- Từ quý II/2008, Ngân hàng Tế bào gốc cuống rốn đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động. Giá gửi 2.000USD, đóng ngay 50%. Số còn lại, đóng góp 50-70 USD/ năm. Có thể bảo quản suốt đời người để chữa các về da, ung thư máu... GS.TS Phan Toàn Thắng, ĐH Quốc gia Singapore và là đại diện của CellResearch Corporation trao đổi với phóng viên VietNamNet về hoạt động của ngân hàng tế bào gốc (TBG).
- Phóng viên: Từ quý II/2008, ngân hàng tế bào gốc ở VN đi vào hoạt động. Hiện có nhiều ý kiến e ngại rằng, ngân hàng tế bào gốc đã trở nên lạc hậu, nhất là sau khi các nhà khoa học Mỹ, Nhật đã nuôi cấy thành công TBG tương tự TBG phôi từ tế bào da người. Ý kiến của ông về vấn đề này?
GS.TS Phan Toàn Thắng: "Ngân hàng TBG màng cuống rốn sẽ không lo lạc hậu" (ảnh: Ngọc Huyền) |
TBG máu cuống rốn hay các loại tế bào gốc không lấy từ phôi không bao giờ lạc hậu. Nó là nguồn TBG sẵn có cực kì quan trọng cho ứng dụng y học. Đặc biệt là của chính người muốn giữ lại dùng để chữa trị cho họ hay những người trong gia đình họ về sau. Nếu nói đến lạc hậu thì việc lưu giữ máu để truyền mà các ngân hàng máu hay viện huyết học vẫn giữ đã có cả trăm năm nay nhưng có lạc hậu đâu?
Nếu nói tới thành công mang tính đột phá về TBG của các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ đã thành công trong việc cấy 4 gen vào TB da để quay về TBG tương tự TBG phôi. Tuy vậy đây chỉ là thành công về mặt nghiên cứu cơ bản. Để tính chuyện ứng dụng là một bước rất dài, xa vời vì vấn đề an toàn là vấn đề rất lớn thì các nhà khoa học này chưa đảm bảo được.
Việc dùng phương pháp virus để cấy gene mà các nhà khoa học Mỹ, Nhật làm cũng tương tự như vậy. Hiện họ chỉ thành công trong phòng thí nghiệm, để đưa vào lâm sàng, sẽ còn nghiên cứu lâu dài và theo tôi có khi thế hệ chúng tôi… chưa thấy. Nếu có sớm cũng vài chục năm nữa. Nếu cứ ngồi chờ, tin vào kết quả của vài chục năm tương lai thì nguồn tế bào ở đâu ra để điều trị?
Nếu quả thực TBG máu cuống rốn lạc hậu thì tại sao ở Mỹ (chính nơi thành công với nghiên cứu nói trên) họ không phát biểu trước. Họ vẫn lưu giữ, sử dụng và phát triển nhiều ngân hàng TBG lấy từ nhau thai, máu dây cuống rốn.
- Được biết, TBG cuống rốn mà ngân hàng lưu giữ có thời hạn 25 năm. Vậy nếu 30, 40 năm sau người cần lưu giữ mới cần tới TBG ấy thì làm sao?
Lưu giữ tế bào gốc từ rốn chữa trị được bệnh gì? |
Bà Huỳnh Thị Kim Lan (Phó Tổng giám đốc công ty Mekophar) cho biết: Việc hoạt động ngân hàng TBG sẽ theo luật quốc tế và Việt Nam. TBG cuống rốn sau quá trình lưu giữ có thể sử dụng chữa trị các bệnh về máu (ung thư máu), tổn thương viêm loét da, cơ, xương, khớp và thần kinh... Ở Việt Nam, hiện tại đã ứng dụng chữa các bệnh về máu và tổn thương da. Còn các bệnh khác vẫn đang nghiên cứu, chưa ứng dụng ở Việt Nam. |
- 25 năm là hợp đồng ký với khách hàng theo mô hình chung của thế giới. Nếu họ muốn giữ lâu hơn thì vẫn tiếp tục giữ được cũng TBG từ màng dây rốn ấy nhưng với một hợp đồng kế tiếp. Hoặc cũng có người họ chỉ yêu cầu giữ 5, 15 năm thôi. TBG cuống rốn có thể giữ với thời hạn… suốt đời nếu điều kiện bảo quản không có sự thay đổi lớn (ví dụ đảm bảo ổn định khí nitơ lỏng với nhiệt độ -1960C). Tuy nhiên dịch vụ này mới (có lần đầu tiên ở Mỹ và thời gian hơn 10 năm trở lại đây) nên chưa có ai giữ lâu hơn 25 năm.
