới trong việc quản lý khoa học, ông kỳ vọng điều gì trong hoạt động của Quỹ?

- Tôi mong muốn hoạt động của Quỹ sẽ tạo ra được một mô hình quản lý mới về hoạt động và quản lý tài chính trong việc phát triển khoa học và công nghệ, tiếp cận được với chuẩn mực và trình độ quốc tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của chúng ta có năng lực, trình độ, cho ra được những sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng đáp ứng với chuẩn mực quốc tế hiện nay. Từ những sản phẩm khoa học có chất lượng cao này sẽ đóng góp hiệu quả cho hoạt động KHCN cũng như thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập.

- Xin cảm ơn ông!

  • Ngọc Huyền (thực hiện)    

    Ý kiến của Bạn: 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,