- Hầu hết các DN vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường là do lỗi của các nhà quản lý. Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận.
Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường: Các DN vi phạm môi trường do lỗi của các nhà quản lý. (Ảnh: Ngọc Huyền) |
Thông tin trên được đưa ra thảo luận tại Hội nghị chuyên đề "Doanh nghiệp bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững" do Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Hội Nước sạch và môi trường VN tổ chức chiều 7/4 tại Hà Nội.
Theo Cục Bảo vệ môi trường, rất nhiều nhà máy xí nghiệp được xây dựng từ thời bao cấp với công nghệ, thiết bị lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu, phát sinh nhiều phế thải, khí thải và kém hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu vốn đầu tư, các chính sách khuyến khích, định hướng môi trường còn thiếu và chưa phủ kín...
Trong khi đó, nghề xử lý chất thải ở VN còn rất mới. Những DN tiên phong trong lĩnh vực này đã gặp phải rất nhiều thử thách, khó khăn và cho đến nay vẫn chưa có nhiều thuận lợi. Cản trở lớn nhất là nhận thức của lãnh đạo, người dân và DN.
Hơn nữa, cơ chế chính sách ban hành chậm hơn so với nhu cầu phát triển của đời sống xã hội. Các cơ chế chính sách chưa có vai trò định hướng và bắt buộc.
Ông Hoàng Văn Điều, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình chia sẻ, hiện nay tại các TP lớn, việc sử dụng các bao bì nhựa sau đó vứt bỏ bừa bãi là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ sinh thái và cảnh quan môi trường. TP.HCM có khoảng 2.000 cơ sở thu mua phế liệu với khối lượng 6.500 tấn/ngày trong đó túi nhựa chiếm khoảng 2 tấn. Do nguyên liệu nhựa chính phẩm ngày càng đắt đỏ, một số DN đã sử dụng rác thải y tế nhựa tái sinh hàng chục lần. Khoảng 20% người VN đã và đang phải sử dụng túi nhựa tái sinh từ nguồn rác thải này.
Trước vấn đề này, Cục trưởng Hà đã nhận lỗi: vấn đề này thuộc về các nhà quản lý. Pháp luật đã ban hành nhưng khâu tổ chức triển khai pháp luật chưa nghiêm, chưa có hiệu lực và các DN đã dễ dàng có hành vi vi phạm môi trường.
Bộ TN-MT đã trình CP nghị định về các cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động môi trường như: tái chế, tái sử dụng, các hoạt động liên quan đến đầu tư, phục hồi cải tạo lại các hệ sinh thái môi trường: nước thải, chất thải rắn.
Vẫn theo Cục Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ tháng 7/2008, Cục sẽ phối hợp với một số bộ, ngành tiến hành kiểm tra mức độ ô nhiễm sông Thị Vải. Theo kế hoạch, công tác kiểm tra sông Thị Vải sẽ diễn ra trong vòng một tháng, báo cáo đợt kiểm tra sẽ được hoàn thành trong tháng 8. Sau đó, ban kiểm tra sẽ đối chiếu sai phạm của các DN vi phạm Nghị quyết 41- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Từ đó, Cục sẽ có những biện pháp quản lý, xử lý xứng đáng.
-
Ngọc Huyền