- Chi phí 2.000 USD để bảo quản TBG màng dây rốn ở ngân hàng sẽ đóng như thế nào?
Đây là chi phí hoàn toàn cho việc bảo quản TBG màng dây rốn nói trên. Chúng tôi đề xuất theo mô hình Ấn Độ - chi phí thấp nhất trong việc bảo quản này.
Chi phí này sẽ được đóng làm nhiều lần. Ngay từ lúc ký hợp đồng, chuyển TBG dây cuống rốn từ phòng sinh vào ngân hàng, khách hàng đóng 50% số tiền này. Sau đó, mỗi năm sẽ đóng khoảng 50-70 USD cho đến lúc đủ số tiền 2.000 USD. Đây là cách mà chúng tôi làm theo các nước đang phát triển. Ngân hàng TBG sẽ có trách nhiệm lưu trữ đảm bảo cho TB không bị hư hỏng.
Khi bệnh nhân muốn sử dụng để đưa vào ứng dụng chữa trị bệnh thì sẽ đóng một khoản tiền khác chứ không nằm trong khoản phí này.
Ông Phan Toàn Thắng cùng cộng sự trong phòng nghiên cứu TBG ở Singapore. |
Chúng tôi đã đào tạo một số tại Singapore và tiếp tục đào tạo thêm. Giai đoạn đầu chưa cần gấp nhiều nên không bị động thiếu. Mỗi năm sẽ có kế hoạch đào tạo thêm tùy theo nguồn khách hàng.
Chúng tôi tập trung tuyển từ trường liên quan đến sinh y như ĐH Y, Dược, Nông nghiệp, khoa Sinh ĐH Khoa học tự nhiên. Để theo đuổi lĩnh vực mới này, nếu chỉ đặt yêu cầu về kỹ thuật viên làm việc trong một nhà máy công nghệ cao thì không khó khăn. Nhưng đào tạo để thành chuyên gia TBG, ngoài trình độ thì cần tính kỷ luật cao, cẩn thận, tinh ý, cần cù, khéo léo và cởi mở hợp tác vì công việc đòi hỏi chính xác tuyệt đối.
Những nhân lực chúng tôi chọn đào tạo, cộng tác nhằm tạo những chủ chốt từ đó họ sẽ tiếp tục đào tạo tiếp đội ngũ phía dưới để nhân nguồn nhân lực lên. Những người có trình độ cao hơn thì sẽ cộng tác phối hợp để cùng nghiên cứu sâu, tìm phương pháp điều trị mới dựa trên TBG dây rốn để điều trị những bệnh hiểm nghèo mà phương pháp điều trị thông thường chưa hiệu quả.
- Ở Việt Nam, ứng dụng từ TBG chưa nhiều, liệu có ngại tới tình huống có lưu giữ nhưng không ứng dụng được?
Chúng tôi sẽ làm từng bước, trước hết làm từ những việc đã thành công, đơn giản đã được chứng minh thành công như điều trị tổn thương về da, tổn thương những vết loét lâu liền do những bệnh nội khoa, như nội tiết, tiểu đường, tim mạch. Những vết loét này nếu điều trị thông thường thì chỉ có cách cắt cụt. Khi đã có sẵn ngân hàng TBG màng dây rốn thì chắc chắn hiệu quả sẽ tăng rất nhiều.
Hiện chúng tôi đang có đề tài phối hợp cùng Viện Bỏng Quốc gia (đề tài do Bộ KHCN cấp kinh phí) đang tiến hành làm trên động vật và khoảng giữa hoặc cuối năm nay sẽ tiến hành triển khai lâm sàng trên người. Từ đó sẽ từng bước đưa ra những sản phẩm, dịch vụ từ công nghệ TBG. Tôi vẫn khuyên các chuyên gia hợp tác với chúng tôi cứ bám chặt những nghiên cứu của thế giới, với nhóm khoa học gia ở Singapore và nhóm các nhà khoa học hàng đầu ở Mỹ và châu Âu mà chúng tôi quan hệ. Từ đó tìm cách chuyển những nghiên cứu đã ứng dụng thành công ở các quốc gia tiến bộ ấy vào Việt Nam thì hiệu quả cao và an toàn hơn.
- Xin cảm ơn ông!
-
Vinh GiangÝ kiến của Bạn: